Yano Yuuki, một cậu bé luôn bị bạn bè trong lớp cô lập, bắt nạt; thậm chí, người bạn cậu chơi thân từ thời còn thơ bé cũng quay lưng lại với cậu. Ngày nọ, trên đường đi học về, Yuuki vô tình cứu sống một bé cún hoang bị hai chú chó hoang khác đuổi bắt để tranh giành miếng ăn. Bé cún sau đấy đã theo Yuuki về nhà và được cậu gọi bằng cái tên Shokupan. Nhưng do hoàn cảnh gia đình cùng điều kiện khu ở không cho phép, Yuuki không thể nuôi Shokupan. Tuy vậy, khi Yuuki tưởng rằng mối dây liên kết giữa cậu với Shokupan phải chấm dứt thì cũng là lúc, hành trình của hai người mới chính thức mở ra.
Hiện thực nghiệt ngã, ẩn sau giọng văn quá đỗi dịu dàng

Trong lời tựa cho cuốn sách, Mintbooks có viết: “Điệu nhảy của Shokupan là một trong những tác phẩm nhẹ nhàng, sâu sắc cũng như mang đầy tính nhân văn về tình bạn và lòng nhân ái”. Nhưng có lẽ, trước khi nói đến sự “nhẹ nhàng”, “sâu sắc” hay “tính nhân văn”, “lòng nhân ái” ở tiểu thuyết Điệu nhảy của Shokupan, cần phải khẳng định một điều rằng: Cuốn sách nhỏ, chỉ hơn 200 trang nhưng lại chở nặng giá trị hiện thực, một hiện thực có phần cay đắng, nghiệt ngã được viết bằng giọng văn rất đỗi “dịu dàng”, dịu dàng đến mức “nhẹ bẫng”.

5819e8f9ff1d5fc8f3714512071bfe2c.js”>

Bởi ngay từ những chương truyện đầu tiên, tác giả Mitsuki Nagasu đã tái hiện trên trang văn một vấn đề vẫn luôn nhức nhối trong đời sống học đường Nhật Bản: vấn đề bạo lực học đường. Cậu bé Yuuki, tài năng, nhu mì, yếu đuối, cam chịu đã trở thành đối tượng hứng chịu những trận bắt nạt cả về thể xác lẫn tinh thần. Cậu bé bị cô lập, ngay cả người bạn thân thiết thời thơ ấu cũng xa lánh cậu. Mà bạo lực ở đây, không đơn thuần chỉ là bạo lực về mặt thể xác mà hơn cả là sự bắt nạt về mặt tinh thần, bào mòn dần cảm xúc, ý chí, nghị lực con người; khiến người ta, một là xuôi theo những trò bắt nạt, hai là gục ngã không gượng dậy nổi.

Và từ vấn đề bắt nạt, bạo lực học đường với nhân vật đại diện là cậu bé Yuuki, tác giả Mitsuki Nagasu gợi tới căn nguyên, cốt lõi của hiện tượng ấy: Là do sự ghen ăn tức ở của bạn bè trước thành công một cậu bé nghèo vượt khó làm được. Hay đơn giản, bởi con người đã vốn mang định kiến, thứ “định kiến nặng tựa núi cao” của bạn bè trong lớp khi biết được xuất thân Yuuki là con trai một người mẹ từng “đi đêm”. Hoặc đơn thuần là xuất phát từ tư tưởng “cá lớn nuốt cá bé” của một cá nhân trong lớp muốn tìm kẻ yếu thế hơn nhằm thể hiện quyền uy của mình. Rồi những người xung quanh, hùa theo như cách, khỏa lấp sự yếu ớt, ích kỷ của một cái tôi không có chính kiến.

Từ căn nguyên tới hiện trạng đau xót, tác giả Mitsuki Nagasu phê phán một cách đầy ẩn tình nhưng cũng hết sức thẳng thắn cùng cái nhìn sâu, không né tránh vào hệ thống giáo dục Nhật Bản đã thờ ơ thế nào trước vấn nạn bạo lực học đường. Đồng thời lên án thứ áp lực vô hình về thành tích mà phía gia đình đã đè nặng lên vai đứa trẻ, khiến chúng không thể có một tuổi thơ vui cười trọn vẹn bên bạn bè.

