Sinh nhật thứ 90 ta làm gì? Quây quần bên gia đình và con cháu? Chia sẻ kỷ niệm với người thân? Đi thăm một địa điểm có giá trị nhất với bản thân? Với Marquez, nhân vật bất hạnh của ông trải qua sinh nhật năm 90 tuổi không gia đình, không vật nuôi, người ông quen biết lâu năm nhất là mụ tú bà Rosa, và địa điểm duy nhất giúp ông cảm thấy mình may mắn còn sống là một nhà thổ. Ở tuổi này, ngay cột mốc này, xúc cảm thời trai trẻ mãnh liệt hơn bao giờ cả.
- Lolita : Tình yêu quỷ ám, rực cháy và rỉ sét – Một tác phẩm điên rồ của Vladimir Nabokov
- [Mạc Ngôn] Báu vật của đời – Số phận người phụ nữ Trung Hoa đau thương nhưng vĩ đại
Những năm đầu đời ta là ai? Có thể là nhóc nhà Buendia có khả năng làm nồi nước cháy mà không cần lửa, có thể là đứa con nhặt tên Rebeca, thích ăn đất và mút ngón tay. Lên 10 tuổi, ta có thể là bất kỳ ai ở làng Macondo cháy khô vì nắng đỏ hoặc ngoắc ngoải trong cơn mưa như trút. Từ đó đến năm 20 tuổi, trong một ngày gió biển thổi mạnh và hàng cọ ven đường mệt mỏi với kiếp cỏ cây, tình yêu chợt đến với ta khi thấy bóng Fermina ngồi đọc sách, rồi từ đó hình ảnh nàng trong gió chiều day dứt đến những năm ta thổi cái bánh sinh nhật với 50 ngọn nến.
Rồi, ở tuổi 50, bị kịch khác bắt đầu hay sự sống thứ hai nảy nở?
Đó là sơ lược những nhân vật kinh điển làm tên tuổi Gabriel Garcia Marquez trở nên bất tử. Bất tử như tất cả các mối tình sầu thảm mà họ mang theo mình cho đến khi xương cốt hóa thành những bó hoa.
Với Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (Memories Of My Melancholy Whores), lối viết vẫn rất “Marquez”; câu văn dài, vô số tính từ kèm vài trạng từ trong cùng câu. Với bậc thầy về văn hồi tưởn như ông, liệu pháp kể chuyện với thời gian xen kẽ là văn phong đặc trưng. Các lời thoại không nhiều, có lẽ vì khi sống được gần thế kỷ, ký ức chân thực nhất còn sót lại là cảm giác, cảm xúc chứ không phải câu từ. Điều nổi bật nhất của Hồi Ức Về Những Cô Gái Điếm Buồn Của Tôi so với các tác phẩm khác là việc tác giả dùng ngôi thứ nhất. Vì đó là Hồi Ức?
Nhân vật trong truyện ít số ngón tay của người đọc, với ba cái tên nổi bật: Tôi, tú bà Rosa, và Delgadina – người tình (nhiều đêm) của tác giả. Sẽ không có gì đáng nói nếu cô không phải là cô bé 14 tuổi. Sáng đi làm nuôi gia đình (theo lời Rosa) và tối ngủ cùng tác giả, theo sự sắp xếp cũng của Rosa.
Người đọc văn của Marquez chỉ có đúng hai dạng: Một xem văn của ông quá trần trụi và tục tĩu, lại dài dòng khó hiểu. Dạng thứ hai thì ngưỡng mộ trí tưởng tượng, sự chân thật từ ngòi bút của ông, và thở dài trước cái ngây ngô, vô tư với tình yêu, dù ở bất cứ độ tuổi nào. Điển hình? Aureliano mối tình hoạn lạc với dì mình trong Trăm Năm Cô Đơn (One Hundred Years Of Solitude), Ariza ngại ngùng đi thuyền cùng Fermina ở tuổi 70 trong Tình Yêu Thời Thổ Tả (Love In The Time Of Cholera). Và, cô bé 14 và lão 90 trong cuốn Hồi Ức này.
Nhân vật Tôi ở tuổi 90 trong ngày sinh nhật mình có gì? Một cái bánh không có nến vì không thể nhét vừa 90 cây nến, một chiếc quần lót đầy dấu son môi được các cô đồng nghiệp tặng như một lời giễu cợt, một lá thư từ chức, một mình trong căn nhà mà ông sinh ra, lớn lên mà chưa từng xem là nhà, chỉ là nơi ông đến sống và chết đi. Và ông muốn chết trên chiếc giường mình sinh ra.
Sau sinh nhật tuổi 90, nhân vật Tôi có gì? Một mối tình không chỉ bỏng tim ông mà còn bao nhiêu thanh niên khác. Nó đốt nóng tâm can ông đến độ ông chỉ mong đến mỗi đêm để được gặp cô. Còn ngày, ông đem cảm xúc đó vào chuyên mục thơ tình của mình để rồi bao nhiêu độc giả trẻ nhấn chìm tòa soạn với thư hồi đáp bằng đường không- một ngành ra đời sau ông gần nửa thế kỷ.
Còn về Delgadina, nàng là ai, tên thật là gì? Chỉ biết nàng làm việc này chỉ vì tiền, dù vào mỗi sáng nàng đều trả lại vì cảm thấy không hoàn thành công việc. Nàng không biết đọc và viết, cung Nhân Mã, và nữ thần Sahibi phán rằng nếu nghe theo trái tim chứ không phải khối óc, nàng sẽ sống sung túc.
Tú bà Rosa là ai? Là tú bà, hiển nhiên, nhưng còn là người “suốt 20 năm qua luôn giày vò” vì tác giả. Và cũng như ông, bà cô độc đến cuối đời. Một sự cô độc của người dành cả đời móc nối cho cả nghìn mối tình của người khác.
Tuổi 50 có lớn không? Không hẳn lớn, cho đến khi ta nhận ra rất nhiều người trẻ hơn mình.
Tuổi 60? Tương đối lớn, và đặc biệt căng thẳng vì ta không cho phép mình mắc sai lầm nữa.
Tuổi 70 đáng sợ, vì lúc nào cũng có thể là những ngày cuối cùng của ta.
Tuổi 80? Cảm xúc quay ngược lại, người vợ hụt của ta thậm chí còn quên mất tên ta, còn kẻ thù đã buông súng từ lâu.
Rồi năm 90, hạnh phúc dâng tràn một buổi sáng sớm tỉnh dậy, Delgadina nằm cạnh mình. Ta đã bỏ thuốc được 33 năm 2 tháng 17 ngày! Cuộc đời không đục ngầu như dòng sông Heraclite, mà đỏ tươi như máu. Dòng máu lưu thông dễ dàng qua huyết quản rồi quay lại trái tim sau khi được tình yêu lọc sạch sẽ!
Đóng sách, dù ở tuổi nào, người đọc cũng có những chiêm nghiệm khác nhau về lý luận của tác giả về tuổi già. Tuổi già đánh ta mạnh nhất khi ta vô tình quên mất sự tồn tại của nó. Và nó dằn vặt ta nhất không hẳn vì quá khứ, mà là những gì ta đang sở hữu, những gì ta sẽ bỏ lại sau lưng, để rồi thời gian tiếp tục cuốn chúng đi. Bỏ lại ta thành quá khứ.
(Lân Trương)