Một câu chuyện lồng chuyện, thực ảo đan xen. Một lối trần thuật trần trụi. Một cuốn tiểu thuyết kỳ lạ với những cảnh tượng thiên nhiên kỳ dị song hành cùng những ham muốn xác thịt điên cuồng của con người. “Châu chấu đỏ” được xem là một trong ba ấn phẩm làm nên “hiện tượng Mạc Ngôn” – nhà văn đoạt giải Nobel Văn học năm 2012.
Xuất bản lần đầu năm 2004 tại Trung Hoa với tựa gốc là “Hồng hoàng”, tiểu thuyết “Châu chấu đỏ” được nhà văn Mạc Ngôn chuyển giao bản quyền cho công ty văn hóa Phương Nam, ra mắt tại Việt Nam năm 2008 do dịch giả Trần Trung Hỷ chuyển ngữ.
Tác phẩm gồm 21 chương dài ngắn khác nhau, có vài chương chỉ dài nửa trang giấy, “Châu chấu đỏ” được kể theo ngôi thứ nhất bởi nhân vật “tôi” có tên cúng cơm là Can Ba.
Đọc thêm review tác phẩm của Mạc Ngôn:
- Cây tỏi nổi giận – Bài ca ngồng tỏi Thiên Đường.
- Cao lương đỏ – Tác phẩm đưa tên tuổi Mạc Ngôn vươn ra thế giới!
- Trâu thiến – Lại không còn là chuyện trâu thiến nữa!
Cuốn sách viết về cái gì?
Đây có lẽ là câu hỏi của nhiều độc giả, cho dù đã đọc xong 273 trang đến khi gấp cuốn sách lại vẫn phải tự vấn, rốt cuộc thì “Châu chấu đỏ” viết về cái gì chứ? Rất dễ để liệt kê ra nhiều chi tiết nhưng khó có thể tóm gọn lại nội dung.
Về thiên tai đại dịch châu chấu hay về vấn đề tính dục của con người? Về một lát cắt lịch sử xã hội thời Trung Hoa Dân quốc? Về một vị giáo sư bên ngoài đạo mạo bên trong thối nát hay về một ả đàn bà thần bí mặc trang phục đen đã giáng cho nhân vật “tôi” hai cái bạt tai? Về một gia đình ông ăn chả bà ăn nem, bắt cảnh thông dâm, bỏ vợ? Về tập tục và cuộc sống của nông dân vùng Đông Bắc Cao Mật? Hay là về gia tộc ăn cỏ tranh đại tiện không thối?
Sự trộn lẫn thời gian giữa quá khứ và hiện tại, sự chuyển mình không gian từ thành thị về nông thôn, sự đan xen giữa hiện thực và ảo tưởng, những trang sách của Mạc Ngôn khiến người đọc bối rối và mơ hồ, nhưng một khi đã tìm hiểu và đào sâu hơn mặt chữ, mỗi người sẽ có được những lý giải tâm đắc cho riêng mình.
Sườn lịch sử.
Trong tác phẩm có hai đợt dịch châu chấu, một xảy ra ở hiện tại khi nhân vật “tôi” từ thành phố trở về quê hương và tận mắt chứng kiến, và một đã diễn ra tròn 50 năm trước.
Tròn 50 năm trước là năm nào? Theo bài “Tế Ba Lạp văn” mà ông Tứ – tộc trưởng gia tộc ăn cỏ vùng Đông Bắc Cao Mật đã đọc, đó là “ngày mười lăm tháng sáu năm Trung Hoa Dân quốc thứ hai mươi tư”. Trung Hoa Dân quốc là nhà nước cộng hòa đã cai trị vùng lãnh thổ Trung Quốc đại lục từ năm 1912 đến năm 1949. Như vậy, năm Trung Hoa Dân quốc thứ nhất là năm 1912, năm Trung Hoa Dân quốc thứ hai mươi tư là năm 1935.
“Châu chấu đỏ” là một cuốn tiểu thuyết và Mạc Ngôn không cố ý đặc tả lại một đại dịch châu chấu có thật nào trong lịch sử, tuy nhiên cái mốc thời gian mà ông gắn vào trong tác phẩm, từ năm 1935 kéo dài 50 năm đến năm 1985, là khoảng thời gian biến động nhất trong lịch sử Trung Quốc, chứng kiến sự thất bại của Quốc Dân Đảng cùng sự thắng lợi của Đảng Cộng sản, trải qua Cách mạng Văn hóa, và bước vào cuộc cải cách kinh tế.
