Tác phẩm “Khuyến học”  được viết bởi Fukuzawa Yukichi vào năm 1872 và được hoàn thành 4 năm sau đó.  Được chính tác giả viết trong thời kì Minh Trị ( 1868-1913). Tác phẩm của ông nhanh chóng nhận được sự ủng hộ số đông của quốc dân Nhật Bản lúc bấy giờ, trở thành một hệ thống tư tưởng cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc cải cách Minh Trị, đặt nền móng cho sự phát triển và vươn lên vị thế của Nhật Bản như ngày nay.  

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Sự mục nát từ chính trị lại khởi nguồn nên một hệ thống lý luận cho sự canh tân

Một sản phẩm văn hóa (tác phẩm văn học , một hệ tư tưởng hay đôi khi là một văn bản chính trị nào đó)  khi ra đời đều gắn theo một bối cảnh xã hội cụ thể đằng sau nó. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thêm thông tin cho người đọc lẫn người xem, mà thông qua bối cảnh xã hội tùy thuộc vào khả năng dẫn dắt vấn đề của tác giả mà bức tranh về xã hội sẽ được phản ánh theo những  góc độ hoặc tư duy nhận thức khác nhau ở mỗi độc giả. Từ đó dưới ngòi bút khắc họa rõ nét của Fukuzawa Yukichi thông qua tác phẩm “Khuyến học”, một Nhật Bản mục nát về chính trị và hệ tư tưởng nho giáo cuối thời Mạc Phủ, kèm theo đó là sự nghèo đói về kinh tế và nguy cơ trở thành thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc phương Tây được hiện lên qua từng trang sách. Nhật Bản thời kì ấy cần một “liều thuốc” để kéo quốc gia ra khỏi bờ vực hiểm nghèo và từng bước vươn lên, tạo điều kiện cho sự phát triển và đưa Nhật Bản trở thành quốc gia hùng mạnh ở châu Á.

Bản thân từ sự xuất thân trong gia đình Samurai nhưng ở địa vị thấp của chính tác giả, thông qua sự hà khét từ lối giáo dục khép kín, mang tính kìm hãm cho đến chế độ “gia đình quyền thế” mang nặng sự phân biệt giai cấp được quy định nghiêm ngặt ở vùng  Nakatsu nơi ông sinh sống. Phần nào đã ảnh hưởng ít nhiều đến sự nhận xét về đẳng cấp xã hội của Fukuzawa sau này.

Thời kì phải sinh sống dưới nước Nhật bị chi phối nặng nề bởi chế độ phong kiến lãnh địa cũng góp phần giúp Fukuzawa thấu hiểu rằng nề nếp cổ đã lỗi thời, không thể khư khư kìm hãm lực tiến hóa được. Rằng văn minh cũng có tính kế thừa, và học vấn chính là con đường duy nhất để khai sáng nên những con đường văn minh tiếp theo. Dù được giáo dục bởi Nho gia nhưng ông không xem những điều đó là “ khuôn vàng, thướt ngọc” cho chính bản thân mình mà ngày càng nhận ra sự bất công trong một xã hội bị chi phối bởi những tư tưởng Nho giáo phần nào đó đã lỗi thời và không còn góp ích nhiều vào những giá thị thực tiễn cho đời sống.

Con vua thì lại làm vua

Con sãi ở chùa thì quét lá đa.

Câu thơ trên như tượng trưng cho những gì được thể hiện ở Nho giáo. Đấy là một hệ thống tư tưởng lỗi thời luôn tìm cách bóp nghẹt ý chí vươn lên của mỗi con người và bắt họ phải chấp nhận hình hài giai cấp và địa vị của chính họ từ lúc sinh ra và cho đến khi chết đi, một hệ thống tư tưởng kiềm hãm sự tiến bộ của xã hội thì hệ tư tưởng đó phải bị tiêu trừ, chính sự nhận thức sâu sắc về những mặt hạn chế của xã hội đương thời, cùng với thông qua sự học hỏi, tìm tòi, tiếp thu văn hóa và sách vở phương Tây. Fukuzawa cảm nhận được tinh thần thực dụng của học thuật Âu châu và dần tiếp thu nhiều tư tưởng khác liên quan đến cả nhân sinh quan. Chính những điều này về sau đã bổ trợ cho chính tác giả rất nhiều để ông hoàn thành tác phẩm “Khuyến học”- một ấn phẩm gối đầu giường của mọi người dân Nhật trong thời kỳ Duy Tân và có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật và nước Nhật đến tận sau này.

review sach khuyen hoc
Ảnh: @hey.quinn06

Giá trị của học thức mang lại những bài học về tinh thần độc lập và tự cường

Tác phẩm “ Khuyến học” được chính tác giả Fukuzawa Yukichi viết dành tặng cho người dân Nhật trong những năm 1870 sau một thời gian tác giả tìm tòi, học hỏi nền văn minh và khoa học kĩ thuật bên các nước phương Tây. Do đó không chỉ dừng lại ở tư tưởng tân thời của nền văn văn minh châu Âu, mà ở đó tác phẩm cũng toát lên hơi thở của thời đại kèm theo đó là một hệ thống lý luận mà cho đến ngày nay vẫn còn nhiều những giá trị thiết thực.

Toàn bộ hệ thống lý luận trong tác phẩm đã đóng góp những giá trị lý lẽ to lớn qua đó làm nổi bật lên một chân lý rằng “ Trời không sinh ra người đứng trên người, trời cũng không sinh ra người đứng dưới người, tất cả đều do sự học mà ra”. Qua đó, phần nào cho thấy sự đả kích của tác giả đối với nền Nho giáo đã không càng phù hợp với nền xã hội thực tại của nước Nhật lúc bấy giờ. Văn minh vốn dĩ có tính kế thừa, dòng chảy của nhân loại luôn luôn tiến hóa theo thời gian, trên dòng chảy đó nhiều nền văn minh được tạo ra để đóng góp vào những bước tiến hóa của nhân loại nhưng rồi cũng dần chết đi để nhường chỗ cho những nền văn minh khác ưu việt hơn.

Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt thì chỉ khác trình độ học vấn. Phải xây dựng nền học vấn dựa trên sự thực học. Nền học vấn thực học phải gắn liền với đời sống hàng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập, tính thực dụng.

Hàng loạt vấn đề được Fukuzawa Yukichi làm sáng tỏ trong tác phẩm như: Chúng ta sẽ phải học những gì? Sẽ học như thế nào?,…Để trả lời cho những câu hỏi trên tác giả đã thực hiện tiến trình dẫn dắt đến quá trình học thuật cho người đọc bằng việc đầu tiên hướng đến những môn học có giá trị thực tiễn đối với cuộc sống, tóm lại việc học thuật cần phải có liên hệ đến nhu cầu của xã hội, xã hội cần gì thì lựa chọn học cái mà xã hội cần, khi học phải nắm vững nội dung cơ bản của môn học, phải nắm vững đặc tính của từng sự vật, hiện tượng. Cần coi trọng và bồi dưỡng việc học cũng như tinh thần thực học ở mỗi người. Địa vị xã hội của cá nhân cũng thông qua tài năng học lực của từng người mà được quyết định. Mục đích sau cùng của học vấn cũng được chính tác giả đề cập đến khi không chỉ dừng lại trong việc giúp con người mở mang kiến thức, biết quan sát , biết lắng nghe mà qua đó cá nhân cũng sẽ dần thấu hiểu vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân đối với đất nước.

Tuy nhiên quá trình tiếp nạp kiến thức cũng cần có sự chọn lọc phù hợp, bởi vì dẫu có cố nhồi nhét tất cả mọi thứ vào trong đầu nhưng không thể áp dụng vào hành động thực tế thì kiến thức ấy cũng vô nghĩa. Trong đời sống mỗi con người tự sản sinh ra rất nhiều nỗi sợ nhưng có lẽ nổi sợ lớn nhất của con người chính là sự ngu dốt. Qua đó, vai trò của việc học là tạo ra nguồn động lực để mỗi người tự đứng vững trên địa vị, và tạo nên tư cách bình đẳng để tranh đấu với sự sai trái, hạn hẹp của chính bản thân và cả xã hội.

Tính cách độc lập và tinh thần tự lập cũng được hình thành thông qua việc học vấn. Có học vấn sẽ biết chính bản thân mình thiếu cái gì mà cố gằng bù đắp, hình thành nên tính cách tự lực, tự cường, không dựa dẫm, không bị chi phối, có thể đưa ra quyết định cho bản thân, từng bước tạo nên từng cá thể mạnh mẽ hơn trong xã hội, qua đó cội rễ sức mạnh của quốc gia cũng được bắt đầu hình thành từ đấy. Người độc lập về kinh tế là người có thể sống mà không cần nhờ vào sự viện trợ kinh tế từ người khác, lòng yêu nước được hình thành từ tính cách độc lập của mỗi cá nhân, xét thấy nếu mỗi cá nhân nhận thức được độc lập và giúp đỡ người khác có được độc lập thì lòng yêu nước được định nghĩa trong mỗi người sẽ rành mạch và rõ ràng hơn.

Lòng yêu nước của nhân dân sẽ tăng lên khi trong con người có tinh thần và chí khí độc lập mạnh mẽ. Lòng yêu nước từ đó mà sẽ dần to lớn theo thời gian, chính lòng yêu nước chứ không phải thứ gì đó xa xôi chính là nguồn cội để tạo nên một quốc gia hùng mạnh có thể đương đầu với hàng ngàn con sóng lớn và với vô vàng những hung hiểm bao quanh.

Nhật Bản từ sau cuộc cải cách Duy Tân Minh Trị, cho đến những biến cố của dòng chảy lịch sử, thất bại trong chiến tranh thế giới lần thứ hai khi bị Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Nagasaki và Hiroshima, cũng như nhiều thành phố khác cũng hứng chịu thiệt hại từ không quân Mĩ,  để rồi điều gì đã khiến một quốc gia nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên, thường phải hứng chịu những thiệt hại từ thiên nhiên từ động đất cho đến sóng thần, đất nước gần như bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh ấy vượt qua tất cả những bão giông và từng bước khẳng định vai trò cường quốc về kinh tế trên thương trường quốc tế. Đó chính là từ tinh thần hiếu học và lòng yêu nước cao độ của người dân Nhật Bản.

Sau chiến tranh, Nhật Bản nghèo khó về mặt vật chất nhưng các trường học không ngớt được đầu tư xây dựng. Đặc biệt là Nhật Bản đã tập trung cho công cuộc giáo dục thực nghiệm và giáo dục tri thức toàn diện. Không những thế, chế độ giáo dục cũng được cải cách và phát triển một cách rõ rệt. Có thể nói, giá trị về tinh thần và văn hóa học thuật được phát triển từ thời Minh Trị Duy Tân thông qua sự khai sáng của tác giả Fukuzawa Yukichi trong tác phẩm “ khuyến học” được hiện lên một cách nổi bật như một phép biện chứng về tinh thần hiện đại hóa của đất nước và con người Nhật Bản.

Từ những giá trị tinh thần lớn lao mà tác phẩm ấy đã đem lại, càng trở nên sáng soi và đáng trân quý biết bao khi trở thành những hạt giống ươm mầm nên chí khí độc lập và tinh thần quốc dân để đưa Nhật Bản đạt được những thành tựu vang dội như ngày nay và qua đó trở thành nguồn cảm hứng to lớn đối với nhiều thế hệ trẻ Việt Nam- những con người mai sau sẽ góp phần dựng xây nên một Việt Nam mai sau giàu đẹp. 

Giới thiệu tác giả Fukuzawa Yukichi 

Fukuzawa Yukichi (1835-1901) được biết đến như một chính trị gia , nhà tư tưởng lớn có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến xã hội Nhật Bản cận đại. Thông qua cuộc đời hoạt động chính trị tích cực, cùng những tác phẩm có tính lý luận của ông. Nhật Bản- quốc gia chứng kiến sự chào đời và những năm tháng tận hiến của  Fukuzawa Yukichi, đã đạt được những thành tựu khoa học tiến bộ và vẫn đang đi trên con đường văn minh được chính từ những thành tựu vĩ đại trước đó của ông khai sáng.