Trong một thời gian ngắn, liên tiếp hai vụ tai nạn bất thường do ngộ độc khí gas (H2S) đã xảy ra tại hai khu suối nước nóng hẻo lánh mà trùng hợp thay, các nạn nhân đều là người trong giới điện ảnh. Ngộ độc H2S ở những nơi núi lửa từng hoạt động không phải là chuyện chưa từng xảy ra. Nhưng hiện trường vụ án cùng địa điểm diễn ra án mạng lại khiến cho cơ quan điều tra đặt ra nhiều nghi vấn liệu đây có thật sự chỉ là tai nạn?

Để có câu trả lời thỏa đáng cho nghi vấn này, một vị Giáo sư địa lí học thuộc trường đại học Taiho, Shusuke Aoe đã được mời đến nghiên cứu hiện trường. Và tại hiện trường vụ án đầu tiên, ông tình cờ chạm mặt một cô gái trẻ tên Uhara Madoka. Cuộc gặp gỡ còn tiếp diễn ở địa điểm vụ án thứ hai. Hành tung bí ẩn cùng những dự đoán chính xác của Madoka trước những hiện tượng nhỏ vô tình xảy đến trong cuộc sống khiến giáo sư Aoe không khỏi băn khoăn. Rằng Madoka có liên hệ gì với những vụ ngộ độc khí H2S và chân tướng thực của hai vụ án tại suối nước nóng là như thế nào?

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Ma nữ của Laplace Nhã Nam

*Cre: Page Nhã Nam

Một tác phẩm trinh thám không tệ của Higashino Keigo

Trước hết cần khẳng định, Rapurasu no Majo – Ma nữ của Laplace không phải một tác phẩm tệ trong văn nghiệp đồ sộ của Higashino Keigo. Ở cuốn sách hơn ba trăm trang này, độc giả vẫn dễ dàng nhận thấy cái duyên, cái khéo mà Keigo tiên sinh đã cực kì dụng công ở cách thức ông dựng truyện, dẫn dắn cốt truyện, xây dựng những tình huống khép mở để cuốn hút người đọc.

Vẫn là cách viết “trinh thám ngược” như thế, Keigo tiên sinh sớm gợi mở để độc giả dễ dàng đoán biết được hung thủ của cả hai vụ án mạng bí ẩn tại suối nước nóng là ai. Song điểm mấu chốt của hai án mạng được dựng lên trên trang viết Ma nữ của Laplace lại không nằm ở danh tính hung thủ mà nằm trong cách thức, động cơ hung thủ gây án cùng hàng loạt các mối quan hệ phức tạp xung quanh. Giả thuyết được giáo sư Shusuke Aoe, bằng ánh nhìn sắc sảo, sự phân tích đầy logic, lý tính, không ngừng đưa ra liên tiếp, thực nghiệm thử và sai, nhưng đến cuối cùng, lại nhanh chóng bị chính ông bác bỏ bởi ông có thể tái hiện lại hiện trường, thủ pháp gây án nhưng điều kiện để thực hiện các bước cho án mạng ấy lại cần sự tính toán lí tưởng đến mức phi thực tế.

Ngoài ra, việc Higashino Keigo tạo thế đan cài, móc nối hai vụ án mạng ở thì hiện tại với vụ ngộ độc khí H2S tám năm trước của một đạo diễn thiên tài cũng hết sức khéo léo. Vừa làm nên hình thức truyện lồng truyện ta vẫn thường thấy trong các tác phẩm Keigo tiên sinh đã viết; vừa mở ra và dần hé lộ những chiều kích xung quanh hệ thống quan hệ chằng chịt giữa nạn nhân với hung thủ, giữa những con người tưởng chừng không hề liên quan tới án mạng lẫn hàng loạt điều bí ẩn vẫn ngủ sâu trong quá khứ cùng các tri thức đã nằm ngoài hiểu biết, khoa học thông thường của con người.

Và hơn cả, chất Keigo vẫn cực kì đậm đặc trong tiểu thuyết Ma nữ của Laplace còn thể hiện trên khía cạnh: tác phẩm của ông chưa bao giờ là một cuốn sách trinh thám, phá án đơn thuần. Mà từ những vụ án, qua quá trình theo bước chân người điều tra – giáo sư Aoe kiếm tìm sự thật, tác giả đã khơi gợi lên muôn vàn câu hỏi, vấn đề, không hẳn là quá mới lạ song chưa bao giờ thôi nhức nhối trong cuộc sống. Về lòng ích kỷ của con người. Con người có khả năng nhận thức thế giới khách quan hay không? Và khi nhận thức được tận cùng chân lý, thế giới, liệu có phải là một điều may mắn hay lại là bất hạnh với loài người?

Hoặc đó là câu hỏi vẫn tồn tại lâu đời nhưng có lẽ, Ma nữ của Laplace là cuốn sách đầu tiên Keigo tiên sinh đi sâu nhằm tìm lời giải đáp cho câu hỏi này. Rằng “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh?” Mọi bi kịch bắt đầu từ sự vị kỉ, từ khát vọng theo đuổi thứ nghệ thuật hoàn hảo đến mức điên cuồng, cực đoan của Amakasu Saisei. Thứ nghệ thuật không chỉ vị nghệ thuật mà còn chỉ vị bản thân lão. Lão không hiểu: “Nghệ thuật đến cuối cùng là để vị nhân sinh. Nhưng để phục vụ nhân sinh cho tốt, nghệ thuật phải có cái say sưa vị nghệ thuật” (Hoài Thanh), cứ mãi đuổi theo ảo vọng, mộng tưởng xa vời kia đến mức lãng quên bản thân, con người, quên đi chân giá trị nghệ thuật hướng đến mà không biết rằng đó chính là tội ác.

Có thể nói, tới tận cùng, dù thuộc thể loại trinh thám quyện hòa chất siêu nhiên, Ma nữ của Laplace vẫn là một trong những tác phẩm thể hiện rất rõ cho phong cách sáng tác của Higashino Keigo: cái tài trong dựng chuyện, cái khéo trong dẫn dắt tình tiết, cái tâm khắc khoải nhân sinh đằng sau những ngôn từ hiển lộ. Ma nữ của Laplace, huyền thoại, hư ảo mà vẫn đời thực, ám ảnh và day dứt.

Ma nữ của Laplace Higashino Keigo

*Cre: Instagram @neverblossom

Không phải một tác phẩm tệ, song chưa phải một sáng tác “trọn vẹn”

Nói đi cũng phải nói lại, tuy Ma nữ của Laplace không phải là một tác phẩm tệ nhưng cũng không có nghĩa đó là một sáng tác thực sự xuất sắc của Higashino Keigo. Bởi vẫn còn đó không ít hạn chế mà làm cho Ma nữ của Laplace, đến khi kết thúc, vẫn chưa thật trọn vẹn.

Dù có một khởi đầu đầy ấn tượng đến từ cách dẫn truyện qua thảm họa kinh hoàng của tự nhiên đến những vụ án xuất hiện cũng phần nào liên quan tới thảm họa, sự phát triển của khoa học trong việc tạo nên kì tích nơi bộ não Madoka, Kento khiến cho toàn bộ không gian Ma nữ của laplace được bao trùm bởi sự kì bí hoành tráng. Thì đấy, cũng như một con dao hai lưỡi, khiến cho tác phẩm trở nên có phần “đầu voi đuôi chuột.”

Bởi càng trôi về những chương cuối cùng, câu chuyện càng đi rất xa so với những gì Keigo tiên sinh đề ra ban đầu. Các vụ án nhiễm độc khí H2S như chìm dần vào quên lãng trước bí ẩn đằng sau sự kì quái của Madoka. Sự giải thích, lí giải cho thủ pháp gây án hết sức sơ sài. Thậm chí, vụ án xảy ra với gia đình Kento, tác giả cũng chỉ đi lướt qua, việc Amakasu Saisei đã lên kế hoạch cùng đồng phạm thực hiện vụ án đó như thế nào, Keigo-sensei càng không hề đi vào chi tiết.

Ngoài ra, việc Kento và Madoka có sức mạnh siêu nhiên được lí giải bằng một vùng đặc biệt trong não tổn thương, sự can thiệp của phẫu thuật đã dẫn đến những thay đổi trong việc hoạt động của não bộ. Nhưng vị trí não bộ đặc biệt đó là gì thì tác giả lại không thể chỉ ra rõ ràng. Thêm nữa cách thao túng của các cơ quan chính phủ vào quá trình nghiên cứu hai thanh niên trẻ tuổi kéo theo mệnh lệnh đột ngột buộc khép lại vụ án ở hai suối nước nóng càng khiến kết truyện trở nên “cục súc”.

Không chỉ vậy, việc đưa quá nhiều tình tiết, những cú twist liên tiếp song không giải quyết triệt để không chỉ khiến cho cái kết của Ma nữ của Laplace bị đuối mà còn khiến câu chuyện mỗi lúc một thêm rời rạc. Để rồi câu chuyện kết lại bằng đoạn đối thoại lửng giữa Takeo với Madoka: “…Tương lai thế giới này ấy. Nó sẽ ra sao?”, “Chuyện đó, không nên biết sẽ hạnh phúc hơn” (trang 365) đã không đủ sức nặng để gói lại quá nhiều vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ. Vả lại, bản thân đoạn đối thoại đó cũng như chứng minh: Có lẽ, đến đây, khi Ma nữ của Laplace đã mở rộng đến tầm vĩ mô: sự tồn vong của nhân loại thì Keigo tiên sinh, dù để kết mở như muốn gợi cho độc giả tự tìm câu trả lời. Thì lời đáp lấp lửng của Madoka, lại tựa lời khẳng định ngầm, tác giả hướng đến tương lai có phần bi quan cho nhân loại. Sự thật, sự diệt vong của Trái đất không phải điều mà khoa học chưa từng dự báo và một ngày nào đó, có lẽ nhân loại cũng không thể sinh tồn trên Trái đất được nữa. Song con người khi ấy, hoàn toàn có thể đã tìm thấy cách thích nghi trên một Trái đất không còn là môi trường lý tưởng để nhân loại tồn tại hay; người ta khi đấy, cũng đã có cuộc sống mới trên một hành tinh khác chăng? Vậy, lời kết của Madoka, có phải đã quá cực đoan hay không?

Tuy nhiên, xét tới cùng, dẫu không phải một tác phẩm quá đỗi xuất sắc và còn cách một quãng rất xa nữa mới có thể so sánh với những tác phẩm trước đó đã làm nên tên tuổi của Higashino Keigo, đặc biệt ở giai đoạn sáng tác đỉnh cao những năm cuối 9x, đầu 2000 đến 2012. Song ta cũng không thể phủ nhận hoàn toàn giá trị mà Ma nữ của Laplace mang đến cho độc giả trên khía cạnh nhìn nhận con người, cuộc sống. Và với tác phẩm này, Keigo tiên sinh lần nữa chứng tỏ sức sáng tạo dồi dào cùng quá trình ông không ngừng tìm tòi, đổi mới chính bản thân ở phương diện cách thức tiếp cận vấn đề, đa dạng phong cách sáng tác nhằm mang đến cho độc giả nhiều hơn, những tác phẩm, không đơn thuần chỉ là trinh thám. Mà đó, còn là tiếng đời đầy nghiệt ngã nhưng cũng rất mực ấm áp, bao dung này.

Link mua sách tại Lazada:

https://shorten.asia/2hBSHurR

Đọc thêm các bài review sách của tác giả Higashino Keigo:
Cánh kỳ lân (Higashino Keigo) – Đứng thẳng, vươn mình tựa sải cánh kỳ lân
Review sách Hung khí hoàn mỹ (Higashino Keigo) – Sự trung thực trong thể thao và trách nhiệm của con người
Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên – Cái chết giữa lòng đại dịch

Mọt Mọt