Ngoài ra, hiện thực về sự thờ ơ, vô cảm trong Điệu nhảy của Shokupan không chỉ gói gọn ở khuôn khổ trường học mà còn mở rộng ra cả xã hội. Khi truyền thông và những người bên ngoài, vẫn ngợi ca rằng nước Nhật văn minh, rằng người Nhật không ăn thịt chó. Nhưng trên trang văn, tác giả Mitsuki Nagasu đã bóc trần thực tại tưởng chừng tràn ngập màu hồng ấy: Các chú chó hoang nếu bị phát hiện và bắt giữ, người ta sẽ cho chúng “một liều từ thiện”. Và rằng, không phải ai cũng yêu động vật và không phải vắng bóng thực trạng bạo hành chó mèo ở xứ sở Phù Tang này.

điệu nhảy của shokupan rv

*Cre: Page Mintbooks

Viết về thương tổn, để hướng tới những điều cao đẹp

Tuy nhiên, dù viết về đa chiều hiện thực cuộc sống nghiệt ngã, thể hiện cả trên bề mặt tường minh con chữ, lẫn ẩn sâu dưới lớp câu từ, văn bản; thì tác giả Mitsuki Nagasu cùng tác phẩm Điệu nhảy của Shokupan, đến cuối cùng vấn hướng tới những  giá trị nhân văn, nhân đạo ấm áp nhất. Qua câu chuyện tình bạn giữa Yuuki với Shokupan, qua câu chuyện tình người giữa Yuuki với mẹ, với những người xa lạ đã không quản ngại giúp đỡ cậu bé hết mình.

Yuuki – Shokupan, hai số phận, hai cuộc đời khác nhau nhưng rồi vô tình gặp nhau, dẫu khác biệt giống loài nhưng lại đồng cảm trong cùng nỗi cô đơn của hai tâm hồn. Một Yuuki cô độc biết bao nơi lớp học, một Yuuki chẳng thể tâm sự, giãi bày lòng mình với người mẹ cậu vẫn luôn giữ một phần thành kiến trong tim, cuối cùng chỉ có thể tâm sự với chú cún xấu xí xa lạ. Một chú cún hoang không nơi nương tựa, bỗng tìm thấy điểm tựa, tình yêu thương bên cạnh cậu bé Yuuki, tìm thấy niềm vui và bình yên khi nghe cậu bé ấy trình bày bản nhạc Điệu valse của chú chó nhỏ. Rồi từ đấy, cả hai trở thành bạn bè lúc nào không biết. Thứ cảm tình thậm chí như còn trên cả bè bạn mà đã thành tình thân giữa những con người ruột thịt, một thứ tín ngưỡng khiến họ sẵn sàng hi sinh vì người mình yêu thương. Như cách Shokupan can trường chiến đấu đề bảo vệ Yuuki, và cũng như cách Yuuki dũng cảm đấu tranh bảo vệ cho cún nhỏ Shokupan vậy.

Hình ảnh cậu bé Yuuki ngồi thổi tiêu trước cửa ngôi chủa Sugatama với chú cún nhỏ vẫy đuôi nhảy xung quanh hẳn mãi là hình ảnh đẹp, xúc động cho quãng thời gian tự do, vô tư lự nhất của đôi bạn. Và cảnh Yuuki tiễn đưa Shokupan đi nốt quãng đường cuối cùng của kiếp đời một chú cún kiên trường sẽ mãi là hình ảnh cảm động cho tình bạn, lòng thủy chung, trung thành, son sắt giữa hai số phận. Điệu valse của chú chó nhỏ, gắn kết Yuuki với Shokupan và cũng chính bản nhạc này đã thay Yuuki tiễn đưa Shokupan về một thế giới chẳng còn thương tổn.

Quả thực, Điệu nhảy của Shokupan không đơn thuần là một cuốn sách “nhẹ nhàng” dành riêng cho thiếu nhi, được viết nhằm nuông chiều cảm xúc độc giả. Mà đó là một cuốn sách cho tất cả mọi người, chất chứa đầy những buồn thương; đặc biệt trong cái kết có phần chóng vánh, đau buồn. Nhưng thương đau đến tận cùng, cũng chính để tạo động lực cho con người ta kiên cường đứng dậy sau khi trải đủ vấp ngã. Như cách Yuuki đã dám mạnh mẽ đối mặt với vấn đề của cá nhân, dù chẳng ai, cả chính bản thân cậu có thể biết trước, tương lai phía trước cậu sẽ như thế nào.

Ngoài ra, tình người ở Điệu nhảy của Shokupan còn hiện diện ở bất cứ đâu. Là ông bà bán hàng tạp hóa dưới chân núi Mino đã giúp đỡ Yuuki và Shokupan hết mình khi cả hai gặp nạn. Là người bác sĩ thú y đã làm mọi cách cứu sống chú cún nhỏ. Vì thế, hiện thực cuộc sống Mitsuki Nagasu khắc họa lên trang văn, đâu chỉ có đen tối, u buồn mà vẫn lấp lánh đó, ánh sáng niềm tin, để người ta hi vọng vào hai tiếng tình thương, hai chữ tình người.

Điệu nhảy của Shokupan, trong dòng chảy văn học viết về loài chó của Nhật Bản

Là cuốn tiểu thuyết viết cho thiếu nhi bằng một giọng văn hết sức dịu nhẹ, với những câu văn rất đẹp, rất thơ; tác giả Mitsuki Nagasu đã tái hiện qua trang sách thiên nhiên, nội tâm cùng tâm lý con người nước Nhật hết sức đặc trưng. Có xấu xa và những vấn nạn hằn sâu trong lòng xã hội không thể ngày một ngày hai giải quyết. Tuy nhiên, người ta vẫn sống, tin tưởng, yêu thương. “Giờ đang là đầu hạ. Đây là khoảng thời gian thân núi hút lấy nước mưa, khiến cây cối mướt mát và thêm phần bóng bẩy. Xuân, hạ, thu, đông. Ngọn núi Mino này đã nắm giữ vẻ đẹp của cả bốn mùa đó.”, “Không thể cứu được sinh mệnh của nó, mẹ và bác sĩ còn không cam lòng hơn con nhiều. Còn thất bại hơn con nhiều. Còn cảm thấy có lỗi với nó hơn con nhiều lắm […] Nhưng đâu còn cách nào khác. Luôn có những chuyện ngoài tầm kiểm soát xảy ra. Trên đời này, có quá nhiều việc mà chúng ta phải cắn răng chấp nhận.”

Và trong dòng chảy của nền văn học viết nhiều về động vật nói chung, về loài chó nói riêng với dáng hình chú chó Hachiko đợi chờ 10 năm, cuốn sách tranh đầy ấn tượng về hành trình của chú cún Quill bước ngắn dệt nên dặm dài, một “Chú chó tử thần” đang ngày ngày cần mẫn tiễn đưa linh hồn con người… thì Điệu nhảy của Shokupan, thật sự đã góp thêm một nhánh sông dịu dàng cho dòng chảy chung ấy. Một cuốn sách nhỏ phủ hợp để đọc trong trọn một buổi tối mà vẫn dành đủ thời gian suy ngẫm về những triết lý nhân sinh đẹp một cách giản dị được tác giả Mitsuki Nagasu gửi gắm qua con chữ, ngôn từ. Và giữa cuộc sống vội vàng, đắm mình lại vào những dòng văn nhẹ nhàng, dịu ngọt, quen biết từng người bạn trên trang văn, cũng là một cách để lòng người lắng lại trước bộn bề, ngổn ngang mà tìm về lại những giá trị hết sức nguyên sơ, nhân bản thủa ban đầu.

/

  • DV1ZQ4aQ” target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”>/DV1ZQ4aQ
  • 8GJJjtcH” target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”>/8GJJjtcH

Mọt Mọt