Được chuyển thể từ bộ phim cùng tên, được tác giả giành giải thưởng xuất sắc của giải thưởng Sneaker lần thứ tư, Iwasa Mamoru chắp bút, Khi muốn khóc, tôi đeo mặt nạ mèo là tác phẩm đẹp tựa câu chuyện cổ tích buổi hiện đại sau vô vàn những khuất khúc tuổi trẻ giữa các mối quan hệ đời thường mà đầy phức tạp. Ở cách tác giả Iwasa Mamoru tạo dựng lên những tình tiết mang đậm màu sắc huyền thoại kì ảo và ở cách, các cá nhân, sau rất nhiều thương tổn, trốn chạy, có thể mở lòng để đón nhận yêu thương.
Là người
Có thể nói, Khi muốn khóc, tôi đeo mặt nạ mèo là một cuốn tiểu thuyết có cấu trúc khá đặc biệt. Đặc biệt ngay từ cách tác giả đặt tiêu đề cho từng chương truyện. Bởi bên cạnh mỗi chương được mở đầu bằng cụm từ, cũng là biệt danh của nhân vật chính Sasaki Miyo – “kẻ kì quái vô cực” là những “Giai đoạn… hay, Lim dim dưới nắng đằng sau ống khói” vừa như một phần nội dung truyện riêng biệt song song cùng cốt truyện chính, vừa đóng vai trò như một tấm bản lề mở ra phần truyện về “tôi”, về cô bé Sasaki Miyo, một cô bé học lớp 8 sở hữu chiếc mặt nạ mang đến khả năng biến Miyo thành mèo, và về thế giới con người của cô.
Một thế giới đầy những phức tạp, tổn thương tới từ những mối quan hệ ngỡ chừng nhỏ hẹp và vô cùng thân thuộc mà cô học sinh lớp 8 đã chẳng thể sẻ chia cùng ai. Cô chỉ biết giấu kín hết nội tâm đằng sau nguồn năng lượng tưởng chừng bất tận trong khoảng thời gian ở trên trường. Nguồn năng lượng như quyện hòa giữa sự vui tươi, năng động, hồ hởi cùng tình cảm yêu thương chẳng hề giấu giếm, cũng chẳng chú ý tới sự phán xét lẫn bao ánh nhìn của bạn bè xung quanh, Miyo dành cho cậu bạn cùng lớp Hinode, kể cả khi cô phải mang cái danh Muge – “kẻ kì quái vô cực”. Ngỡ rằng, chẳng có gì Miyo không biểu lộ trước mọi người. Nhưng khi về nhà, cô bé ấy lại thu phần Muge về sau cá tính Miyo, chỉ biết giấu kín hết nội tâm đằng sau nụ cười, sự lễ độ đến như xa cách để duy trì cho “trò chơi gia đình” hiện hữu dưới căn nhà cô đang sống, có thể diễn ra một cách bình thường.
Tuy nhiên bất kể là Muge nhiệt huyết với tình cảm cá nhân hay Miyo trầm lắng, thận trọng trong nơi cô gọi tiếng “nhà”, thì tất cả, vẫn chỉ là một khía cạnh cô bé Sasaki Miyo thể hiện trước mắt những người xung quanh. Vì đến người cô bé thầm thương hay bạn thân của Miyo, cũng đâu biết về một Miyo đã trầm lặng thế nào trong gia đình từng có người mẹ bỏ rơi cô và một thời gian sau, người cha đưa về cho Miyo một người phụ nữ khác. Sự trầm lặng, ẩn sau sự bình yên đến như giả tạo. Và những người thân sống cùng Miyo lại càng không biết về thế giới “bên ngoài” Miyo đã sống ra sao lẫn ẩn sâu “bên trong” sự cư xử đúng mực, Miyo đã suy nghĩ gì.
Không cần đến chiếc mặt nạ mèo, bản thân Miyo – con người, trong hai không gian khác nhau, có hai định danh khác nhau, đã sống với những chiếc mặt nạ khác nhau. Và không chỉ có Miyo, những cá nhân khác xung quanh cô bé cũng đang vật mình sống trong cuộc sống đời thực với những chiếc mặt nạ che giấu cảm xúc, tâm trạng, tính cách, tình cảm, sở thích, ước mơ cả đớn đau, tổn thương lẫn yêu thương… Họ, chỉ có thể thể hiện một phần con người thật nhất của bản thân, trước những sinh vật khác, trước những chú mèo, mà chẳng phải những cá nhân xung quanh.
Con người, trên trang sách Khi muốn khóc, tôi đeo mặt nạ mèo, hiện lên với hết thảy những mâu thuẫn ngổn ngang. Không chỉ người lớn, mà cả trẻ nhỏ cũng có những đớn đau, bao mối bận tâm, nỗi bất an, sợ hãi khiến người ta mải miết trốn chạy, cũng chẳng thể mở lòng, với người khác và với chính mình để đón nhận thương yêu hay nhận ra, bản thân đã yêu thương rất nhiều.
Là mèo
Là cuốn tiểu thuyết mang hình thức như một câu chuyện cổ tích buổi hiện đại, những yếu tố kì ảo tràn ngập khắp trang sách Khi muốn khóc, tôi đeo mặt nạ mèo. Yếu tố kì ảo đi sâu vào cốt truyện như chia không gian tác phẩm thành hai nửa, không gian loài người và không gian loài mèo, thế giới loài người và thế giới loài mèo. Và bản thân mỗi chương truyện, cũng được chia làm hai phần khá rõ rệt.
Phần “lim dim dưới nắng đằng sau ống khói” thuộc về khoảng không sinh hoạt của riêng loài mèo, bước chân cô mèo Kinako mà người vợ hai của bố Miyo, Kaoru nuôi, “con mèo vằn to tướng béo tròn” mang ý thức lãnh thổ hết sức mãnh liệt, cụ mèo đen già nua với đôi mắt ánh lên sắc vàng như thấu tỏ mọi sự… Để rồi, theo sự chảy trôi, phát triển của cốt truyện, thế giới loài mèo lại càng thêm mở rộng đến cả vùng không gian thuộc về nhân miêu, nơi gã mèo bán cho Miyo chiếc mặt nạ mèo sinh sống. Vùng không gian tồn tại ngay trong lòng xã hội loài người mà con người không hề hay biết, cũng chẳng thể nhìn thấy; vùng không gian thuộc về loài mèo mà thôi.
Yếu tố kì ảo đi sâu tới tận từng tình tiết, hiện hình ngay ở bản thân nhân vật chính Sasaki Miyo; cô học sinh lớp 8 ngoài định danh chính thức Miyo, ngoài biệt danh Muge – “kẻ kì quái vô cực” còn định danh thứ ba mang tên Taro do cậu bạn Hinode đặt, khi cô đeo lên chiếc mặt nạ mèo mang năng lực biến cô trở thành một cô mèo trắng, dễ dàng đi đến bất cứ đâu, dễ dàng trở nên gần gũi hơn với cậu bạn Miyo thầm thương trộm nhớ. Nhưng “không biết tự bao giờ, Muge bắt đầu cảm thấy ranh giới giữa bản thể của mình và lốt mèo trở nên mơ hồ…”, sự “mơ hồ” không đột ngột đến mà đã dần có những dấu hiệu Miyo không hề chú ý. Kí ức của Taro dần choán lấy tâm trí Miyo trong thực tại. Miyo dưới hình hài con người, dần có những hành động, thói quen như loài mèo. Và mỗi khi buồn đâu, mỗi khi dưới định danh, nhân dạng con người chịu một lần thương tổn, Miyo lại lánh vào lốt mèo dưới chiếc mặt nạ.
Không gian loài mèo, miêu dạng và nhân dạng dần thế chỗ của nhau.
“Bán mặt mèo cho người muốn thành mèo và bán mặt người cho mèo muốn thành người.”
