“Hoàng tử bé” – tựa gốc “Le Petit Prince” – là một truyện ngắn của viên phi công có biệt danh thân mật trong phi hành đoàn là “thiếu tá Saint-Ex”, cuốn sách ra mắt năm 1943, từ đó làm say mê hàng triệu độc giả trên toàn thế giới.

Tại ngôi nhà The Bevin House ở Long Island, New York, Saint-Ex đã ngày đêm viết và vẽ minh họa cho “Hoàng tử bé”, với sự trợ giúp của bánh kẹp trứng trộn, gin, tonic, coca cola và thuốc lá.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Cho đến nay, tác phẩm đã được dịch sang 257 ngôn ngữ (theo Le Parisien) và đã bán được hơn 200 triệu bản, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại. Truyện còn được dùng như tài liệu học ngoại ngữ cho người mới bắt đầu.

Đọc thêm:

Review-Hoang-tu-be
Ảnh: little.whale.52hz

Chuyến du hành tha hương.

Truyện kể về chàng phi công gặp nạn ở sa mạc Sahara vì động cơ máy bay bị hỏng, khi đối diện với khả năng sống sót rất thấp, anh gặp gỡ một người trẻ kì lạ với mái tóc vàng – không phải một người đàn ông trưởng thành cũng không phải một cậu bé. Chàng phi công gọi đó là hoàng tử bé.

Chuyện dần dần được hé lộ, hoàng tử bé đến từ tiểu hành tinh B612 xa xôi, nơi có hai núi lửa đang hoạt động và một núi lửa đã tắt, ở đấy cậu sống một mình cùng với một bông hồng đỏm dáng. Bông hồng mà cậu nâng niu chăm sóc cũng là nguyên nhân khiến cậu buồn khổ đến nỗi phải trốn chạy theo chuyến di trú của một đàn chim trời.

Cậu đi qua 6 tiểu hành tinh, và lần lượt gặp một ông vua không có thần dân, một ông hợm hĩnh thích được hoan hô, một ông nát rượu uống để quên đi nỗi xấu hổ vì uống, một ông nhà buôn mở tài khoản sở hữu các vì sao ở ngân hàng, một người thắp đèn rồi tắt đèn liên tục theo mệnh lệnh, một nhà địa lý không bao giờ bước chân ra ngoài để khám phá thế giới.

Hành tinh thứ 7 là Trái Đất, cậu rơi xuống một sa mạc ở châu Phi và chạm mặt ngay thiên thần độc ác của sự chết chóc – một con rắn – giống loài này có thể đưa một kẻ trở về với đất, nơi hắn được lấy ra. Cậu băng qua sa mạc, gặp một bông hoa ba cánh, tầm thường và lãng nhách. Cậu trèo lên một ngọn núi cao, phát hiện ra hành tinh này đã khô khốc lại còn vừa nhọn hoắt vừa sỗ sàng. Cậu băng qua cát, đá và tuyết, thấy một vườn đầy hoa hồng – cậu chạnh lòng bởi đóa hồng trên hành tinh B612 đã nói với cậu nó là bông hoa duy nhất của loài – cậu nằm phục xuống cỏ và khóc. Chính lúc đó cậu gặp bạn cáo của mình với những bài học khôn ngoan và ý nghĩa. Tiếp theo sau người bẻ ghi đang phân chia hành khách và người lái buôn chuyên bán những viên thuốc làm dịu cơn khát, người cậu gặp cuối cùng là chàng phi công nọ.

Chuyến du hành của hoàng tử bé được thuật lại bởi chàng phi công, đọng lại giọt nước mắt và cả những tiếng cười vui tươi của một trí tuệ hồn nhiên như nhất, trong lòng hàng triệu độc giả trên toàn thế giới.

Review-Hoang-tu-be-boi-Reviewsachnet
Ảnh: dreaming_whalien

Một cuốn sách diệu kỳ.

Trẻ em thích “Hoàng tử bé”, vì cuốn sách ngắn, câu chữ đơn giản, lại có nhiều hình vẽ minh họa đẹp mê tơi.

Người lớn thích “Hoàng tử bé”, vì cuốn sách khiến họ nhận ra nhiều bài học vốn đơn giản nhưng hay bị lãng quên.

Mà trong số “người lớn” ấy, lại có nhiều cách nghĩ khác nhau, bởi những góc nhìn khác nhau. Có người rút ra được bài học về nghệ thuật sống, có người ngẫm ra các triết lý kinh doanh, có người suy nghĩ về sự vô thường của vạn vật, lại có người lý giải về bản chất con người và những sự sa ngã trong tâm tính…

Một ý kiến khác, “Hoàng tử bé” là chuyến du hành tha hương của cậu hoàng tử nhỏ, lại được viết trong thời gian tác giả sống lưu vong tại Bắc Mỹ, sau khi chính phủ Pháp đầu hàng Đức Quốc xã, đó là lý do tờ The New Yorker cho rằng “Hoàng tử bé” là một câu chuyện chiến tranh theo đúng nghĩa đen:

“Mọi thứ trong quá trình cuốn sách được viết ra không chỉ liên quan tới sự bắt đầu của cuộc chiến tranh mà còn là “sự thất bại kỳ lạ” của nước Pháp cùng với những trải nghiệm dưới thời chính phủ Vichy khi bị chiếm đóng. Nỗi xấu hổ và khó hiểu của Saint-Exupery về sự thất bại đó đã khiến ông sáng tác nên một câu chuyện cổ tích với những ý niệm trừu tượng trong tương quan đối lập với những tình yêu cụ thể.” (Read Station dịch)

Quả là một cuốn sách diệu kỳ, bởi nó mang đến những kết luận khác nhau cho từng đối tượng khác nhau dưới những góc nhìn khác nhau, mà các đối tượng đó lại trải dài ở mọi lứa tuổi, trong suốt gần một thế kỷ qua.

Victor Hugo – đại văn hào Pháp đã từng nói:“Nếu một nhà văn chỉ viết cho thời đại của mình thì tôi sẽ phải bẻ bút và vứt nó đi.” – Với “Hoàng tử bé”, thiếu tá Saint-Ex đã thành công là một nhà văn viết cho mọi thời đại.

Diệu kỳ là thế, nhưng tựu chung, vẫn sẽ có những bài học từ cuốn sách mà nhiều người đồng tình: Hãy nhìn lại thế giới bằng trái tim, hãy luôn luôn cố gắng trong mọi việc, hãy sống trách nhiệm với các mối quan hệ có trong cuộc đời, hãy tự trải nghiệm chứ đừng chờ được dạy.

Review-Hoang-tu-be-Saint-Ex
Ảnh: mai_chunie

Thứ nhất, hãy nhìn lại thế giới bằng trái tim.

Cáo lông đỏ tiết lộ với hoàng tử bé: “Bí mật của tớ đây. Rất chi là đơn giản: người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim. Con mắt thường luôn mù lòa trước điều cốt tử.”

Nhiều khi những quyết định mang tính trực giác và bản năng lại đem tới kết quả tốt hơn là sự phân tích bằng lý tính. Trực giác tồn tại để giúp con người cân bằng các quyết định, để kết nối bản năng và lý trí.

Điều này thể hiện rõ ở sự khác nhau trong thế giới quan của trẻ em và người lớn.

Trẻ em bởi chưa thu nạp nhiều kiến thức mang tính logic lý tính, nên trực giác và bản năng là cái cốt lõi để trẻ em cảm nhận thế giới xung quanh, khi đó trí tưởng tượng của chúng sẽ được thể hiện rõ rệt.

Như mở đầu câu chuyện, chàng phi công kể về bức tranh năm 6 tuổi của chàng, đó là bức họa con trăn nuốt chửng con voi, nhưng chẳng người lớn nào nhận ra dụng ý của họa sĩ tí hon, mà họ khẳng định rằng đó là cái mũ. Thế là chàng phi công vẽ lại con voi rõ ràng chi tiết trong bụng con trăn, người lớn gọi đó là con trăn hở bụng.

Người lớn sống với bộ óc đã tiếp thu quá nhiều kiến thức suốt quá trình trưởng thành, quyết định của họ đều trải qua cân đo đong đếm với nhiều con số, cái nhìn của họ đôi khi lý trí đến mức thực dụng. Điều đáng buồn là thế giới ngày càng quay cuồng thay đổi, người lớn chạy theo guồng quay này, nhiều lúc những quyết định mà họ tưởng là lý tính đã bị “công cụ hóa” bởi thế giới điên cuồng ngoài kia.

