Cầu kỳ, lắt léo, khiến độc giả phải bất ngờ vì cái kết quá đặc sắc, đó chính là những gì được thể hiện trong tác phẩm trinh thám kinh điển của nữ nhà văn Agatha Christie. Không chỉ vậy, Án mạng trên sông Nile còn truyền tải thêm một thông điệp không mới nhưng chưa bao giờ cũ : Tiền bạc, tội ác và tình yêu mù quáng có thể dẫn tới những thảm kịch đau lòng.

Có một câu nói kinh điển về tiền bạc mà giới trẻ ngày nay thường hay nhắc đến như một lời bông đùa hóm hỉnh : “Tiền không phải là tất cả, nhưng tiền bạc mua được gần như mọi thứ. Những gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng…. rất nhiều tiền!” Tất nhiên điều đó không hoàn toàn đúng với mọi người, nhưng đúng với đa số, nhất là những người có lòng tham vô tận. Chủ đề tiền bạc rất được phổ biến trên phim, truyện, báo chí & tất nhiên là cũng không hề hiếm trong những câu chuyện trinh thám.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Người ta thực hiện tội ác vì tiền, không hề xa lạ. Bởi vậy nên thật bất hạnh cho những ai sinh ra đã ngồi sẵn trên địa vị giàu có. Vì xung quanh họ, thật khó để có những người thân, người bạn tử tế, cho dù họ có tốt đẹp, bao dung đến đâu. Nhân vật Linet, nữ hoàng Anh trong tác phẩm Án mạng trên sông Nile này là một ví dụ tiêu biểu.

Cô gái trẻ này tận dụng được lợi thế về tiền bạc, sức mạnh, địa vị để áp đặt mọi thứ. Nhưng khi dùng đến tiền để “mua”, thì cái giá phải trả thường cũng rất đắt, nhất là trong vấn đề tình cảm.

Án mạng trên sông Nile

Tiền bạc & thù hận, động cơ nào dẫn tới tội ác nhanh hơn?

Trên chuyến tàu tử thần có không ít kẻ có động cơ giết Linet. Có kẻ ghen tỵ với vẻ xinh đẹp, giàu sang, kiêu chảnh của cô ấy. Có kẻ mang mối hận từ gia tộc trong quá khứ. Có kẻ vì tình. Có kẻ vì động cơ thực tế hơn, tiền bạc : đó chính là những kẻ quản lý kinh tế của Linet, gã luật sư ở nước Anh xa xôi hay ông quản gia Reddington đầy lọc lừa chốn thương trường. Có thể thấy Linet đang rơi vào hoàn cảnh rất ngặt nghèo mà cô chỉ có thể cảm nhận chứ không thể nhìn ra. Giàu có trong trường hợp này, chính là bi kịch. Kẻ thù của cô ở khắp mọi nơi.

Agatha Christie luôn tạo ra những hoàn cảnh đặc trưng như vậy trước khi tội ác diễn ra, để dễ bề đánh lừa độc giả. Hiện trường quen thuộc, khép kín. Số nhân vật tình nghi không nhiều, cụ thể và chi tiết. Công việc quen thuộc của Hercule Poirot, thẩm vấn từng đối tượng, nhiều đến mức nhàm chán.

Thậm chí tác giả còn khiến độc giả buồn ngủ khi dành 10 chương đầu tiên chỉ để miêu tả hành trình đến với chuyến tàu trên sông Nile định mệnh. Mãi đến khi cô nữ hoàng giàu có mất mạng, kịch hay mới thực sự bắt đầu.

Án mạng trên sông Nile - Agatha Christie

Khi mặt trời xuất hiện, mặt trăng sẽ phải nhường chỗ

Thông minh, xinh đẹp, 21 tuổi & sở hữu khối gia sản triệu đô, Linet gần như có tất cả mọi thứ, ngoại trừ tình yêu. Cô bị hớp hồn bởi chàng trai Simon Doyle, người đã hứa hôn với Jackie – người bạn thân của Linet. Và với tiền bạc cũng như sự xinh đẹp đầy quyến rũ của mình, Linet đã thành công trong việc cướp được Simon, họ cưới nhau không lâu sau đó, để rồi mang mối thù với chính người bị bỏ rơi, Jackie! Mọi tai hoạ có thể nói là bắt đầu từ đây.

Đứng trước “mặt trời” Linet, chàng trai Simon dường như đã quên mất “mặt trăng” Jackie để rồi đi theo tiếng gọi của khối gia sản khồng lồ được nguỵ trang bởi tình yêu sét đánh! Họ đi hưởng tuần trăng mật với mối đe doạ thường trực từ Jackie. Trên chuyến tàu đến với sông Nile ấy, tử thần đã chờ đợi họ từ rất lâu.

Jackie nói với thám tử Poirot rằng cô ao ước được bắn chết người bạn thân Linet của mình vì tội cướp bạn trai (bạn thân của phụ nữ luôn đáng sợ như vậy), nhưng cô chưa kịp hành động thì Linet xinh đẹp đã bị bắn vào đầu đến thiệt mạng trong khi đang ngủ. Vậy ai là kẻ thủ ác? Động cơ của họ là gì?

Án mạng trên sông Nile - Review sách

Như hiểu được tâm tư của độc giả nên Agatha Christie không ngần ngại phô ra toàn bộ động cơ của tất cả những hành khách “vô tình” xuất hiện trên tàu cùng với Linet. Ngoài động cơ thù hận vì tình của mặt trăng Jackie rất rõ ràng, số còn lại đa phần chỉ là suy đoán của thám tử. Điều đáng nói, hoàn toàn không thể buộc tội bất cứ ai chỉ vì những suy đoán ấy. Vụ án tưởng chừng bế tắc, cho đến khi những cái chết thứ 2, thứ ba cứ tiếp tục được diễn ra, trong sự bàng hoàng của những người chứng kiến. Để rồi khi Poirot nhìn ra được bức tranh toàn cảnh, diễn giải và đọc tên hung thủ, mọi độc giả đều phải trầm trồ, thán phục vì sự logic, chính xác đến từng chi tiết trong từng trang sách.

Cái hay của tác phẩm trinh thám của Agatha Christe nói chung, và cuốn Án mạng trên sông Nile nói riêng, đó chính là cái kết bất ngờ. Hung thủ lộ diện, dù trước đó đã có bằng chứng ngoại phạm vô cùng vững chắc. Vậy mà kẻ ấy vẫn giết người & tạo ra bằng chứng vô tội đến mức hoàn hảo, không thể tin nổi. Khi bị vạch trần cũng là lúc tài năng của thám tử Poirot được thể hiện, độc giả sẽ vui vẻ hơn vì cảm thấy không lãng phí vì 10 chương sách buồn ngủ dài lê thê ở đầu câu chuyện.

Án mạng trên sông Nile - Trinh thám

 

Đôi nét về tác giả Agatha Christie

Bà tên thật là Agatha Mary Clarissa Miller, một nhà văn trinh thám người Anh, nhưng lại xây dựng hình tượng thám tử Poirot người Bỉ. Bà viết nhiều cuốn tiểu thuyết tình cảm lãng mạn dưới bút danh Mary Westmacott nhưng chẳng ai nhớ đến bằng cái tên Agatha Christie vì những tác phẩm trinh thám của bà nổi tiếng hơn nhiều.

Điểm chung của các tác phẩm trinh thám của bà là bất ngờ, hung thủ độc đáo, động cơ rõ ràng, hoặc là thù hận, hoặc là tiền bạc. Nhân vật thám tử Poirot được hưởng nhiều đặc quyền về không gian và thời gian để phá án, về điểm này thì Sherlock Holmes – nhân vật nổi tiếng của nhà văn Conan Doyle đã mỉa mai những thám tử phá án như vậy là “bắt con chuột con trong một đám chuột ở cũi sắt”. Tuy nhiên việc tìm ra con chuột nhắt trong cũi sắt lại không đơn giản, dễ đoán và thường xuyên gây ra sự trầm trồ thán phục của người đọc. Chính bởi vậy, những tác phẩm trinh thám kinh điển của Agatha dù đã xuất bản hàng thế kỉ qua, vẫn luôn nằm trong danh mục những tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại.

Xem thêm: Agatha Christie – Kỳ án dòng chữ tắt & cái kết không bất ngờ