Tử Kim Trần là tiểu thuyết gia trinh thám nổi tiếng với những tác phẩm được gắn mác tội phạm trí tuệ cao, điển hình như Mưu Sát, Đêm trường tăm tối, Đứa trẻ hư, Tội lỗi không chứng cứ…
Nếu bạn là một big fan của Trinh Thám Trung Quốc, ắt hẳn sẽ không thể nào không biết tới tác giả Tử Kim Trần. Đây là một tác giả trinh thám nổi lên với những cuốn sách gắn mác “tội phạm trí tuệ cao” gây tiếng vang lớn và nhiều cuốn trong số đó đã được xuất bản ở Việt Nam từ rất lâu đời như Mưu sát, Đêm trường tăm tối, Đứa trẻ hư… Nhiều người không biết rằng, cuốn sách đầu tiên chấp bút của tác giả này lại là cuốn được ít biết đến nhất: “Người phát ngôn của thần chết”. Người phát ngôn của thần chết vừa ra đời đã khiến cho tên tuổi Tử Kim Trần trở nên lóe sáng trong giới văn học trinh thám Trung Quốc. Sau này những tác phẩm lừng danh của ông chính thức định vị trong lòng người đọc với lời văn súc tích, bố cục chặt chẽ và đặc biệt là sự logic trong tình tiết, nét đặc thù về cách hành văn sự thật chèn lên sự thật cũng như không quên đá xéo sự tham nhũng của một bộ phận không nhỏ giới quan chức chính quyền.
Dù bạn đã đọc hết các tác phẩm của ông hay mới chỉ biết đến một trong những cái tên như Mưu sát, Đứa Trẻ Hư, Sự Trả Thù Hoàn Hảo…thì bạn cũng lờ mờ nhận ra được những điểm dị biệt trong tác phẩm trinh thám của tác giả này. Và những điểm đó, chính là…
1) Phê phán tham nhũng, sự thực đau đớn của xã hội
Quan chức là một chủ đề nhạy cảm, và chỉ có Tử Kim Trần mới dám dùng ngòi bút để bóc trần quan tham. Ngay cả nhân vật chính, quan cấp cao của cảnh sát cũng luôn đau đầu giữa bài toán “Tiền đồ quan trọng hơn, hay là sự thật quan trọng hơn“. Đã không dưới 1 lần vị cảnh sát nhân vật đóng vai chính diện phải chấp nhận gác vụ án lại, không bóc trần sự thật (Mưu sát và Người phát ngôn của thần chết) để chấp nhận không bị ảnh hưởng tới tiền đồ của mình, và của rất nhiều người nữa.
Điều này khác xa so với những tác phẩm trinh thám khác, khi nhân vật thám tử luôn đóng vai người hùng. Phương Mộc của Lôi Mễ cư xử như một anh hùng kiếm hiệp. Gã cảnh sát của Chu Hạo Huy thì khỏi nói, từ đầu chí cuối toát ra vẻ đẹp của soái ca trong mơ. Sherlock Holmes, Poirot… thì khỏi nói.
Chính nét thực tế trong truyện khiến cho những tác phẩm trinh thám của Tử Kim Trần rất đời thường! Cao Đông là người thực dụng, dù vụ án cuối cùng của ông cảnh sát cũng đóng vai là anh hùng thực thụ. Trần Tiến, sát nhân trong cuốn Sự trả thù hoàn hảo thì béo, mập (khác xa vẻ đẹp soái ca mà chúng ta ao ước, và xuất hiện nhan nhản trong trinh thám rẻ tiền), nhưng thông minh thì khỏi bàn (dĩ nhiên). Chính cái nét đời thường mà ta không ưa, lại khiến cho tác phẩm trở thành kinh điển. Người xấu, dù họ xấu họ vẫn có quyền tự hào, họ thông minh. Khác xa truyện viễn tưởng ở chỗ, người xấu chỉ được quyền đóng vai ác!
Đúng thật là nực cười mà. Hơn nữa…
2) Hung thủ luôn mỉm cười sau cùng, dù sự thật có được phơi bày hay không
Từ Sách vạch ra kế hoạch giết người hoàn hảo, và từng bước thực hiện nó. Dù Cao Đông đến phút chót cũng phát hiện ra, nhưng gã tội phạm thực sự thì cao chạy xa bay rồi, anh ta còn làm gì được. Đành phải giết con rối bị Từ Sách đổ tội.
Trần Tiến lừa cả cơ quan cảnh sát, nhận hết tội về mình và “đẻ ra một tòng phạm” để bảo vệ an toàn cho nhân thân những người mà ông yêu quý. Ngay cả chết đi, ông vẫn bảo vệ được mọi thứ. Chỉ duy nhất 1 người biết được sự thật. Như thế thì có sao đâu.
Đứa trẻ hư trong tác phẩm cùng tên mới học chưa hết trung học, nhưng đã giết người tàn nhẫn. Tâm nguyện của nó, là sống phần đời còn lại dưới ánh sáng công lý. Vị Giáo sư thám tử tuy phát hiện ra được cuốn nhật ký là giả, nhưng vẫn chấp nhận bỏ qua. Vì ông muốn đứa trẻ ấy làm lại cuộc đời. Bắt nó bỏ tù bây giờ, là làm hỏng cả cuộc đời của nó.
Câu chuyện mới nhất trong Người Phát Ngôn của Thần Chết, chẳng phải kẻ chủ mưu là một người lợi dụng tình cảm để lừa gạt một gã thông minh nhưng khờ dại trong tình yêu, cuối cùng kẻ chủ mưu hưởng gia sản kếch sù, còn kẻ thực thi giết người thì bị tử hình mà vẫn ngoan ngoãn gật đầu, vui vẻ nhận cái chết!
Còn vô vàn ví dụ nữa, chẳng phải cuối cùng, kẻ thủ ác vẫn lọt lưới pháp luật hay sao!
Tử Kim Trần, qua những ví dụ trong tác phẩm này, muốn nhắn gửi gì với độc giả vậy? Chẳng phải cuối cùng, trí thông minh vẫn bẻ cong được luật pháp đó sao?
Mặc dù tôi không cho rằng như vậy là hợp đạo trời, tuy nhiên xét trong tình hình thực tế, thì đó là điều hoàn toàn đúng đắn.
À, nhắc đến đúng đắn thì còn một điều dị biệt độc nhất nữa trong tác phẩm của vị tác giả họ Tử này, đó là…
3) Logic và vô cùng hợp lý
Tử Kim Trần có lẽ hợp với vai trò của một nhà toán học hơn là tiểu thuyết gia trinh thám. Kiến thức toán học và hóa học của ông là khá tuyệt vời. Hàng loạt chất độc giết người xuất hiện. Hàng loạt trò chơi logic đã được dựng nên. Và quan trọng nhất, giọng văn súc tích, không có tình tiết thừa.
Không vẽ nên bầu trời u ám như Lôi Mễ, nhưng từng khung cảnh rời rạc chỗ nào cũng hiện lên đầy tối tăm. Và giọng văn vẽ nên khung cảnh ấy, lạnh lùng đến đáng sợ, đáng sợ và u ám.