Những người mà hoàng tử gặp trong cuộc hành trình đến Trái Đất đều là những con người sống như công cụ. Nào là doanh nhân, địa lý học, và thậm chí người thắp đèn đáng thương… Họ đều trở thành những nghề nghiệp của chính họ và không thấy được ánh sáng của những vì sao. Họ trở nên ưa áp đặt và thích phán xét người khác, hay khoác lác để được tán dương, rồi rầu rĩ mua say để quên đi thực tại, đôi khi theo đuổi những thứ không đâu vào đâu…

Người lớn ảo tưởng với mỹ từ “trưởng thành” nên tự cho rằng mình biết rất nhiều, nhưng thực ra, họ-không-biết-rằng-họ-không-biết-cái-gì. Đó là lý do, trẻ con hiểu những điều giản đơn mà người lớn không hiểu.

Thế giới mưu toan làm con người trở nên mù lòa trước những sự vận hành của nó. Con người, cần nhìn lại thế giới lại một lần nữa, cần đặt mình ở nhiều khía cạnh khác nhau khi đánh giá một vấn đề, và, cần dùng trái tim để cảm nhận.

Thứ hai, hãy luôn luôn cố gắng trong mọi việc.

Hoàng tử bé có nhắc đến sự sinh sôi nảy nở nhanh chóng của một loài cây mang tên bao báp. Nếu như lưu tâm quá muộn, cây bao báp sẽ bành trướng và đâm rễ cho thủng luôn cả hành tinh B612 của cậu.

Bởi vậy, nề nếp hằng ngày của hoàng tử bé là sau khi vệ sinh buổi sáng cho mình xong, cậu sẽ làm vệ sinh kỹ lưỡng cho cả hành tinh nữa. Biến việc nhổ cây bao báp và nạo vét các núi lửa cả đang hoạt động và đã tắt, thành việc đương nhiên như việc vệ sinh cá nhân hằng ngày, hoàng tử bé dạy cho con người bài học về nỗ lực trong công việc, theo chân lý mà cậu thường nói: “Ai mà học được chữ ngờ!”.

Cây bao báp giống như phép ẩn dụ về những thói hư hoặc khó khăn trong cuộc đời con người. Lúc mới đầu chúng cũng là cây non như cây hoa hồng thôi, nhưng nếu bỏ mặc để chúng lớn lên, chúng sẽ đâm thủng cả hành tinh. Nếu những thói hư tật xấu, những khó khăn chướng ngại trong cuộc sống hằng ngày, con người không phát hiện ra và xóa sổ chúng đi, chúng sẽ nhanh chóng bành trướng và gây nên thiệt hại khôn lường. Ai mà biết được chữ ngờ?

Vậy nên, hãy luôn luôn cố gắng trong mọi việc, hãy biến những thói quen tốt và những việc cần làm giống như việc vệ sinh cá nhân hằng ngày vậy, thì con người sẽ dọn sạch cho tương lai đầy tươi sáng của mình.

Thứ ba, hãy sống trách nhiệm với các mối quan hệ có trong cuộc đời.

Cáo bảo: “Chính là cái thời gian cậu đã tiêu phí vì bông hồng của cậu, cái thời gian ấy nó làm cho bông hồng đó trở nên quan trọng đến như thế.”

Review-sach-Hoang-tu-be
Ảnh: blue_dragonfly611

Hoàng tử bé đã mong ngóng biết bao khi bông hồng còn là nụ hoa, rồi ngày ngày cậu tưới nước, chiều chiều úp lồng kính chắn gió, cặm cụi bắt từng con sâu, kiên nhẫn ngồi nghe than thở, tán hươu tán vượn, đôi khi cả im lặng nữa…. Đóa hồng là duy nhất đối với cậu, nàng không hề giống những bông khác trong rừng hoa dưới Trái Đất. Nàng khác biệt, vì hoàng tử bé đã dành thời gian cho nàng, nàng cũng dành thời gian cho cậu, tình cảm đó là sự vun đắp, sự “thuần hóa” đến từ hai phía.

Khái niệm “thuần hóa” mà Saint-Ex đã để bạn cáo định nghĩa, vô cùng đúng sáng. Thuần hóa tạo nên những mối liên hệ để hai đối tượng cần đến nhau, và có trách nhiệm với nhau. Người ta chỉ hiểu những gì người ta đã thuần hóa. Và việc thuần hóa, phải dành nhiều thời gian cùng công sức, làm hàng ngày, kiên nhẫn, dịu dàng, từng chút một.

Trách nhiệm sinh ra bởi mối quan hệ của hai hoặc nhiều đối tượng, mối liên hệ ràng buộc đó sẽ khiến mỗi đối tượng thấu hiểu và nhận thức được vai trò của mình trong thế giới.

