“Đêm” của Elie Wiesel là lời chứng về một sự kiện nảy sinh từ lãnh vực xấu xa nhất của con người, mà dường như những tính từ diễn tả mức độ nặng nề nhất cũng bất lực khi nói về những gì mà Đức Quốc Xã đã gây ra trong những năm 40 của thế kỷ trước, về tội ác Holocaust – nạn diệt chủng người Do Thái trong thế chiến thứ hai.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
Ảnh jjosh.h Đêm reviewsachonly
Ảnh: jjosh.h

Bản thảo đầu tiên của tác phẩm này có tựa đề “Và thế giới vẫn giữ im lặng” viết bằng tiếng Yiddish, rồi được dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh nhưng đã bị tất cả các nhà xuất bản lớn của cả Pháp và Mỹ từ chối, vì đề tài này lúc bấy giờ bị coi là bệnh hoạn và không hấp dẫn được một ai.

Sau đó, François Mauriac (nhà văn Pháp, Nobel Văn học 1952) đã cố gắng giúp Elie Wiesel. Và phải mất hàng tháng trời viết thư, gọi điện thoại, thậm chí là đích thân đến tận nơi, cuối cùng Mauriac mới thành công làm cho tác phẩm được nhận in, đó là năm 1958, phát hành lần đầu bằng tiếng Pháp với tên “La nuit” (Đêm), bị cắt nhiều phần so với bản thảo tiếng Yiddish.

48 năm sau, vào năm 2006, Elie Wiesel cùng với sự giúp đỡ của vợ ông là bà Marion Wiesel trong việc dịch thuật và biên tập, đã sửa chữa và hiệu chỉnh một số chi tiết quan trọng để cho ra mắt ấn bản “Đêm” bằng tiếng Anh (Night).

Ảnh booksarenotlame420 Đêm reviewsachonly
Ảnh: booksarenotlame420

Đêm! Đêm nào cơ?

Là những đêm bình thường?

Khi Eliezer – đứa bé được Thượng đế chọn lựa – đêm đêm chạy ra nhà thờ để cầu nguyện, và khóc cho những gì thiêng liêng mà cậu tôn thờ.

Khi Eliezer tìm được người bạn tri kỷ là ông “Thầy Linh Tinh”, và cứ buổi tối họ lại cùng nhau chuyện trò trong giáo đường.

Hay, là những đêm bất thường?

Đêm mà hung tin “trục xuất” mang đôi cách đen xì mở tung cửa, giáng xuống từng ngôi nhà người Do Thái ở Sighet.

Đêm cuối cùng ở nhà.

Đêm cuối cùng ở khu biệt cư.

Đêm cuối cùng chen chúc nhau trong toa xe lửa dùng để chở gia súc, qua ô cửa, những hàng rào dây kẽm gai nối tiếp nhau bao vây ống khói phía trong. Ngọn lửa khổng lồ bốc lên từ ống khói, tỏa khắp bầu trời tối đen như mực, một mùi khét lẹt tỏa lên không trung. Mùi gì? Mùi da thịt người bị thiêu!

Đêm đầu tiên bên trong trại tập trung Auschwitz. Đàn ông bên trái, đàn bà bên phải! Đó là đêm cuối cùng Eliezer và Cha nhìn thấy Mẹ và chị em gái. Đó là đêm Elizer chứng kiến bằng chính đôi mắt mình, những đứa bé sơ sinh, còn sống, bị ném vào hỏa lò.

Bắt đầu từ đêm đầu tiên ở Auschwitz, dường như đêm nào cũng có thể là đêm cuối cùng. Kinh hoàng và ám ảnh. Ở đó người Do Thái bị tước đi nhân dạng, bao gồm cả cái tên. Họ bị xăm trên cánh tay trái một mã số để đánh dấu, điểm danh. Họ trần truồng khử trùng và trải qua nhiều cuộc tuyển chọn. Làm việc hoặc hỏa lò, hoặc đạn, hoặc phòng hơi ngạt.

Những đêm như thể là đêm cuối cùng ấy, kéo dài một năm. Vắt kiệt mọi sức sống và nhân tính của mỗi người, chừa lại những bộ xương hốc hác sẽ vì một miếng bánh mì mà giết nhau.

Và đêm ấy, cái đêm khủng khiếp nhất trong cuộc đời Eliezer, cậu đã nằm im thin thít nghe viên sĩ quan giáng cho Cha một cú dùi cui vào đầu, sau bao khổ ải, người con thân tàn ma dại nằm im nghe người Cha đã không còn tỉnh táo rên rỉ tên con, “Eliezer…”, nhưng đã không thể trả lời.…

Có lẽ, đối với Elie Wiesel, “Đêm” là cả cuộc đời còn lại của ông, là bóng tối bao trùm, là bóng đêm ám ảnh bắt đầu từ hôm chứng kiến mẹ và chị em gái bước về phía hỏa lò. Thảm kịch bắt đầu.

