Yêu Dấu không chỉ đơn giản là một quyển tiểu thuyết để cho độc giả giải trí, mà nó là câu chuyện kinh điển rúng động diễn tả vấn đề xã hội nhức nhối thời bấy giờ, chế độ nô lệ tàn bạo, một cách ám ảnh nhất, dữ dội nhất, và đáng sợ nhất. Chắc hẳn các bạn đọc phải cảm động và rùng mình với từng chi tiết nhỏ mà các nhân vật phải trải qua trong quyển sách này. Yêu Dấu là tác phẩm của nữ nhà văn Toni Morrison – người Mỹ lai Phi đầu tiên vinh dự đạt được giải Nobel Văn Học.

Số Phận Dân Da Màu

“ Sáu Mươi Triệu và còn nữa” là cụm từ đầu tiên của quyển sách li kì này. Đó là hơn sáu mươi triệu sinh mạng phải làm nô lệ không công. Và một trong số đó chính là nữ chính Sethe. Cô từ thuở mười ba đã là nô lệ cho Mái Ấm. Cô làm việc cùng những người da màu khác: Baby Suggs, mẹ chồng cô, Halle, chồng cô, Paul. D, Paul A., Paul. F và Sixo. Mái Ấm chỉ là mái ấm đúng nghĩa khi ông bà chủ là Garner và bà Lilian nhân từ và bác ái. Sau khi ông mất, một ông thầy giáo ác nghiệt đến thay thế và mọi khổ nạn đến từ đó. 

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Xiềng xích

Sethe và ba đứa con Howard, Buglar, và Denver của cô đã rời khỏi Mái Ấm được mười tám năm. Di chuyển, cuốc bộ, chạy, trốn, và lại đi tiếp. Chưa bao giờ dễ dàng. Tự do ư? Không. Cô vẫn bị giam cầm bởi những kí ức quá đỗi nặng nề. Cô nhớ mẹ, người mẹ mà cô chưa từng được gần gũi và chăm sóc, mẹ bị treo cổ trước mắt cô. Cô nhớ ngày mà cô chạy trốn, đi bộ với đôi chân sưng vù đến mức không nhìn thấy mắt cá chân, sữa chua dính trên áo cô, vết thương rỉ máu đau nhói và cô sinh con trên một chiếc ghe với sự trở giúp của cô gái Amy Denver. Cô thấy những người da đen như chính cô, đờ đẫn và đói khát, giành ăn với cú, trộm đồ ăn của heo và thậm chí ngủ trên cây. Cô nhớ đến đêm trước khi bỏ chạy, lúc cô bị đánh đập dã man, bị cướp sữa, sữa đáng lẽ phải dành cho con cô. Cành anh đào dại nở rộ trên lưng, là vết tích mà đêm đó để lại. Họ đánh cô bằng sắt rèn. Cô nghĩ đến viễn cảnh những người bỏ trốn bị bắt lại và cho ngậm hàm sắt. Cô nhớ đến đứa con đã mất của mình, Yêu Dấu. 

yeu dau- tony morrison by reviewsach.net

Yêu Dấu

Yêu Dấu là một hồn ma ám ảnh nhưng đáng thương, là cô con gái nhỏ của Sethe. Đứa bé đã-biết-bò nhưng vẫn chưa có tên. Đứa bé chưa đến hai tuổi đã bị chính Sethe kề cưa giết chết nó. Xưa nay nước ta có câu tục ngữ “hổ mẹ không ăn thịt hổ con”, dù người mẹ đói hay hằn học đến mức nào cũng sẽ không làm đau con mình. Sethe không nỡ làm hại con cô, nhưng cô cũng không muốn nó trở thành nô lệ. Cô không muốn Yêu Dấu của cô chịu đựng những gì cô đã từng, sự sợ hãi của cô đạt đến đỉnh điểm khi cô dứt ruột tự giết đứa bé. “ Con Yêu Dấu Của Mẹ” là dòng chữ cô dự tính sẽ khắc lên bia mộ, nhưng cô chỉ đủ thời gian cho sáu chữ cái, Yêu Dấu (Beloved). Yêu Dấu sau này vẫn luôn đi theo Sethe tới 124, nhà của cô. Nó quậy phá căn nhà và đuổi nhiều người đi, bao gồm hai anh nó. Yêu Dấu thậm chí còn hiện đến với hình thể con người và ở chung với Sethe một thời gian, nó đặt ra các câu hỏi làm Sethe ngạc nhiên vì chẳng ai biết các điều đó cả, nó vẫn băn khoăn về cái lí do Sethe không để nó sống, và nó ở đó và nghe Sethe kể các câu chuyện về nó. Yêu Dấu đến cuối đã “nổ tung”, nó vẫn không hiểu hết và vẫn trách Sethe, nhưng nó mãi mãi là đứa con gái yêu dấu của Sethe.

Khao Khát Mãnh Liệt

Những mẩu chuyện xoay quanh cuộc đời Sethe thật bi thảm. Vậy điều gì là động lực cho cô nói riêng và những người nô lệ khác nói chung tiếp tục hành trình đầy khó khăn này? Họ chỉ trông mong vào sự tự do, sự tự do thật sự. Tự do trong tư tưởng của chính họ, và tự do khỏi định kiến xã hội lúc bấy giờ. Họ khao khát cái tự do sống đó một cách rất mãnh liệt, đủ để vượt qua bao cái hình phạt cực đoan nhất, và luôn vươn lên với sự kiên cường và tình yêu cảm thông. 

toni morrison - tac gia sach yeu dau - reviewsach.net
Toni Morrison: Tác giả tiểu thuyết Yêu dấu

Sethe và những người nô lệ giống cô, thậm chí thấy một con gà trống sướng hơn họ, bởi lẽ nó có cái ung dung tự tại, mạnh mẽ hơn, bạo tợn hơn họ.

“ Con Ông (tên con gà) được phép là nó và tiếp tục là nó. Còn anh thì không được phép là anh, không được tiếp tục là anh…không làm sao anh là anh được nữa, dù còn sống hay đã chết.” 

Những người nô lệ không được coi là một sinh mạng, họ là đồ vật vô tri vô giác được bán chuyền từ tay người này sang người khác. Họ giống như bị tê liệt đi cảm giác đau đớn, cả thể xác lẫn tâm hồn, vì quá quen thuộc với nó và quên mất giá trị của bản thân mình. Ở cuối quyển sách, Paul D nhắc nhở Sethe, và giống nhắc nhở các bạn đọc rằng: “Em. Em là thứ tốt đẹp nhất của em. Em đấy! ” 

Toni Morrison viết nên câu chuyện này, đan xen hiện tại và quá khứ, bởi các câu văn rời rạc và có chút rối rắm. Câu chuyện vừa thực vừa siêu linh này được tuôn ra như những dòng suy nghĩ của Sethe, với tâm trạng rã rời và chìm đắm trong rối rắm. Lối viết này là nét độc đáo riêng của Yêu Dấu, làm các bạn đọc phải căng não suy nghĩ và sắp xếp các câu chuyện theo dòng thời gian, và bị cuốn vào chính câu chuyện kì bí ấy. Toni Morrison, với Yêu Dấu, làm độc giả trân trọng sự to do, vốn là thứ ai cũng có, và trân trọng bản thân mình hơn.