Dựa vào sườn lịch sử 50 năm đầy biến động của Trung Quốc thế kỷ XX, thông qua thảm họa thiên nhiên diễn ra trên vùng quê Đông Bắc Cao Mật do nắng hạn lâu ngày, dưới bề nổi của cuộc tấn công từ nhiên nhiên là bản chất con người trong sự đổi thay của xã hội.
Hiện thực tàn khốc.
Qua lời kể của Can Ba, từ hiện tại ở thành phố với những chuyện mắt thấy tai nghe về những thói xấu hoành hành chốn phồn hoa đô thị ở Trung Quốc trong giai đoạn mở cửa những năm 80 cuối thế kỷ XX; đến chuyện quá khứ trên vùng quê Đông Bắc Cao Mật của gia tộc mà anh phải “chui ra khỏi bụng mẹ” để kịp chứng kiến mà kể lại hết sức sinh động về cảnh tượng khiếp đảm của dịch châu chấu 50 năm trước, về chuyện gia tộc với những tham lam mê muội vì tiền tài, chuyện gia đình ông bà Tứ, ông bà Cửu…
“Lịch sử của một gia tộc có khi lại là lịch sử của một vương triều thu nhỏ; một vương triều hay một gia tộc trong bước đường suy thoái đều có những kẻ dâm ô trác táng, đều có cảnh nồi da nấu thịt, cha con anh em tranh đoạt… nhưng trên bề mặt của nó vẫn cứ là nhân nghĩa đạo đức, thân ái từ nhượng, công bằng nghiêm minh…”
Góc quan sát lột trần những dục vọng, những đố kị khiến con người đánh mất kiểm soát và bước qua lằn ranh thiện ác.
“Châu chấu đỏ” phản chiếu một hiện thực trong cuộc sống, rằng theo thời gian các bộ phận thay đổi, nhưng toàn bộ vẫn giữ nguyên. Dù là 50 năm trước hay 50 năm sau, dù là thành thị hay nông thôn, dù là nơi kỹ thuật phát triển tiên tiến hay vùng quê hẻo lánh hủ lậu đói nghèo… thì bản chất con người với những dục vọng và tham vọng cố hữu vẫn tồn tại.
Bản chất con người.
Câu từ của Mạc Ngôn có những lúc trần trụi chẳng cả nể điều chi:
“Đàn ông đàn bà bị dục vọng, đặc biệt là vấn đề tính dục hủy diệt có đến ngàn vạn. Muôn vàn lời khuyên nhủ đạo đức, muôn vàn hình phạt thảm khốc đều không thể cản trở được con người nhảy vào chiếc đầm lầy màu đỏ của dục vọng và bị bùn lầy màu đỏ làm cho chết ngạt chẳng khác gì loài thiêu thân lao vào lửa. Đây chính là sự thiếu sót lớn nhất của loài người. Con người không nên ngông cuồng cho mình là vĩ đại, tự cho mình là chúa tể của vạn vật. Con người chẳng có gì phân biệt về bản chất với chó mèo, với những con dòi trong hố phân, với những con côn trùng đang chui rúc trong lá mục. Tiêu chí căn bản nhất để phân biệt con người với các loài động vật khác chỉ là: Con người giả dối! Lời nói của con người luôn luôn xung đột một cách sâu sắc với nội tâm.”
Mạc Ngôn viết về những điều thường ngày diễn ra trong cuộc sống, tả một bức tranh màu xám giữa thiện và ác, giữa bản năng và đạo đức… Nhân vật của Mạc Ngôn mang gam màu xám đặc trưng, họ không phải cường hào ác bá, nhưng cũng không chân chất hiền lành.
Ông Tứ tộc trưởng là một điển hình, đó là một thầy lang từng vì lấy được một vị thuốc đông y quý giá mà chẳng quản hiểm nguy đến tính mệnh, cả cuộc đời hành y cứu được nhiều người ấy cũng đã có lúc tham lợi mà chế ra thuốc giả, cũng đã từng tiếp tay thần chết để gạt bỏ một chướng ngại cho cuộc truy hoan. Dẫu cuối đời cũng chẳng ai buộc tội hay lên án, nhưng tiếng nói lương tâm đã cắn rứt ông đến hơi thở cuối cùng.
Màu xám – có lẽ là gam màu sát nhất với bản chất con người, chỉ với những ai đủ liêm khiết, đủ chính trực, đủ thiện lương mới giữ cho mình một tấm lòng vẹn nguyên.