Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa là tác phẩm của nhà văn Trung Hoa Đới Tư Kiệt. Bối cảnh của tác phẩm là cuộc Cách mạng Văn Hóa Trung Quốc, dưới sự khởi xướng của Chủ Tịch Mao Trạch Đông từ năm 1966. Tác phẩm được dẫn dắt qua điểm nhìn của nhân vật Tôi (Mã), khi cậu cùng người bạn thân Lạc được đưa đi cải tạo ở vùng núi Phụng Hoàng. Người đọc có thể cảm nhận được từ tác phẩm một bầu không khí ngột ngạt và tối tăm của nơi con người bị cầm tù về cả thể xác lẫn linh hồn. Giữa bầu không khí đó, sức mạnh mãnh liệt của niềm khát khao tri thức cùng những “điểm sáng” được tác giả điểm xuyến hiển hiện vô cùng rõ rệt.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Tri thức là ánh sáng không thể bị giết chết

Đọc qua tác phẩm Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa có lẽ không ai không bị ấn tượng bởi sức mạnh của ánh sáng tri thức được lột tả bên trong. Dù không được chạm vào sách vở, không được học hành, thậm chí bị phong bế trước thế giới bên ngoài, nhưng những con người trên ngọn núi hoang vu Phụng Hoàng, thô thiển có, hiền lành có, tối tăm có, sáng sủa có, bằng cách này hoặc cách khác, ai ai cũng khát khao với những điều chưa biết tới. Bằng chứng là, tài năng “ngoài lề, không mấy tương lai” như kể chuyện của Lạc, trở thành điều được cả làng hoan nghênh, cô thợ may hoang dại, chỉ biết bập bõm vài chữ lại mê mệt sách của Balzac, hai thanh niên chưa được gọi là tri thức trước cuộc sống cải tạo gian khổ, mù mịt vẫn đau đáu với những quyển tiểu thuyết nước ngoài,…Thậm chí ở đoạn kết của cuốn sách, ánh sáng tri thức đã đủ mạnh mẽ để khiến người ta đánh đổi bằng cả cuộc đời.

“”Cô ấy đi rồi.”

“Cô ấy muốn ra thành phố. Cô ấy nhắc tới Balzac.”

“Ông ta làm sao?”

“Cô ấy nói đã học được một điều từ Balzac: rằng vẻ đẹp của phụ nữ là kho tàng vô giá.””

 Chính sách mị dân tàn độc của chính quyền Cộng sản Trung Quốc 1966 hẳn đã để lại rất nhiều nỗi ám ảnh cho người dân, nhưng có lẽ chính là khi đẩy niềm khát khao tri thức đến bờ vực như thế, người ta mới nhận ra chúng không thể bị giết chết.

Cây violon lặng câm và một tình yêu không nói thành lời

Có lẽ ai cũng cảm nhận được, Cô bé thợ may Trung Hoa cùng Balzac chính là hai “điểm sáng”cho cả tác phẩm. Một nhà văn với những tác phẩm đầy tính khai sáng, một cô bé thợ may xinh xắn, trong trẻo, với tâm hồn không thể bị trói buộc, giữa một đám người chân lấm tay bùn, bị giam cầm trong tối tăm. Nhưng vẫn còn một “điểm sáng” nữa mà ít ai nhận ra, đó chính là chàng nhạc công violon với cây đàn lặng câm. Người ở đỉnh núi Phụng Hoàng lạ lẫm với thứ nhạc cụ của Mã, họ cũng chẳng mấy thích thú thưởng thức tiếng đàn của cậu, thế nên hầu như tiếng đàn của Mã ít khi được diễn tả trong câu chuyện.

Một nông dân cầm đèn dầu tiến tới để nhận dạng vật lạ. Trưởng làng giơ thẳng cây vĩ cầm, nhìn săm soi trong thùng đàn tối, như nhân viên quan thuế nhiễu sự tìm ma túy. “

 Người ta nói tiếng đàn là linh hồn của người nhạc công, một người nhạc công giống như Mã che dấu chính mình kín đáo dưới cuộc sống u tối mà cậu trải qua. Qua lời kể của Mã, ta tưởng như cậu là một con người e dè, luôn đứng bên cậu bạn tài năng, hào sảng Lạc mà lén lút ganh tỵ. Nhìn một cách khác đi, cái “e dè” của Mã biến thành sự suy tư, cái “lén lút ganh tỵ” biến thành một tình yêu đến sau không nói thành lời. Mã có nhiều suy tư hơn Lạc, điển hình như “ba phần ngàn”, như một chút cay cú khi biết Bốn Mắt được đón về, như quyết định chỉ lấy một vài cuốn sách trong va li của Bốn Mắt,… Dù trạc tuổi nhau, nhưng những điều đó đã khiến cho người khác có cảm giác như Mã trải qua nhiều chuyện trong đời hơn. Cũng như tình yêu của cậu dành cho Cô bé thợ may vậy, nó không như tình yêu vô tư của Lạc, mà đến từ những khoảnh khắc nhỏ nhặt, cậu từng chút từng chút phát hiện ra nó, rồi cuối cùng cũng chôn vùi trong chính những suy tư riêng mình. Bên Lạc, Mã dường như ít được chú ý hơn, nhưng cậu chưa khi nào rời bỏ người bạn của mình, thậm chí tận tình săn sóc Cô bé thợ may thay bạn, dù vẫn rất để ý cô bé và thừa biết giữa hai người đã có một ranh giới chẳng thể nào bước qua.

Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa

Nỗi đau khổ của cô lây sang tôi, và chẳng mấy chốc tôi cũng chảy nước mắt, dù tôi giấu. Tôi cảm thấy như cô đang mang đứa con của tôi, như thể tôi chứ không phải Lạc đã ân ái với cô dưới cây bạch quả hùng vĩ, và dưới vũng nước bí mật trong veo. Tôi rất cảm động; cô là bạn tâm giao và tôi sẵn sàng săn sóc cô suốt đời mình, ngay cả nếu cần phải chết như một kẻ độc thân. Hay chính tôi sẽ cưới cô, nếu luật cho phép – ngay cả đó là cuộc hôn nhân trong trắng – để cô có thể sinh đứa con của bạn tôi một cách hợp pháp.

Hình tượng của Mã sáng lên bởi nhân cách cao đẹp giữa những hoen ố của cuộc đời, hệt như tiếng đàn violin của cậu, không một người đoái hoài, thưởng thức, nhưng vẫn vang lên từng âm trong trẻo.

Cây vĩ cầm tấu lên khúc nhạc tang, cùng lúc đó ngọn gió giật tấn công cuộc phần thư, gieo rắc tro mới của Emma, hoà lẫn với những người cùng xứ sở đã thành than của nàng bay bổng lên không trung.

Một bụi tro bám lấy cây vĩ đang kéo trên những sợi dây sắt lấp lánh phản chiếu ánh lửa. Nhạc cụ của tôi, và tôi là người chơi đàn.”

Balzac và Cô bé thợ may Trung Hoa không thể phủ nhận là một tác phẩm mang màu sắc chính trị. Khi nhìn bằng cái nhìn bao quát, tác phẩm đã tái hiện chân thực một thời đại, một cột mốc lịch sử quan trọng của Trung Hoa. Nhưng nhìn bằng cái nhìn chi tiết hơn, người đọc chắc hẳn còn cảm nhận được nhiều điều hơn thế. Đó là cái tài tình của tác giả, cũng có thể nói nó là cái đặc sắc của một tác phẩm văn học so với các lĩnh vực khác.