Qua Pixar là vô cực kể về hành trình làm nên điều kỳ diệu tại Pixar của tác giả Lawrence Levy và CEO công nghệ hàng đầu Thế Giới –  Steve Jobs. Từ một công ty thua lỗ hằng năm, Pixar trở mình thành hãng phim truyện hoạt hình số 1 Thế giới về giá trị nghệ thuật lẫn doanh thu, thay đổi lịch sử công nghệ ứng dụng trong phim ảnh, giúp Steve và Lawrence trở thành trường hợp đặc biệt chưa từng có tiền lệ.

Những con người táo bạo và thấu cảm

Tác giả Lawrence Levy xuất thân là một luật sư ở Thung lũng Silicon, sau đó ông chuyển sang làm Giám đốc tài chính cho một công ty chuyên về công nghệ. Chính Steve Jobs đã trực tiếp tuyển dụng Lawrence vào vị trí Giám đốc tài chính và Phó giám đốc điều hành Pixar, hãng sản xuất phim hoạt hình hàng đầu Thế giới ngày nay.

Để đưa Pixar đạt đến đỉnh cao và trở thành hãng sản xuất phim hoạt hình ứng dụng công nghệ đầu tiên trên Thế Giới, Lawrence, Steve và cả tập thể Pixar đã có một hành trình bền bỉ và luôn gắn kết. Thông qua câu chuyện Lawrence kể, người đọc có thể cảm nhận được cách lao động sáng tạo có một không hai của cả tập thể Pixar cùng tư duy chiến lược có phần táo bạo của những người đóng vai trò lãnh đạo. 

28fee1db8ba7cf76141c3850c8276d03  

review sach qua pixar la vo cuc by reviewsach.net
Ảnh: @frank.dinh

Ngay từ ban đầu, Lawrence đã táo bạo khi dám từ bỏ vị trí Giám đốc tài chính kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Electronics for Imaging, một công ty đang ăn nên làm ra ở Thung lũng Silicon lúc bấy giờ. Lý do là vì anh thấy ở Pixar có những con người làm ra những bộ phim theo cái cách rất riêng, chưa đâu từng có, chạm sâu vào trái tim người xem và khiến họ tin sái cổ.

Còn Steve thì vẫn tin vào tương lai của công nghệ trong phim ảnh, mảnh đất có thể sinh lợi nhưng chưa được ai khai phá. Dù thua lỗ liên tục trong  nhiều năm nhưng ông tin vẫn có một mô hình kinh doanh phù hợp để những bộ phim truyện hoạt hình mang về lợi nhuận cho công ty. Vậy là họ trở thành đồng nghiệp và bạn bè của nhau tại Pixar, chấp nhận rất nhiều rủi ro chỉ với một mục đích đưa Pixar trở thành công ty sinh lợi nhuận nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc sáng tạo độc nhất vô nhị của mình. Mục đích đó được kiên định và duy trì cho đến tận ngày nay.

Qua Pixar là vô cực là một bản ghi chép đồ sộ về nỗ lực của chính tác giả cùng đội ngũ Pixar. Một quyển sách dung hòa nhiều yếu tố bao gồm kinh doanh, sáng tạo nghệ thuật và cả tinh thần đoàn kết, tình bạn trong sáng. Ta sẽ thấy được sự chính xác và cụ thể trong tầm nhìn chiến lược của một Lawrence – Giám đốc tài chính kiêm Phó giám đốc điều hành. Đồng thời cũng thấy một Lawrence với trái tim ấm nóng, xúc động và trân quý những gì đội ngũ Pixar làm cho các bộ phim truyện hoạt hình; Thấy được tình bạn giữa Lawrence với Steve và các thành viên trong ban giám đốc. Độc giả sẽ thích thú và cảm động trước cách ông đối xử với Pixar, vừa là công việc với các trách nhiệm, áp lực rõ ràng, vừa là đứa con với một cảm tình đặc biệt. Chính điều đó cũng khiến giọng điệu của sách vừa mạch lạc, đanh thép lại chất chứa rất nhiều xúc cảm. 

Lớp lang và gây cấn như một bộ phim

Nếu có quyển sách nào về đề tài kinh doanh nhưng không hề khô khan mà lại rất lôi cuốn và kịch tính như một bộ phim thì đó chính là Qua Pixar là vô cực. Lawrence đã liên tục đặt ra các vấn đề, nêu giải pháp, dẫn dắt người đọc đi từ quyết định này sang đến thử nghiệm khác, từ lớp này sang lớp khác như chính cái cách Pixar đã luôn tạo nhiều kịch tính, lồng ghép nhiều sự kiện bên trong mạch truyện phim của mình. Tất cả sẽ cho người đọc có cái nhìn tổng quan và chi tiết về Pixar, khởi đầu là một công ty chịu sự khống chế của Disney với lợi nhuận không đủ bù lỗ cho đến khi vạch ra được mô hình kinh doanh khả quan, các thỏa thuận, hợp đồng để Pixar độc lập và tự quyết số phận của mình. Thật không quá khi ví sách như một kịch bản phim chuẩn gu Pixar.

Khi tiếp cận và tìm hiểu về Pixar, Lawrence phân tích và đánh giá 4 mảng công ty đang hoạt động: Phần mềm RenderMan; Sản xuất phim hoạt hình quảng cáo; Sản xuất phim hoạt hình ngắn; Cuối cùng là sản xuất phim truyện dài với dự án đầu tiên là “Câu chuyện đồ chơi”.

Lawrence càng lao vào tìm hiểu lĩnh vực phim ảnh thì càng không thấy cơ hội cho Pixar sinh lời và phát triển. Nếu là mô hình đa giải trí từ phim hoạt hình, phim người đóng đến công viên vui chơi như Disney đang làm thì Pixar không đủ tiền, khả năng. Nâng giá bán phần mềm RenderMan lên cũng không được, vì các nhà sản xuất sẽ có nhiều lựa chọn phần mềm khác nữa. Chi phí cho phim quảng cáo thì quá cao và yêu cầu từ khách hàng luôn rất khắt khe. Phim ngắn thì lại càng không được vì không sinh một đồng lời nào. Cứ phân tích như vậy, cuối cùng chỉ còn phim truyện dài là cơ hội duy nhất. Không phải vì nó khả thi rõ ràng mà là vì Lawrence không còn lựa chọn khác. Vậy là Lawrence quyết định sẽ tập trung hoàn thành “Câu chuyện đồ chơi” cũng như tìm cho phim truyện hoạt hình và Pixar một mô hình kinh doanh riêng có thể giúp công ty được niêm yết và sinh lợi nhuận để duy trì và phát triển. 

qua pixar la vo cuc review by reviewsach.net
Ảnh: @krotbook

Lawrence đã thuyết phục để Pixar giải tán nhóm kinh doanh phần mềm RenderMan và bước ra khỏi lĩnh vực phim hoạt hình quảng cáo. Sau đó xác định 4 vấn đề chính cũng như bốn trụ cột để Pixar phát triển lâu dài bao gồm:

  • Tăng phần chia lợi nhuận nhận được lên bốn lần so với hiện tại
  • Huy động ít nhất 75 triệu đô la để trang trải chi phí bằng cách phát hành đợt IPO, đợt cổ phiếu đầu tiên để biến Pixar thành công ty đại chúng
  • Sản xuất phim đều đặn hơn, mỗi năm 1 phim thay vì 3-4 năm như kế hoạch với Disney
  • Xây dựng Pixar thành một thương hiệu toàn cầu

Và đây chính là mô hình kinh doanh đầu tiên mà Lawrence sau nhiều lần thảo luận đã vẽ ra cho Pixar. Trong đó, IPO phải được phát hành trong năm 1995 để kêu gọi đầu tư, nếu không Pixar không thể trụ được nữa. Muốn có kỳ IPO thành công đòi hỏi tác phẩm đầu tay phải thật ấn tượng. Mọi thứ dồn lên vai của tác phẩm “Câu chuyện đồ chơi”. Chính vì thế mà sự kiện phát hành “Câu chuyện đồ chơi” trở thành cao trào đầu tiên của sách, làm bùng nổ cảm xúc người đọc, khiến người đọc có cảm giác đang sống tại thời điểm Pixar trở thành hãng phim truyện hoạt hình máy tính đầu tiên trên Thế Giới, công chiếu một tác phẩm phim hoạt hình đầu tiên ứng dụng công nghệ 3D, được cả công chúng lẫn giới phê bình đón nhận nồng nhiệt và sau đó thì đoạt luôn giải Oscar. 

Chưa dừng ở đó, bởi huy động được vốn chỉ là bước đầu của sự thành công trong kinh doanh. Pixar phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi và thách thức mà Lawrence cũng như Steve đã đặt ra. Mà mấu chốt là để Pixar tiếp tục vận hành, mọi người phải tạo ra thêm nhiều thành công khác tương tự hoặc vang dội hơn và làm sao để luôn giữ được chất sáng tạo của riêng mình. Câu hỏi liên quan đến các trụ cột lại được gợi lên.

Vậy thì Pixar cần sản xuất phim với tần suất như thế nào? Ai sẽ có tiếng nói cuối cùng trong lựa chọn sáng tạo? Steve và Lawrence dành toàn quyền sáng tạo cho nhóm nội dung mà không bị giám sát bởi một Giám đốc tài chính hay một Giám đốc sáng tạo. Điều này lần nữa đẩy Pixar vào các rủi ro vì chỉ cần một lần quá đà trong sáng tạo có thể dẫn đến sự thâm hụt tài chính khó cứu vãn nếu không có sự can ngăn kịp thời. Nhưng với phương châm làm ra những bộ phim từ trái tim, chạm được đến cảm xúc của người xem. Steve và Lawrence quyết định trao quyền tự do sáng tạo cho nhóm nội dung và tin tưởng vào những cân nhắc của họ trước điều kiện tài chính hiện tại của Pixar. Lại một phép toán khó mà bạn sẽ thấy Lawrence cân bằng nó như thế nào.

Song song đó, Steve và Lawrence đang nghĩ tới một thương thảo mới, một bản hợp đồng mới để làm giảm tác động của Disney trong mối tương quan giữa Disney và Pixar. Sau khi liệt kê hàng loạt điểm đòn bẩy của cả Disney và Pixar. Làm sao để Pixar có thêm một bước tiến dài trong cuộc chiến giành quyền tự quyết cho Pixar trước gã khổng lồ Disney. Câu trả lời sẽ có trong bản thỏa thuận mới với 4 điều khoản về quyền sở hữu sáng tạo, tỷ lệ chia lợi nhuận, thời điểm phát hành phim và cách mà logo Pixar xuất hiện trên các ấn phẩm quảng bá cho phim. Và đó sẽ là cao trào cho sự kiện chính thứ 2, sự kiện giúp Pixar băng băng trên con đường thành công nghệ thuật lẫn kinh doanh.

Nếu bạn nghĩ đến đây là kết thúc có hậu thì vẫn chưa. Là một người yêu thích và tìm hiểu về kinh doanh, bạn sẽ biết được một công ty khi phát triển đến đỉnh cao của thành công thì bước tiếp theo sẽ là gì? Đa dạng lĩnh vực kinh doanh hoặc bán mình. Lựa chọn của Pixar thì chúng ta đã biết. Nhưng vì sao Steve và Lawrence lại chọn như vậy thì có lẽ độc giả nên tự tìm hiểu vào phần cuối của sách. Vì chỉ khi tự mình đọc một loạt những nhận định, phân tích của Lawrence về hiện trạng Pixar lúc bấy giờ, chúng ta mới có thể cảm nhận được sự đấu tranh trong tâm trí của Lawrence như thế nào trước quyết định khó khăn cuối cùng. Và Lawrence cũng là một trong những nhân vật có nội tâm phong phú, tài năng hiếm có mà Pixar từng sở hữu. Tự Pixar và những con người thuộc về Pixar cũng là một bộ phim đáng xem, đáng ngẫm và độc giả thì đang cầm trên tay kịch bản mang tên “Qua Pixar là vô cực” thông qua lời kể của tác giả Lawrence Levy.

Một tác phẩm điện ảnh vừa phải đảm bảo yếu tố nghệ thuật lại vừa phải thu về lợi nhuận cho nhà sản xuất. Đó luôn là bài toán đau đầu của các nhà làm phim. Qua Pixar là vô cực sẽ là một đáp án, một câu chuyện truyền cảm hứng cho bất kỳ ai đang theo đuổi con đường kinh doanh lẫn nghệ thuật. Còn sự kết hợp tuyệt vời nào bằng sự kết hợp giữa bộ óc kinh doanh thiên tài của Steve Jobs và Lawrence Levy với khả năng sáng tạo độc nhất từ đội ngũ Pixar? Họ đã làm như thế nào? Từng chương, từng phần trong sách sẽ hé lộ cách họ cân bằng được sự rạch ròi, chi li trong kinh doanh với sự phóng khoáng, tự do trong nghệ thuật để tạo ra những tác phẩm điện ảnh đỉnh cao, thu về lợi nhuận khủng và còn tạo ra một Pixar chạm đến giới hạn cao nhất của sáng tạo. Qua Pixar thì đã là vô cực, còn ngưỡng nào cho Pixar?

: