Đối với nền văn học Tây Ban Nha, Don Quyxote là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất thời kì Phục hưng và được đánh giá là tiểu thuyết đầu tiên của châu Âu, cấu thành nên bộ máy văn học phương Tây. Qua tác phẩm, tác giả Cervantes muốn chế giễu những tàn dư của lý tưởng hiệp sĩ phiêu lưu thời phong kiến, đả kích một thị hiếu tầm thường đang phổ biến trong công chúng, khát khao hướng đến một xã hội công bằng và nhân đạo.

Đối với nền văn học nhân loại: Don Quyxote đã đưa tên tuổi Cervantes đến với công chúng, trở thành một tác giả vĩ đại, một “người khổng lồ” có những đóng góp quan trọng đối với quá trình hiện đại hóa văn học thế giới. Tác phẩm Don Quyxote được người đọc đa quốc gia, đa thời đại ưa chuộng. Sau gần 4 thế kỉ, độc giả mọi thế hệ dường như vẫn thấy bóng dáng chàng hiệp sĩ Don Quyxote cưỡi con ngựa còm, rong ruổi khắp mọi nẻo đường.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Don Quyxote - Reviewsach.net

“Đứa con” ra đời trong lòng của sự khủng hoảng và hoài nghi

Cuốn tiểu thuyết có tên đầy đủ là “Don Quyxote – Nhà quý tộc tài ba xứ Mancha”, gồm 2 phần (phần một 52 chương, phần hai 74 chương), với gần 700 nhân vật, xoay quanh ba chuyến đi làm hiệp sĩ giang hồ của nhân vật trung tâm Don Quyxote.

 

Tác phẩm này được ấp ủ và thai nghén bởi chính cuộc đời của cha đẻ nó. Miguel de Cervantes (1547 – 1616) sinh ra trong một gia đình đông con tại vùng Alcala de Henares, Tây Ban Nha. Ông trải qua tuổi thơ khổ cực, cùng gia đình di chuyển qua nhiều thành phố để kiếm sống. Cervantes trưởng thành trong giai đoạn Tây Ban Nha là cường quốc số một châu Âu. Tuy nhiên đó cũng là thời kì sự phân hóa giàu nghèo trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết khi tất cả tiền của đều rơi vào tay tầng lớp quý tộc phong kiến. Đồng thời với đó là mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo đã kéo Tây Ban Nha nhanh chóng bước vào giai đoạn suy thoái, rơi vào khủng hoảng. Cervantes đã trực tiếp chứng kiến toàn bộ những bước đi, thay đổi chóng vánh này cùng với việc tham gia nhiều trận đánh lớn, đến việc bị bắt làm tù binh, lưu lạc và được tiếp xúc với văn hóa Hồi giáo. Tất cả những trải nghiệm đó đã trở thành một pho tư liệu sống, hình thành nên hệ tư tưởng lớn mà ông đã truyền tải vào tác phẩm Don Quyxote sau này.

Phần một của cuốn tiểu thuyết chính thức hoàn thành vào năm 1605, tạo nên tiếng vang khắp Tây Ban Nha và Châu Âu lúc bấy giờ. Nhưng ít ai biết rằng, “đứa con khổng lồ” này lại được ra đời bên trong bốn bức tường tăm tối của ngục tù. Năm 1597, Cervantes phải ngồi tù vì nơi ông gửi số tiền thuế để nộp về Madrid là ngân hàng Sevillian bị phá sản. Phải chăng chính bối cảnh ngặt nghèo ấy là chất xúc tác tạo nên giá trị tác phẩm nghệ thuật của ông? Đến năm 1615, phần hai của cuốn tiểu thuyết được xuất bản. Dù Don Quyxote gây chấn động khắp các diễn đàn văn học đương thời, được tái bản và phát hành tới hàng triệu cuốn nhưng cuộc sống của Cervantes vẫn không khá khẩm lên được, vẫn là một cuộc sống cơ hàn, khổ cực. Và không ít người đã nói một cách tế nhị về giai thoại cuộc đời ông rằng: “Nếu sự nghèo túng buộc ông ta phải viết sách thì cầu Chúa cho ông ta không bao giờ sung túc để những tác phẩm của một người nghèo khổ như ông làm giàu cho thiên hạ” (Don Quyxote – nhà quý tộc tài ba xứ Mancha, Trương Đắc Vỵ dịch, NXB Văn học, H,1997).

Từ tất cả những thay đổi, biến chuyển đối lập mà Cervantes từng chứng kiến và trải qua đã dệt thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư duy nghệ thuật và quan điểm thẩm mĩ của ông. Đó chính là sự xung đột: xung đột về thể chế, chính trị; về văn hóa, xã hội, về tôn giáo, tín ngưỡng; về bản thể con người và về chính văn học. Mà tất cả được thể hiện qua lối kết hợp tương phản một cách kì quặc giữa cái thực với cái huyễn hoặc, biếm họa bởi bút pháp nghịch dị vô cùng đặc sắc của nhà văn. Có lẽ vì thế mà tác phẩm Don Quyxote đã sử dụng cách thức “nhại” lại thể loại tiểu thuyết hiệp sĩ – thể loại văn học tao nhã thời trung đại, để chế giễu, đả kích và kết liễu chính nó.

Don Quyxote-Review sach

Tiểu thuyết hiệp sĩ là đề tài của tiểu thuyết hiệp sĩ

Don Quyxote là câu chuyện đi theo bước chân của Alonso Quyxano – một nhà quý tộc nghèo “mặt mũi xương xẩu”, “cao lêu nghêu”, “gầy sắt seo” khoảng 50 tuổi tại Tây Ban Nha. Ông ta say mê những cuốn truyện hiệp sĩ đến phát rồ và đầu óc khi nào cũng tràn ngập ý tưởng về thách đấu, thương vong, tình tứ, những người khổng lồ, những lâu đài, những thiếu nữ bị bắt cóc và hành trình giải cứu người đẹp. Mọi sự tầm thường, phù du trong cuộc sống nhưng qua lăng kính của một kẻ “điên” vì những trang tiểu thuyết hiệp sĩ thì đều trở nên to lớn và vĩ đại. Don Quyxote quyết định tự trang bị cho mình những vũ khí gỉ sét còn sót lại của tổ tiên để lên đường hành hiệp, cứu khốn, phò nguy vì danh dự của bản thân và trách nhiệm đối với quần chúng. Ông ta chu du khắp nơi, tự thử thách mình bằng các hiểm nguy “tự tạo” như trong các truyện kiếm hiệp. Hành trình của chàng hiệp sĩ “tuổi xấp xỉ ngũ tuần” gồm ba lần lên đường với các câu chuyện thiết lập trật tự công lý đầy chất điên rồ. Cuối cùng nhân vật cậu tú Sanson Carrasco muốn cứu Don Quyxote bèn cải trang thành hiệp sĩ Vầng trăng bạc để thách đấu với điều kiện ai thua sẽ không được phép làm hiệp sĩ nữa. Kết quả Don Quyxote thua, phải trở về nhà và ít lâu sau thì qua đời. (Nguồn: Wikipedia)

Don Quyxote cũng giống như các cuốn tiểu thuyết hiệp sĩ khác – thể loại văn học tao nhã, xuất hiện từ thời Trung cổ (thế kỉ XII) tại Pháp và sau đó lan rộng ra cả châu Âu, thịnh hành và được ưa chuộng suốt gần 4 thế kỉ, đó là đều xây dựng hình tượng nhân vật trung tâm là người hiệp sĩ với hành trình chiến đấu bảo vệ công lý vì chính nghĩa và danh dự. Tuy nhiên, sâu xa hơn, đề tài của tiểu thuyết Don Quyxote vô cùng độc đáo, không chỉ viết về người hiệp sĩ mà cốt lõi ở đây đó chính là sử dụng “tiểu thuyết hiệp sĩ” làm đề tài của tiểu thuyết Don Quyxote. Bên trong cuốn tiểu thuyết Don Quyxote – nhà quí tộc tài ba xứ Mancha của Cervantes là tiểu thuyết Truyện Don Quyxote xứ Mancha của hiền sĩ Hamete Benengeli. Do đó người ta gọi cuốn tiểu thuyết này của Cervantes là “nhại” tiểu thuyết hiệp sĩ nhưng với mục đích là mượn chính tiểu thuyết hiệp sĩ để chế giễu nó.

Trong khi tiểu thuyết hiệp sĩ chỉ có một người kể chuyện nên chỉ có một điểm nhìn duy nhất thì cấu trúc người kể chuyện trong Don Quyxote là cấu trúc người kể chuyện đa tầng: có 3 lớp người kể chuyện trong Don Quyxote.

  • Người kể chuyện thứ nhất xưng “tôi”
  • Người kể chuyện thứ hai là hiền sĩ Hamete Benengeli
  • Lớp người kể chuyện thứ ba: các nhân vật tự kể câu chuyện của mình.

Cervantes đã tích cực đổi mới người kể chuyện và tăng thêm các điểm nhìn cho câu chuyện. Các điểm nhìn này được xác lập, tổ chức thành hệ thống, chuyển dịch và xen kẽ nhau (từ người kể chuyện này sang người kể chuyện khác ) làm cho các sự kiện được kể từ nhiều bình diện, nhiều góc độ, trở nên chân thực, đa dạng và sinh động hơn. Lấy ví dụ như mở đầu của câu chuyện là lời của người kể chuyện thứ nhất xưng “tôi”. Người kể chuyên xưng “tôi” này kể về nhà quý tộc Don Quyxote vì ham mê đến cuồng dại sách kiếm hiệp nên đã bỏ nhà ra đi làm hiệp sĩ giang hồ. Sau khi kể đến đoạn Don Quyxote đánh nhau với kỵ sĩ tỉnh Biscay thì câu chuyện dừng lại vì không tìm thấy tài liệu gì khác ngoài sự việc đã kể. Khi người kể chuyện xưng “tôi” tìm được cuốn sách viết tiếp câu chuyện tiếp theo về chàng hiệp sĩ Don Quyxote của sử gia người Ả Rập Hemete Benengeli thì bắt đầu từ đây, câu chuyện về chàng hiệp sĩ Don Quyxote được kể với lời kể của hiền sĩ Hamete Benengeli. Ngoài ra còn có các nhân vật phụ lồng ghép với câu chuyện của nhân vật chính và các nhân vật này tự kể câu chuyện của mình như Dorothea, Cardenio, Lucinda, Don Fernando,… 

Bởi vậy, Don Quyxote dẫu có được “sinh” ra dưới “hình hài” của tiểu thuyết hiệp sĩ, song dưới lớp vỏ bề ngoài ấy là một thế giới mới về cả nội dung và nghệ thuật. Cũng chính những cách tân độc đáo đó là công cụ truyền tải những tư tưởng nhân văn tiến bộ của Cervantes.

review Don Quyxote -by Reviewsach.net

Điên hay tỉnh?

Nếu ở thể loại tiểu thuyết hiệp sĩ, nhân vật chính được xây dựng với tầm vóc lớn lao, ngoại hình tuấn tú phong độ, mang cảm hứng trang nghiêm, uy dũng, cao thượng thì ở Don Quyxote, nhân vật cùng tên được xây dựng với diện mạo hoàn toàn trái ngược. Đó là một vẻ ngoài tầm thường cùng tính cách quái dị, đầu óc mê muội với những biểu hiện hoang đường. Tuy nhiên, đằng sau thế giới quan “điên rồ” đó chúng ta mới thấy được trọn vẹn những khía cạnh của thực tại, trút bỏ được sự giả dối, ích kỉ, bất công mà những kẻ “tỉnh” đang tự hóa trang dưới vỏ bọc của chế độ phong kiến, lễ giáo đương thời.

Và nếu như mục đích chiến đấu của hiệp sĩ trong tiểu thuyết hiệp sĩ là lập chiến công vì quê hương, vì tôn giáo và vì người tình thì Don Quyxote là vì “trả thù cho những người bị xúc phạm, bênh vực kẻ hèn yếu, uốn nắn những điều sai trái, phi lý, đả phá mọi lạm dụng, bất công”, vì cả những “linh hồn có tội” nếu linh hồn đó biết hối cải”. Đó không chỉ là vì chính nghĩa, vì lí tưởng công bằng và tự do cho mọi người, mà còn là khát vọng chống phá, cải tạo cái hiện thực xã hội thối nát. So với mục đích chiến đấu của các hiệp sĩ thời Trung cổ thì lí tưởng của “kẻ điên” Don Quyxote ở một tầm nhân văn sâu sắc hơn.

Link mua sách:

Dịch giả Trương Đắc Vỵ có nói: “Có hai cách đọc tiểu thuyết Don Quyxote – nhà quý tộc tài ba xứ Mancha: “Một là đọc trên những dòng chữ và ta sẽ thấy toàn bộ pho sách là mũi nhọn tấn công vào tiểu thuyết kiếm hiệp; hai là đọc giữa những dòng chữ để tìm hiểu ý tứ sâu xa của tác giả và tác phẩm”. Và ông cũng khẳng định: “Don Quyxote là một người chân chính”, “trong những hành động có vẻ điên rồ của Don Quyxote, vẫn thấy toát lên tình yêu thương nhân loại”. Khả năng cách tân nghệ thuật xây dựng nhân vật của Cervantes là ở chỗ này. Nhân vật Don Quyxote được xây dựng theo bút pháp lưỡng diện mà biểu hiện ở sự đối lập giữa nhận thức và hành động. Đó là sự đối lập giữa hai tính cách: điên và tỉnh, là sự tương phản đau đớn giữa thực tế phũ phàng và lý tưởng cao đẹp mà Don Quyxote khát khao và chiến đấu cho nó, là cuộc đấu tranh muôn thuở giữa thế giới thực tại đen đúa và bất công với thế giới tương lai mà con người ước vọng vươn tới. Nhưng chính sự đối lập giữa nhận thức và hành động của Don Quyxote đã cho thấy một bi kịch: chàng hiểu được bản chất xã hội nhưng đã không thể chiến thắng trong cuộc đấu tranh thiết lập lại trật tự lí tưởng. Lý tưởng và nhận thức của một kẻ bị coi là “điên rồ” trong xã hội đương thời lại nhân văn và vượt thời đại hơn bất kì một kẻ “tỉnh táo” nào lúc bấy giờ.

Thông qua kẻ “điên” Don Quyxote, tác giả đã cho thấy một giá trị khác biệt trong mối tương quan với thể loại tiểu thuyết hiệp sĩ – khi đó chỉ là những câu chyện hoang đường, không đem lại được những giá trị hiện thực. Thì ở đây, Cervantes đã chỉ ra cho độc giả thấy giá trị hiện thực sâu cay của xã hội Tây Ban Nha đương thời mà khái quát rộng ra là xã hội mọi thời đại sau này: Đó là sự trái khoáy giữa ước mơ và thực tiễn. Mà điều này được truyền tải qua hình tượng nhân vật Don Quyxote, đặc điểm không một nhân vật hiệp sĩ nào có được. Và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử văn học, một nhân vật đã có khả năng tự nhận thức về bản thân mình. Từ đó, Don Quyxote là sự chôn vùi thể loại tiểu thuyết hiệp sĩ hoang đường, phi giá trị để rồi khai sinh là thể loại tiểu thuyết cận đại, một bước phát triển lớn của văn học nhân loại. Vậy ai có thể nói: “Don Quyxote là kẻ điên” đây?

Đòn kết liễu số phận của tiểu thuyết hiệp sĩ

Nếu như với tiểu thuyết hiệp sĩ, phần kết là chiến thắng của các hiệp sĩ, họ trở về trong sự vinh quang, tán thưởng với chiến công lẫy lừng, thì với tiểu thuyết Don Quyxote, phần kết là sự thua cuộc của người hiệp sĩ, lão ta bị đánh ngã, phải trở về nhà, không lâu sau thì qua đời. Cái chết của Don Quyxote cũng chính là cái chết của thể loại tiểu thuyết hiệp sĩ, là lời khước từ các tư tưởng chính thống của giáo hội và các nhà nước phong kiến – thực trạng kéo dài đến gần mười thế kỉ, kéo con người và cái “tôi” cá nhân xuống hàng thứ yếu, chìm trong “Đêm trường Trung cổ”.

Don Quyxote - van hoc tay ban nha Reviewsach.net

Bên cạnh đó, cái chết của chàng hiệp sĩ Don Quyxote cũng chính là việc ước mơ, lý tưởng về một xã hội tốt đẹp không được thực hiện. Xã hội vẫn như vậy, vẫn tồn tại theo trục xoay vần của nó. Thế nhưng lý tưởng nhân văn ấy vẫn sống và toả sáng mãi trên trái đất nơi luôn tồn tại những bất công ngang trái. Đó cũng là tinh thần nhân văn Phục hưng mà Cervantes gửi gắm qua Don Quyxote.

Cervantes có nói trong lời tựa cuốn tiểu thuyết rằng, ông muốn tác phẩm này từ đầu đến cuối phải là “một lời thóa mạ dài” đối với tiểu thuyết hiệp sĩ. Chính từ mục đích đó, độc giả có thể thấy ở cuốn tiểu thuyết này một giọng điệu vừa cười cợt vừa nghiêm túc. Cái tài của Cervantes ở đây là ông đã dùng tiếng cười như một vũ khí sắc nhọn, làm thức tỉnh không chỉ về tư tưởng mà còn về trí tuệ. Nhà văn đã đưa vào nhiều quan niệm mới mẻ về xã hội, tôn giáo, tình yêu, hôn nhân, gia đình,… nhằm phổ biến và biểu dương những tư tưởng nhân văn tiên tiến.

Tiểu thuyết hiệp sĩ đi theo chủ nghĩa lãng mạn xa rời thực tế, chi phối lên toàn bộ thế giới nghệ thuật của tác phẩm là tư tưởng chính thống của giáo hội và các nhà nước phong kiến, tách rời các truyền thống văn hóa dân gian. Trong khi đó, Don Quyxote là sản phẩm tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực phê phán, ra đời giữa lòng đời sống nhân dân và lại quay trở lại phục vụ đời sống nhân dân. Don Quyxote ra đời là đòn kết liễu số phận, đặt dấu chấm hết cho thể loại tiểu thuyết hiệp sĩ đồng thời khai sinh ra thể loại tiểu thuyết cận đại.

Không quá khi nói rằng, Cervantes đã làm nên tên tuổi của Don Quyxote và cũng chính Don Quyxote đã làm nên tên tuổi cho Cervantes – bậc thầy tiểu thuyết của nền văn học nhân loại. Dành thời gian vào cuốn sách và độc giả sẽ nhận lại được cấp số bội – một sự đầu tư khôn ngoan cho việc làm giàu trí tuệ và cảm xúc.