Phụ nữ có thể trở thành một Shakespeare không?

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Vấn đề đó được Virginia Woolf – một trong những tượng đài kì vĩ của văn học hiện đại Anh nói riêng và văn học thế giới nói chung – đặt ra và trả lời trong tiểu luận nổi tiếng Căn phòng riêng. Bằng lối viết độc đáo với sự pha trộn giữa tiểu luận và sáng tác, giữa triết lí và tự thuật, giữa nghiêm túc và hài hước, tác giả đã khẳng định tính khả thi của nghi vấn trên cùng với việc đưa ra một điều kiện tối thiểu dành cho một người phụ nữ muốn viết văn, đó là “cần phải có tiền và một căn phòng của riêng mình”.

Xem thêm tác phẩm của Virginia Woolf:

Nếu Shakespeare có một người em gái…

Căn phòng riêng là kết quả của loạt bài giảng của Virginia Woolf tại hai trường cao đẳng dành cho phụ nữ tại Đại học Cambridge về chủ đề “Phụ nữ và văn học” năm 1928. Trong tác phẩm, tác giả tỏ ra không nghi ngại về năng lực của phụ nữ trong địa hạt sáng tạo văn chương. Tuy nhiên, vì sao văn học của nữ giới lại luôn luôn là một dòng chảy nhỏ và quá đỗi lặng lẽ, đến mức nếu nó cạn khô hay biến mất cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến diện mạo của văn học Anh? 

can phong rieng by reviewsach.net
Ảnh: @tiemsachdieubong

Khi quan sát thực tế cuộc sống của nữ giới cùng thời, khi khảo nghiệm và xem xét các tác phẩm văn học của các tác giả nữ trong đời sống văn học Anh trước đó và đương thời, Virginia Woolf đã nhận ra việc viết văn của phụ nữ bị rơi vào hai hoàn cảnh. Một, là họ không đủ điều kiện vật chất để viết, ngay cả với điều kiện tối thiểu nhất là có giấy và bút, bởi họ không có khả năng kinh tế tự thân. Hai, là họ luôn bị quản thúc lẫn quấy rầy về mặt tư tưởng như đang viết trong một “căn phòng chung”. Tình thế khó khăn khi viết đó dẫn đến hệ quả thiếu vắng một lịch sử văn chương của nữ giới, phụ nữ bắt đầu viết như thể bước chân vào không trung, không có nền tảng, không có bệ đỡ để họ nối bước. Lấy giả thiết nếu Shakespeare có một người em gái, bà đã chỉ ra và phân tích một cách thuyết phục những trở lực hữu hình lẫn vô hình, từ vật chất đến tinh thần, từ chủ quan đến khách quan mà một người phụ nữ sẽ phải đối mặt trên hành trình trở thành người cầm bút thực thụ. Virginia Woolf thật sự cho thấy cái nhìn sâu sắc về vấn đề bất bình đẳng và định kiến giới – nguyên nhân chính yếu cản trở việc người phụ nữ có thể viết văn thuận lợi như nam giới, đồng thời cũng là nguyên nhân khiến cho văn học nữ chỉ có một vị trí vô cùng khiêm tốn như vậy.

Những phân tích vừa chân thực, vừa hài hước, vừa sâu sắc, vừa cay đắng của tác giả về vấn đề này không chỉ khiến độc giả bị thuyết phục mà còn thức tỉnh người đọc, người nghe, nhất là nữ giới về tình trạng tù túng, chật hẹp của chính giới mình khi cầm bút. Thế nên, trong một bối cảnh như vậy, nếu Shakespeare có một người em gái tài năng, cô sẽ chết mà còn chưa kịp viết một tác phẩm tầm cỡ nào như anh trai mình.

Người em gái của Shakespeare sống dậy…

…cô ấy sẽ viết và có thể trở thành một Shakespeare, nếu như cô vượt qua được những trở lực đã ngăn cô viết. Virginia Woolf dự báo về một tương lai gần, phụ nữ với những cố gắng của mình, sẽ tự chủ về tài chính, “xây” được một “căn phòng riêng”. Khi đó, sức sáng tạo được giải phóng, tư tưởng được tự do, văn học của nữ giới sẽ dần bước tới những đài cao và không còn ở vị trí bên lề nữa.

“Căn phòng riêng” trong ý niệm của tác giả không chỉ là không gian vật lý để tránh đi sự quấy rầy, dòm ngó của người khác trong lúc viết. Đó còn là không gian tinh thần. Trong nhiều sự quấy rầy, những ám ảnh giới tính trong vô thức lẫn hữu thức sẽ ngăn tư tưởng của phụ nữ có được sự tự do cao nhất. Virginia Woolf đã nhận thấy các nhà văn nữ hay để những trải nghiệm giới chi phối và đánh mất đi giọng điệu trung tính. Nó khiến người ta nhận ra đây là nhà văn nữ với lối viết rất nữ tính. Phải biết vượt qua những rắc rối giới tính, người viết mới có thể đạt đến sự tự do trong tư tưởng và phong cách viết. Nếu không, nữ giới sẽ chỉ luôn quanh quẩn với những băn khoăn, bận tâm của giới mình, chỉ luôn tìm cách bộc lộ những hằn học, phản kháng với hệ tư tưởng nam quyền và nam giới. Như thế, khả năng phụ nữ không thể thi triển tuyệt đối tài năng của mình cho những vấn đề phi giới tính để đạt được sự thành công trong sự viết là rất rõ ràng.

Việc tác giả đề xuất khi viết văn, người viết dù là nam hay nữ, phải biết quên đi, biết vượt qua giới hạn giới của mình không phải là một suy nghĩ quá khích hay cực đoan. Vượt qua giới tính không đồng nghĩa với việc quên mình, vứt bỏ căn tính và cái tôi, mà là nỗ lực đạt đến sự tự do trong tư tưởng. Và phụ nữ không nên ngồi đợi những điều kiện thuận lợi ấy đến với mình, mà phải cố gắng để tự mình có được những điều mình cần. Em gái của Shakespeare phải tự hồi sinh, và phải sống khác đi cách cô đã từng sống trước đó, để có thể viết. Không phải viết như một Shakespeare, mà là viết như một nhà văn.

reviewsach.net can phong rieng
Ảnh: @tiemsachdieubong

Có thể thấy, cái nhìn thấu đáo, tiến bộ của tác giả trong Căn phòng riêng về việc viết văn của phụ nữ đã khiến tác phẩm trở thành nền móng của phê bình nữ quyền, góp phần khơi nguồn phong trào đấu tranh cho nữ quyền ở phương Tây đầu thế kỉ XX. Căn phòng riêng là lời kêu gọi giải phóng nữ giới khỏi những phận vị được định sẵn, cởi thoát phụ nữ khỏi những định kiến giới, tạo cơ hội cho họ tham gia vào những hoạt động đời sống như nam giới. Và quan trọng hơn hết, nhắc nhở và cổ vũ phụ nữ phải biết tìm kiếm sự tự do: tự do tài chính, tự do học thuật, và tự do trong tư tưởng. 

Ngày nay, việc phụ nữ sáng tác văn học đã không còn xa lạ. Những thành tựu văn chương mà phụ nữ tạo ra ngày một nhiều hơn. Song hiện thực sáng tác của giới nữ vẫn chưa thể đạt đến sự tự do cao nhất khi những nhà văn nữ vẫn còn quẩn quanh với câu chuyện của giới mình. Nghĩa là, một “căn phòng riêng” đã dần được dựng xây lên, song cánh cửa phòng dường như vẫn khép hờ, và những điều quấy rầy nữ giới lâu nay vẫn bước vô phòng trong sự không đề phòng của một người phụ nữ đang viết văn. Vì vậy, Căn phòng riêng  vẫn là tác phẩm cần phải được tiếp tục đọc lại, để văn chương của giới nữ từ ngoại vi có thể tiến dần về phía trung tâm trong một tương lai không xa.

Link mua sách: