Tây sương ký (còn có tên đầy đủ là Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt Tây sương ký “truyện về Thôi Oanh Oanh chờ trăng dưới mái Tây”), là vở  kịch nổi tiếng nhất của Vương Thực Phủ, sáng tác trong khoảng những năm Đại Đức (1297-1307) đời Nguyên Thành Tông, miêu tả cuộc tình duyên vượt qua môn đăng hộ đối và lễ nghi phong kiến của nàng Thôi Oanh Oanh và chàng thư sinh Trương Quân Thụy.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Vương Thực Phủ và Tây Sương Ký – một trong tứ đại cổ điển hí kịch

Vương Thực Phủ là người Đại Đô, tư liệu về cuôc đời ông rất hiếm, sống đồng thời với Quan Hán Khanh hoặc sau đó một chút, là một văn nhân phong lưu, viết văn hay đẹp. Theo sách vở thì tác phẩm của ông có khỏang 123 vở, nổi tiếng nhất là Tây Sương Ky.

Nếu xét từ một tác phẩm riêng lẻ, Tây Sương Ký có một ảnh hưởng rất lớn trong tạp kịch đời Nguyên. Với quy mô to lớn gồm 5 quyển, miêu tả câu chuyện của một đôi trai gái cùng phấn đấu vươn tới tình yêu và hôn nhân tự do. Về mặt đề tài rất được yêu thích, mà khắc họa nhân vật cũng tài tình, tinh tế, ngôn ngữ tươi vui, lãng mạn, cảm động.

Vở kịch Tây Sương Ký, có nguồn gốc từ tiểu thuyêt truyền kỳ thời nhà Đường có tên Oanh Oanh truyện nhưng lại chịu ảnh hưởng lớn bởi Tây sương ký chư cung điệu của Đổng Giai Nguyên đời nhà Kim sau đó dụng tâm vào từng tình tiết, từng thủ pháp nghệ thuật cộng thêm công sáng tác mà thành.

Vở kịch kể về mối tình của chàng Trương Quân Thụy và nàng Thôi Oanh Oanh. Nàng là con gái quan tướng quốc, tiểu thư khuê các kín cổng cao tường, không may cha chết, nàng và mẹ đưa linh cửu về quê. Nửa đường dừng lại quàn ở chùa Phổ Cứu để làm chay. Ơ đây Oanh Oanh gặp chàng học trò nghèo Trương Quân Thụy. Họ yêu nhau nhưng bị ngăn trở bởi bức tường môn đăng hộ đối. Chuyện không may xảy ra: chùa bị bọn cướp vây hãm, bà lớn- mẹ cảu Oanh Oanh, liền cầu xin ai giải cứu thì sẽ gả con cho. Trương nhận lời và nhờ bạn  đến giải vây, nhưng bà nuốt lời khiến cả hai đau khổ. Trương tương tư ốm liệt giường, nhờ có cô người hầu là Hồng nương nhiêt tình giúp đỡ, họ vượt ra ngòai lễ giáo phong kiến đến với nhau. Sự việc vỡ lỡ, bà lớn đùng đùng nổi giận, cuối cùng nhờ có Hồng nương khéo léo khuyên can, bà đồng ý cho hai người lấy nhau với điều kiện Trương phải lên kinh ứng thí. Cuối cùng họ được đòan viên sau khi Trương đề danh bảng vàng.

reviewsach.net tay suong ky
Ảnh: @vuhatruc

Lên án lễ giáo phong kiến

Trong Tây Sương Ký chính những lễ giáo phong kiến đã ngăn cách tình yêu của đôi trẻ. Trương Quân Thụy và Thôi Oanh Oanh mê nhau vì sắc, trọng nhau vì tài. Lẽ ra đã viết nên một câu chuyện tài tử giai nhân nếu không có bức tường gia phong lễ giáo cách trở.

Những lễ nghi bó buộc con người vào vòng khuôn phép, chế độ hôn nhân phong kiến không chấp nhận tự định chung thân. Mà trong cốt tủy chú trọng địa vị, phân biệt sang hèn nên nào có việc bà lớn (mẹ Thôi Oanh Oanh) đồng ý gả con mình cho Trương Quân Thụy thư sinh áo vải. Có thể nói, trong vở kịch này, nhân vật bà lớn là đại diện cho thế lực phong kiến bị tác giả lên án. Bà ta là một phu nhân quý tộc mang nặng trong mình những tư tưởng phong kiến, luôn xem trọng địa vị và quyền thế. Dường như, nhân vật này đã trở thành một điển hình cho việc bảo vệ đạo đức phong kiến. Những tư tưởng cổ hủ, cứng nhắc làm bà ta chỉ biết nghĩ đến môn đăng hộ đối khi bàn chuyện hôn nhân cho con gái. Vì Quân Thụy gia cảnh bần hàn mà nuốt lời hẹn ước, bắt Oanh Oanh nhận chàng làm anh. Bà răn dạy người ta không được làm gì ngoài những đức hạnh của tiên vương nhưng quay mặt đi lại nuốt lời, bội ước. Việc không gả con cho những chàng áo vải của bà ta che giấu bộ mặt hám lợi. 

Tại đây, tác giả không chỉ đả kích những lễ giáo phong kiến mà còn nêu lên hiện thực của xã hộ bấy giờ. Nền kinh tế Nguyên triều phát đạt, sự phồn vinh của đời sống thành thị dẫn đến ngày càng nhiều người xem trọng đồng tiền. Tác giả vạch trần bà lớn là một người ngoan cố với những ý thức phong kiến; bên cạnh đó là bộ mặt tư lợi, hám tài của chính bản thân bà ta- con người chỉ trọng đồng tiền. Thông qua nhân vật này, tác giả lên án lễ giáo phong kiến nghiêm khắc không trọng tình người; đồng thời là sự suy tàn, mục ruỗng của chế độ phong kiến, những con người luôn miệng về lễ nghi gia giáo không thật coi trọng điều đó, họ chỉ mượn nó như một công cụ để làm cho bản thân trở nên “cao quý” mà thôi. 

Đề cao sự tự do trong tình yêu và hôn nhân

Trương Quân Thụy và Thôi Oanh Oanh có một tình yêu đẹp vượt qua rào cản phong kiến. Từ lần gặp nhau đầu tiên tại vườn hoa, họ đã bị nhan sắc, tài năng cúa đối phương thu hút:

Ví không duyên nợ kiếp xưa.

Kiếp này hồ dễ tình cờ xui nên!

Mắt trông kể vạn, kể nghìn,

Con người đẹp thế, đã nhìn thấy ai!

 Mắt hoa miệng những nghẹn lời,

Thần hồn tơi tả, lưng trời bay xa!

Nói năng đùa cợt mặc ta!

Nghiêng vai chỉ bứt bông hoa mỉm cười!

Phải chăng đây là cảnh Bồng lai?

Sao tôi lại gặp con người thần tiên!

Trâm hoa cài lệch một bên,

Mặt xuân mừng, giận càng nhìn càng say.

Mày in trăng mới xinh thay,

Cong cong bên mái tóc mây rườm rà!

Sượng sùng miệng chửa nói ra.

Răng là ngọc chuốt, môi là son tươi,

Lâu lâu mới nói nên lời,

Véo von oanh hót bên ngoài lớp hoa!

(Lời Trương Quân Thụy)

Phong lưu, tài học vẹn mười!

Mặt trông sáng sủa, người coi dịu dàng!

Tình tình chắc hẳn nhẹ nhàng,

Bảo ta không nhớ đừng thương được nào!

Biết mình, ta vẫn ước ao …

Văn chương rạng vẻ trăng sao một trời!

Thương mình, ai kẻ đoái hoài …

Sách đèn những lúc dùi mài mười năm!

(Lời Thôi Oanh Oanh)

Họ không coi “môn đăng hộ đối” là lí tưởng hôn nhân, từ chối phương án hôn nhân truyền thống của xã hội phong kiến- có lệnh mẹ cha, có người mối lái; mà theo đuổi tình yêu chân thành, cảm xúc của bản thân. Họ còn nêu lên một quan điểm tình yêu đích thực- tình cảm phải xuất phát từ hai phía. 

Đây có thể xem là định hướng mới trong hôn nhân và tình yêu giữa “lòng” phong kiến đầy lễ giáo, một lời kêu gọi đi tìm hạnh phúc cá nhân. Sự va chạm giữa ý thức cá nhân và quan điểm thời đại thôi thúc con người đứng lên đấu tranh cho hạnh phúc bản thân- điều mà Vương Thực Phủ muốn ca ngợi. Được Hồng nương giúp đỡ, hai người cùng nhau bầu bạn, tâm tình mặc cho xiềng xích của lễ giáo phong kiến. 

Với địa vị xã hội của hai người, một thư sinh cùng một tiểu thư khuê các, thì đây là sự phản kháng mạnh mẽ nhất. Tác giả ca ngợi hành động này của hai người dù lễ giáo phong kiến cho rằng đây là việc làm tồi tệ, suy đồi. (Vương Thực Phủ không ca ngợi việc hai người nói chuyện yêu đương mà là ca ngợi sự dung cảm chống lại cả một ý thức hệ ăn sâu vào máu của những người sống trong xã hội bấy giờ- tư tưởng phong kiến nặng nề và xơ cứng.) Và thế lực phong kiến đã thất bại, bà lớn đành phải chấp nhận chuyện đã rồi. Nhưng bà ta vẫn ép Trương Quân Thụy phải về kinh dự thi. 

Có thể thấy những hạn chế nhất định trong tư tưởng tác phẩm khi giải quyết mâu thuẫn bằng con đường khoa cử nhưng không thể phủ nhận những mặt tiến bộ của tác phẩm. Chi tiết Trương Quân Thụy mơ thấy Oanh Oanh đi tìm mình trong màn Tan mộng đã nêu lên lí tưởng tình yêu cao đẹp của nàng:

Giầu sang em cũng chẳng màng!

Anh hào em cũng coi thường như không!

Cùng em tôi đã quyết lòng!

Sống chung một gối chết chung một mồ!

Tây Sương Ký là tiếng nói cho tình yêu tự do và hơn hết là quyền con người, nhất là người phụ nữ. Bằng việc tạo ra mâu thuẫn giữa lễ giáovà hôn nhân trong xã hôi phong kiến, tác giả ca ngợi tình yêu tự do, cổ vũ thanh niên dung cảm đấu tranh cho hạnh phúc cá nhân. 

Hạn chế mang tính thời đại về mặt tư tưởng

Dù thể hiện những đổi mới trong tư tưởng, Tây Sương Ký vẫn không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Sự thỏa hiệp của Trương Quân Thụy trước đề nghị của bà lớn “Giờ tôi đã hứa gả con Oanh cho cậu, cậu vào kinh đừng để tủi cho em. Thế nào cũng cố kiếm lấy cái trạng nguyên về nhé.” Thể hiện phần nào hạn chế trong vở kịch. Tác giả giải quyết mâu thuẫn giữa con người và ý thức hệ phong kiến bằng con đường khoa cử- một trong những biểu hiện của xã hội phong kiến. Điều này cho thấy công danh, sự nghiệp vẫn còn đè nặng lên tình yêu, tư tưởng Nho gia vẫn đang chi phối ý nghĩ của tác giả. 

Hạn chế còn thể hiện cả trong tính cách nhân vật. Khi mâu thuẫn xảy ra, Thôi Oanh Oanh khóc lóc, Trương Quân Thụy ốm tương tư. Họ chưa thực sự quyết liệt để giải quyết mâu thuẫn, cứu lấy tình yêu của mình mà phải nhờ sự dẫn dắt của Hồng Nương. 

Những hạn chế trên không phải chỉ thuộc về cá nhân tác giả, dưới cái bóng của thời đại, Vương Thực Phủ dù thực sự có tài năng cũng không thể nào phá đảo cả một ý thức hệ tồn tại lâu dài, cắm rễ vào lòng mỗi con người. Hệ tư tưởng phong kiến ràng buộc mỗi người trong xã hôi, không riêng gì Vương Thục Phủ. Thế nên, để hoàn toàn thoát li ý thức hệ phong kiến trong thời đại bấy giờ là điều bất khả thi.

Trừ đọan kết cục bị hạn chế vì tuân theo yêu cầu chung của kịch- kết thúc phải có hậu- còn tòan vở kịch mang màu sắc chống phong kiến rất rõ nét. Mũi nhọn đấu tranh của vở kịch là hôn nhân, lễ giáo phong kiến. Để khẳng định tinh thần đấu tranh, tác giả đã cho nàng Thôi Oanh Oanh nổi lọan, nàng đã chủ đông theo sự thôi thúc của con tim, tự đến với người yêu để chung chăn sẻ gối. Chi tiết này đã liệt Tây Sương Ký vào lọai sách “dâm thư” và bị cấm lưu hành trong một thời gian. Nhưng trên thực tế, nó vẫn được truyền tụng và yêu thích vì là một tác phẩm vừa hiện thực lại vừa lãng mạn, tình tiết nhiều mâu thuẫn lại có xung đột, giải quyết hợp tình hợp lý (những mâu thuẫn do mẹ nàng Oanh Oanh gây ra…), xây dựng nhân vật rất điển hình cho tầng lớp thị dân đời Nguyên (Trương Quân Thụy với tính tình thực thà trung hậu, vừa phóng khóang tự do… rất giống mẫu nhân vật hụt hẩng kiểu Quan Hán Khanh, Vương Thực Phủ, cá tính nhân vật này không quy định bởi yêu cầu gia thế của vở kịch mà từ sở thích của xã hội thị dân), còn Oanh Oanh là một cô gái với nhiều mâu thuẫn giữa lễ giáo và tình yêu, tâm lý xây dựng rất tài tình làm cho vở kịch rất có sinh khí và nhiều màu sắc. Hồng Nương cũng là nhân vật hay: khôn ngoan, lanh lợi, sôi nổi, tự tin, là tỳ nữ nhưng lại đứng ở một vị thế cao hơn hẳn mọi người.

Ngôn ngữ rất đẹp đẽ, hoa mỹ, khác hẳn sự giản dị, trôi chảy của kịch Quan Hán Khanh, lời kịch hòa tan những ý tưởng của Đường thi, Tống từ.

Vở kịch có ảnh hưởng rất lớn đến văn học và quan niệm cuộc sống đời sau, thông qua những tình tiết trong Hồng Lâu Mộng sau này, có thể thấy Tây Sương Ký đã trở thành một bộ sách kinh điển về tình yêu trong thời cổ của Trung Quốc.