Gã mèo bán mặt nạ mèo cho Miyo gian xảo, tàn ác. Gã khơi thêm tổn thương chìm sâu nơi ẩn ức, khiến người ta vẫn mãi dùng dằng, do dự giữa việc đối diện với tư cách con người hay trốn chạy vĩnh viễn dưới lốt loài mèo, càng thêm xa cách đồng loại. Nhưng bản thân con người, vốn chứa đựng quá nhiều nỗi ngờ vực, nghi ngờ hết thảy, cả thiếu lòng tin với chính mình, chẳng phải đã tạo điều kiện cho những kẻ như gã bán mặt nạ, khoét sâu đến tận cùng nỗi đau người ta vẫn dày công che giấu hay sao?
Con người muốn trở thành loài mèo.
Và loài mèo cũng muốn trở thành con người. Vì loài mèo, dù chẳng thể hiểu hết ngôn ngữ loài người, song chúng cũng biết cảm nhận tình thương và muốn đáp lại, yêu thương cùng hi sinh mà chúng đã nhận được đó.
Thế giới loài người và thế giới loài mèo, mong ước con người với mong ước của mèo quyện hòa, đan xen trong một câu chuyện được tạo dựng lên từ bút pháp hiện thực huyền ảo khiến cho cuốn tiểu thuyết Khi muốn khóc, tôi đeo mặt nạ mèo trở thành một tác phẩm hết sức đa chiều. Tựa chiếc kính vạn hoa, mở ra những góc nhìn, lăng kính khác nhau về mọi khía cạnh nhân sinh và cả những khía cạnh, tác giả như mượn chuyện loài mèo mà hướng đến con người vậy.
Gương mặt phía sau mặt nạ mèo
Có cấu trúc đặc biệt, được xây dựng theo một phương thức tự sự đặc biệt, Khi muốn khóc, tôi đeo mặt nạ mèo hầu hết được kể dưới điểm nhìn của ngôi kể thứ nhất, cô gái Sasaki Miyo tự xưng “tôi”, kể lại một phần cuộc sống cô đã trải qua, cả những xúc cảm mong manh song cũng hết sức dữ dội mà cô học sinh lớp 8 đang cảm nhận mỗi ngày. Nhưng đan xen với đó là những “giai đoạn” như khúc giao thoa được kể ở ngôi thứ ba mà điểm nhìn trần thuật, đặt vào cô mèo Kinako, từng bước chân của cô và cả suy nghĩ của một cô mèo nhà song vẫn có sự tự do riêng trong lối sống đặc trưng của loài mèo vậy. Tất cả, càng làm tăng thêm tính phức tạp của Khi muốn khóc, tôi đeo mặt nạ mèo nói chung, và sự phức tạp trong gương mặt phía sau lớp mặt nạ mèo nói riêng.
Là người hay là mèo.
Là người thì có thật, gương mặt hiện hữu kia là “cái tôi”, là “bản thể” của con người đó hay không?
Người ta mải miết trốn chạy, giấu mình sau những lớp mặt nạ vô hình, che giấu hết suy nghĩ và cả thương đau, như một cách tự bảo vệ bản thân trước cuộc sống còn nhiều khuất khúc và trước những con người khác, cũng mang nội tâm đầy những ngổn ngang mà người ta chẳng thể thấu hiểu. Không thể thấu hiểu bản thân, không thể hiểu thấu lòng người, không thể vượt qua được gian khó, cái tôi bản thể con người, dần thu lại, rơi tõm vào thinh không. Tựa linh hồn, gương mặt cá nhân thu vào chiếc mặt nạ người, lạnh lẽo rơi xuống khi người ta đã vứt bỏ bản thể chữ “nhân” vậy.
Nhưng dẫu có trốn chạy tới đâu hay ngờ vực hết thảy, thì tới tận cùng, “cả con người lẫn con mèo đều là cây sậy biết tư duy.” Vì biết tư duy mà người ta nhạy cảm với đớn đau. Song cũng vì biết tư duy mà người ta khao khát yêu và được yêu đến thế nào.
Cho “cố gắng sống trọn vẹn hơn…!”
Mọt Mọt