Gió đầu mùa là tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của Thạch Lam, là những bức tranh thực tế được phác lên với đầy tình yêu thương, lòng cảm thông đối với những mảnh đời bất hạnh. Bên cạnh những câu chuyện với nỗi đau man mác còn có những câu chuyện kể về niềm vui sướng của cuộc sống thanh bạc chốn làng quê, nhẹ nhàng và yên bình.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Truyện không có cốt truyện

Chỉ là một lát cắt của cuộc sống, mắt thấy tai nghe cứ thế thành truyện. Truyện của Thạch Lam luôn kể về những sự kiện nhỏ nhặt đời thường, bình thường đến nỗi nhiều khi bị quên lãng. Không cần đến những xung đột gây cấn, không cần đến những tình huống éo le, chỉ là những chi tiết rời rạc của nhịp sống thường ngày. Thạch Lam đi vào lòng người bởi cái chất chân chất của nhịp sống ấy, từ trong những sự kiện thường nhặt ấy lại toát lên thứ cảm xúc man mác, vừa nhẹ nhàng vừa sâu sắc. Đó là cái cảm giác lần đầu làm bố thoạt đầu có chút thờ ơ rồi dần dần là sợi dây liên kết máu mủ thiêng liêng của Tân (Đứa con đầu lòng). Đó là cái lần về quê thăm mẹ già vỏn vẹn chỉ trong một tiếng đồng hồ của Tâm và vài đồng tiền mỗi tháng gửi về xem như tròn bổn phận người con (Trở về). Đó còn là cái đêm gió lạnh, hai đứa trẻ nghe tiếng chim kêu ngoài cửa sổ (Tiếng chim kêu)… Những câu chuyện không có cốt truyện như thế cứ đi vào lòng bạn đọc, nhẹ nhàng và neo đọng mãi.

review sach gio dau mua truyen thach lam
Ảnh: Instagram @quyet_tran.zorba

Cuộc sống của những số phận bất hạnh

Chúng ta vui mừng khi có một nhà văn thành thị lại am hiểu cuộc sống nông thôn, viết về nông thôn đậm chất nông thôn đến thế, Thạch Lam. Đặc biệt hướng ngòi bút vào những cảnh ngộ nghèo khó, Thạch Lam dường như có một sự ưu ái lạ lùng với những cảnh đời như thế. Ông cùng khổ, cùng đau, cùng buồn với họ. Cảm xúc trong từng con chữ của Thạch Lam là cảm xúc của chính nhân vật, chân chất và chân thật, như thể ông đã sống như những số phận nhỏ bé mà ông viết trên trang sách của mình.

Thôn Đoài ngày ấy đầy những người dân ngụ cư, ai cũng nghèo khổ cả, trong số đó có mẹ Lê và mười một đứa  con của mẹ. Ngày trời nóng làm lụm vất vả nhưng mẹ vui vì có người thuê làm vườn làm mướn để đặng có bát gạo cho đám con của mẹ ăn. Khổ nhất là ngày rét, làm không công cũng chẳng ai thuê, đám con mẹ Lê ôm chặt nhau, rét run, đói run, gió và mưa dữ dội, không đèn. Ngày ấy mẹ đi xin gạo nhà giàu, họ xua chó đuổi mẹ đi, chó cắn, máu chảy không người, mấy ngày sau mẹ chết để lại đám con nhoi nhóc bơ vơ. Nơi ấy, “Và họ thấy một cảm giác lo sợ đè lấy tâm can họ, những người ở lại, những người còn sống mà cái khổ cứ theo đuổi mãi không bao giờ dứt” (Nhà mẹ Lê).

Niềm vui nhỏ bé trong cái nghèo khổ

Chỉ là một suy nghĩ, một cử chỉ nhỏ nhoi, một tia nhỏ niềm vui đã là vô giá giữa cuộc sống u buồn. Từ buổi còn đi học, ta cứ bị ám ảnh mãi bởi ánh sáng của đoàn tàu xe lửa vụt qua giữa đêm tối của phố huyện đã gợi lên bao hồi tưởng, hy vọng trong hai chị em (Hai đứa trẻ). Trong tập truyện ngắn này, có những tia lửa khác đi. Đó là những thay đổi trong cách nghĩ về cuộc sống thanh bạc chốn làng quê của Tân (Những ngày mới). Đó là cảnh ngày gió lạnh thổi về, cậu bé Sơn lấy trộm chiếc áo của mẹ đưa cho đứa trẻ nhà nghèo hơn với một tình cảm trong sáng, ngây thơ và sự đồng cảm (Gió lạnh đầu mùa)… Những tia lửa niềm vui như tia sáng bàng bạc giữa u buồn cuộc sống, đem đến cái hy vọng và tình người.

Hương hoàng lan giữa trưa hè

Đọc truyện của Thạch Lam nói chung, tập truyện “Gió đầu mùa “ mới riêng, đặc biệt với người trẻ đang quay cuồng với nhịp sống hiện đại, truyện Thạch Lam mang lại thứ cảm giác dịu dàng mà man mác, tựa như hương hoa hoàng lan phả vào lòng người, cái hương thơm thương mến ngày ấy Thanh gặp Nga (Dưới bóng hoàng lan).  Những cảm xúc buồn đấy mà thương đấy. Chợt những điều bình dị của cuộc sống lại cho ta thấy rằng mình đang sống thật và dường như cũng đang mất đi, đang chết đi phần nào đó. Hương hoàng lan đeo bám ta, dịu ngọt, thanh mát, nôn nao.

reviewsach.net gio dau mua thahc lam
Ảnh: Instagram @lamvandien

“Gió đầu mùa” đã trở thành một quyển sách văn học được yêu thích bởi nhiều thế hệ bạn đọc. Chất văn, hơi văn của Thạch Lam thoáng qua mà đọng lâu. Đó có lẽ cũng là lý do mà tập truyện này trân trọng được hiện diện trong bộ “Việt Nam Danh tác”. Trong tập truyện ngắn này, Thạch Lam đã khẳng định con đường văn chương của mình: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay quên lãng, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo thay đổi một cái xã hội giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.