Mở đầu là nỗi buồn của Cải ơi, nỗi đau của anh Hết, Huệ lấy chồng…Từng câu chuyện buồn cứ diễn ra và kết thúc là Cánh đồng bất tận đầy ám ảnh.
Không phải ngẫu nhiên mà Cánh đồng bất tận của cây bút Nguyễn Ngọc Tư nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2006 và giải thưởng văn học Asean 2008. Thực ra truyện ngắn này đã được xuất bản khá lâu (2005) trước khi nó trở nên nổi tiếng nhờ được chuyển thể thành bộ phim cùng tên vào năm 2010, đưa tên tuổi nhà văn sinh năm 1976 này trở nên quen thuộc với độc giả
Những tập truyện buồn đến nao lòng
Tạm bỏ qua nỗi buồn của người đàn ông có đứa con tên Cải bỏ nhà ra đi khiến ông phải tất tả mọi nơi đi tìm, và cuối cùng, ông chọn cách ăn trộm trâu của người ta để rồi cố tình bị bắt, được lên tivi chỉ để phát biểu một câu “Cải ơi, ba nè, về đi con!”.
Tạm quên đi nỗi đìu hiu cô quạnh của một Mút Cà Tha, vùng cù lao cô quạnh với người dân xứ bản địa, nơi mà những đứa trẻ lớn lên không chịu tìm về. Là miền xa xôi hẻo lánh, đến mức một bác sĩ trẻ như Văn được mọi người săn đón vì sợ anh sẽ bỏ của chạy lấy người. Thế rồi cũng như bao con người khác, Văn cũng đã rời bỏ vùng xa xôi này để trở về với khói bụi của thành phố.
Và câu chuyện thứ ba “ở miền quê này người ta nhắc tới anh Hết còn nhiều hơn cả nhắc tên chủ tịch tỉnh đi họp” sẽ làm dậy lòng những người trẻ với một mối tình không thể buồn hơn.
“Họ thương nhau từ lúc hai người mới hai ba, hai bốn tuổi. Thời đó, tuổi đó, người ta thương không nhìn gia cảnh, địa vị. Tuổi đó, người ta yêu không ngại ngần, không e dè, rào cản, họ để lòng tự nhiên như dòng chảy của sông.” Chuyện tình của anh Hết với chị Hoài giản dị và đẹp lạ lùng như vậy đấy. Cớ sao có chuyện anh Hết vì mê cờ mà bỏ người yêu đi lấy chồng, để rồi anh phải khóc chỉ vì trên bàn cờ con Tốt phải qua sông, qua sông là không quay đầu lại được nữa đó…
Quá tam ba bận, với văn phong buồn buồn ấy, Nguyễn Ngọc Tư đưa người đọc vào một khung cảnh u sầu của những mảnh đời héo hon với những tình cảm kiềm chế hết sức. Với những ai đang buồn, đọc những cuốn sách như tập truyện ngắn của nữ nhà văn này sẽ cảm thấy yêu đời hơn. Bởi ít ra, dù không thể vơi đi nỗi buồn bằng một nỗi buồn u sầu hơn, nhưng ít ra sự đồng cảm và sẻ chia là điều không thể bàn cãi.
Cho đến những thông điệp nhân văn sâu sắc
Hiếm có nhà văn nào lại để lại trong lòng người đọc nhiều rung động sâu sắc như Nguyễn Ngọc Tư. Dù những tác phẩm của chị, ở đâu đó phảng phất nỗi buồn hiện thực, thì thông điệp đằng sau tác phẩm đến một người ít am hiểu về văn học nhất cũng có thể nhìn ra. Có lẽ đây chính là điểm cộng cho những tác phẩm của nữ nhà văn này. Những câu chuyện buồn trong cuốn sách toát lên một cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, và trên hết, một sự lạc quan của người kể chuyện cũng không hề che dấu. Với những cái kết luôn mở!
14 câu chuyện ngắn, mỗi một câu chuyện vừa đủ thời gian cho một bạn trẻ đọc lướt khi chờ đợi trong khi nhấm nháp một tách cafe. Hoặc đơn giản là những lời ru nhẹ nhàng cho giấc ngủ ngày cuối tuần. Hoặc với những tâm hồn sâu sắc, thì món quà tinh thần này sẽ không thể hoàn hảo hơn cho một người hướng nội.
