Cuộc sống của Yusa Hiroko, một bà mẹ đơn thân tuổi ngoài ba mươi làm công việc kỹ sư hệ thống là chuỗi những ngày quay cuồng cân bằng giữa công việc và gia đình nhưng vô hiệu. Rồi một ngày, trên đường đưa cậu con trai Tomoya đến trường để kịp chuyến dã ngoại với lớp mẫu giáo, hai mẹ con Hiroko bắt gặp một người đàn ông có đầu tóc cùng lối ăn mặc hết sức lạc lõng với cuộc sống hiện đại, như lối ăn mặc của 180 năm trước vậy. Cuộc gặp gỡ đấy đã mở ra mối nhân duyên đầy bất ngờ làm thay đổi toàn bộ cuộc sống lẫn tư duy không chỉ của mẹ con Hiroko mà cả những người xung quanh.
Chuyến hành trình từ thời quá khứ đến thời hiện đại

Trong kịch bản truyện dù hành thời gian thường thấy, con người ở thời hiện đại quay về quá khứ và dùng kiến thức “văn minh”, xử lý mọi vấn đề mà người cổ đại không thể giải quyết. Nhưng nếu theo chiều hướng ngược lại, từ quá khứ tới tương lai, thì nhân vật chính sẽ một kẻ lạc lõng giữa cuộc đời, nhìn mọi sự vật, hiện tượng bằng ánh nhìn hoang mang, sợ hãi. Và anh chàng Kijima Yasube trong cuốn tiểu thuyết Thợ bánh Samurai chính là một điển hình xấu số của chiều hướng ngược lại đó.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Thật vậy, Thợ bánh Samurai là câu chuyện, trước hết được tập hợp từ hàng chuỗi các tình huống rắc rối dở khóc dở cười xoay quanh một samurai vượt dòng thời gian học cách dần cố gắng thích nghi, hòa nhập với cuộc sống hiện đại trong căn nhà của người phụ nữ trước giờ luôn quay cuồng giữa việc công ty với việc gia đình.

Quả tình, không cười sao được khi giữa thế kỷ XXI, có người đàn ông trưởng thành, khi đối thoại đều xưng hô một lời “bỉ nhân”, hai điều “bỉ nhân”. Không cười sao trước cảnh tượng Yasube, để hòa nhập đời sống, buộc phải cắt trụi tóc, dù rằng kiểu đầu mới cũng làm anh trở nên hết sức nổi bật trong mắt những người xung quanh. Và không cười sao được khi chứng kiến mọi hành động vụng về, ngây thơ vào những ngày đầu Yasube học cách làm quen từng công cụ của thế giới hiện đại. Tiếng cười bật thốt trước những chi tiết giản dị và quá đỗi tự nhiên, như một điều tất yếu trong bối cảnh một anh chàng mang dòng máu thuần samurai truyền thống: kiên định đến cứng nhắc, vượt qua 180 năm tới thế giới tương lai.

Nhưng tiểu thuyết Thợ bánh Samurai đâu chỉ đơn thuần là một tác phẩm hài hước mà hơn cả, thẳm sâu ở câu chuyện ấy là chứa chan nước mắt. Đặc biệt, tình tiết càng trôi về những trang cuối, cùng sự nổi tiếng bất ngờ của Yasube, cuộc sống đảo lộn của mẹ con Hiroko thì mối quan hệ vốn đã rất mong manh như đã xuất hiện dấu vết rõ nét của sự rạn vỡ. Để rồi, vết nứt càng lớn, người trong cuộc mới đau xót nhận ra, từ rất lâu họ đã coi đối phương là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Hành trình vượt thời gian của Yasube là yếu tố hư cấu mở đầu câu chuyện. Nhưng quá trình anh sống và hòa nhập với thời hiện đại lại được khắc họa bằng những chi tiết sống động với những các chuyển đầy logic, tự nhiên, lí thú. Và giữa dòng chảy cuộn xoáy của đời sống hiện đại, con người ngày càng trở nên giống nhau, bỗng một Yasube tài năng nhưng lập dị xuất hiện đã như một phát pháo hiện, làm dòng chảy kia rẽ nhánh. Để người ta nhận ra, người ta đã sống vội vã thế nào và dễ bị truyền thông điều khiển ra sao. Đồng thời, tạo tác của lịch sử như Yasube, xuất hiện buổi đương đại, cũng như nhắc nhớ con người hôm nay, về những giá trị truyền thống tươi đẹp của quá khứ mà bánh xe thời gian ào ào quay, đã như vô tình cuốn trôi tất thảy.

thợ bánh samurai reviewsach (1)

Dấu gạch nối, nối kết hai dòng thời gian

Giữa những tình tiết dở khóc dở cười hay thâm trầm sâu sắc, nổi lên hình ảnh anh chàng Kijima Yasube. Trước hết, phải khẳng định Yasube có đầy đủ phẩm chất của một samurai thời đại Edo: ăn ngay nói thật, thẳng thắn chính trực, nhỏ về tầm vóc nhưng không nhỏ về sức vóc…  Quãng thời gian sống với Hiroko dần hình thành lên một Yasube bên cạnh bản tính samurai vốn có còn là sự giao thoa giữa cái cũ – cái mới, truyền thống – hiện đại.

Một võ sĩ vì hoàn cảnh đẩy đưa mà đến với việc nội trợ bếp núc. Một võ sĩ sa cơ lỡ bước mà phát hiện ra sức hút từ các món bánh cùng công việc làm bánh. Một võ sĩ vượt thời gian cách đây chưa lâu còn không nhà không cửa không người thân thích, lạc lõng giữa dòng đời mà chỉ một thời gian ngắn đã trở nên nổi tiếng khắp Nhật Bản. Những sự chuyển biến đó xuất phát từ hoàn cảnh, cũng một phần xuất phát từ nội tại con người Yasube. Bởi đến cuối cùng, dù mang danh phận samurai truyền thống thì Yasube cũng không phải một người đàn ông bảo thủ, cứng nhắc mà anh sống hết sức có nghĩa, có tình. Mà chẳng phải, điều làm nên phẩm chất người võ sĩ đạo, cũng vốn từ chữ nghĩa và chữ tình đó hay sao?

Nhưng dẫu có đổi thay để hòa nhập với cuộc sống hay khép mình trong bốn bức tường ở căn hộ của Hiroko hoặc đã trở nên nổi danh toàn nước Nhật, tới tận cùng, bản chất Yasube vẫn là một samurai truyền thống, một con người của lịch sử. Chưa bao giờ anh thôi sử dụng kính ngữ với những người xung quanh cũng như chưa bao giờ anh quên nhún mình tự xưng là “bỉ nhân” khi nói chuyện với người khác.

Trước sự đổi thay của xã hội hiện đại, trước hành động, quan niệm buổi xô bồ, gấp gáp như đảo lộn toàn bộ quy chuẩn đạo đức vốn có; Yasube đã có những phát ngôn khiến ai cũng phải lặng người: “Khi đứa trẻ làm điều gì sai hay quên mất lễ nghi, phép tắc, chẳng phải quát mắng răn đe nó là điều đương nhiên phải làm hay sao?”, “Nếu không nói với đứa trẻ điều nó đang làm là sai, nó sẽ không bao giờ hiểu đâu”, “Thời thế đã đổi thay nên dù miễn cưỡng bỉ nhân cũng phải đồng thuận với việc phụ nữ ra ngoài làm việc. Tuy vậy, bỉ nhân không thể làm ngơ trước sự những nữ nhân không đi làm song chẳng hề dồn tâm sức quán xuyến nhà cửa, chỉ chuyên mơ mộng hão huyền muốn làm cái này, muốn làm cái kia, tiêu tốn năng lượng vào những việc vô bổ. Mỗi người đều có trách nhiệm của riêng mình. Hiểu rõ bổn phận của bản thân chính là cách sống của một con người đàng hoàng”.

Có thể nói chăng, với tiểu thuyết Thợ bánh Samurai, Yasube như một dấu gạch nối, nối giữa quá khứ và tương lai, vượt thời gian để con người hiện đại nhận ra, dường như bản thân đã đi rất xa với những giá trị chân – thiện – mĩ truyền thống.  Người ta đề cao nhân quyền, tự do cá nhân nhưng lại quên đi rằng, nhân quyền hay tự do đều phải đi cùng với bổn phận và trách nhiệm. Người ta nghĩ để trẻ em sống tự lập song lại không nghĩ rằng, răn đe khi cần thiết là biện pháp để rèn luyện lòng tự trọng, tính kỉ luật cho trẻ. Và bất cứ ai sống trên cuộc đời, đều có một “vị trí”, hay nói cách khác, đều có một “nhiệm vụ xã hội” riêng. Bởi con người, chẳng ai có thể sống tách biệt với đồng loại, cộng đồng.

Yasube thay đổi như thời đại đổi thay kéo theo những chuyển biến tất yếu trong phân công công việc, quan niệm, tư duy. Nhưng ở Yasube lại đặt ra một vấn đề luôn tồn tại nhức nhối: đổi thay song phải trên nền tảng truyền thống. Và quá khứ, cội rễ chính là nền tảng để con người phát triển một cách toàn diện, tránh những sự lệch lạc về mặt tư tưởng, tâm lí.

Bên cạnh nhân vật trung tâm Yasube là hình ảnh một Hiroko như đại diện cho lớp phụ nữ Nhật Bản thời đại mới. Những con người không muốn sống một đời phụ thuộc vào người chồng và luôn đấu tranh vì những quyền bình đẳng tối thiểu. Và bởi mang tính đại diện, nên trong con người Hiroko có đầy đủ mâu thuẫn mà người phụ nữ phải gánh chịu: mâu thuẫn giữa công việc cá nhân với công việc quán xuyến gia đình, mâu thuẫn giữa giáo dục con cái với nuông theo cảm xúc của con để nhận lấy sự yên bình, mâu thuẫn giữa việc mạnh mẽ để trở thành một người mẹ đơn thân với những mệt mỏi tích tụ khiến cô xuất hiện mong muốn được sẻ chia với người đàn ông trụ cột gia đình.

Cùng với đó là cậu bé Tomoya, một cậu bé bướng bỉnh song cũng cực kì thông minh và hiểu chuyện. Nhận hai luồng giáo dục từ người mẹ, về sau là Yasube, có thể nói chăng, Tomoya như người gửi gắm niềm tin về tương lai với các cậu bé sống trong thời hiện đại nhưng luôn kế thừa, phát huy, lưu truyền những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Với trục nhân vật: Yasube – Hiroko – Tomoya, tác giả Araki Gen đã tạo dựng lên một trục thời gian quá khứ – hiện tại – tương lai để con người ta chiêm nghiệm về bao giá trị nhân sinh đáng quý. Nhất là khi đời sống mỗi lúc một thêm gấp gáp khiến con người như quên bẵng bao giá trị tốt đẹp những tưởng là vĩnh hằng, cốt lõi của một dân tộc phát triển bền vững. Thế giới Yasube tạo dựng bằng bánh ngọt nói chung, món bánh flan nói riêng có lẽ cũng chính là ước mơ của tác giả: sự giao thoa giữa truyền thống – hiện đại để tạo nên bước tiến đến tương lai.

Thợ bánh samurai

Con người nơi đâu, sẽ trở về nơi đó

Mặc dù hài hước và chứa đựng không ít khoảnh khắc ngọt ngào, nhưng cuối cùng, Thợ bánh Samurai không phải một cuốn sách được viết ra để chiều lòng những độc giả mơ mộng về câu chuyện ngôn tình xuyên không với cái kết happy ending. Bởi Yasube đến cuối cùng vẫn phải trở về với thời đại mà anh sống và mẹ con Hiroko vẫn phải tiếp tục hướng đến tương lai. Vì rằng, con người ai cũng có một nơi để trở về.

Nhưng tin chắc, những người trong cuộc và cả những ai sau khi gấp cuốn sách lại, đều đã có những chuyến du hành vượt thời gian cho riêng mình để thêm trân trọng quá khứ cùng hiện tại ta đang sống. “Làm bánh”, một công việc cụ thể song đến với Thợ bánh Samurai, có lẽ đây còn là một hành động tượng trưng của những con người đang tích cực đưa những giá trị tốt đẹp của quá khứ đến hiện tại để viết lên tương lai tươi đẹp hơn.