Là những câu chuyện cuộc đời Chương từ những ngày đầu thi đại học đến cả lúc đi làm. Tình cảm với Quỳnh, tình bạn với Trâm, Kim Dung, và cả những mối quan hệ trong một thời đạn bom khói lửa của đất nước. Quyển sách bao gồm những hoạt động thường ngày vô cùng giản dị nhưng rất đời, rất người. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã vẽ nên một bức tranh đầy hoài niệm, nhung nhớ và tràn đầy những ám ảnh khắc khoải cho mỗi độc giả về một thời tuổi trẻ mà ắt hẳn nhiều người sẽ tìm thấy mình ở các nhân vật trong quyển sách…

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
con chut gi de nho van hoc viet nam
Ảnh: @Instagram hien.hap

Thời sinh viên đáng nhớ

Mở đầu mạch truyện là hình ảnh chàng trai mười tám tuổi Chương trong quá trình lần đầu đến Sài Gòn để thi đại học, thành phố mới, chuyến hành trình đến vùng đất xa lạ, đầy những cảm xúc hỗn tạp – vui sướng, buồn bã và lo âu. Đây có lẽ là cảm xúc chung của đại đa số mọi người bởi hầu như ai cũng phải trải qua thời sinh viên như thế này.

Chính lúc đó Chương tìm được gia đình mới với dì Ba, nhỏ Lan Anh và gia đình hàng xóm bác Tám. Thứ tình cảm ấm áp ấy nảy nở giữa chốn phồn hoa đô thị tấp nập mà đâu đâu cũng tất bật chạy đôn chạy đáo mưu sinh như lò than sưởi ấm Chương trong những ngày đặt chân đến miền đất lạ.

Thấm thoát trôi qua, Chương gặp gỡ và kết bạn với nhỏ Kim Dung, một đứa con gái khùng khùng, mạnh mẽ hay bắt nạt Chương nhưng cũng chính nó là đồng hành và bảo vệ Chương trong suốt những năm tháng mài đũng quần trên ghế nhà trường cho đến cả mười mấy năm sau vẫn ám nhau không quên được. Còn cả thằng Bảo, anh em chí cốt của hai đứa nó sau này, luôn có mặt trong những lúc Chương khó khăn khốn đốn, trong cái thời buổi chiến tranh dữ dội ấy, ba đứa nó đã cùng nhau vượt qua khổ sở và trưởng thành. Chắc hẳn ai cũng ao ước có những người bạn như chúng nó trong cuộc sống này.

Có những khoảnh khắc, lỡ nhau muôn đời…

Cụm lan rừng Chương xin cho Trâm, bức thư tay Trâm viết mà Chương bỏ lỡ, tất cả đều là minh chứng cho tình bạn đẹp của hai người. Chẳng cần nói ra, chỉ giữ yên trong tim là đủ.

“Tình yêu đâu phải chỉ được nói ra ngoài miệng lưỡi mà còn bộc lộ trong cách quan hệ với nhau nữa chứ, phải không anh Chương?”

Lỗi chẳng phải ở Chương, chẳng phải ở Trâm, Quỳnh hay Kim Dung mà vốn dĩ là do những quan niệm sai lầm của những người đi trước trải qua thời loạn chiến. Bởi vì nó mà muôn vàn người đói khổ, vô số gia đình mất con, đầy rẫy những cuộc chia ly không ngày trở về, và có thể nhiều người chung cảnh ngộ như Chương, như Quỳnh, như Trâm. Hòa bình vốn không dễ có nên chúng ta phải ra sức gìn giữ để lịch sử không lặp lại những chuyện đáng tiếc như vậy nữa

nguyen nhat anh con chut gi de nho
Instagram: @albertshadou

Trong cuộc đời sau này Chương có hối hận không? Có lẽ là có. Hối hận vì ngày đó ra đi biệt tăm biệt tích không nhận được lá thư Trâm gửi. Hối hận bỏ lại sau lưng gia đình dì Ba, nhỏ Lan Anh mà không một lần về thăm. Dù sao thì cũng không thể nào thay đổi bất cứ điều gì, thế nên nó mãi là dằm trong tim nhói đau mỗi khi ai đó nhắc đến Chương về Trâm, về Quỳnh, về những ký ức tươi đẹp ngày xưa đó. Nếu có thể, truyện nên dừng lại ở đoạn giữa là vừa đẹp, thế thì sẽ không còn những giấc mơ ám ảnh Chương mỗi đêm dài, Trâm cũng sẽ ở lại với gia đình, và còn nhiều điều tiếc nuối khác nữa.

Chân thật, đời thường và đầy cảm xúc

Cái hay trong những câu truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn là sự giản dị và chân thật. Đó là cuộc sống rất đỗi bình thường của Chương, Lan Anh; tình cảm chân thành của Quỳnh; hay tính cách dữ dội của Trâm và Kim Dung. Những tình tiết trong câu truyện vô cùng thường nhật, dễ thấy nhưng khi Nguyễn Nhật Ánh đưa vào truyện lại trở nên thi vị và đầy suy ngẫm. “Còn chút gì để nhớ” gợi cho người đọc về những ký ức thời sinh viên với những đứa bạn lầy lội như Bảo, Kim Dung, về quãng thời gian chật vật, thiếu thốn trong chiến tranh và cả những hậu quả đau lòng của nó không chỉ về vật chất mà còn cả tinh thần. 

con chut gi de nho nguyen nhat anh van hoc viet nam
Instagram: @thientu2901

Đoạn kết của truyện chứa đầy những sự bất ngờ và đem lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Suy cho cùng, kỉ niệm luôn đáng để trân trọng nhưng đầy nỗi day dứt, tiếc nuối. Chắc hẳn nhiều người đọc sẽ rơi nước mắt khi đọc những trang cuối đầy cảm xúc day dứt và ám ảnh của câu truyện. Đây hứa hẹn là cuốn sách để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tất cả các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ngôn từ bình dị, không hoa mỹ, tình tiết và mạch truyện chậm rãi, có lúc cao trào đem lại những xúc cảm khó quên và trên hết là cốt truyện rất quen thuộc, dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống vì thế nên có thể chạm đến trái tim của mỗi người đọc.

“…không biết trong vô vàn những kỉ niệm ngày xưa,…bây giờ có còn một chút gì để nhớ hay không.”