Điều lệnh thứ 11 là hành trình của Connor Fitzgerald, một sát thủ bí mật của CIA. Suốt hàng chục năm trời, con người này sống cuộc đời hai mặt, vừa tỏ ra là một công dân đứng đắn, tôn trọng pháp luật, vừa bí mật thực hiện những vụ ám sát theo đơn đặt hàng của CIA. Gã đã từng là kẻ săn đuổi, nhưng cuối cùng lại trở thành kẻ bị săn đuổi bởi đã biết quá nhiều điều bí mật của cơ quan. Thế nhưng bản năng của một sát thủ chuyên nghiệp không cho phép Fizerald chết đứng giữa đường cùng như thế. Anh ta đã quyết định, trở thành kẻ đi săn để nhắm ngược lại chính kẻ đã bán đứng mình. Cuối cùng thì ai mới là người đi săn và ai mới là kẻ bị săn ?
Kẻ săn đuổi trở thành người bị săn
Câu chuyện bắt đầu với một ngày quen thuộc điển hình Fitzgerald – anh chàng sát thủ làm việc bí mật dưới trướng CIA, đang ngồi đếm giờ để chờ đến lúc xử nạn nhân bằng một phát súng từ khẩu Remington 700 được chế tạo riêng biệt sao cho mọi chi tiết chỉ vừa với hắn.
Nhờ thâm niên 28 năm trong nghề của mình, hắn được miêu tả với một sự thong dong và hờ hững khiến người ta phát bực khi thực hiện những phi vụ phạm pháp của mình. Có thể thấy rõ trong cách hắn đi trộm một tiệm cầm đồ mà không hề mảy may để tâm đến cái chuông báo động đương ầm ĩ, một sự tự tin đến kiêu ngạo rất rõ ràng.
Nhà văn Archer đã chọn cho mình một câu chuyện mang hơi thở thực tế với những nhân vật đậm chất đời thường. Một sát thủ rất yêu vợ và con gái, một thủ tướng luôn phải đối diện với áp lực từ báo chí và phe đối lập, một giám đốc CIA tham vọng và thủ đoạn,… họ đều là những bóng dáng quen thuộc mà ta có thể tìm thấy ở bất kì đâu trên thế giới này. Nhân vật chính Fitzgerald, dù là một tay chuyên nghiệp nhất trong tất cả những kẻ chuyên nghiệp, thì khác với Sherlock Holme đại tài luôn ở phía trước để đón đầu hay những điệp viên ranh mãnh, tự tin vượt ngục dẫu chẳng may có bị tóm gọn, hắn vẫn được miêu tả với những thứ bình thường nhất của một con người. Hắn vẫn không thể lường trước những người qua đường suýt phát giác ra mình trong khi đang đột nhập phi pháp, hắn vẫn căng mình đếm từng phút từng giây cho tới khi chắc chắn rằng xe cảnh sát sẽ không dừng lại tại đây, và hơn hết hắn vẫn phải đối diện với ý định thanh trừng và bị biến thành bia đỡ đạn cho chính người cấp trên mà hắn đã phục vụ suốt nửa đời người.
Nhịp truyện có tiết tấu rất ổn định, các phân cảnh được chuyển tiếp liên tục giữa các bối cảnh, nhân vật khác nhau trong truyện, giúp tạo cái nhìn bao quát để người đọc dễ nắm bắt thông tin. Cách viết này thể hiện ưu điểm rõ ràng trong việc cân bằng tần suất giữa các nhân vật chính – phụ cũng như đảm bảo tính liên kết và song hành giữa đa dạng các nhân vật với nhau.
Tình cảm theo phong cách Jeffrey Archer
Điều lệnh thứ 11 đã để lại những ấn tượng thú vị khi thành công xây dựng diễn biến tình cảm không quá ướt át nhưng vẫn làm rung động cả trái tim.
Đó là tình yêu hàng chục năm trời giữa Fitzerald với người vợ thông minh Maggie. Là một trong ba nhân vật nữ có tầm ảnh hưởng nhất tới cốt truyện, bà Fitzerald được miêu tả là một chủ nhiệm khoa đại học dịu dàng và ấm áp, nhưng tất nhiên, người phụ nữ ấy vẫn có đủ tinh tế để đoán ra sự bất thường xoay quanh của chồng mình. Điều đặc biệt khi đối diện về sự thật với công việc nguy hiểm ấy chính là niềm tin mãnh liệt của Maggie dành cho Connor; bà yêu chồng mình bằng một trái tim luôn cháy bỏng, nhưng lại tin tưởng và ủng hộ người bạn đời bằng một lí trí đủ lạnh và bình tĩnh. Tình yêu giữa họ không cuồng nhiệt như những gì ta thường hình dung về một Châu Âu phóng khoáng. Họ trao nhau những bài thơ nhiều hơn là những cái hôn, dành cả đêm dài để đợi nhau dưới cửa sổ mà chẳng dám gọi tên, và đã phải mất suốt mấy năm liên tục cầu hôn thì đôi tình nhân mới quyết định tiến tới. Đó là một tình yêu khiến người ta ngưỡng mộ, đủ ngọt ngào nhưng cũng rất trưởng thành và vững chãi. Thật tuyệt vời khi tác giả Archer đã không để Maggie xuất hiện chỉ để kể một mối tình thập kỉ. Người vợ ấy xuất hiện để cứu lấy chồng mình, bảo vệ con gái Tara và cùng người mình yêu đối diện với sự nghiệt ngã của số phận.
Một người phụ nữ khác phải muốn kể đến là Joan – thư kí của Fitzerald, một trong số ít người ủng hộ và giúp đỡ Connor đến tận phút cuối cùng. Cô giống như một lời phản biện lại cái độc ác và tàn nhẫn của vị giám đốc Helen Dexter, luôn giữ một trái tim trung thành và tử tế trên cương vị là cấp dưới, đồng nghiệp của Fitzerald. Cô gái ấy không phải là tia sáng rực rỡ trong trẻo giữa thế giới của những bí mật tối tăm, Joan không bao giờ thuộc kiểu người đuổi theo chính nghĩa hay nguyện hết mình vì sếp; cô ấy được xây dựng không phải chỉ vì Connor, mà là vì câu chuyện mà tác giả muốn kể. Là một nhân viên CIA, Joan vẫn được miêu tả với sự im lặng trước những bất công dĩ nhiên của cơ quan, cô vẫn tiếp tục hoàn thành công việc của mình dù chứng kiến sự rời đi của sếp. Joan là một người phụ nữ thân thiết với Fitzerald, nhưng cô ấy vẫn độc lập và có cuộc sống của riêng mình. Nhà văn Archer đã tạo nên Joan để cô sống cuộc đời của mình, hoàn thành nhiệm vụ của bản thân, chứ không phải để chạy theo Connor, và điều này đã tạo nên một nhân vật phụ đầy xuất sắc trên cương vị của mình.
Điều lệnh thứ 11 – Thế giới của những sắc màu khó phân
Câu chuyện của Archer không đầy tham vọng với sự choáng ngợp của những pha chiến đấu căng thẳng hay những cú lừa đảo tài tình. Tác phẩm chạm gần đến những mâu thuẫn lợi ích thường thấy của con người, chỉ có điều là ở quy mô khổng lồ hơn, giữa những kẻ dẫn đầu. Những trang sách phản ảnh các sắc thái khác nhau của con người khi sống giữa thế giới này – một hệ thống được duy trì một phần bởi những luật ngầm và bóng tối bên trong nó.
Đối với người vợ góa của ứng cử viên chính trị Columbia đã bị viên đạn con thoi của hắn xé qua tim, Fitzerald đương nhiên là một gã giết người vô nhân tính, một kẻ phải chịu sự trừng phạt của Thần; nhưng đối với Maggie và con gái Tara, hắn là người chồng, người cha tuyệt vời, là món quà mà Chúa gửi đến thế giới này.
Cuốn sách không chỉ là một hành trình rượt đuổi gay cấn của trí óc, mà còn là cuộc chiến giằng xé của trái tim, làm bật lên trên những góc khuất đen tối, bẩn thỉu và ghê rợn, những sắc màu phức tạp của tình yêu. Đối với mỗi nhân vật, thật khó để quyết định gán xem họ nên đeo một cái bảng có ghi chữ “trắng” hay là “đen”, bởi cuộc sống đôi khi không có chỗ cho sự chính nghĩa toàn phần, và không phải trận đấu nào cũng công bằng cho những tuyển thủ chơi đẹp.