Cũng là “Nguồn cội”, nhưng là “Nguồn cội” của Đan Thy chứ không phải của Dan Brown, và hẳn nhiên, đây không phải là một cuốn tiểu thuyết kinh dị bí ẩn. “Nguồn cội” của Nguyễn Đan Thy (Thy Nguyen) là một tuyển tập những truyện ngắn và thơ, viết về văn hóa và bản sắc cá nhân, về bản dạng văn hóa phức tạp đã từng chênh vênh nhưng linh hoạt tìm cách thoát khỏi vùng u minh, để tự tin hòa nhập.
“Tôi tìm thấy yên bình khi mang hai quốc tịch,
trong đa dạng căn tính, một vẻ đẹp lộ hình.”
Tác phẩm ra mắt độc giả vào tháng 12/2021, do Nhã Nam và NXB Dân Trí liên kết xuất bản, có tên đầy đủ là “Nguồn cội – Chuyện về những người hai quê hương”, nguyên gốc bằng tiếng Anh, dịch giả Trang chuyển ngữ.
Đọc thêm:
- Tiếng chuông gọi người tình trở về – Ngân lên trong vô vọng!
- Người Tị Nạn – Tiếng vọng nơi góc biển.
- Con Đã Về Nhà – Ký họa cách ly dịch Covid-19.
Chuyện về những người hai quê hương.
Nguyễn Đan Thy sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, năm 12 tuổi cô rời Việt Nam sang Mỹ định cư, khởi đầu hành trình trưởng thành với nhiều khó khăn khi đứng giữa hai bản sắc văn hoá đầy khác biệt. Những trang viết trong “Nguồn cội” là tiếng nói từ bên trong cộng đồng những người hai quê hương mong muốn được sẻ chia, được lắng nghe, được đồng cảm và được tôn trọng.
“Nguồn cội” gồm 5 phần lớn, chia ra 14 chương nhỏ chưa kể Lời nói đầu và Lời kết. Bố cục cố gắng phác họa toàn bộ quá trình từ lúc chuẩn bị di dân, bắt đầu định cư, những nỗi sợ, những cảm xúc không yên, tự ti, mất kết nối… đến chấp nhận và hòa nhập. Lần lượt qua từng mẩu chuyện, từng bài thơ, Đan Thy ghi lại trải nghiệm của cá nhân và của những người giống mình.
Họ phải sống và tập hòa nhập vào môi trường mới khi trong lòng mang nặng phức cảm tự ti, nỗi mặc cảm của kẻ sống bám, của loài ký sinh, vì sự khác biệt từ làn da mái tóc đến ngôn ngữ cùng văn hóa, cho tới ngày họ có thể đứng vững trên đôi chân của mình. Ở đất nước văn minh luôn vỗ ngực tự xưng là “Tự do công lý cho tất cả mọi người” đó vẫn tồn tại đầy rẫy người mang định kiến và phân biệt chủng tộc, đỉnh điểm bài ngoại là khi xuất hiện “loài virus châu Á”. Đối với người bản xứ là một trò đùa, một hành động nhất thời, nhưng đối với những người trong cuộc là từng bước bị đọa đày trong luyện ngục văn hóa.
Những nan đề đầy khắc khoải về bản sắc và nhân dạng của người tha hương từng được Giáo sư Viet Thanh Nguyen – nhà văn gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer văn học – khai thác trong tác phẩm “Người tị nạn”. Sẽ rất khập khiễng nếu đặt “Nguồn cội” và “Người tị nạn” lên hai đầu cán cân với mục đích so sánh, nhưng dễ dàng khi xếp chúng vào cùng một đề tài văn chương – viết về nhóm người mang trong mình đa dạng căn tính – sẽ thấy mảnh đất này còn sơ khai và cần nhiều hơn những tiếng nói từ bên trong cộng đồng ấy, như Viet Thanh Nguyen, như Thy Nguyen.
Tiếng nói của một bản dạng văn hóa linh hoạt.
Toàn cầu hóa xoá mờ ranh giới giữa các quốc gia, làm co hẹp khoảng cách địa lý, đẩy nhanh tốc độ biến đổi về cấu trúc kinh tế – chính trị trong quan hệ liên quốc gia, đa quốc gia, kéo theo những chuyển đổi mạnh mẽ về đời sống văn hoá – xã hội của nhân dân khắp thế giới.
Trong thế giới toàn cầu hóa, số lượng công dân toàn cầu – những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau, có thể có một hoặc nhiều quốc tịch – tăng lên nhanh chóng. Theo Báo cáo Di dân Thế giới năm 2020 từ Tổ chức Di dân Quốc tế của Liên Hợp Quốc (IOM), tỉ lệ di dân quốc tế liên tục tăng trong những năm gần đây, ước đoán con số di dân toàn cầu lên đến 272 triệu. Bản dạng hay bản sắc văn hóa bởi vậy mà ít cứng nhắc đi, dần trở nên linh hoạt hơn.
Nhưng để đi từ cứng nhắc đến linh hoạt là cả một quá trình. Và tùy vào mỗi một con người, mỗi một công dân toàn cầu, sẽ có những trải nghiệm, những trăn trở và giằng xé nội tâm rất riêng trong quá trình đó, để đi tìm bản dạng văn hóa của chính mình, để trả lời cho câu hỏi “Bạn là ai? Điều gì làm nên bạn?”
“Nguồn cội” của Đan Thy là đôi mắt từ bên trong cộng đồng, là cảm xúc cá nhân tự thể nghiệm nhưng cũng là câu chuyện của những cuộc đời tương đồng khác.
Tác phẩm là tiếng nói của một bản dạng văn hóa linh hoạt, đã từng phẫn nộ, đã từng chênh vênh, đã từng lạc lõng… và bây giờ cô đã tìm được bình yên và niềm kiêu hãnh cho bản sắc cá nhân của riêng mình.
“Khi người ta hỏi tôi từ đâu đến, tôi nói sự thật, “Tôi sinh ở Việt Nam rồi chuyển đến đây lúc đang học cấp hai. Vậy nên tôi đến từ cả hai nơi – Sài Gòn và Houston.” Tôi tự hào vì mình có hai căn tính. Tôi trân trọng sự khác biệt và đa dạng trong mình. Tôi thấy chỉ nhận mình là người Việt hoặc người Mỹ là không đúng. Tôi chẳng là gì cả, đồng thời tôi lại là cả hai. Tôi là sự pha trộn của những mảnh ghép, tôi là tôi.
Tôi là Nguyễn Đan Thy và tôi cũng là Tee Win, một chút Việt, một chút Mỹ, thoải mái mở bất cứ cánh cửa nào.”
Xét một cách khách quan, từ nội dung đến ngôn từ, “Nguồn cội” của Nguyễn Đan Thy không quá xuất sắc, cũng không thực sự cuốn hút. Nhưng tác phẩm là tiếng nói thiết tha khơi gợi ý thức về sự giao thoa văn hóa, đồng thời khích lệ mọi người trân trọng và ca tụng sự khác biệt, để mỗi người cảm thấy tự hào về chính màu da của mình. Vì vậy, “Nguồn cội” có lẽ đã hoàn thành sứ mệnh.
- Shopee: fwpvGGhE” fwpvGGhE
- Tiki: XUpA8qjs” XUpA8qjs
- Fahasa/: Nft9eY6F” Nft9eY6F