Trạm thu phí quái lạ là một tác phẩm kinh điển của văn học thiếu nhi, có thể sánh ngang với “Alice ở xứ sở thần tiên”. Được sáng tác bởi Norton Juster- một nhà văn đồng thời là kiến trúc sư và giáo sư. Trạm thu phí quái lạ đã được dựng thành phim hoạt hình, nhiều lần được đưa lên sân khấu dưới hình thức kịch nói lẫn nhạc kịch.

Trạm thu phí quái lạ kể câu chuyện về cậu bé Milo luôn luôn muộn phiền, “cậu chẳng biết mình phải làm gì- không chỉ đôi khi mà lúc nào cũng thế”, “không có gì thực sự làm cậu quan tâm – nhất là những thứ mà lẽ ra cậu phải quan tâm”.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Một ngày nọ có “một cái thùng hàng khổng lồ và kỳ lạ đến không thể kỳ lạ hơn” được gửi đến cho cậu. Trong đó có tất cả những phụ kiện để lắp rắp một cái trạm thu phí. Milo bắt đầu lái chiếc xe đồ chơi của mình đến địa điểm đầu tiên có trên tấm bản đồ được gửi kèm theo. Và cuộc hành trình kỳ quái, nhưng cũng vô cùng thú vị của Milo bắt đầu.

Một ý tưởng thú vị

Tất cả những vùng đất Milo đặt chân tới, những thành phố cậu đi qua đều được tạo nên từ những  kiến thức rất quen thuộc mỗi người đều từng được học ở trường lớp. Những kiến thức tưởng như rất khô khan ấy, dưới ngòi bút thông minh và dí dỏm của Norton Juster lại trở nên tràn đầy sức sống như: Thành phố từ điển, thành phố số học, nghịch âm, ầm ĩ, im lặng, vần điệu, lý trí ….

Ai sẽ đủ thông minh để tưởng tượng ra rằng, có một thành phố mang tên Từ Điển, ở đó có một phiên chợ mang tên “phiên chợ từ ngữ” được tổ chức và “mọi người đến từ khắp mọi nơi để mua những từ họ cần hoặc đổi những từ họ chưa dùng đến”, các chữ cái thậm chí có thể ăn được và lại còn có mùi vị rất khác nhau, phong phú như các loại rau củ quả chúng ta vẫn thường ăn vậy. Và “ầm ĩ” thì có hình dạng thế nào nhỉ? Đó là một âm thanh, mà một âm thanh thì chỉ nghe được mà không thể nhìn thấy, tức là nó vô hình. Nhưng trong thế giới của Trạm thu phí quái lạ thì “ầm ĩ” có hình dáng đấy và thật ra Ầm Ĩ chỉ là cái tên của một gã “trông như cuộn sương khói dày đặc màu xanh”, gã rất nhạy cảm, hay khóc và hoàn cảnh thì cũng hết sức đáng thương …. Còn rất rất nhiều nữa những điều thú vị từ trí tưởng tượng tưởng chừng vô hạn của Norton Juster.

Trạm thu phí quái lạ review

Trẻ con thì thường chẳng thể hiểu được ý nghĩa của việc học tập là gì. Bởi vì học là một công việc phải tích lũy lâu dài mới có thể ứng dụng.  Ở độ tuổi của mình, những đứa trẻ chẳng hiểu chúng phải học để làm gì, những bảng chữ cái, các phép toán … sẽ giúp ích gì cho chúng? Những buổi học khô khan hút cạn sự nhiệt thành, hào hứng của lũ trẻ. Nhưng hãy thử nghĩ xem, nếu chúng được bước vào một thế giới quái lạ, ở đó phải vận dụng mọi thứ chúng đã được dạy ở trường để có thể tiếp tục hành trình khám phá và giải cứu những Vương quốc, những vùng đất … chúng có cảm thấy hối hận vì đã không chăm chỉ ở trường không?

Trạm thu phí quái lạ là một cuốn sách chỉ dành cho thiếu nhi hay dành cho người lớn? Thật khó phân định, có lẽ cả hai đều đúng. Bởi Norton Juster làm hài lòng sự vui thú khám phá của trẻ thơ với những hình ảnh sống động, những câu chuyệt hết sức dí dỏm và khơi gợi được niềm yêu thích với việc học tập. Tuy nhiên xen lẫn vào đó lại có những câu châm biếm hay ẩn ý sâu sắc mà chỉ những người lớn đủ trải nghiệm mới có thể giải mã. 

Lối chơi chữ thông minh và những ẩn dụ lắt léo

Điểm lôi cuốn nổi bật nhất của Trạm thu phí quái lạ chính là lối chơi chữ dày đặc rải khắp các trang truyện. Độc giả không chỉ đọc sách, thẩm thấu ý nghĩa ẩn sau hình ảnh, câu chữ và vui thích lối kể chuyện hài hước của Norton Juster mà còn thật sự phải vận dụng trí óc và kiến thức về các con chữ hay ngữ pháp của mình giống hệt như trong một trò chơi đố chữ vậy. Điều đó khiến Trạm thu phí quái lạ làm được nhiều hơn một cuốn sách thông thường là kể chuyện, là tường thuật. Tại đây, độc giả thực sự có cảm giác đang cùng Milo bước vào những vùng đất thú vị đó, gặp những con người quái lạ và giải câu đố từ những cái tên, từ lối nói chuyện lắt léo của họ.

Trạm thu phí quái lạ - review - Lối chơi chữ thông minh và những ẩn dụ lắt léo

Norton Juster thường xuyên sử dụng lối chơi chữ như thế này, khi Milo gặp một người đàn ông để hỏi đường, ông ta giới thiệu rằng, mình là “Whether Man” (Người biến báo). Nhưng Milo lại hiểu đó là “Weather Man” (Người dự báo thời tiết). Hay khi giới thiệu về một chú chó có tính cách rất khó chịu, “nó luôn canh chừng để không ai lãng phí thời gian cả” thì con chó có một cái tên rất thú vị “watchdog” (chó canh). Bởi Watch vừa có nghĩa là canh gác, vừa có nghĩa là đồng hồ … Quả là những lối chơi chữ rất dí dỏm và thông minh.

Và đôi khi Norton Juster thực sự đang đánh đố trí tưởng tượng của độc giả. Như khi ông miêu tả những sinh vật tự xưng mình là “dân Lờ phờ”: “Chúng toàn ngồi trên hoặc ngồi gần những vật có màu giống hệt như mình. Con nào nhìn cũng như con nào (tất nhiên là màu khác nhau), và nhiều con nhìn còn giống con khác hơn là giống chính mình.”. Hay như: “ở bên trái, ngay sát là ba con quỷ Thỏa hiệp- một con cao gầy, một con béo lùn, còn con thứ ba nhìn giống hệt hai con kia” … Có lẽ Norton Juster hài hước muốn nói với độc giả của mình: “Đố bạn tưởng tượng được đấy!”

Lối kể chuyện tài tình của Norton Juster không chỉ dừng lại ở cách liên tục chơi chữ- Đó chỉ là bề nổi của câu chữ. Ông khiến Trạm thu phí quái lạ thú vị hơn nhiều. Các nhân vật trong cuốn sách thường có những lối nói chuyện rất lắt léo, khó hiểu, hoàn toàn không dành cho những người đọc hời hợt. Bởi đôi khi sẽ phải tự nhắc đi nhắc lại những câu nói đó, liên hệ một chút, suy ngẫm một chút thì mới hiểu điều gì đang được nói đến. Mà những thứ phải kỳ công tìm ra thì giá trị mang lại cũng rất lớn.

Khi kể về cuộc trò chuyện của Milo và cậu bé Alec- cậu bé sinh ra trong một gia đình kỳ lạ, mọi người khi sinh ra đều đã ở trên không trung, đầu ở đúng vị trí đầu của người đó. Khi nào người đó là người lớn, sẽ dài ra về phía mặt đất. Alec giới thiệu về mình rằng: “tôi nhìn xuyên thấu được mọi vật. Tôi có thể thấy hết những gì ở trong, đằng sau, xung quanh, bị che, hoặc xảy ra tiếp theo sau bất cứ một việc gì đó. Thật ra, thứ duy nhất tôi không thấy được là cái ở ngay trước mũi tôi.”

Độc giả có thể hiểu rằng, thứ thực ra Alec có thể nhìn thấy đó là: Quá khứ và tương lai. Thứ duy nhất cậu không thể nhìn thấy đó là hiện tại. Góc nhìn đó của Alec, một cách ngẫu nhiên hay cố ý rất giống với góc nhìn của những người trưởng thành. Người lớn thì rất hay hồi tưởng quá khứ, sống với quá khứ, đôi khi chìm đắm trong đó. Và cũng rất thường lo lắng về tương lai, đôi khi điều đó khiến họ bối rối và sinh ra nhiều lo lắng. Hiện tại là cuộc sống của họ nhưng lại thường bị lãng quên.

Milo hỏi, cậu có thể nhìn sự vật từ góc nhìn của Alec không? Và Milo có thể nhưng chỉ một giây sau cậu đã ngã nhào xuống đất. Milo kết luận rằng: “tôi nghĩ là tôi sẽ tiếp tục nhìn mọi vật như một đứa trẻ thôi. Như thế sẽ ngã thấp hơn”. Quả vậy, mọi sự việc nên được nhìn một cách đơn giản nhất, điều đó luôn mang đến sự thanh thản, dễ chịu nhất.

Nhưng tất nhiên rồi, mọi điểm nhìn đều có giá trị của nó. Không ai trong số chúng ta nên vội vàng kết luận về bất cứ sự việc gì từ điểm nhìn của người khác. “Ví dụ từ điểm nhìn của tôi thì kia là một xô nước”, “nhưng từ điểm nhìn của một con kiến thì đó lại là một đại dương mênh mông, từ điểm nhìn của một con voi thì chỉ lại là một cốc nước mát, còn với một con cá thì tất nhiên đó là mái nhà của nó. Vậy thì các bạn thấy đấy, cách bạn nhìn mọi vật phụ thuộc rất nhiều vào điểm nhìn của bạn.”.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều những câu chuyện, cuộc gặp gỡ được kể ra bằng lối kể chuyện ẩn dụ thông minh của Norton Juster. Mỗi câu chuyện tất nhiên đều được truyền tải bằng phương tiện là từ ngữ. Nhưng cũng chính từ ngữ được sử dụng rất tài tình để ẩn dụ những ý nghĩa rất nhân văn của câu chuyện.

Nhưng có một lưu ý nhỏ rằng, nếu độc giả là một đứa trẻ hay một người lớn còn giữ được niềm háo hức với những câu chuyện thần tiên. Những sự vật, con người được hư cấu một cách thú vị và thần kỳ. Thì bạn sẽ yêu thích Trạm thu phí quái lạ. Nếu độc giả là một người lười biếng và không thích phải tư duy hay bị thách đố thì bạn sẽ thấy cuốn sách thật rối rắm, khó hiểu và ngoằn nghèo.

Hà Thúy Ngà