Con người sinh ra đã có sẵn vài mối quan hệ trong đời, đó là mối quan hệ với người thân trong gia đình – với cha, với mẹ, với anh, chị, em, sau này có thêm vợ/chồng, con cái –  những mối quan hệ đáng quý nhất, cần trân trọng cũng như cần có trách nhiệm nhất.

Càng gia nhập xã hội, sẽ có nhiều mối quan hệ được kết nối thêm và mở rộng ra. Con người ngày nay chạy đua để có những mối quan hệ thuận lợi cho chuyện làm ăn, để rồi quên đi gia đình mới là điều quý giá nhất. Nhiều khi nhận ra thì đã muộn. Hãy sống trách nhiệm với các mối quan hệ có trong cuộc đời, đặc biệt là gia đình.

Thứ tư, hãy tự trải nghiệm chứ đừng chờ được dạy.

Nếu không có chuyến du hành, hoàng tử bé sẽ ở mãi trên tiểu hành tinh nhỏ bé của cậu, sẽ mệt mỏi bởi hoa hồng điệu đà mà chẳng hiểu lý do, sẽ chẳng có con cừu nào để diệt sạch lũ cây bao báp con, sẽ không biết những hành tinh khác như thế nào, sẽ không quen bạn cáo, sẽ không quen chàng phi công, sẽ không khóc bởi những phát hiện chạnh lòng, và sẽ không cười hồn nhiên như vì sao lấp lánh… Sẽ, không có gì cả.

Đối với chàng phi công, cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và nhiều tiếc nuối. Nhưng về sau, mỗi khi chàng ngắm bầu trời đêm, vì hoàng tử bé đang sống trên một trong các vì sao, và vì hoàng tử bé đang cười trên một trong các vì sao, vì vậy mà với chàng, cả một bầu trời sao đang cười. Chàng sẽ vui vì điều đó, chàng sẽ nhớ tới bạn của mình và mỉm cười.

Đi và khám phá sẽ cho mỗi người trải nghiệm trong từng chuyến hành trình, không quan trọng là đích đến ra sao. Điều đáng giá hơn lý thuyết suông là những gì trải qua, những bài học và những suy ngẫm mà bản thân tự mình lĩnh hội được.

Đôi nét về cuộc đời tác giả “Hoàng tử bé”.

Tên đầy đủ là Antoine Marie Jean-Baptiste Roger de Saint-Exupéry, thường được biết tới với tên Antoine de Saint-Exupéry hay gọi tắt là Saint-Ex, không chỉ là nhà văn nổi tiếng, ông còn là một phi công giỏi người Pháp.

Saint-Ex sinh ngày 29/6/1900, mất tích ngày 31/7/1944. Vụ mất tích trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của lịch sử văn chương và hàng không Pháp.

Sau 63 năm, bí ẩn được giải mã. Theo kết quả điều tra cuối cùng được ghi lại trong cuốn “Saint-Exupéry, l’ultime secret” (Saint-Exupéry, bí mật cuối cùng) do Nhà xuất bản Rocher phát hành ngày 20/3/2008, máy bay của Saint-Exupéry bị bắn rơi bởi Horst Rippert – một phi công người Đức.

Viên phi công già thú nhận: “Hồi nhỏ, khi còn đi học, tôi đọc rất nhiều và vô cùng ngưỡng mộ những cuốn sách của ông. Ông biết rõ làm thế nào để miêu tả bầu trời, suy nghĩ và những cảm nhận của người phi công. Tác phẩm của ông đã đưa nhiều người chúng tôi đến với nghề bay. Thế rồi người ta nói với tôi rằng, người tôi bắn chết chắc chắn là Saint-Exupéry. Thật là một tai họa. “Mình đã làm gì thế này?” – tôi tự hỏi mình như vậy.”

“Nếu tôi biết đó là nhà văn, tôi sẽ không bao giờ nổ súng!”, Rippert nói thêm.

Do mất tích khi mới 44 tuổi và cũng đã dành phần lớn thời gian cho các chuyến bay, gia tài văn chương của Saint-Ex không nhiều, nhưng đa phần đều đặc sắc. Tác phẩm của ông tập trung vào đề tài phi công hoặc lấy cảm hứng từ những chuyến bay của chính mình.

Ngoài “Hoàng tử bé”, Saint-Ex cũng đã từng xuất bản nhiều cuốn sách viết về nghề phi công như: L’Aviateur (Người phi công), Vol de Nuit (Bay đêm), Pilote de Guerre (Phi công thời chiến)…