Ở hai vùng đất cách xa, George-Harrison và Eleanor-Rigby – không hề quen biết nhau – cùng nhận được bức thư nặc danh với nội dung tương tự buộc tội mẹ họ từng gây ra tội lỗi và có một cuộc đời khác với những gì họ biết. Sự thật hai người mẹ này đã gây ra tội lỗi gì trong quá khứ? 

Eleanor-Rigby là một nhà báo, cô đi rất nhiều nơi, sống cuộc sống thượng lưu ở một thành phố xa hoa. Nhưng sâu thẳm trong cô là kẻ cô đơn quá đỗi. Với cô: “Du lịch không ngừng khắc vào đời bạn cái dấu sắt nung của cảnh độc thân vô hạn định”. Đi thật nhiều rồi mới nhận ra, chẳng có nơi chốn bình yên để trở về. Đó là khi cô định nghĩa : “Buồn là khi không vội vàng đến chỗ làm vào buổi sáng và lại càng không vội vàng trở về nhà vào buổi chiều.” Một bức thư nặc danh dẫn cô đến với sự thật về mẹ mình. Cô chỉ đơn giản làm theo vì tò mò hay để được sống những ngày khác đi cuộc đời nhàm chán đã qua.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

George-Harrison có công việc yêu thích, cuộc sống bình yên. Nhưng khi anh nghĩ điều đó là hạnh phúc không có nghĩa người anh lựa chọn cũng nghĩ vậy. Anh có tuổi thơ không biết cha mình là ai, điều đó không thôi nhói tâm hồn anh. Một lá thư giúp anh tìm ra những manh mối về người cha, đâu có lý gì anh không lần theo?

Sally và May là hai người bạn thân thiết, hai người đồng nghiệp cùng chung chí hướng. Một Sally với những tổn thương thời thơ bé, một Sally tuổi mới lớn đầy lý tưởng, hoài bão và hận thù. Trước lăng kính của cô gái ấy, sự dối trá không được phép chấp nhận. Cô bất chấp sự sụp đổ của gia đình, cô chọn lý tưởng của mình.

Còn May, cô tưởng mình đang làm theo lý tưởng của tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và trong sáng. Nhưng cuối cùng lại bị lún sâu vào sự hận thù của bạn mình, và trái tim nhạy cảm của cô bị tình yêu thao túng. May bị cuốn theo tất cả bất hạnh một cách không thể kiểm soát để rồi buộc phải chạy trốn.

Robert từng là thanh niên căm ghét thói cờ bạc của cha, sự xa hoa giả tạo của gia đình, từng là người có lý tưởng và tấm lòng. Nhưng cuối cùng anh không giữ được phẩm chất tốt đẹp trước sự tàn bạo của chiến tranh. Anh đã phạm sai lầm khủng khiếp, đẩy cuộc đời cô bé Hanna thông minh, gan dạ, yêu anh đứng giữa dòng chảy của tình yêu và hận thù mà không nỡ bước sang bên nào.

cô gái cuối cùng của dòng họ stanfield reviewsachnet

Cùng với Eleanor và George-Harrison, Marc Levy đưa độc giả phiêu lưu tới nước Pháp thời bị chiếm đóng vào mùa hè năm 1944 rồi lại tới Baltimore những năm 1980 và trở về Luân Đôn ngày nay để khám phá ra một bí mật đã ám ảnh suốt ba thế hệ trong một gia đình. Những dối trá đã kéo họ xích lại gần nhau nhưng chính tình yêu đã giữ họ lại bên nhau.

Cách kể chuyện thông minh

Marc Levy không tạo ra một người kể chuyện riêng. Câu chuyện được kể dưới góc nhìn của rất nhiều nhân vật liên quan. Hiểu tường tận tính cách, tâm tư và lý do mọi hành động của họ, dù là ích kỷ điên rồ nhất.

Đọc lưng chừng câu chuyện, vài tiết lộ của một nhân vật nào đó dường như là câu trả lời cho mảnh ghép của bí mật. Đến khi trang cuối khép lại, chúng ta nhìn rõ những điều giấu kín. Những tiết lộ trước đó dường như là sự dối trá. Marc Levy không phải cất công giải thích mọi thứ, ông là chỉ là kẻ dẫn đường, còn tìm được “ý niệm đẹp” hay không còn tuỳ vào người đọc.

cô gái cuối cùng của dòng họ stanfield reviewsachonly
Nguồn ảnh: Instagram

Gấp lại cuốn sách chính là lúc chúng ta không thể phân định ai đúng ai sai. Để thấu cảm, độc giả buộc phải đứng vào vị trí nhân vật và tự hỏi, mình phải làm gì ? Chính vì phải tự lý giải cho những điều vừa quan sát được nên qua cảm nhận của mỗi người, câu chuyện hẳn nhiên sẽ có những phiên bản khác nhau. Lời tựa ở đầu cuốn sách có chú thích rằng: “Mỗi câu chuyện có ba phiên bản: Phiên bản của bạn, phiên bản của tôi… và phiên bản đúng. Không ai nói dối cả.” (Robert Evans).

Thực trạng xã hội được lồng ghép khéo léo

Cô gái cuối cùng của dòng họ Stanfield là câu chuyện được kể qua ba thế hệ. Sẽ dễ hiểu khi ở từng giai đoạn của xã hội sẽ có vấn đề riêng của nó. Xã hội cũng như con người, một vật thể sống vậy có những vấn đề rất riêng. Marc Levy không miêu tả trực tiếp mà ẩn hiện trong từng trang cuộc sống và tâm tư của mỗi nhân vật. Đó là một cách lồng ghép khéo léo và khôn ngoan.

Eleanor-Rigby là điển hình cho con người của một thời đại phát triển. Sự phát triển đó kéo theo nguồng quay cuộc sống nhanh đến bất tận. Eleanor-Rigby thật chí còn chẳng có thời gian để dành cho một mối quan hệ yêu đương nghiêm túc. Cuộc sống tình cảm của cô “gói gọn trong vài trò quyến rũ vừa hiếm hoi vừa ngắn ngủi”. Mơ ước của cô chỉ đơn giản: “Dang chân nằm ườn trên một chiếc xô pha êm ái, có một khay đồ ăn để vừa nhấm nháp vừa xem ti vi và cả gia đình trong tầm tay”. 

Sally và May là đại diện cho những cô gái Mỹ những năm 1980. Xã hội Mỹ thời đó có nhiều vấn đề về bình đẳng giới. Những người phụ muốn vùng dậy để thoát khỏi sự kiểm soát của những gã đàn ông luôn coi thường phụ nữ, coi phụ nữ là những kẻ thấp kém hơn. Hai cô gái tài giỏi, xinh đẹp cùng những lý tưởng cao đẹp nhưng không vượt qua nổi cái xã hội bị quyền lực chi phối. Lý tưởng, sự thật không được phép tồn tại để đồng tiền được tiếp tục ngoi lên với vai trò bá chủ của nó.

reviewsach cô gái cuối cùng của dòng họ stanfield reviewsach.net
Nguồn ảnh: Instagram

Chiến tranh không được khắc họa một cách rộng lớn và chi tiết, nhưng 30 trong tổng số 512 trang sách kể về cuộc thảm sát của bọn phát xít, hành trình chạy trốn đầy những hiểm nguy của Robert và Hanna cũng đủ để độc giả cảm nhận được hơi thở khò khè lạnh lẽo của chiến tranh đang thổi sau gáy mình. Chiến tranh có thể khiến một con người đáng kính thành kẻ đê hèn, cũng có thể khiến một người đang yêu, tràn đầy nhiệt huyết rơi xuống vực thẳm ích kỷ, dối trá, đáng khinh. Không phải chỉ là cái mất mát thực tế bằng máu và da thịt. Mất mát này nhiều hơn, thảm kịch này đau đớn hơn.

Tựuu chung, nếu cần nhiều hơn một món ăn giải trí thông thường, cần nhiều hơn một câu truyện nhiều bí ẩn cùng hành trình khám phá hấp dẫn. Muốn có những trăn trở, suy ngẫm và bài học sau khi gấp lại một cuốn sách thì Cô gái cuối cùng của dòng họ Stanfield chính là một lựa chọn hoàn hảo để trải nghiệm.

Giới thiệu về tác giả Marc Levy

Marc Levy là người Pháp nhưng đã từng sống tại Mỹ nhiều năm. Ông từng tham gia hội chữ thập đỏ, từng thành lập công ty về đồ họa máy tính và sau khi bị thất bại, ông lại bắt đầu với ngành kiến trúc. Tuy nhiên, Marc Levy thành công nhất khi ông cầm bút. Hiện nay, ngoài viết văn, ông còn tham gia làm đạo diễn cho một số bộ phim. Sách của ông đã được dịch sang 37 thứ tiếng và trở thành những cuốn sách bán chạy nhất trên khắp thế giới. Những tác phẩm quan trọng nhất của Marc Levy là: Nếu em không phải một giấc mơ, Gặp lại, Bạn tôi tình tôi, Kiếp sau, Em ở đâu?, Bảy ngày cho mãi mãi, Người trộm bóng. Hầu hết những cuốn tiểu thuyết này đã được dựng thành phim nổi tiếng.

Link mua sách:

Hà Thuý Ngà