Tập tản văn chưa dày tới 200 trang là trạm dừng chân cho những ai đang cảm thấy mỏi giữa dòng đời đẩy đưa bao bộn bề, hối hả hoặc những kẻ muốn tìm cho mình thứ gì đó nhẹ nhàng để đọc và suy ngẫm một chút. Nguyễn Ngọc Tư kể các câu chuyện rất thật, rất Nam Bộ và cũng vì thế mà rất đỗi bình dị, thân thương.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

“ Và tiếng rao của anh sửa bếp gas, ông già mài dao kéo dạo… của trưa nay, một ngày nào đó không còn nữa, chẳng biết có tiếng rao nào khác để đánh thức ký ức tôi, về những người xa, những nghề xa đã từng đi qua đời mình.”

Xem thêm: Ám ảnh những nỗi buồn với tập truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”

Tình người

Mỗi một câu chuyện là một lát cắt của cuộc sống, gửi gắm từng chút một cái rộng lớn của tình người. Đó là sự tha thứ, tin tưởng, chờ đợi hay chỉ là sự quan tâm đến những thứ nhỏ nhặt nhất. Với giọng văn nhẹ nhàng, văn chương của Nguyễn Ngọc Tư không quá trau chuốt, hoa mỹ thay vào đó bà kể các câu chuyện của mình cách bình dị, mộc mạc nhưng đầy sâu lắng.

Cái thiêng liêng, sâu đậm một cách kỳ lạ của tình mẫu tử được tái hiện qua sự quan tâm khác người của một người bạn dành cho má hay sự nghi kỵ, sân si là vòng lẩn quẩn không hồi kết như những “ hòn đá” mà mọi người nhặt nhạnh ném vào nhau. Mọi thứ vẫn tồn tại như nó đang như thế, Nguyễn Ngọc Tư chỉ việc mang một cách nhìn mới, khiến ta nhận ra mình đâu đó rồi cảm thấy hài lòng hay tỉnh táo hơn trong hiện tại.

“ Ai đã làm gì tôi và tôi đã làm gì tôi, làm sao mà tôi không còn thường xuyên nhận ra mình đang trong tù đọng, hít thở tù đọng, yêu và sống giữa bầu không khí tù đọng.

Bên ngoài những cánh cửa mà tôi thường tì mặt vào ngó mông lung,có lẽ chỉ cần mở ra sẽ ngào ngạt hoa ngâu hoa lài…”

Hoài niệm

Đối với những người từng trải qua cái thời đất nước còn khó khăn, thời mà ai cũng nghèo, người ta sẽ cảm nhận chút gì đó thân thương, quen thuộc qua những câu chuyện được chia sẻ. Còn với những người trẻ sinh vào thời đất nước đang thay hình đổi áo, sẽ nhận được sự trân trọng, chút gì đó khiến họ nhận ra rằng ngay cả khi thiếu thốn về vật chất thì tình người vẫn luôn đong đầy.

Màu quá khứ được Nguyễn Ngọc Tư vẽ qua sự tiếc nuối của một phong cách âm nhạc: chất giọng mộc mạc, đầy cảm xúc trên nền nhạc guitar không bị che lấp bởi bất cứ công nghệ hay kỹ thuật nào, khiến người nghe như vút bay theo giọng hát và hơn hết, đó là thứ âm nhạc “mát rượi” giúp lòng người ta thanh mát. Nguyễn Ngọc Tư sinh vào thời bình, lúc chiến tranh chỉ vừa kết thúc, có niềm vui của người chiến thắng và cả tủi nhục của người thua trận, quá khứ ấy được chị kể lại qua những buổi coi phim tài liệu tập thể, những thước phim xước nhì nhằng và gần như người xem đều thuộc từng cảnh, nhưng vượt lên đó chị lại kể về một cuộc sống khác ngoài những thước phim – một góc cuộc sống của người lính phe “địch”.

Mơ mộng

Đôi khi chỉ cần điên một chút, bất cần một chút, cuộc sống sẽ có thêm hương vị mới và ai biết được điều gì sẽ diễn ra. Hay là, chấp nhận hiện tại, Nguyễn Ngọc Tư mang đến nguồn năng lượng lạc quan trong cái cách mà chị nhìn các vấn đề trong cuộc sống.

gáy người thì lạnh reviewsach.net
Ảnh: Instagram

Ông Cà Bi, một hình ảnh khá kỳ lạ, nhà ông nghèo tơi tả, mỗi ngày đi làm thuê cho người trong xóm, nhưng khi có tiền lại đủng đỉnh mua rượu về nhâm nhi. Đoàn từ thiện đến, cho ông một số tiền và ông chỉ giữ lại một đồng năm mươi ngàn để mua gạo và … rượu. Sự ngang tàn ấy, lại làm ta giật mình nhận ra, hình như từ trước đến nay ta bỏ qua một thứ gì đó, qua lời mời ghé Trảng Sen chơi của ông Cà Bi và các lý do khước từ của đoàn từ thiện, ta biết mình bỏ qua điều gì – sự tận hưởng, đó không là điều gì quá xấu hay xa xỉ, đó là điều cần thiết cho cuộc sống mỗi người.

(Ông Cà Bi ở Xẻo Quao)

Một con đường rẽ ngang kỳ lạ dẫn về một vùng đất mà có trời mới biết, một chuyến phiêu lưu không dự định trước, tất cả dẫn đến một trải nghiệm không thể nào quên về một vùng đất mới, những con người mới, ở đó tuy xa lạ nhưng ta lại thấy có chút ấm áp, thân mật giữa con người với nhau.

(Đôi bữa làm mây)

Hiện thực

Sự thật phũ phàng trong cuộc sống, của cơm áo gạo tiền được miêu tả lại trong các câu chuyện cách nhẹ nhàng, đủ để ta giật mình thức tỉnh nhưng lại không tạo cảm giác hoang mang, lo sợ. Khi nhận ra được động cơ hành động của một ai đó, có lẽ ta sẽ dừng việc phán xét họ lại mà chấp nhận hiện tại họ làm ra.

gay nguoi thi lanh reviewsach.net
Ảnh: Instagram

Đánh giá một người qua vẻ bề ngoài có vẻ là một điều sai lầm, nhưng đôi khi, quan sát người khác qua một ánh mắt thông cảm, ta sẽ thấy có lẽ con người cau có ấy, còn đang có nỗi lòng gì chất chứa bên trong mà chỉ cần sự cởi mở và nụ cười thân thiện ta sẽ có thể bước vào thế giới nội tâm ấy để giúp họ và cũng giúp cả ta nữa.( Những hạt mầm định kiến).

Sự thân thiện và hiếu khách làm ta nhớ mãi về một làng quê, ban đầu có vẻ ta đến đó để ngắm cảnh, nhưng khi ra về ta ngắm thêm thứ nữa – sự nhiệt tình, cái hào sảng của người bản xứ. Nhưng qua thời gian, có cái gì đó thay đổi, cảnh thì vẫn cứ thế thôi, chỉ có lòng người thì khác.

“ Nhưng cái gia đình nhỏ kia nhắc tôi nhớ rằng, con người còn dễ bị đánh mất hơn cả thiên nhiên, vì người có khả năng tự mình đánh mất mình.”

(Khoảng khắc của hoa quỳnh)

Quê hương

Đối với những người con miền Tây, những câu chuyện đều mang sự bùi ngùi, thương nhớ. Còn những người sống ở tỉnh thành khác, miễn là người Việt Nam, có lẽ họ cũng sẽ thấy cả quê hương mình trong này nữa. Không chỉ con người, mà cảnh sắc thiên nhiên là thứ mà khi đi xa người ta không khỏi nhớ nhung da diết.

Tháng Chạp, tháng của mùa gặt, khi mà kết quả gieo trồng một năm được người dân vùng quê phơi ra trước sân nhà, từng chi tiết được khắc họa như mang người đọc đến với chính vùng đất quê hương tác giả, cảm giác được gió chướng, cả mùi và vị của chuối ép, của củ kiệu, dưa hành và qua đó, hình ảnh cái Tết quê hương mỗi người cứ tự nhiên ùa vào tâm trí.

(Mùa phơi sân trước)

review sách gáy người thì lạnh reviewsach.net
Ảnh: Instagram

Sự tiếc nuối của một thế hệ, khi thấy cái “bao la”, “mênh mang” của quê hương dần biến đâu mất, khi họ không thể miêu tả cái rộng lớn của thiên nhiên cho con cái vì chân trời của chúng giờ là những tòa nhà cao tầng, những công trình dang dở và do đó từ ngữ dần trở nên trơ trụi.

(Trời ở nơi nào ta ở đây)

Gáy người thì lạnh

Chuyến viếng thăm một người bạn, một nhà văn. Con người ấy, ngày xưa là tâm điểm của mọi cuộc hò hẹn, rồi bỗng một ngày “chủ nhân của những huyền thoại đang uống rượu một mình.”

Trong cuộc sống, ý tưởng của ta có khi sẽ không tìm được người cùng chia sẻ. Sự cô độc len lỏi tìm đến nhưng “ tới nhà chơi bỗng thấy may là bạn có sách ở bên..”. Sách như một người bạn, một cánh cửa thần kì dẫn ta đến nơi mà ta thuộc về.

“ Một cuốn sách mà cả khi chìa gáy ra, người ta cũng nhận được một cái gì đó ấm áp, trao gửi.”