Là cuốn tiểu thuyết thiếu nhi đầu tay của tác giả trẻ Phát Dương, 100 cửa sổ như đã mở ra 100 thế giới phong phú, muôn màu của nội tâm trẻ thơ với trọn vẹn sự hồn nhiên, trong sáng, dễ thương, dịu ngọt, giàu yêu thương, giàu mơ mộng, tưởng tượng nhưng lại rất mực mạnh mẽ, kiên cường. Trước thế giới thực tại còn nhiều gian khó và trước thế giới người lớn còn lắm những phức tạp mà trẻ nhỏ, chưa thể hiểu hết.

100 ô cửa sổ

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
Sáng tác thiếu nhi, tạo dựng lên từ bút pháp hiện thực huyền ảo

Chuyện kể rằng, một con virus quái ác hoành hành, dịch bệnh bùng phát và ngày một căng thẳng khiến ba má cô bé Việt Trinh buộc phải gửi cô con gái 13 tuổi của mình tới nhà bà nội, một “phù thủy vĩ đại nhất thế gian”, để tham gia công tác chống dịch. Sợ hãi, âu lo, vùng vằng, cự tuyệt khi nghĩ tới viễn cảnh phải sống cùng một thời gian với người bà khó tính và bí hiểm, Việt Trinh mang tất cả tâm trạng đó đến “Lâu đài của phù thủy mạnh nhất thế giới.” Nhưng cuối cùng, chính tình thương và sự “bí hiểm” của bà nội lẫn lâu đài bà sinh sống, đã cuốn hút Trinh. Để Việt Trinh khám phá tới tạm quên đi những ngày tạm xa ba má, để cô bé, lần đầu bước vào con đường “kinh doanh” với 100 ô cửa sổ thông tới những chiều không gian nhiệm màu cùng cậu bạn tên Tính, cô bé mới quen.

Bằng bút pháp hiện thực huyền ảo, quyện hòa vào văn phong linh hoạt, tự nhiên, quả thực, Phát Dương đã khắc họa lên một không gian cổ tích nhiệm màu bên cạnh một không gian hiện thực khắc nghiệt vẫn luôn hiện hữu. Để với phần cổ tích, thế giới phép thuật vừa xa lạ, mà cũng thật quen thuộc trở nên sống động trên trang văn. Vẫn là đó, “phù thủy” cùng những điều diệu kì họ tạo ra. Nhưng cách Phát Dương khai mở trường liên tưởng, cho những điều diệu kì đấy, một sinh mạng sống, một hiện hình cụ thể, lại là sáng tạo riêng của cậu, về thế giới phù thủy, có góc khuất hắc ám nhưng cũng tồn tại cả những tạo vật rất mực dễ thương. Như chính tuổi 13 của cô bé Việt Trinh chăng, hồn nhiên, vô tư mà quẩn quanh tâm hồn, vẫn có nỗi buồn, băn khoăn bâng quơ tuổi mới lớn.

Và nếu yếu tố huyền ảo biến tiểu thuyết 100 cửa sổ tựa câu chuyện cổ tích đa sắc màu của tuổi thơ thì yếu tố hiện thực, đưa cuốn sách này trở về với cội căn của văn chương, là thực tại đời sống. Mặc cho, xuyên suốt tác phẩm, tác giả đã để ngòi bút đi tới, vô cùng vô tận, chiều không gian tưởng tượng đa sắc, đa diện. Hiện thực đó, diễn ra trên trang văn 100 cửa sổ, dẫu Phát Dương không trực tiếp chỉ rõ định danh thì từng câu chữ, mỗi đoạn văn cậu đề cập tới “con virus quái ác” đều như mang theo hơi thở kí ức về tháng ngày gian khó nước ta đang căng mình chống đại dịch Covid-19. Ở đó, có những gia đình như gia đình bé Trinh, phải tạm xa cách để người lớn đi chống dịch. Ở đó có những khu cách li khiến người thân của nhau mà không thể gặp được nhau. Ở đó, có cả những khắc nghiệt, mất mát tác giả đã không né tránh ngay chính trong cuốn truyện thiếu nhi cậu viết lên.

Huyền ảo và hiện thực, con chữ và hình ảnh, hết thảy, đưa 100 cửa sổ, trở thành cuốn truyện thiếu nhi đậm sắc viễn tưởng mang hơi thở thời đại cùng những triết lí nhân sinh, giản dị mà đáng trân quý.

100 cửa sổ

Thế giới trẻ thơ sau những con chữ

Tuy nhiên, dù huyền ảo hay hiện thực, dù đi cùng triết lí lẫn hơi thở thời đại, thì trước hết, tiểu thuyết 100 cửa sổ vẫn là một cuốn sách thiếu nhi với tất thảy sự trong trẻo nhất. Tác giả trẻ Phát Dương đã tỏ ra là một người nắm bắt khá rõ tâm lí của trẻ nhỏ, những đứa trẻ vẫn tuổi ăn tuổi lớn đang dần trưởng thành trên từng trang viết.

Một cô bé mười ba tuổi, chớm tuổi dậy thì với mọi mâu thuẫn nội tâm. Cùng một cậu bé bằng tuổi đồng hành hoạt bát, thông minh lém lỉnh. Chúng là những đứa trẻ hồn nhiên nhất, xây dựng tình bạn trên nền tảng tình cảm trẻ thơ vô cùng thuần khiết, khi chúng khát khao tự lập, mong mỏi ngày trở thành người lớn song vẫn gọi nhau bằng những biệt danh ngốc xít như “Vịt Chiên.” Chúng hiếu kì, tò mò trước mọi thứ mới mẻ xung quanh kể cả khi người lớn đã cảnh báo. Song cũng chính những đứa trẻ vô tư ấy, lại có những khoảnh khắc quá đỗi nhạy cảm. Chúng giàu lòng thấu hiểu, tình yêu thương và sự quan tâm. Chúng dễ buồn, dễ khóc, dễ giận hờn vu vơ nhưng cũng hết sức kiên định và dũng cảm với mỗi lựa chọn, hành động chúng đưa ra.

Tuy vậy, mặc cho tụi nhỏ có chín chắn, trưởng thành hơn tuổi thật tới đâu, thì bên cạnh hành trình chúng khôn lớn, vẫn luôn có bóng hình người lớn đồng hành để những đứa trẻ, không đi sai đường, để lặng thầm bảo vệ những đứa trẻ vẫn còn non nớt. Cùng với đó, chính lũ nhỏ cũng không thể vượt thoát được các mối quan hệ, mâu thuẫn phức tạp của người lớn xung quanh. Người lớn ấy, vừa là người nâng đỡ, chở che; vừa là những kẻ sẵn sàng cuốn tụi nhóc vốn trong sáng, ngây thơ vào vực sâu nguy hiểm vì mục đích ích kỉ, ti tiện của mình. Và trận chiến cuối cùng, xuất hiện tựa một lẽ tất yếu sau tất thảy bí ẩn ẩn giấu, cả sự chuyển giao thế hệ vậy.

Phát Dương chắc tay, khai triển câu chuyện tự nhiên với mọi chiều kích, trường liên tưởng mạnh mẽ từ cả hai phía người lớn – trẻ nhỏ. Không có bất cứ nhân vật nào trên trang sách cậu viết, là nhân vật thừa. Thực tại, tưởng tượng đan xen làm nên một câu chuyện huyền ảo đẹp như giấc mơ con trẻ. Bởi, có lẽ đứa trẻ nào chẳng từng một lần mơ về những vật dụng như “Thảm Mai”, đồ vật như chiếc đồng hồ “Bà Tám”, con vật lạ kì như “kẹo Bò Sữa”, “Bột Nếp Than”… cùng đủ mọi phép thuật nhiệm màu hiện hình trong “lâu đài của phù thủy mạnh nhất” mà cô bé Trinh và người bà phù thủy mạnh nhất thế giới sở hữu. Vì chẳng phải, tuổi thơ ai chẳng từng mơ về 100 cửa sổ, mở tới 100 chiều không gian khác nhau. Và trong giấc mơ đó, đứa trẻ nào chẳng từng mang cả khát khao chiến đấu trước quái vật, giải cứu thế giới?

Với 100 cửa sổ, Phát Dương như mở ra ô cửa sổ thứ 101 từ hiện thực, phóng chiếu về quá khứ, từ thế giới người trưởng thành, phóng chiếu về thế giới trẻ nhỏ. Để độc giả, có lẽ sẽ giật mình nhận ra, dường như, trong tâm hồn ta, dẫu có khôn lớn, ai chẳng mang một phần hình hài con trẻ với đủ đầy khát khao, mơ mộng đẹp và dịu ngọt nhất.

Mọt Mọt