Công ti Mĩ phẩm Hinode có dòng sản phẩm chủ lực bán rất chạy mang tên: Xà phòng Bạch Tuyết. Và công ti ấy, cũng có nữ nhân viên mang sắc đẹp như công chúa Bạch Tuyết khi xưa. Nhưng tiếc thay, Bạch Tuyết đã bị mưu sát trong vụ án giết người đốt xác tàn khốc.

Vụ án nổ ra, một phóng viên tự do bắt đầu lấy tin, viết bài sau khi được đồng nghiệp của nạn nhân, cũng là bạn học thời cấp 3 gọi điện thông báo. Hành trình đấy, cùng những phóng sự anh ta viết, nhanh chóng biến án mạng nhuộm đẫm màu cổ tích kì ảo ma quái. Với nạn nhân là công chúa Bạch Tuyết xinh đẹp và hung thủ là Phù thủy độc ác, mang cùng họ với Bạch Tuyết nhưng chiết tự chữ Hán lại có nghĩa “công chúa.”

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Tuy nhiên, giữa những luồng thông tin quay cuồng kéo theo bao định kiến, ác ý ngấm ngầm đến trực diện của hàng loạt cá nhân liên quan tới “Phù thủy”, thì sự thật ẩn sau “bi kịch cổ tích thời hiện đại” đó, là gì?

án mạng bạch tuyết review

Sự phức tạp của một vụ án “đơn giản”

Trước hết, cần phải nói rằng tính “đơn giản” của vụ án giết người đốt xác trong Án mạng Bạch Tuyết không nằm ở biểu hiện của tội ác. Bởi từ tình trạng thi thể: “bị đâm mười mấy nhát khắp cơ thể trước khi bị tẩm dầu thiêu” đến nỗi tử thi khi được phát hiện đã cháy đen cũng đủ thấy tính nghiêm trọng lẫn phần nào, sự hằn thù mà hung thủ hướng tới nạn nhân. Với tình trạng hủy hoại thi thể như thế, vụ án này đủ sức gây chấn động dư luận và không thể nào “đơn giản” được.

Tuy nhiên, Án mạng Bạch Tuyết cũng hết sức giản đơn trong việc xác định hung thủ. Khi kẻ thủ ác đã để lại khá nhiều manh mối, sơ hở. Và sự thật rằng, phía điều tra, cũng rất nhanh xác định, thu thập được những chứng cứ còn sót lại, kể cả dấu vân tay hung thủ để ở hiện trường gây án. Từ đấy, cảnh sát đã tiên hành phác họa động cơ gây án, khoanh vùng nghi phạm, bắt kẻ tình nghi.

Cho nên, tính phức tạp của cuốn tiểu thuyết trinh thám này, không nằm ở khía cạnh điều tra mà ở cách, tác giả Minato Kanae đã xây dựng một tuyến truyện riêng biệt, diễn ra song song, độc lập với quá trình cảnh sát phá án: về phía truyền thông xung quanh những câu chuyện “ngồi lê đôi mách” nhằm tới một “nghi phạm giả tưởng.” Nói giả tưởng, vì chân dung nghi phạm đó, tất cả đều chỉ là những nét chấm phá tạo lên sau hàng loạt đồn đoán vô căn cứ của những kẻ ưa chơi trò “thám tử” lẫn bao đố kị, ác ý vốn chảy ngầm nơi vùng quê nghèo còn nhiều mê tín, trong lòng những kẻ, sẵn có định kiến, tà tâm.

Tất thảy, tạo lên một Án mạng Bạch Tuyết mang hình thức hết sức khác lạ. Dường như đây không còn giống một cuốn tiểu thuyết chuẩn mực nữa mà gần với cuốn cataloge toàn cảnh vụ án hơn. Ở đó, quá nửa là sự trần thuật lời nói của hàng loạt nhân vật, đứng ở ngôi kể thứ nhất, đóng vai trò nhân chứng, có mối quan hệ với “nghi phạm” được đánh số: Đồng nghiệp 1, Đồng nghiệp 2, Bạn cùng lớp, Dân địa phương; cùng chính bản thân Người trong cuộc bị gán cái danh “Phù thủy.” Và phân nửa còn lại, là sự tổng hợp những bài báo, các trang mạng xã hội dưới dạng diễn đàn Man-malo người ta cùng thảo luận về một chủ đề hay blog cá nhân; gom chung lại trong Tư liệu liên quan đến “Vụ sát hại nữ nhân viên văn phòng ở công viên Shiguretani”.

Bằng bố cục đặc biệt như vậy, tác giả Minato Kanae đã khiến tác phẩm của cô trở nên khó đoán biết hơn bao giờ hết. Thay vì tạo nên một vụ án phức tạp, Minato Kanae đã tạo lên một background phức tạp, ngỡ như rời rạc về bao câu chuyện bên lề “Án mạng Bạch Tuyết.” Để độc giả thấy rằng, “tâm lý đám đông” có thể chứa đựng thứ ác ý đến sảng khoái sau cái vỏ bọc hoa mĩ của công lí đến thế. Và rằng, có những kẻ nắm trong tay thứ quyền lực thứ tư mà vì hư vinh cá nhân, đã sẵn sàng bán rẻ lương tâm theo từng con chữ tới vậy. Người đọc, càng dấn thân sâu hơn vào thế giới của Án mạng Bạch Tuyết, có lẽ càng không còn quá đỗi bận tâm về danh tính hung thủ nữa. Mà cái người ta quan tâm hơn hết ở đây, là những câu chuyện “trà dư tửu hậu”, những lời nói vàng thau lẫn lộn cùng chuyện cổ tích đậm mùi ma quái thời hiện đại ấy sẽ đi tới đâu đây?

án mạng bạch tuyết minato kanae

Lương tâm của kẻ nắm trong tay quyền lực thứ tư

Như đã nói, Án mạng Bạch Tuyết là một cuốn tiểu thuyết có bố cục đặc biệt: được tạo dựng lên từ nhiều hình thức từ tự sự đến phóng sự báo chí, tin vắn, bình luận trên mạng… Và trong tác phẩm đặc biệt như vậy, Minato Kanae đã xây dựng thành công một nhân vật trung tâm, cũng hết sức lạ kì. Anh ta xuất hiện ở hầu khắp các phần nhưng lại không bao giờ lộ mặt. Anh ta dẫn dắt câu chuyện. hiện diện trong câu nói, lời kể của những vật khác nhưng chưa một lần trực tiếp có một câu thoại độc lập. Anh ta ẩn sau màn hình các thiết bị điện tử, những bài báo sử dụng bút danh riêng. Anh ta, là phóng viên tự do Akahoshi Yuuji.

Quả tình, hiếm có một tác phẩm nào, nhân vật trung tâm sự lại có sự tồn tại mờ nhạt đến vậy. Con người ấy, tựa như chỉ đóng vai người lắng nghe những câu chuyện tản mát, vụn vặt ngay từ sau cuộc điện thoại đầu tiên của cô bạn thời cấp ba Kanou Risako. Anh ta đi nhiều nơi, cũng gặp gỡ nhiều người, khơi mở nhiều câu chuyện.

Mà nếu xét trên cương vị một phóng viên đang tác nghiệp, chẳng thể chê trách Akahoshi được điều gì. Vì ngỡ rằng, anh ta chỉ đang đứng ở vị trí trung lập lấy tin, phỏng vấn, viết bài, tìm hiểu về những vấn đề xung quanh án mạng của một nhân viên văn phòng tại công viên Shiguretani. Từ đó, mở ra cho người đọc, những điểm nhìn khác nhau trong một vụ án khi thời điểm cảnh sát, chưa đi tới kết luận chính thức. Và trong thời đại chạy đua thông tin như hiện nay, cũng thật khó chê trách một kẻ dùng ngòi bút để kiếm kế sinh nhai, có tin tức trong tay lại không được khai thác tin tức ấy.

Tuy nhiên, đấy không phải lí do, càng không phải cái cớ, cho những kẻ nắm giữ thứ quyền lực thứ tư như Akahoshi, mặc sức phóng bút, cắt câu lấy chữ, lợi dụng sự mù quáng của con người, dẫn dắt dư luận theo chiều hướng có lợi cho bản thân. Những kẻ, ẩn sau màn hình máy tính, điện thoại; đứng sau những câu từ hoa mĩ rằng “không công khai danh tính” mà thỏa sức thêu dệt lên các câu chuyện giật gân thỏa mãn tâm lí đám đông ưa thích những chuyện li kì.

Hay nói rằng, đấy là những kẻ, bán rẻ lương tâm cho thứ ảo tưởng hư vinh, quyền lực. Những kẻ, “nhát như thỏ đế” và nhìn cuộc đời bằng ánh nhìn hời hợt, ích kỉ nhưng đam mê thể hiện. Những kẻ, như cố nhà văn Nam Cao từng viết: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề nào cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện.”

Và tiếc thay, “nội dung rác rưởi có ở khắp nơi” còn những gã như Akahoshi nhan nhản trên mạng. Bởi thế, cũng có thể nói chăng, Akahoshi, đã trở thành một dạng nhân vật điển hình Minato Kanae xây dựng, nhằm biểu trưng cho đám người mờ nhạt, vô hình trong đời sống thực; kiếm tìm sự tồn tại nơi thế giới ảo song lương tâm, đạo đức lại trở thành một thứ xa xỉ, xa vời trước quyền sinh, quyền sát ở trọn trong cây bút chúng nắm trong tay. Có lẽ, không phải chúng không nhận thức hay phân biệt được đúng – sai, thật – giả mà bản thân chúng, chỉ đang cố tình lờ đi sự thật, trong thời đại người người quay cuồng giữa cơn bão thông tin này.

án mạng bạch tuyêt

“Bia miệng” thiên hạ buổi hiện đại

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, một kẻ như Akahoshi có thể dẫn dắt dư luận sau câu chuyện “vô thưởng vô phạt” của cô bạn thời cấp ba; chẳng phải phần lớn, đến từ chính sự dễ dãi của đám đông hay sao?

Đám đông dễ dãi trong sự tiếp nhận thông tin, dễ dãi trong cả những phát ngôn công khai của bản thân.

Rồi cũng đám đông ấy, lại quá đỗi cay nghiệt khi nhìn nhận con người. Người ta say sưa mạt sát một cá nhân bằng tất thảy sự nghi kị, ghen ghét.

Bởi thế chăng, một Akahoshi hèn nhát cũng chỉ như hòa mình vào trong đám đông cực đoan tới mất lí trí vì sự yếu kém, ti tiện của mình mà thôi. Nên Phù thủy hay Bạch Tuyết, có lẽ, tất cả đều là nạn nhân trong câu chuyện của những kẻ thua thiệt, kiếm tìm niềm vui vào thứ công lí nửa vời ăn theo bi kịch người khác. Những kẻ đó, khác chi loài kền kền?

Và “Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”, một con người đã bị hủy hoại trước “bia miệng” thiên hạ, liệu có thể quay trở lại dù sự thật được phơi bày? Khi người ta, vẫn mãi cực đoan như một nhóm người cuồng tín đến thế, dù là buổi hiện đại hôm nay. Hay chính buổi hiện đại, với “dễ dãi của công nghệ”, đang dung tung cho con người ngày một thêm mất nhân tình, và mất lí tính.

*Đọc thêm các bài review sách của Minato Kanae: