Shidou, một chàng trai mười tám tuổi mất hết niềm vui thích vào cuộc sống nên đã đi đến quyết định tự sát. Tuy nhiên bản thân anh chàng lại là người sợ đau nên đó giờ Shidou vẫn không dám tìm đến những cách tự sát thông thường như nhảy lầu hay cắt cổ tay. Bởi thế, trong một lần say bí tỉ, vận số đã run rủi Shidou đến với Cửa tiệm tự sát, một cửa tiệm sẵn sàng đáp ứng mọi nguyện vọng của người có nhu cầu tự sát với giá hết sức phải chăng: 100.000 yên.
Đổi lại, trong một tuần khi Cửa tiệm chuẩn bị mọi khâu cho khách hàng từ giã cõi đời, người đó phải viết di chúc và đưa nó cho Cửa tiệm trước lúc ra đi và nếu “lật kèo”, khách sẽ mất 50.000 yên tiền cọc.
Khi dính vào Cửa tiệm tự sát cùng anh chủ tiệm – Yomiji, một tuần trôi qua tựa như một chớp mắt, Shidou đã gặp liên tiếp những câu chuyện cùng nhân vật mà suốt mười tám năm sống trên cõi đời, Shidou cũng không tưởng tượng có ngày sẽ gặp phải. Và liệu, trong một tuần trước ngày tự sát này, Shidou có thay đổi quyết định hay việc tự kết liễu cuộc đời có phải hành động mang lại hạnh phúc thật sự cho cậu?
Giá trị của sinh mạng, ý nghĩa của cuộc sống
Những người chọn cách tự tử để kết liễu cuộc đời chính mình, họ là ai và nguyên nhân do đâu đã đẩy họ đến con đường cực đoan như thế? Bởi họ trầm cảm sau đủ thương tổn cuộc đời, vì họ đã chán ngấy cuộc sống vô thường với đủ bon chen, dối lừa, hay đơn thuần, họ chỉ là những kẻ vô trách nhiệm với cuộc sống bản thân cùng mối quan hệ xung quanh? Hoặc… có thể họ cũng giống như anh chàng Shidou trong tiểu thuyết Nhật kí kẻ cô đơn, cảm thấy đã sống trọn một kiếp đời rồi nên quyết định ra đi khi ở độ tuổi có lẽ là đẹp nhất của một đời người, khi người ta chưa thực sự bị dòng xoáy thực tại cuốn đi và vẫn giữ được nét trong trẻo trong tâm hồn.
Được chắp bút bởi một tác giả đến từ xứ Phù Tang, đất nước có tỉ lệ mắc hội chứng hikikomori cùng tỉ lệ người tự tử cao nhất thế giới, Nhật kí kẻ cô đơn không phải cuốn truyện quá dày song vẫn hết sức ám ảnh. Tác phẩm chỉ hơn hai trăm trang nhưng tình tiết phát triển khá thú vị khi tác giả đã đặt điểm nhìn vào chính bản thân một người muốn chết để khắc sâu vào tâm lí lẫn những biến chuyển nội tâm của kẻ đang chênh vênh giữa lằn ranh sinh – tử.
Shidou, chàng trai trẻ 18 tuổi, khỏe mạnh, có cuộc sống bình thường như bao chàng trai khác cùng lứa tuổi, không bệnh tật, cũng chưa từng vấp ngã trên đường đời. Vậy mà cậu ta lại muốn kết liễu sinh mạng, nhưng phải bằng cách êm ái nhất, đẹp đẽ nhất, hoàn mĩ nhất, bởi, Shidou sợ đau. Shidou biết tới dịch vụ tự tử như một vận may, hay chính là cơ duyên của cậu.
Và trước khi chết, cậu có một tuần được sống là một con người, hít thở bầu không khí trong lành, gặp người cậu muốn gặp, nhìn lại người thân trong gia đình lần cuối dù trước đó, cậu có ghét người ấy đến đâu chăng nữa. Tựa ngọn nến cháy bừng trong những ngày cuối cùng, Shidou đã tiếp xúc với những con người kì lạ, gặp những việc có thể 18 năm qua, cậu cũng chẳng thể mơ đến. Tình tiết câu chuyện chảy trôi theo dòng sự kiện thời gian, đời sống hiện thực đan xen với những chi tiết hư ảo khiến Nhật kí kẻ cô đơn như thật mà cũng lại như đến từ một thế giới xa xôi nào đó. Và có lẽ, chính những tình tiết hư ảo về người bạn có siêu năng lực, những tình tiết đầy tính huyền bí về một anh chàng Yomiji bí ẩn từ ngoại hình tới tính cách, từ nghề nghiệp đến chính ngay cái tên không rõ là tên thật hay nghệ danh của anh ta mà khiến cho tiểu thuyết Nhật kí kẻ cô đơn không trở nên nhàm chán trước lối kể chuyện chảy trôi theo dòng thời gian tuyến tính.
Rồi khi khép lại trang sách, độc giả nhận ra, tác giả Kota Nozomi viết về cái chết, một người muốn chết mà ngòi bút của ông vẫn luôn hướng về sự sống, đời sống vậy. Nhật kí của kẻ cô đơn, là bản di chúc cuối đời của chàng trai 18 tuổi Shidou. Đồng thời đó cũng là những dòng trải lòng của con người tuổi trẻ, 18 năm sống vô danh, cô độc giữa dòng đời và trong bốn bức tường hay hai tiếng “gia đình” ngày ngày cậu đối mặt.
Chết là chấm dứt tất cả, chuỗi ngày đơn độc, nhàm chán. Nhưng chẳng phải, chết cũng là hướng đến sự sống vĩnh hằng, hạnh phúc, có ý nghĩa hơn hay sao. Kiếp người phù dung, 18 năm hay 81 năm có thật khác nhau, khi người ta đã cảm thấy trải đủ cung bậc cuộc đời. Cái chết hẳn không phải bi kịch, càng không phải sự vị kỉ, thiếu trách nhiệm của con người mà chỉ là khoảnh khắc người ta thấy trân trọng bản thân nhất đồng thời hướng đến “một phút huy hoàng rồi chợt tắt” (Xuân Diệu) mà thôi.
Và 7 ngày được nhìn lại cuộc đời, con người một lần nữa của Shidou, tựa như 7 ngày của một linh hồn được tồn tại trên cõi trước kì chuyển sinh.
Nhật kí kẻ cô đơn, tưởng chừng cá nhân với một cái tôi hết sức đặc biệt như Shidou, chết đơn giản vì không còn muốn sống nữa; tưởng chừng là câu chuyện cực đoan, u uất và đầy bi lụy. Vậy mà hơn 200 trang truyện, tác phẩm ấy lại mang giá trị phổ quát cùng triết lý “thiền” ẩn sâu tới khôn cùng, để hướng mỗi người, đến việc sống sao cho đáng sống, và nếu ra đi, cũng phải ra đi như một con người mang lòng thanh thản, trong trắng nhất.
Nhật kí kẻ cô đơn hay chuyện về một thế hệ mất đi lẽ sống
Trong cuốn tiểu thuyết ngắn gọn chỉ hơn 200 trang như Nhật kí kẻ cô đơn, khó có thể nói hay yêu cầu tác phẩm có một hệ thống nhân vật quá mức đồ sộ. Nhưng cũng bởi hệ thống nhân vật không quá nhiều nên tác giả Kota Nozomi có thể tập trung xây dựng tính cách, khắc họa tâm lí, miêu tả hành động của từng các nhân trong sáng tác của ông.
Chàng thanh niên Shidou muốn tự tử bởi quá yêu cuộc sống này. Cô gái tên An giết người vì quá yêu con người. Kẻ bí ẩn Yomiji giúp tiễn đưa linh hồn. Cô nàng Morihara có siêu năng lực nhưng luôn muốn sống như một người bình thường. Anh chàng Souichirou, một thầy bói “rởm” nhưng vì nhiều lí do mà trở nên nổi tiếng… Và từ lăng kính của từng cá nhân, người đọc sẽ thêm thấu hiểu về cách nhìn nhận cuộc đời cũng như cái chết của mỗi con người. Để rồi qua đó, ta thêm hiểu được tâm lí của một kẻ luôn nung nấu ý định tự tử trước ngày anh ta rời bỏ cõi đời.
Nhưng hơn cả, hiện lên trên trang sách Nhật kí kẻ cô đơn, là bóng hình của những con người mang nhiều mâu thuẫn và trên hết, cô đơn đến mức đang mất dần động lực sống cũng như mục đích sống. Cái chết là biểu hiện khác của niềm yêu sự sống. Song đấy cũng là cách thể hiện đầy cực đoan của những cá nhân, yêu sống mà chẳng cách nào có thể tiếp tục tồn tại như một bản thể toàn vẹn. Từ câu chuyện nhỏ, nhân vật xưng “tôi”, viết ra những dòng nhật ký tựa lời tâm sự hơn là di chúc trước lúc lìa đời, mà tác giả Kota Nozomi như hướng ngòi bút rộng hơn, tới một lớp người xứ Phù Tang, khao khát được sống mà người ta khao khát được chết. Hay đơn thuần, lớp người cô đơn đó, chỉ đang mất đi động lực sống, không tìm ra cái tôi bản ngã nên họ kiếm tìm sự sống ngay trong cái chết cận kề.
Tuy nhiên, gấp lại trang sách Nhật kí kẻ cô đơn, vẫn đó nhiều điều khó lòng làm thỏa mãn độc giả. Câu chuyện về cô bé An sát thủ nhiều khi tới mức hiếu sát, câu chuyện về Yomiji, câu chuyện về Morihara… Đặc biệt là anh chàng Yomiji, một nhân vật đầy thú vị song đến cuối cùng Yomiji chỉ còn là một cái tên thật hay nghệ danh cũng không rõ. Dường như mọi thứ tác giả chỉ mở ra đấy mà không khép lại, ông chỉ khơi gợi lên chi tiết và liên tưởng mà chưa thực sự đào sâu vào từng góc khuất cá nhân. Kết cấu như vậy có thể tạo khoảng trắng vô tận trong tác phẩm cho độc giả thỏa sức “đồng sáng tạo”, nhưng có thể cũng là con dao hai lưỡi, khiến người đọc cảm thấy câu chuyện trở nên cụt ngủn, hụt hẫng.
Nhưng tới tận cùng, Nhật kí kẻ cô đơn vẫn là câu chuyện đầy ám ảnh. Đặc biệt đặt cuốn sách trong dòng chảy văn chương Nhật Bản, khi vấn đề người trẻ tự tử đã sớm trở đi trở lại trên trang văn của đất nước này, người ta không còn mục đích sống hay nghĩ mình đã sống đủ, người ta ra đi, thanh thản, chẳng nuối tiếc; lại càng thấy tác phẩm của Kota Nozomi thêm phần ý nghĩa.
Và ngay chính tiểu thuyết Nhật kí kẻ cô đơn, cái tên Shido, biến âm của Shidou được Yomiji dùng cho vị khách hàng 18 tuổi trong một tuần trước khi cậu tự sát, nếu “viết bằng chữ Hán có thể là “Từ đạo”, một lối chơi chữ gợi nhắc tới “Trà đạo”, “Hoa đạo”, “Thư đạo… trong văn hóa Nhật Bản.” Tựa như dụng ý ngôn từ của tác giả, rằng tự tử, như đang dần trở thành “văn hóa” của một thế hệ mất đi lẽ sống. Song cuối cùng, Nhật kí kẻ cô đơn nói riêng, cùng văn chương nước Nhật nói chung, tác giả viết về cái chết vấn luôn hướng người đọc tới cái sống nhằm diễn giải ý nghĩa cuộc đời đồng thời khơi dậy tình yêu cuộc sống trong mỗi người. Nhưng “sống” ở đây phải là chữ sống viết hoa, đúng nghĩa một con người với khát khao, hi vọng, giao hòa, giao cảm được cùng muôn mặt thanh âm của cuộc đời dẫu có đớn đau mà cũng rất mực ấm áp, dịu dàng này.
- Tiki: TaDH68BQ” TaDH68BQ
- Fahasa: S56p25uq” S56p25uq
Mọt Mọt