Đêm của những ám ảnh vô biên, và giấc ngủ đã mãi xa lánh Elie Wiesel.

Ảnh bhambooksandcoffee Đêm reviewsachonly
Ảnh: bhambooksandcoffee

Thượng đế ở đâu? Ngài ở đâu?

“Tôi cảm thấy trong tim tôi có tiếng trả lời:
– Thượng đế ở đây. Ngài ở ngay đây! Đang bị treo ở trên chiếc giảo đài này…”

Trong khiếp sợ kinh hoàng, trong thất vọng cùng cực, linh hồn đã thoát xác, những giấc mơ dang dở đã bị thiêu rụi. Chỉ còn lại đó cái nhục thể hình người, đã bị tổn thương đến mức cả tim lẫn óc bắt đầu chống lại vị thần linh mù và điếc trước nỗi bất hạnh quá lớn của người Do Thái. Thượng đế trong Eliezer đã chết. Cái chết của Thượng đế trong tâm hồn của một đứa trẻ đột nhiên phải đối diện với cái xấu tuyệt đối của loài người.

Liệu những đứa con ngoan đạo đã đánh rơi đức tin này có bị phán xét? Không, không một ai có quyền phán xét những nạn nhân vô tội ấy. Vì, như Elie Wiesel đã nhấn mạnh, chỉ có những ai đã từng trải nghiệm Auschwitz mới biết nó là gì.

Sự đáp ứng về trách nhiệm.

“Chuyện này có thể có thật không? Bây giờ là thế kỷ 20, không phải thời Trung Cổ. Ai cho phép những tội ác như thế xảy ra? Làm sao có thế có chuyện cả thế giới lặng câm?”

Đó là thắc mắc của cậu bé Eliezer khi mới vừa nghe mà chưa kịp chứng kiến cảnh con người bị thiêu sống trong hỏa lò. Vì không biết, và chưa có đầy đủ căn cứ để tin nên nghi ngờ. Người Do Thái ở Sighet vốn đã từng được báo động trước về mối tai ương này, nhưng họ không tin, và họ xem người loan tin – ông “Thầy Linh Tinh” – là một kẻ điên loạn, và bởi chính vì không tin, một tội ác quá mức kinh khủng và khó tin ấy, mà họ đã bỏ lỡ cơ hội để thoát thân.

Thế giới của thế kỷ 21 bây giờ, và cả tương lai nữa, nếu không biết về tội ác Holocaust và làm ngơ với trang lịch sử đen tối nhất của loài người, liệu rằng một ngày nào đó sẽ giẫm lên vết xe đổ?

“Khi chúng ta nói về thời đại của cái ác và bóng tối, rất gần mà rất xa này, “trách nhiệm” là then chốt.

Người làm chứng đã buộc mình phải làm chứng. Cho những người trẻ hôm nay, cho những trẻ em sẽ ra đời ngày mai. Nhân chứng không muốn quá khứ của mình sẽ trở thành tương lai của giới trẻ.”

Bằng một cơ may thần kỳ nào đó, Elie Wiesel đã sống sót – một nhân chứng sống sót sau nạn diệt chủng của dân tộc mình, người đã chứng kiến bản chất của sự điên rồ cực đại đầy khủng khiếp đã bùng nổ trong lịch sử và trong lương tâm con người.

Nếu thế giới vẫn im lặng, Elie Wiesel buộc phải lên tiếng và kiên trì lên tiếng. Để quá khứ không bị xóa sạch, để sự thật không bị đặt điều. Đã có những thành phần bài Do Thái ở nhiều nơi trên thế giới, cho rằng “truyện” sáu triệu người Do Thái bị thảm sát chỉ là một chuyện bịa. Nếu những nhân chứng không lên tiếng và thế giới tiếp tục lặng im, thì sẽ có một này, nhiều người, vì chẳng biết gì hơn, có thể tin chắc vào lời bọn chúng.

Hồi ký “Đêm” là kết quả đầu tiên của quá trình nỗ lực bền bỉ đó, và như tác giả đã nói, nếu cả đời ông chỉ viết một cuốn sách, thì “Đêm” phải là cuốn sách duy nhất này.

“Một cuốn sách mà toàn thể nhân loại cần đọc!” – Oprah Gail Winfrey.

Tác giả Elie Wiesel Đêm reviewsachonly
Tác giả Elie Wiesel

Elie Wiesel, bằng tất cả sức lực cũng như trách nhiệm của một nhân chứng Do Thái ngoi lên từ địa ngục của Hitler và Đức Quốc Xã, đã tiếp tục đi lên con đường tranh đấu cho nạn nhân của kỳ thị chủng tộc, của nghèo đói dốt nát, của đàn áp chính trị. Ông đã tận hiến vì nhân quyền và hòa bình của nhân loại.

Năm 1986, Elie Wiesel được trao giải Nobel Hòa Bình.