Tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao mô tả tâm lý nhân vật đỉnh cao, tư tưởng chất chứa sâu sắc và phong cách văn chương hết sức hiện đại.

Tuy đã đọc đi đọc lại Sống mòn không dưới chục lần, lúc ngẫu hứng lại giở ra một đoạn bất kỳ, tôi vẫn cảm thấy bồi hồi khi viết về cuốn tiểu thuyết này. Sách thì khá ngắn, rất ngắn so với thể loại tiểu thuyết, mà cái hay cái đẹp lại quá nhiều. Chẳng phải riêng Sống mòn, phần lớn những tác phẩm của Nam Cao đều có chung đặc điểm như vậy.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Sống mòn là một tác phẩm mang đầy chất hiện thực và tự sự, đôi lúc cảm tưởng như đây là cuốn nhật ký cho một quãng đời của tác giả. Câu chuyện bắt đầu giản dị bằng một ngày mới ở trường của ông giáo Thứ – nhân vật chính tạo nên góc nhìn của toàn bộ tác phẩm. Rồi từng ngày trôi đi, với những sự việc thường ngày, cũng gọi là có cái để kể nhưng chẳng hề giật gân, hấp dẫn hay khốc liệt một chút nào! Mặc dù đặt trong bối cảnh lịch sử, chính trị đầy biến động của Hà Nội những năm tháng ác liệt….nhưng Sống mòn tuyệt nhiên không gợi ra không khí kháng chiến sục sôi, thậm chí ngay cả sự đàn áp “một cổ hai tròng” tuy có xuất hiện thoáng qua ở bối cảnh làng quê cũng chỉ là một trong các vấn đề phụ.

Trung tâm tác phẩm là cuộc đời nhạt phèo của anh nhà giáo trường tư

Thầy giáo Thứ, với năng lực, tính cách ở mức trung bình khá. Anh ta thấy gì, gặp gì, nghĩ gì trong ngày thì truyện kể y như vậy! Chàng nhà giáo này không có tiền đi du lịch nên không gian của toàn bộ tác phẩm nhỏ hẹp lắm, chỉ xoay quanh trường học, nhà trọ và nhà quê – nơi gia đình, vợ con anh sinh sống. Chàng ta cũng chẳng có tiền ăn ngon, ở rộng, do vậy các bữa cơm được mô tả sẻn so, phòng ốc thì bí bách chật chội, và rất hay khuyến mại thêm “những giấc mộng ăn chơi vặt” chả mấy khi thành hiện thực. Nhân vật phụ thì loanh quanh đồng nghiệp, hàng xóm, gia đình, cùng dăm bảy người sống cùng cái không gian nửa thành thị nửa nông thôn nhỏ hẹp ấy, theo kiểu anh giáo Thứ tiện thể nghĩ về ai thì viết ra người đó, chứ cũng chẳng hề úp mở, ẩn ý hay cài cắm tình tiết gì. Tất cả không gian và số lượng, chủng loại nhân vật đều tương đối ít ỏi, phù hợp với tính cách nội tâm, nhát và trầm của Thứ. Cả câu chuyện không người tốt, kẻ xấu, không nút thắt cao trào. Vậy mà cũng là truyện! Lại là thể loại truyện bậc nhất! Nếu tách khỏi giọng văn của Nam Cao thì không ai có thể kể lại Sống mòn mà không vướng vào sự đơn điệu, nhàm chán. Chỉ có ở Nam Cao, sự đơn điệu, nhàm chán mới trở thành vũ khí chạm đến tâm hồn người đọc âm ỉ và lâu dài đến thế!

Trích dẫn từ tiểu thuyết Sống Mòn _ Nam Cao (reviewsach.net)

Sống mòn, thống nhất với nhiều tác phẩm khác của Nam Cao như Đời thừa, Trăng sáng, thể hiện rõ rệt tư tưởng nghệ thuật vị nhân sinh – phục vụ đời sống. Ở đó, nghệ thuật không phải là “ánh trăng lừa dối”, tô vẽ mơ mộng, giật gân. Nghệ thuật cần phản ánh chính xác tâm tư và cuộc đời con người, mọi niềm vui, nỗi buồn đều sẽ ánh lên từ đó. Tư tưởng ấy, nói thì dễ nhưng làm lại quá khó.

Tâm lý con người luôn bị thu hút bởi những thứ kịch tích, càng mới lạ càng hấp dẫn. Từ xưa đến nay, chuyện yêu đương lãng mạn hoặc đấu đá vương quyền luôn là đề tài thu hút. Không dễ để nhà văn khai thác được các chủ đề mộc mạc mà không rơi vào sự tầm thường, vẫn lôi kéo được sự chú ý của khán giả. Đặc biệt, cốt truyện, hình thức diễn đạt càng đơn giản thì càng đòi hỏi nội hàm sâu sắc cùng bút pháp văn chương độc đáo.

Ngoài Nam Cao, ở văn học Nga có Sê-khốp, ở văn học Việt Nam hiện đại có Nguyễn Ngọc Tư (Cánh đồng bất tận), cũng có cái tài cắt mọi góc đời sống thành câu chuyện như vậy. Viết truyện ngắn không cần cốt truyện đã khó, tiểu thuyết lại khó khăn gấp bội! Vì vậy, Sống mòn của Nam Cao một mình chiếm lĩnh đỉnh cao riêng, không trộn lẫn về thể loại hay phong cách với bất cứ tác phẩm văn học Việt Nam nào, kể cả trước – sau cách mạng- cho đến ngày nay. Tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển và xứng đáng được độc giả tìm đọc.

Cái hay của các tác phẩm kinh điển, bao gồm Sống mòn, thường nằm ở chỗ: xưa mà không cũ, thật mà không tầm thường, súc tích mà nhiều tầng ý nghĩa. Xưa và thật, Sống mòn đích thị là tác phẩm của thời “ông bà anh”, tiểu thuyết mô tả chính xác xã hội miền Bắc những năm trước 1945, với những “thằng ở, con sen”, làng quê đói nghèo nheo nhóc ngày chỉ được một lần xới cơm, sự hung hăng của bọn đàn anh trong làng, sự giàu sang xa cách của cụ Hải Nam- ông chủ đồn điền về hưu- mà dân thường chỉ biết vừa ghét vừa thèm, đời sống “có tiếng mà không có miếng” của các thầy cô giáo,  những đợt ném bom và tản cư ở đoạn cuối truyện … Chừng đó đủ để Sống mòn có giá trị hiện thực nhất định và cuốn sách sẽ giống như một góc bảo tàng.

Sống Mòn - Nam Cao
Ảnh: dnamiin

Nhưng Nam Cao tài năng hơn thế …

Chất hiện thực mạnh, dũng cảm, khốc liệt nhất của Sống mòn nằm ở khả năng tái hiện thế giới nội tâm, chứ không chỉ là miêu tả bên ngoài. Nhân vật Thứ là một người đàn ông tương đối bình thường, thậm chí dễ nhạt nhòa trong xã hội, nhưng nhờ đó câu chuyện và suy nghĩ về cuộc đời của anh lại gần gũi và có sức lan tỏa mạnh.

Mưu sinh xa quê nhà, xa vợ con, những buổi chiều buồn trước khi chia tay vợ chồng Thứ “nhìn nhau như bao giờ chán nhìn nhau. Những con mắt rất ảo não, rất ngậm ngùi như thương lẫn cho nhau, nói cho nhau tất cả những nỗi buồn mênh mông của đời mình” chắc chắn vẫn là tiếng lòng của phần đông người lao động ngày nay.

Câu chuyện “có nàng dâu nào ở vừa được ý nhà chồng. Cứ như mắt y thấy nhiều lần thì vợ y là người tốt nhịn lắm rồi”.

Sự chênh lệch thời giá giữa nông thôn và thành thị dẫn đến những áy náy của người đàn ông làm việc vất vả, lâu lắm mới tự thưởng cho mình một bữa chiếu xi-nê muộn hay bát phở, mà vẫn quá xót xa khi quy ra tiền ăn ở quê cho cả gia đình.

Những thoáng nhớ vợ con rất chính thống và chốc lát ngoại tình tư tưởng. Sự dèm pha, tính toán giữa bạn bè, đồng nghiệp với nhau phải đấu tranh với mong muốn được vượt lên hướng tới những thứ thanh cao hơn.

“Tự nhiên y thấy không dễ kể cái trường học của y, những hằn học của y với Oanh ăn chèn của y mỗi tháng mấy chục đồng. Những cái ấy bị chìm, bị lấn vào một cái khác lớn lao hơn, rộng rãi hơn. Chúng chẳng qua là một ngọn sóng cỏn con, lẩn vào muôn nghìn đợt sóng khác của trùng dương. Có thấm tháp vào đâu? Phí sức mình vào những nỗi bực tức nhỏ nhen ấy làm gì? … Hãy dành sự uất hận cho những cơ hội lớn, những công việc lớn…”

Những dòng văn tài tình nhất của Nam Cao luôn thuộc về các đoạn miêu tả sự giằng xé nội tâm. Với Sống mòn và nhân vật Thứ, Nam Cao đã chân thực đến tàn nhẫn, bóc tách từng lớp lang sâu kín ở lòng người. Cũng như cuộc đời, đôi khi ở đó sự ích kỷ tầm thường chiến thắng, nhưng trong phần lớn trường hợp, nhân vật Thứ- với bản chất trung thực và khả năng tự kiểm điểm mình sâu sắc- vẫn hướng tới những điều trong lành, tốt đẹp. Phần lớn không khí trong Sống mòn là buồn và bất lực, vì đời sống thì quá bức bách, tàn nhẫn, nhưng chưa bao giờ Thứ cố tình vào hùa với thói đời lừa lọc, xảo trá để mong nhận được phần thưởng dễ dàng. Trách sao được sự vùng vẫy có giới hạn của con người trong một giai đoạn lịch sử quá ư biến động và tàn nhẫn. Vì vậy, tuy không phải là cách tích cực nhất, nhưng thái độ buồn và bất lực chính là biểu hiện của lương năng trong con người Thứ. Nhân vật Thứ, hay chính bản thân Nam Cao, luôn trăn trở làm cách nào để “xây dựng lại cái nhân loại ấy… một cái nhân loại đang sống một lối sống tối ư vô lý … đồng thời xếp đặt cho sự giao tiếp giữa người với người ổn thỏa hơn”… nhưng nào đâu biết rằng, nếu mỗi người trong xã hội đều trung thực, biết tự kiểm điểm và hoàn thiện mình như Thứ, thì đó chính là gốc rễ của mọi điều tốt đẹp.

Review sách Sống Mòn - Nam Cao - reviewsach.net
Ảnh: plummiaa

Nam Cao đã viết một cuốn tiểu thuyết về chuyện thời xưa, chuyện thường ngày nhưng những vấn đề, trăn trở vẫn còn nguyên giá trị đến tận hôm nay. Sử dụng cách xưng hô cùng nhiều từ ngữ đời thường của xã hội miền Bắc trước năm 1945, nhưng nhìn tổng thể thì giọng văn rất hiện đại, linh hoạt, không gây cảm giác giáo điều nhàm chán cho người đọc.

Truyện Nam Cao, mà đặc biệt là Sống mòn, có thể đọc đi đọc lại để ngẫm nghĩ cho chính cuộc đời mình. Với riêng tôi, Nam Cao là một nhà văn thiên tài, tầm cỡ thế giới. Ông hy sinh khi còn khá trẻ ở những ngày đầu cách mạng, quả là một sự đáng tiếc! Bởi vì với tâm hồn chân thật đến vậy và khả năng rút ra chất liệu văn học ngay từ cuộc sống thường ngày, tôi tin, dù trước hay sau cách mạng, dù công tác ở bất cứ vị trí gì hay ở đâu, Nam Cao luôn có vô số đề tài và những điều ý nghĩa để chia sẻ với cuộc đời.

Link mua sách:

Hiền Vũ