Cuốn nhật ký viết riêng cho bản thân đầy chân phương của một nữ bác sĩ vùng chiến địa, sau khói lửa đạn bom ác liệt lại rơi vào tay địch, và rồi điều kỳ diệu từ tâm hồn mang tên Đặng Thùy Trâm đã cảm hóa người lính bên kia chiến tuyến ấy. “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” là một cầu nối không đồ sộ, không xa hoa, không bóng bẩy, nhưng có thể gắn kết lòng nhân ái và tinh thần nhân văn cao đẹp, gợi lên bao suy nghĩ về hòa bình, về hạnh phúc chân chính của con người.

Ảnh hey.quinn06 Nhật ký Đặng Thùy Trâm reviewsachonly
Ảnh: hey.quinn06

“Thời chống Mỹ từng có một bác sĩ,

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Một con người, tên là Đặng Thùy Trâm…”

(Vương Trí Nhàn)

Đọc thêm:

Sự hiến dâng trọn vẹn cho đất nước.

“Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính.” – Nguyễn Quang Thiều

Đặng Thùy Trâm viết những trang nhật ký này tại bệnh xá Đức Phổ thuộc chiến trường Quảng Ngãi, nơi chị công tác, và di chuyển theo từng trận càn của địch. Những con chữ tuôn thành dòng từ tâm hồn nhạy cảm của người con gái tuổi đôi mươi, mang trong mình một tình yêu dang dở và lòng căm thù giặc sâu sắc.

Chị viết trong bom đạn, trong chết chóc, trong không khí đau thương ngập tràn tin dữ vọng về theo vòng quay của kim đồng hồ, đó là đồng đội của chị, là bệnh binh, là bè bạn, là những đứa em… Nước mắt chảy nhiều, xương máu cũng đổ nhiều! Chết quá dễ dàng! Không có cách nào để đề phòng những tổn thất ấy cả. Người lính cụ Hồ chẳng tiếc gì để đổi lấy độc lập tự do. Hiểu rất rõ sự khắc nghiệt của chiến tranh, chị dùng tình thương chân thành và tinh thần trách nhiệm để đối đãi với mọi người xung quanh, với bệnh nhân trong bệnh xá:

“Tất cả bệnh nhân trong bệnh xá này trong những lúc đau ốm nặng mình đều đến với họ bằng tinh thần trách nhiệm, bằng tình thương thắm thiết đó cho nên dù xa lạ bao nhiêu rồi cũng thấy có một cái gì gắn bó với người thầy thuốc mà họ thấy rất gần với họ ấy. Họ gọi mình bằng hai tiếng “Chị Hai”, họ xưng em mặc dù lớn tuổi hơn mình và họ vui đùa, làm nũng với mình nữa. Giữa những ngày gian khó ác liệt này, mình đã tìm lấy niềm vui, sự an ủi nơi họ.”

Những trang viết như dồn nén, lại như giãi bày. Khi cái chết cận kề từng giờ từng phút, tiếng nói con người vang lên đầy chân thành và trung thực. Và sự trung thực ấy là minh chứng sắc son cho tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp nhược hay do dự, và sự hiến dâng trọn vẹn cho đất nước, của người lính cụ Hồ.

Ảnh m.t.d_1511 Nhật ký Đặng Thùy Trâm reviewsachonly
Ảnh: m.t.d_1511

Sức mạnh cảm hóa từ một tâm hồn cao đẹp!

Giới mộ điệu vẫn hay nói rằng số phận đã đưa Frederic Whitehurst đến với những trang nhật ký của Đặng Thùy Trâm, để ông đi đến quyết định lưu giữ 35 năm và sau cùng tìm cách trao trả lại cho gia đình người con gái ấy.

Thế nhưng phải hiểu rằng, có rất nhiều tài liệu cá nhân của những người lính, thậm chí có thể chất đầy nhiều xe tải – theo lời của Fred – trong chiến tranh, ông giữ nhiệm vụ kiểm tra tất cả tài liệu bắt được của địch, giấy tờ nào không có giá trị cho cuộc chiến thì được lệnh phải đốt đi. Vậy thì lý do gì khiến Fred giữ lại hai quyển nhật ký của chị Trâm – những trang viết cá nhân không mang chiến lược hay bí mật quân sự gì?

Thông dịch viên của Fred, thượng sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Trung Hiếu, đã ngăn ông: “Đừng đốt, trong đó đã có lửa rồi!”. Điều này khiến Fred thấy lạ vì Hiếu là người của quân đội Miền Nam, Đặng Thùy Trâm tuy chỉ là một bác sĩ nhưng chị vẫn thuộc quân đội Miền Bắc, niềm kính trọng của Hiếu đối với Đặng Thùy Trâm có thể coi là một sự phản bội. Thật may, Fred tôn trọng ý kiến của Hiếu và khâm phục sự dũng cảm này của anh.

Vậy là, một người lính Việt Nam Cộng Hòa đã thật sự xúc động trước những dòng chữ đầy chân phương ấy, và nhờ Hiếu, người sĩ quan quân báo Hoa Kỳ kia cũng trăn trở xao động trước trang nhật ký. Hai con người đều đứng ở phe đối địch của Đặng Thùy Trâm, và đều cảm phục trước người con gái Việt Cộng này, dù chưa gặp mặt, mà chỉ qua những con chữ, những tâm tình ánh lên từ một tâm hồn cao đẹp của một nữ anh hùng.

Fred cảm thấy cần trao trả lại những tranh nhật ký đến gia đình và đất nước chị, nhưng ông không thể làm điều đó trong chiến tranh, không thể báo cáo lên cấp trên, nếu báo cáo ông có thể về nước ngay lập tức và thậm chí là ngồi tù. Vì vậy Fred đã lấy trộm và gìn giữ nhật ký của chị Trâm, cho đến ngày chiến tranh kết thúc, và đợi đến ngày quan hệ hữu nghị giữ hai nước đã trở nên hòa hoãn, ông mới thực hiện được ý định của mình.

“Trên thế gian có nhiều thứ tình yêu. Có tình yêu lãng mạn của tuổi trẻ. Có tình yêu của anh em ruột thịt. Tôi đã yêu Đặng Thùy Trâm như một người chị của mình.” – Frederic Whitehurst.

Không phải ngẫu nhiên mà những trang nhật ký của Đặng Thùy Trâm trở nên nổi tiếng như thế. Hầu như bất kỳ ai, dù thuộc phe ta hay ở bên kia chiến tuyến, dù đã trải qua mưa bom lửa đạn hay chưa từng ngửi thấy mùi vị khói súng, dù thuộc thế hệ chiến tranh hay là hậu chiến tranh, đều cảm thấy xúc động trước chân dung của một con người cao đẹp giữa chiến tranh tàn khốc.

Chiến tranh đã không thể phá hoại vẻ đẹp tâm hồn của Đặng Thùy Trâm.

Ảnh _sam21_ Nhật ký Đặng Thùy Trâm reviewsachonly
Ảnh: _sam21_

Cuốn sách nhỏ làm xao động thế giới!

Nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm (26/11/1942 – 22/06/1970) sinh ra ở Huế nhưng lớn lên ở Hà Nội, là chị cả trong một gia đình trí thức, bố là bác sĩ ngoại khoa, mẹ là giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội. Cả chị và ba người em đều mang tên giống mẹ và chỉ khác nhau tên đệm, nên bạn bè và người thân đều gọi Thùy Trâm là “Thùy” để phân biệt.

“Nhật ký Đặng Thùy Trâm” vốn là hai tập nhật ký viết tay được chị viết từ ngày 08/04/1968 đến ngày 20/06/1970, 2 ngày trước khi chị hi sinh. Sau 35 năm được cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ lưu giữ, hai quyển nhật ký được trao lại cho gia đình chị vào cuối tháng 4 năm 2005.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ năm 2005, NXB Hội Nhà văn liên kết với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cho ra mắt ”Nhật kí Đặng Thùy Trâm”. Chỉ sau 7 tháng phát hành, quyển sách đã bán được hơn 400.000 bản, trở thành một hiện tượng văn học. Báo nước ngoài ví nó như “Nhật ký Anne Frank” của Việt Nam.

Ngày 11/09/2007, cuốn sách đã được phát hành tại Mỹ và nhiều quốc gia khác dưới tên tiếng Anh là ”Last night, I dreamed of peace”. Về sau, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” tiếp tục được dịch ra nhiều thứ tiếng khác: Hàn Quốc, Anh, Thái, Romania,…

Cuốn sách nhỏ làm xao động thế giới! Nó gắn kết lòng nhân ái và tinh thần nhân văn cao đẹp, gợi lòng bao dung và hòa ái, gợi lên bao suy nghĩ về hòa bình, về hạnh phúc chân chính của con người.

Link mua sách:

Lazada: https://shorten.asia/w6nMU5jy

Fahasa: https://shorten.asia/ERDeK6x6