Là một tác phẩm thi ca tiêu biểu của văn học lãng mạn, trong đó có tài hoa chí hướng, có hoài bão nhiệt huyết, có gièm pha oan khuất, có tâm sự sầu não, có thần thoại tráng lệ, có bi ai triền miên, có anh hùng thoái chí… “Ly tao” của Khuất Nguyên giữ địa vị bất hủ và cao quý trong nền văn học Trung Hoa.

Ảnh Nhã Nam Ly tao reviewsachonly
Ảnh: Nhã Nam

Tác phẩm thuộc thể loại phú, ra đời vào thời Chiến Quốc, được đánh giá là bài thơ nổi tiếng và xuất sắc nhất trong tuyển tập thi ca “Sở từ” của Khuất Nguyên.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Là một bài thơ cổ, “Ly tao” trở thành nan đề dịch thuật. May mắn thay, năm 1944, nhà văn, nhà báo, nhà cách mạng Nhượng Tống đã chuyển ngữ “Ly tao” một cách tài tình, khiến bản tiếng Việt cũng thành một thiên tuyệt bút.

Đọc thêm review tác phẩm thi ca:

Thiên trường ca đầu tiên trong lịch sử văn học Trung Quốc.

“Trước Khuất Nguyên, Trung Quốc không có nhà thơ nổi danh nào khác và bản thân trường thiên “Ly tao” đã công bố sự ra đời bài thơ trữ tình đầu tiên của thi ca Trung Quốc.”

(Trương Thục Hương | Trữ tình bản thân nguyên hình – Khuất Nguyên cùng “Ly Tao”)

Dựa theo ấn phẩm “Sở từ” của Khuất Nguyên, Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1974, Đào Duy Anh cùng Nguyễn Sĩ Lâm dịch và chú thích, thì “Ly tao” có tổng cộng 2.477 chữ với 373 câu thơ.

Có thể chia “Ly tao” ra thành năm phần. Phần một giới thiệu về thân thế và khoảng thời gian mà Khuất Nguyên làm quan đại thần nước Sở, rồi bị kẻ gian nói xấu, cuối cùng vì thế mà thoái ẩn. Phần hai tự thuật về ý chí muốn chu du tứ phương, nhưng bị Nữ Tu phản đối và khuyến cáo, rồi gặp vua Thuấn mà bày tỏ nỗi lòng. Phần ba kể về việc du ngoạn tứ phương, trên trời dưới đất để tìm kiếm mỹ nữ nhưng rốt cuộc không tìm được người ưng ý. Phần bốn là tâm trạng rối bời của Khuất Nguyên, đã tìm đến Linh Phân và Vu Hàm để thỉnh giáo nên đi hay ở. Phần cuối nói về việc tác giả lại một lần nữa lên đường chu du, nhưng lòng không đặng mà nhớ quê nhà, nên đã quyết định kết thúc chuyến hành trình.

“Ly tao” là thơ, nhưng cũng là một câu chuyện dài theo lối tự truyện, lại lồng vào những tình tiết thần thoại tráng lệ, chứa đựng nhiều ý tưởng hoa mỹ… cuối cùng làm bật lên lòng yêu nước rất đỗi bất lực của người sĩ phu.

Bậc trung quân bất đắc chí.

Tác giả gần như là chậm rãi, tự thuật về thân thế, tài hoa, chí hướng, sau đó là sự nghiệp đầy nỗi gập ghềnh nghịch cảnh của bản thân.

Khuất Nguyên ôm tấm lòng tận trung báo quốc, cống hiến hết thảy tài năng, nhãn lực và đức độ của mình nhằm dốc lòng phò trợ Sở Vương với lí tưởng giúp vua xây dựng một nước Sở hùng mạnh. Ông khích lệ Sở Vương học theo những tấm gương trị quốc của các đấng minh quân đi trước. Ông đưa ra chính sách cải cách. Ông vạch trần bọn sâu mọt và tham quan trong triều.

Dẫu ban đầu hết mực tin yêu và trọng dụng Khuất Nguyên, nhưng về sau Sở Vương nghe lời gièm pha của bọn tiểu nhân ganh ghét hãm hại mà dần xa lánh Khuất Nguyên.

Để rồi bậc trung quân ái quốc rơi vào cảnh bất đắc chí. Hoài bão vẫn còn đó, cốt cách sẽ không từ, dẫu oan khiên nghịch cảnh, ông quyết chí duy trì tiêu chuẩn đạo đức của mình, không khoan nhượng, không đánh đồng bản thân với lũ người ưa luồn cúi nịnh bợ.

“Thà cho sống đọa thác đày,
Lòng ta không nỡ để lây thói thường!”

“Ly tao” trút hết tiếng lòng bi phẫn đến tuyệt vọng của một bậc kỳ tài nhưng thất thế, cũng là nỗi bất lực của kẻ sĩ phu khi chẳng thể nào vơi đi tình yêu quê hương đất nước, dẫu ngao du thiên giới cũng nặng lòng mà hạ xuống trần ai.

Sức ảnh hưởng của một thiên trường ca bất hủ.

“Ly tao” là một tác phẩm kinh điển trong kinh điển của thi ca Trung Hoa, cả về bề dày lịch sử, lẫn nội dung, chủ đề, phong cách. Bài thơ có sức hút mãnh liệt đối với văn nhân hậu thế.

“Ly tao” truyền cảm hứng cho các bài thơ thuộc thể loại du tiên và khuê oán.

Vào thời cận đại, “Ly tao” có khi được dùng để tưởng niệm các nhà cách mạng hy sinh vì nước.

Theo Bách khoa toàn thư, sau năm 1949, Khuất Nguyên được đông đảo người Trung Hoa kính trọng như một anh hùng văn hóa và tấm gương chính trị, Quách Mạt Nhược tán dương “Ly tao” ngoài mang trong mình chủ nghĩa lãng mạn còn mang chủ nghĩa hiện thực. Chu Dương tuyên bố “Ly tao” của Khuất Nguyên biểu lộ “nỗi lòng nhớ tổ quốc cùng ý chí yêu quý nhân dân, tinh thần thù hằn và hùng tráng, nhờ sự tưởng tượng về cái đẹp mà trở thành kiệt tác chiếu sáng thiên cổ”. Mã Mậu Nguyên gọi “Ly tao” là “ngọn hải đăng rực rỡ, rọi sáng con đường phát triển của thơ ca Trung Quốc từ 2.000 năm nay”. Học giả Từ Chí Khiếu cho rằng “Ly tao” có thể sánh ngang với “Thần khúc” của Dante Alighieri.

Mặt khác, theo Chiêu Minh văn tuyển, “Ly tao” được truyền bá vào Nhật Bản dưới thời kỳ Nara. Tại châu Âu, “Ly tao” được dịch sang tiếng Đức, Pháp, Anh, Ý, Nga, Hung…

Bên cạnh đó, giới mộ điệu Việt Nam hẳn cũng không xa lạ gì với từ “ly tao”, bởi nó xuất hiện trong không ít các tác phẩm văn thơ, đặc biệt là thơ, chẳng hạn trong “Cây đàn muôn điệu”, Thế Lữ có viết:

”Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể
Mượn lấy bút nàng Ly Tao tôi vẽ
Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca.”

Hay Lưu Trọng Lư có hẳn một truyện ngắn mang tên “Ly Tao tuyệt vọng”.

Dường như “Ly tao” vừa truyền cảm hứng sáng tác, vừa là đối tượng gửi gắm tâm sự và bộc bạch nỗi niềm của các bậc văn tài.

Có thể nói rằng, vượt qua biên giới Trung Hoa, thiên trường ca bất hủ “Ly tao” của Khuất Nguyên đã có nhiều ảnh hưởng sâu rộng đến văn học thế giới.

Hiểu thêm về Khuất Nguyên.

Khuất Nguyên (340 TCN – 278 TCN), tên thực Bình, biểu tự Nguyên, lại có biệt tự Linh Quân, là một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng thời Chiến Quốc thuộc nước Sở trong lịch sử Trung Quốc.

Ông học rộng, trí nhớ tốt, giỏi về chính trị, lại có tài văn chương.

Đến cuối đời ông bị đày ra Giang Nam. Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống tại thời đục, suốt ngày ca hát như người điên, rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn.

Khuất Nguyên cũng chính là nhân vật trong sự tích tết Đoan Ngọ (Đoan Dương). Theo truyền thuyết này, để tưởng nhớ về con người và cái chết bi ai của ông, hàng năm người ta tổ chức vào ngày mồng năm tháng năm là ngày tết Đoan Dương ở Trung Quốc và một số nước khác ở Châu Á.