“Lại thằng nhóc Emil!” của cố nhà văn người Thụy Điển Astrid Lindgren là cuốn sách dành cho thiếu nhi, được phát hành tại Việt Nam vào cuối năm 2008 và nhiều lần được chuyển thể thành phim. Truyện viết dành cho lứa tuổi thiếu nhi nhưng người lớn cũng có thể thấy mình trong đó, về những tháng ngày vui đùa rong chơi cùng những người bạn.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Ngay tiêu đề, bạn đọc đã nghe được lời than phiền của ai đó khi thấy Emil hoặc những trò phá hoại mà biết chắc do cậu ta gây ra, cái nhan đề rất đỗi dễ thương, gần gũi & giản dị.

“Lúc nào nó cũng gây chuyện chẳng lành, cái thằng nhóc này. Mà nếu chính nó không gây ra chuyện đi nữa, thì cũng đã xảy ra quá đủ chuyện với Emil. Thật cháu chưa từng thấy thằng oắt nào như nó!” Đó là lời của cô Lina với thằng nhóc Emil nghịch như quỷ sứ ở làng Lonneberga.

Không đậm chất thôn quê, tình bạn tuổi ấu thơ như “Cho tôi một vé đi tuổi thơ”; cũng không có một thế giới huyền ảo được lồng ghép những yếu tố triết lý như “Chuyện con mèo dạy hải âu bay“. “Lại thằng nhóc Emil!” đơn giản chỉ trần thuật lại những tháng ngày nghịch ngợm của Emil rất đỗi đời thường. Lối kể chuyện trông có vẻ đơn giản nhưng lại vô cùng hấp dẫn khiến người đọc luôn không biết nhóc Emil sẽ làm những trò gì tiếp theo.

Ngoài ra xuyên suốt câu chuyện bạn đọc sẽ được tham quan một Châu Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng thế kỉ XVIII rất thực, đồng thời cũng đỗi mộng mơ qua những chi tiết về ẩm thực, con người, lễ hội hay thậm chí là xu thế di cư sang Châu Mĩ thời bấy giờ.

reviewsach.net lai thang nhoc emill
Ảnh: @nguyenanhmm

Thằng nhóc Emil ở trang trại Katthult

Bạn biết gì về Thụy Điển? Một quốc gia nằm ở Bắc Âu, nơi có khí hậu lạnh giá, đất rộng người thưa. Nghe có vẻ là quốc gia thanh bình, điều đó đúng khi không có thằng Emil. 

Thằng nhóc Emil ở trang trại Katthult, làng Lonneberga sống cùng bố Anton Svensson- chủ trang trại Katthult, mẹ Alma Svensson, em gái Ida và hai đầy tớ: chú Alfred và cô Lina.

Truyện không đề cập đến mốc thời gian nhưng chúng ta dễ dàng suy đoán bối cảnh trong truyện vào thế kỉ XVIII. Truyện kể về lúc Emil từ thuở lên năm. Thằng nhóc khỏe như một con bò mộng nhỏ, nghịch đủ thứ trò. Và mỗi lần phạm lỗi nó luôn phải đến xưởng mộc.

“Chỉ cần đủ để con suy nghĩ thấm thía về lỗi của mình và sẽ không tái phạm nữa” bố luôn nói như vậy. Còn Emil thì biết nghe lời hiếm khi lặp lại một trò nghịch ngơm đến lần thứ hai Vì vậy mỗi khi bị nhốt ở xưởng mộc, nó đều đẽo một hình nhân bằng gỗ. Mỗi hình nhân lại có hình dáng, tư thế khác nhau. Trong truyện người đọc không được kể hết những trò mà Emil gây ra, chỉ biết là nó đã tích lũy được tất cả 369 hình nhân.

Thằng bé Emil trong mắt dân làng chỉ là thằng nhỏ quậy như quỷ, nhưng một đứa trẻ căn bản là “luôn ngoan”, nó chỉ cố làm mọi người hài lòng, làm họ ngạc nhiên. Cậu quá ngây thơ nên không thể lường trước được những hậu quả mà mình gây ra, nhiều lúc nó òa khóc vì nghĩ mình vô tội.

Astrid Lindgren không đề cập những người bạn của Emil tại Lonneberga hay ít nhất những người hiếu kì giống cậu, vì thế Emil trở thành trung tâm của mọi rắc rối trong làng, gây cho dân làng bao phiền toái. Họ nhìn cậu với ánh mắt tức giận có phần sợ hãi, dường như họ chỉ muốn muốn tống Emil ra khỏi làng. 

Quả thật Astrid Lindgren đã vẽ ra một vòm trời cổ tích đầy sắc màu ở xứ Smaland với nhiều tình huống hài hước mang tính giải trí. Thế giới qua cái nhìn hồn nhiên của Emil khá mộng mơ và bay bổng. Chẳng mấy nhân vật có thể cấm túc cậu không được vui đùa, chạy nhảy. Trẻ em là những gì quan trọng nhất của chúng ta! Nếu chúng ta muốn tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta phải bắt đầu từ con em chúng ta!”

Những trò nghịch dại của Emil

Ít ra không phải ngày nào nó cũng gây chuyện nhưng hãy nhìn 369 con hình nhân cũng đủ hình dung Emil quậy thế nào. Thằng bé nghịch đủ thứ trò và luôn nghĩ ra những thứ mới toanh, bắt nguồn từ những sự việc rất đỗi đời thường, tự nhiên. Từ cái trò ngốc nghếch, dại dột, hay thèm khát phiêu lưu đi đây đó đến những thứ nguy hiểm đến tính mạng. Mỗi hành động Emil làm đều có chủ đích, nhưng cách thức thì khá điên rồ.

Theo dõi từng trang truyện độc giả không thể không bật cười về những hành động ngu ngốc, liều lĩnh đôi khi lại rất thông minh của Emil. Nhưng nếu những trò phá hoại chỉ đem lại yếu tố giải trí (giống như những tháng ngày rượt đuổi không hồi kết giữa con mèo Tom và chú chuột Jerry) thì chả có gì đáng nói. Đọc Emil độc giả còn thấy được sự trưởng thành qua từng giai đoạn của nhân vật.  Emil đã nhớ mua quà về cho em trong khi bố thì không; cậu còn dám hi sinh bảo vệ những người bạn của mình, bảo vệ những thứ mình có; đặc biệt khi cậu bé đã trung thực không dối lòng. Tất cả thử thách đến và cuối cùng, người hùng nhỏ tuổi xuất hiện từ đó.  

Bảo Emil chỉ nghịch dại thôi cũng không đúng, em đã làm được không ít việc tốt. Xuyên suốt tác phẩm, tác giả nhắc đi nhắc lại Emil sẽ trở thành chủ tịch hội đồng xã khiến người đọc như đồng cảm hơn cho những hành động tinh nghịch của cậu, rằng Emil không hề độc ác nó chỉ tinh nghịch thôi!

Những hành động của Emil cũng ảnh hưởng không nhỏ đến những người xung quanh. Không phải ai cũng ghét cậu, không phải ai cũng nhìn cậu với ánh mắt rực lửa. Có không ít nhân vật coi cậu như một người hùng xả thân vì nghĩa. 

Đọc “ Emil” độc giả dù ở lứa tuổi nào có thể nhìn thấy mình trong đó. Những em nhỏ sẽ thấy Emil giống một người bạn chí cốt rất ngầu bước qua từ thế giới cổ tích. Và người lớn lại bồi hồi nhớ về những ngày  tuổi thơ.

Sơ qua về tác giả 

Astrid Lindgren(1907-2002) là một nữ văn sĩ nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng trong giới văn học cho trẻ em và Thụy Điển 

Trong suốt cuộc đời 60 năm sáng tác, các truyện của bà về “Pippi Longstocking (Pippi cô gái tất dài)”, “Emil”, “Mardie”, “Karlsson trên mái nhà”, “Ronia con gái tên cướp”, “Anh em Sư Tử Tâm” và còn nhiều nữa đã ảnh hưởng và tiếp tục còn ảnh hưởng nhiều thế hệ trẻ em ở Thuỵ Điển và trẻ em trên toàn thế giới. Tác phẩm của bà đã được dịch ra gần 90 tiếng khác nhau trên thế giới. Nhiều nhân vật của bà được độc giả nhiều thế hệ trẻ trên thế giới ghi nhớ. 

Link mua sách: