“Chú bé thành Paris” là một phần trong kiệt tác “Những người khốn khổ” của đại văn hào Pháp – Victor Hugo. Nhân vật chính Gavroche là đại diện cho thế hệ thanh thiếu niên trẻ Paris nửa đầu thế kỷ XIX, một đứa trẻ đường phố, một chiến sĩ anh dũng, một hòn ngọc giữa bùn.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Tác phẩm kinh điển “Những người khốn khổ” được nhóm văn học Lê Quý Đôn dịch, do Giáo sư Huỳnh Lý chủ biên. Là nhà giáo lão thành, Giáo sư Huỳnh Lý luôn nặng lòng với thế hệ trẻ, cảm thấy cậu bé Gavroche ngây thơ, nhiệt thành, nghĩa khí và có ý nghĩa giáo dục cao nên thầy đã thống nhất với các dịch giả để cho con của thầy là dịch giả, tác giả Huỳnh Phan Thanh Yên biên soạn một cuốn sách riêng về Gavroche, lấy tựa là “Chú bé thành Paris”.

Đọc thêm:

Chú-bé-thành-Paris-Review-sách-bởi-Reviewsach.net
Ảnh: salezone

Đứa con của thành phố.

“Chú bé thành Paris” là khúc đoản ca, ngắn nhưng vang vọng mãi về chú bé Gavroche hồn nhiên, dũng cảm và đầy lòng nghĩa hiệp.

Có một chú bé tầm 11, 12 tuổi, hay đi về trên đại lộ Temple và hát vang những bài ca ngộ nghĩnh. Dân quanh vùng thường gọi chú là Gavroche – một trong những đứa trẻ đáng thương hơn cả, vì có cha mẹ mà lại mồ côi:

“Những viên đá lát đường không rắn bằng trái tim mẹ em và những cái nhìn của khách qua đường cũng không lạnh giá bằng đôi mắt của cha em. Với một cú đá, cha mẹ em đã vứt em vào cuộc đời và thế là em bay đi.”

Chú bé gầy, xanh xao nhưng không ốm yếu, nghèo đói nhưng không bi quan. Gavroche vẫn luôn giữ được nụ cười tươi trên môi và trái tim tràn lòng tin yêu cuộc sống, cảm thấy khoan khoái ở ngoài đường, ở đấy, chú là con chim sẻ tự do, là một trong những đứa con của thành phố.

“Nếu người ta hỏi cái thành phố khổng lồ ấy: “Bọn trẻ ấy là ai?”

Thành phố đó sẽ vui vẻ trả lời: “Con tôi đấy!””

Gavroche tuy đói khổ, đôi khi phải chôm chỉa kiếm ăn, nhưng tâm hồn vẫn thuần khiết lòng bác ái và hào sảng. Chú giúp cụ Mabeuf lấy lại túi tiền từ tên Montparnasse, cho cô bé ăn xin chiếc khăn quàng cổ duy nhất của mình, dùng đồng xu cuối cùng để mua bánh cho hai đứa trẻ lạc đường đang đói rét rồi đón chúng về bụng voi để ngủ qua đêm…

Khởi nghĩa vùng lên, Gavroche hăng hái ra trận với khẩu súng không cò, miệng hát vang những khúc ca hòa âm của tiếng chim và xưởng thợ. Gavroche luôn có mặt ở nơi cuộc chiến gay go và ác liệt. Chú như con ong, châm anh sinh viên này, đốt anh thợ kia, đáp xuống, dừng lại, bay lượn trên chiến lũy. Dù có cơ hội thoát khỏi vòng vây nhưng chú bé không hề nghĩ đến việc bỏ đi để bảo toàn tính mạng, mà ở lại chiến đấu anh dũng đến hơi thở cuối cùng.

Trong làn súng đạn, chú hát vang.

Chú bé Gavroche, hay là chú bé Lượm? Hỡi chú bé yêu nước, ngoan cường!

Niềm khát khao hơi ấm gia đình.

Vợ chồng Thénardier có 5 đứa con hết thảy, 2 đứa con gái đầu và 3 đứa con trai nhỏ. Gavroche là đứa con trai lớn nhất. Mẹ của Gavroche là mụ đàn bàn có một phần thiên tính chỉ làm mẹ đối với con gái thôi, mẫu tính của mụ giới hạn chỗ đó. Mà chồng mụ cũng chẳng thiết tha gì. Thế là chú bé Gavroche bị vất ra đường, tự sinh tự diệt. Còn hai đứa em trai của Gavroche thì bị rẩy đi cho mụ đàn bà khác, để mỗi tháng vợ chồng Thénardier kiếm về 10 francs thu lợi.

Vậy mà chú bé khốn khổ và vui vẻ Gavroche vẫn nhớ về gia đình. Cứ hai, ba tháng chú bé lại tự nhủ mình là phải viếng thăm ông bà già một chút, rồi ghé về thăm nhà như không hề có chuyện gì buồn sất.

Về căn nhà với cái bếp là lạnh tanh và lòng người cũng lạnh tanh. Để được nghe câu hỏi: “Mày ở đâu về?” Chú trả lời: “Ở ngoài đường”. Khi chú đi nhà lại hỏi: “Mày đi đâu?” Chú trả lời: “Đi ra đường”. Mẹ chú bảo: “Thế mày đến đây làm gì?”. Rồi chú đi.

Dẫu không nhận được chút hơi ấm tình thương nào, chú bé cũng không hề ôm nỗi thù hận. Cha mẹ không thăm con, ồ, vậy con thăm cha mẹ! Chú bé Gavroche như con chim sẻ tự do, ngày ngày bay trên đường phố Paris, lâu lâu lại ghé về nhà coi chỗ này ngó chỗ nọ rồi lại bay đi.

Có một dịp, chú bé sẵn lòng đi giúp đỡ Montparnasse mà không cần hỏi nguyên do, đến nơi mới biết người cần cứu là cha mình, bật thốt: “Ơ kìa! Cha mình đây mà… Cũng được thôi!”. Cứu được cha rồi, chú đợi một lúc cho cha chú quay lại, trái tim bé nhỏ run rẩy trong ngực vẫn mong mỏi một điều gì đó, nhưng đợi mãi không được. Người cha ấy, hoặc không nhận ra, hoặc nhận ra nhưng vờ không nhận ra con mình. Ôi, chú bé Gavroche đáng thương!

Số phận đưa đẩy, trong một đêm, Gavroche vô tình cứu được hai đứa em ruột lúc chập tối, lại cứu được cha lúc sắp sáng. Dù không được đền đáp gì cũng chẳng sao, lòng chú vẫn ngập tràn niềm vui khi làm việc đúng với tiếng gọi của trái tim, của lương tri, của tấm lòng trong veo veo như viên ngọc, dẫu bị vùi dập giữa đời.

Chú-bé-thành-Paris-Review
Ảnh: hieusach.phuongthu

Hòn ngọc giữa bùn.

Nghèo khổ đến một mức nào đó thì người ta hóa ra vô tình, khi ấy người ta nhìn đồng loại cũng như nhìn con sâu cái kiến. Cả đến những người cùng chung huyết thống cũng chỉ là những cái bóng nhạt trên nền nhờ nhờ của cuộc sống, dễ dàng lẩn biến vào thế giới vô hình. Điều này đúng với vợ chồng Thénardier, nhưng không đúng với con trai lớn của họ – chú bé Gavroche.

Gavroche là một người cùng khổ trong những người khốn khổ, chú không có nhà ở, không có bánh ăn, không có lửa sưởi, không có ai yêu… Nhưng chú bé vẫn sáng ngời những phẩm chất tốt đẹp. Chú căm ghét kẻ giàu, những người mà chú gọi là bọn tư sản, lại sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó, người già và đứa bé thơ, và hơn cả, chú yêu nước và ủng hộ cách mạng, ủng hộ cộng hòa: “Các bà chửi mắng những người cách mạng là sai. Khẩu súng này là vì các bà đấy. Để cho sau này trong cái sọt của các bà có nhiều cái ăn được.”

Để tạo thành một bản biện hộ xã hội: “Nếu những người bất hạnh và những kẻ tội phạm bị coi là giống nhau, thì đó là lỗi của ai?” – Kiệt tác “Những người khốn khổ” của văn hào Hugo lột tả cái đẹp tinh khiết mẫu mực của những con người nghèo khổ, đồng thời ca ngợi tình yêu và lòng yêu nước. Nếu nhân vật chính Jean Valjean bị mắc kẹt giữa niềm tin vào luật pháp và lòng tốt của con người, thì nhân vật Gavroche được xây dựng lý tưởng hơn nhiều.

Chú bé Gavroche là nhân vật lý tưởng như chính cái chủ nghĩa lý tưởng mà Victor Hugo hướng tới. Với tất cả những bất hạnh mà chú bé trải qua, làm sao tâm hồn chú vẫn thuần khiết như vậy?

Nội tâm chú bé chưa từng giãy giụa giữa hai thái thực tốt xấu, thiện ác. Nhưng người đọc vẫn cảm thấy chú chân thực. Chú vẫn láu cá và tinh nghịch. Chú vẫn chôm vặt một tí lót bụng nếu quá đói – ăn cắp mà vui vẻ hồn nhiên như con mèo hay con chim sẻ. Chú vẫn sẽ ném hòn đá vào cửa kính của lão thợ cạo vì bất bình giùm hai đứa bé. Những chi tiết đó không những không làm xấu đi mà còn làm sống động hơn hình ảnh của Gavroche.

Tuy cũng lang thang, cũng trơ trọi, cũng bé bỏng, nhưng đây là một con người vừa khốn khổ vừa anh hùng, một con người khác thường. Đó là Gavroche – chú bé khốn khổ và vui nhộn, nhanh nhẹn, tinh khôn, hoạt bát, ưa chế giễu, hào sảng, thương người nghèo, nghĩa khí, dũng cảm, yêu cách mạng, yêu nước.

Đọc thêm review tác phẩm kinh điển “Những người khốn khổ”:

Những người khốn khổ: Thiên sử anh hùng ca bất hủ của nhân loại

Chuột bắt mèo – niềm tin vào chiến thắng của người cùng khổ.

Hình ảnh ngược đời chuột bắt mèo được nhắc hai lần trong đoản ca “Chú bé thành Paris”, như điệp khúc trong những câu hát của Gavroche, như niềm tin về chiến thắng của người cùng khổ.

Trong bụng voi, trong thế giới tối om om đó, những ông tí đã từng thịt một con mèo của Gavroche. Dẫu cái nghĩa đen trong bối cảnh này chỉ làm nổi bật lên sự tối tăm nơi dung thân của chú bé, nhưng lại là cái tượng hình để Gavroche reo lên khi mật thám, thanh tra cảnh sát – Javert đã bị khống chế:

“Chuột bắt mèo đấy nhé!” – Chú bé hoan hỉ.

Gavroche thông minh và nhạy bén, 15 ngày trước hôm khởi nghĩa, chú bé hóng mát trên cầu Royal và bị Javert xách tai, khuôn mặt ông thanh tra đã nằm sâu trong bộ óc nho nhỏ ấy. Lúc xây dựng chiến lũy, vì tập trung hành động mà chú bé không để ý thấy ông ta. Khi đêm buông xuống, lúc mọi người nghỉ ngơi, giác quan chú bé như thức tỉnh. Tất cả con người của chú đang làm việc, bản năng đang đánh hơi, óc đang suy tính. Trên khuôn mặt trẻ con của chú, cái bộ mặt vừa lấc cấc lại vừa đứng đắn, vừa bộp chộp đồng thời rất sâu sắc, có khi vui vẻ mà có lúc lại buồn não ruột, xuất hiện những cái nhăn nhó của ông già. Nội tâm chú tự vấn rồi tự đáp. Chú bàng hoàng nhận ra nhưng đủ thông minh để không đánh động địch, mà thì thầm với chàng thanh niên Enjolras: “Mật thám đấy!”

Chuột bắt mèo đấy nhé! Có phải không? Nó giống như là khát khao về một chiến thắng cuối cùng của những người yếu thế, những người khốn khổ, những nạn nhân của xã hội tư sản.

Victor Hugo sử dụng phương pháp tương phản quen thuộc của chủ nghĩa lãng mạn để làm nổi bật những phẩm chất của Gavroche, nhưng khi nhận thấy sự hạn chế của chủ nghĩa lý tưởng và sự rạn nứt trong tư tưởng nhân văn bất bạo động, tác giả chuyển sang một hướng giải quyết khác là vùng lên làm cách mạng tiêu diệt trật tự xã hội cũ, nhưng sự chuyển biến trong tư tưởng là chưa thật dứt khoát.

Hình ảnh chú bé Gavroche ngã xuống khi chưa hát tròn câu, cuộc khởi nghĩa còn chưa có kết quả, để lại nỗi day dứt và niềm hi vọng vào một tương lai hạnh phúc hơn cho những người khốn khổ.

Chú bé Gavroche vỗ đôi cánh về cổng thiên đường, nhưng hình ảnh của em vẫn còn đó, mãi mãi bất diệt, hình ảnh của thanh thiếu niên Pháp yêu nước, ngoan cường. Để lại khúc đoản ca dịu ngọt ngân nga về vẻ đẹp lấp lánh của linh hồn bé bỏng mà vĩ đại.

“Bằng lối hành văn sinh động và hóm hỉnh, Victor Hugo đã làm sống dậy hình ảnh của thiếu nhi Pháp trong cuộc cách mạng qua nhân vật Gavroche. Gavroche trở thành biểu tượng của thanh thiếu niên Pháp yêu nước và chiến đấu dũng cảm. Trong thời kỳ Phát xít Đức xâm chiếm Pháp, một đội du kích Pháp đã lấy tên Gavroche để chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Hình tượng Gavroche vừa hồn nhiên, trong sáng vừa dũng cảm hào hùng đã gây xúc động và niềm cảm phục sâu sắc trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ trên thế giới.” – Lời dịch giả Huỳnh Phan Thanh Yên.

Chú-bé-thành-Paris-Review-sách
Ảnh: newshop

Đôi nét về cuộc đời Victor Hugo.

Victor Hugo (1802-1885) là nhà văn, nhà thơ vĩ đại nhất của nước Pháp.

Khả năng sáng tạo của Victor Hugo rất dồi dào, mỗi ngày ông có thể làm 100 câu thơ hoặc viết 20 trang tiểu thuyết. Đóng góp cho đời một gia tài văn chương đồ sộ, gồm 45 tác phẩm với 2 cuốn tiểu thuyết nổi tiếng toàn thế giới, là “Nhà thờ đức bà Paris” (1831) và “Những người khốn khổ” (1862).

Suốt một đời Victor Hugo là cuộc đời đấu tranh không ngừng cho chính nghĩa và cho tự do, dân chủ. Tất cả các tác phẩm văn học của ông phản ánh trung thành những biến cố lịch sử lớn lao trong cuộc cách mạng của nhân dân Pháp suốt thế kỷ XIX, đồng thời thể hiện lòng khát khao hòa bình và niềm tin tưởng vào con người của tác giả.

Mặc dù không phải là nhà tư tưởng sâu sắc, Victor Hugo vẫn là nhà văn chân thành, hiến mình cho chân, thiện, mỹ.

Nền văn chương Pháp thế kỷ XIX đầy đặc sắc và biến động, đã tôn vinh và tri ân đại văn hào Hugo bằng tên gọi “Thế kỷ của Victor Hugo”.

Giai thoại nhỏ.

The Times – tờ nhật báo quốc gia của Anh có kể lại một giai thoại khá đáng yêu của văn hào Hugo.

Chuyện kể lại rằng Victor Hugo vì muốn biết tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của mình bán có chạy hay không, nên đã gửi cho người phát hành của mình một bức điện tín nhưng nội dung chỉ vỏn vẹn một dấu chấm hỏi “?”.

Ông đã nhận được câu trả lời – cũng là một bức điện tín – có nội dung là một dấu chấm cảm “!”.

Link mua sách: