Bạn muốn đọc cuốn sách nho nhỏ nhưng mang lại nhiều cảm xúc? Joyn Boyne với Chú Bé Mang Pyjama Sọc sẽ khiến trái tim chúng ta thắt lại, nước mắt trực trào ra.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Kết cấu sách gọn nhẹ cả về nội dung và hình thức

Cuốn sách nhỏ nhắn nhẹ nhàng, mặc dù có tổng cộng hai mươi chương, nhưng kết cấu nhỏ gọn khoảng trên dưới 10 trang sách cho nội dung một chương, đồng thời nội dung các chương không quá liên kết với nhau, có thể đọc ngắt quãng mà vẫn theo dõi được dễ dàng. Tác giả sử dụng lối hành văn mạch lạc, nhẹ nhàng, tiếp cận từ góc nhìn của một cậu bé 9 tuổi- Bruno tự thuật về thế giới xung quanh, những việc đang diễn ra và cả những điều cậu suy nghĩ. 

Trong suốt 18 chương đầu, tác giả dẫn dắt người đọc một trải nghiệm đọc giản dị qua những âu lo và niềm vui nhỏ bé đơn thuần của cậu nhóc: đó là những bất mãn vì bị ép buộc cùng gia đình rời ngôi nhà thân thương mà chú đã sinh sống thoải mái ở Berlin, rời xa các bạn cùng trang lứa, đó là buồn rầu vì không có bạn chơi cùng, đó là loay hoay tự làm xích đu bằng lốp xe rồi tự ngã đau, nỗi nhớ bà ngoại, bị ép học gia sư ở nhà, những quan sát vụn vặt và những tâm tư của cậu về mọi thứ, về thế giới quan mới và những điều lạ lùng đang diễn ra.

review sach chu be mang pyjama soc by reviewsach.net copy
Ảnh: @corner.of.book

Tất cả những gì đọc giả được theo dõi là thông qua tâm trí và những quan sát của cậu bé.  như, độc giả chính là cậu bé trong truyện. Mong chờ mãi về nhân vật chú bé mặc Pijama Sọc có phải là Bruno hay không? Thắc mắc đó thi thoảng được gợi ý bằng việc bỏ nhỏ bằng hình ảnh ẩn dụ tượng hình: “Chấm nhỏ biến thành vết đốm rồi biến thành viên tròn rồi biến thành hình dáng rồi biến thành chú bé”. Mãi tới giữa truyện (chương 10) mới bắt đầu nhắc nhiều đến nhân vật chính thứ hai, Shmuel hay chính là chú bé mặc Pyjama sọc. Nhưng tất cả về chú bé này cũng mờ nhạt vẫn chỉ thông qua “đôi mắt quan sát ngây thơ” của Bruno. Rồi, từ từ hai chú bé từ hai bên bờ của hàng rào dây thép gai đã kết bạn với nhau. Một đứa vì thiếu bạn chơi và tò mò, một đứa theo một nghĩa nào đó: “vì đói”.

Một tình bạn thiêng liêng hay câu hỏi về giá trị của nhân đạo?

Ấn tượng đọng lại là sự xấu hổ trong tình bạn của Bruno khi bị ép buộc trong một tình huống khó xử và hoảng sợ đã phủ nhận rằng chú chưa từng quen biết Shmuel. Có lẽ đó chỉ là phản ứng tự vệ đơn thuần của cậu bé, nhưng một tầng nghĩa sâu sắc hơn, liệu rằng chúng ta, những người lớn trong một hoàn cảnh tương tự có từng thấy xấu hổ về những người bạn của mình? Rằng, hoàn cảnh có khi nào đó khiến ta mất đi tự chủ lựa chọn phòng vệ bản thân ích kỷ để rồi ân hận và dằn vặt riêng mình rồi hoảng hốt đi xin lỗi bạn hay chúng ta sẽ bất chấp mà bảo vệ tình bạn?

Mãi rồi, cho đến hai chương cuối, tưởng chừng như vẫn đang theo dõi một cuộc vui chơi thám hiểm, một tình bạn trong sáng, một câu chuyện về ánh sáng đặc biệt của trẻ thơ trong khung cảnh một thời ảm đạm. Để rồi khi chỉ còn vài ba trang cuối cùng. Một cánh cửa đóng chặt trong cơn mưa nhớp nháp. Cánh cửa đóng ngay trước mặt người đọc, khiến người đọc nghẹt thở. Cánh cửa đóng lại, hai đứa trẻ vẫn nắm tay nhau trong cuộc phiêu lưu trẻ dại của chúng. Chúng vẫn còn một mục tiêu chung chưa hoàn thành, một mục tiêu cao cả và thiêng liêng chan chứa lòng nhân ái và tình bạn. Hai đứa, như hoà làm một trong nước mắt của người đọc.

reviewsach.net chu be mang Pyjama soc
Ảnh: @_peanut1998_

Thời điểm đọc cuốn sách có thể người đọc đã biết, chưa biết hoặc chỉ biết một chút (rất ít) về chủ nghĩa phát xít, về lò thiêu, về người Do Thái nhưng do cuốn truyện nhỏ gọn trong lòng bàn tay, chia theo chương ngắn nên cực dễ đọc. Ngay khi gấp sách lại, một phản ứng tự nhiên là sẽ lao đi tìm hiểu vào bối cảnh câu chuyện, về hai hình hiệu được vẽ và nhắc lại nhiều lần trong truyện, về Hitler, về Đức Quốc Xã, về người Do Thái, về Lò Thiêu Holocaust hay Shoah. Để rồi bâng khuâng về những nỗi đau của chiến tranh đã để lại. Một giai đoạn lịch sử đau thương như thế lại có thể được dẫn dắt và khơi gợi bởi một câu chuyện nhỏ nhắn bởi nó dụng tâm khơi động đến tâm thức người đọc, thay vì những con số rằng bao nhiêu người đã ngã xuống, rằng những đứa trẻ đã bị đối xử tệ bạc thế nào.

Yếu tố chính trị được lồng ghép khéo léo qua hình ảnh của người giúp việc từng là bác sĩ Pavel, quân nhân không mấy gây thiện cảm trung uý Kortler, ngài Quốc Trưởng, bố của Bruno hay chính là Người Nào Đó và căn phòng làm việc Nơi Tuyệt Đối Cấm Vào Trong Mọi Trường Hợp… Nhưng, chỉ đơn thuần qua con mắt của một cậu bé 9 tuổi, nào đâu thấu được nỗi đau chiến tranh.

Nỗi khắc khoải khôn nguôi về tình bạn và cái chết

Nếu đã từng đọc Người đua diều và ám ảnh với thủ pháp sử dụng câu lắng đọng: “Vì cậu, như cả ngàn lần rồi” (For you, a thousand times over.) như đặc tả cho tình cảm của hai cậu bé năm nào. Với chú bé mang pyjama sọc vẫn mãi nghe được câu nói: “Cậu là bạn thân nhất của tớ, Shmuel. Bạn thân nhất đời của tớ”.

Khép lại cuốn sách, tôi không biết nói gì hơn ngoài một cảm giác buồn. Cuốn sách thậm chí không có nổi cái kết huy hoàng của Người Đua Diều. Thay vào đó, là một cái kết, rất trần trui và bi ai.

Cuối cùng, nếu được, xin hãy đừng tìm hiểu gì trước khi đọc tác phẩm, hãy đọc với tâm trí đơn thuần nhất có thể, để có thể trải nghiệm trọn vẹn cảm xúc mà tác giả đã gói bọc với một bao gói nhẹ tênh và giản đơn như tâm tư của một đứa trẻ.