Tự hào với bản sắc Nam bộ
Giọng văn của tác giả mang bản sắc của vùng Miền Tây sông nước rõ ràng. Và lẽ dĩ nhiên trong rất nhiều lần của những câu chuyện, miền cù lao chàm, miền sông nước, đảo vắng, vùng biển mênh mông, với những con người sáng tối lấm lem, hay những mảnh đời xa xôi bất hạnh…hiện lên đầy chân thực trong từng câu văn. Những người miền quê ấy, chắc hẳn phải tự hào lắm, khi những địa danh thân thuộc với họ hiện lên trên trang sách, và sau này là trong những thước phim trên màn ảnh.
Cần lắm nhiều nhà văn của người Việt với thêm những tác phẩm đậm chất quê hương như ngòi bút này.
Cánh đồng bất tận
Sẽ thật thiếu sót, nếu không giới thiệu qua về Cánh đồng bất tận, tựa như không nhắc đến Tiếng gọi nơi hoang dã trong tuyển tập truyện ngắn của Jack London vậy. Đây là câu chuyện làm nên tên tuổi của Nguyễn Ngọc Tư kể về số phận của 4 con người ở một cánh đồng vô danh cho một miền quê xa lạ.
Đó là một người đàn bà với số phận làm đĩ, bị người ta vây quanh đánh đập, đánh ghen, giật áo xé váy, thậm chí là đổ cả keo dán sắt vào cửa mình của chị, trôi dạt vào một gia đình ghe nước. Người vô tình cứu chị là hai chị em Điền, với những nỗi buồn mà người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Một người cha với quá khứ đáng quên đã không thể sống bình thường trong hiện tại, cay nghiệt đẩy nỗi buồn sang 2 người con. Để rồi chúng không thể lớn lên một cách bình thường.
“Tôi đành để cha đánh để ông bớt đau lòng. Sau nầy chị em tôi không day dứt chi cho mệt, vì hiểu thấu ra, mình bị đòn chỉ vì là con của má, vậy thôi.”
“Có lẽ vì cuộc sống của họ ngày càng xa lạ với chúng tôi. Họ có nhà để về, chúng tôi thì không. Họ sống giữa xóm chài đông đúc, còn chúng tôi thì không. Họ mơ những giấc mơ đẹp. Còn chúng tôi thì không. Nằm chèo queo, co rúm, chen chúc nhau trên sạp ghe, chúng tôi đánh mất thói quen chiêm bao.”
“Hóa ra chúng tôi không giao tiếp với nhau bằng lời nói nữa”. Thằng Điền cười, “Ủa tụi mình hổng nói tiếng người”.
Người đàn bà làm đĩ đã phải lòng người cha. Và dĩ nhiên ông ta khinh thường, rẻ rúng. Còn Điền lại yêu chị, yêu một tình yêu không thể hiểu nổi. Với 2 đứa trẻ, người chị của Điền và cả Điền nữa, nỗi buồn từ lâu đã làm chai sạn họ, biến họ trở thành những đứa trẻ tự kỷ điển hình. Giao tiếp bằng cảm giác, không còn bằng lời nói. Có nỗi đau nào buồn hơn thế.
Câu chuyện kết thúc với việc người chị làm đĩ bỏ đi. Thằng Điền dáo dác đi tìm, và cũng một đi không trở lại nữa. Ông bố đã bắt đầu biết quan tâm hơn tới người chị của Điền. Nhưng rồi chị Điền bị “những đứa trẻ tên Hận, tên Thù, mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi” cưỡng hiếp….
Gập lại cuốn sách, một khoảng buồn hiện ra. Nhưng cũng giống như những tác phẩm buồn kinh điển khác của mình, Nguyễn Ngọc Tư luôn để lại cho họ một lối thoát. Nói đúng ra, đó là một cái kết mở!
“Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ, hay Dịu, Xuyến, Hường…Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn.”
Vài nét về tác giả Nguyễn Ngọc Tư
- Blog cá nhân (blogger): https://www.blogger.com/profile/07110030620389683975
- Fanpage do fan lập ra: https://www.facebook.com/nguyenngoc4/
Sau thành công của Cánh đồng bất tận, tác giả Nguyễn Ngọc Tư liên tục trình làng những tác phẩm mới, đậm chất miền Tây sông nước, một vài tác phẩm tiêu biểu không thể không kể đến, đó là Sông, Gió lẻ, Đảo. Tất cả đều là những tập truyện ngắn, buồn & ám ảnh không kém gì Cánh đồng bất tận.
Độc giả Thùy Trang (nickname : mojitowithtea) có nhận xét trên Instagram:
SÔNG đâu chỉ là câu chuyện của gã trai bị người thương bỏ đi lấy vợ. Đây là câu chuyện về số phận, số phận của những con người trôi theo dòng đời, nghiệt ngã.
Câu chuyện xảy ra đâu đó ở Sài thành phồn vinh náo nhiệt, đâu đó ở những làng quê nghèo nơi con người ta bươn chải từng ngày từng giờ, nhưng chủ yếu câu chuyện xảy ra theo dòng sông Di, dòng sông bị bỏ quên của những loạt kí sự sông Mê nổi tiếng một thời.
Cư dân hai bên bờ ví sông Di như đàn bà, vì sông cũng nhẫn nhịn, dịu dàng nhưng lúc ra tay thì tàn độc.
Sinh mạng của con người dọc theo sông Di đã gắn liền với lòng sông tự lúc nào. Cái ghế vừa đặt xuống sàn biến đâu mất, kéo theo người chưa kịp ngồi xuống. Lòng sông Di chứa bao nỗi niềm uất hận, những ước mơ, những ước mơ xa xỉ của những con người muốn vươn ra khỏi sông.
Sông Di được bồi đắp bởi những dòng sông, ao hồ thậm chí những con suối nhỏ, dù núi có gãy dòng sông Di vẫn ở đấy, xuôi dòng cuốn theo bất cứ thứ gì cản đường thậm chí mạng người rồi đổ ập ra biển. Dòng sông cứ chảy, đời người cứ trôi.
Câu chuyện dừng lại mà không đóng hẳn cánh cửa mang tên Kết thúc, cũng không mở ra một câu chuyện phía sau. Chỉ biết gã trai ấy, gieo mình xuống lòng sông cùng hai người nữa, hai kẻ tội đồ, không rõ sống hay là chết. Chỉ biết có người đàn ông mãi dõi theo bóng người tình, đến lúc chết.
Độc giả có nickname Bookthebook nhận xét về tác phẩm Gió lẻ:
“Gió lẻ và 9 câu chuyện khác” là cuốn sách đầu tiên mình đọc của Nguyễn Ngọc Tư (nhờ một người chị giới thiệu) và mình ngay lập tức bị say nắng cái chất văn mộc mạc đầy thâm tình ấy.
Tư chỉ viết độc mỗi truyện buồn, đó là điều có lẽ ai cũng biết. Thế nhưng chỉ những ai đọc qua rồi mới hiểu tại sao mình lại nói truyện buồn của chị vừa làm người ta khóc đó lại có thể khiến người ta bật cười. Cười mà tâm xót xa, miệng méo xệch, cười mà nghe chát nghét trong lòng, vì giật mình nhận ra phận con người chỉ nhỏ bé như một món đồ chơi trong tay ông trời. Có đau đớn dùng dằn cách mấy cũng không thể thoát khỏi những cuộc đời ngổn ngang, những nghịch cảnh tréo ngoe, oái oăm một khi định mệnh đã vô tình sắp đặt.
Đặc trưng của Nguyễn Ngọc Tư là những câu chuyện “cực ngắn”, chỉ tầm vài trang nhưng đủ ấn tượng để khiến tim bạn cồn cào mãi những khi nghĩ về nó. Mỗi mẩu trong 10 câu chuyện này đều quy về số phận bi đát của những tầng lớp bị đặt ngoài rìa xã hội, khao khát được sống đúng với từ “người” trong hai chữ “con người”. Họ sinh ra gắn liền với những tấn bi kịch, không có con đường nào khác ngoài phải bước vào cái cuộc sống mà người ta ghê tởm, đau đớn tự ghê tởm chính mình. 10 câu chuyện, dữ dội có, nhẹ nhàng cũng có. 10 câu chuyện, mình không đảm bảo rằng tất cả đều xuất sắc. Nhưng cái xúc cảm mạnh mẽ của một vài câu chuyện đem lại cho mình đủ lớn để làm mình yêu cả cuốn sách này.