“Wizard Bakery” vốn là một câu chuyện về phép thuật, lại dựa trên những gì thực tế và gần gũi nhất, nhưng cũng gai góc và đau lòng nhất. Tác giả Gu Byeong-mo gửi gắm lời nhắc nhở về bài học trách nhiệm cho mọi sự lựa chọn trong cuộc đời, tiếp thêm sức mạnh và dũng khí để đối diện với mọi kết quả dù tốt hay xấu, để mỗi người không còn là con đà điểu chỉ biết vùi mình trong cát khi gặp hiểm nguy.

Ảnh ji_yeon.shim Wizard Bakery reviewsachonly
Ảnh: ji_yeon.shim

“Wizard Bakery” là cuốn sách khởi đầu văn nghiệp của nữ tác giả trẻ Gu Byeong-mo, vừa ra mắt đã đoạt giải thưởng Văn học dành cho thanh thiếu niên của nhà xuất bản Changbi, nhưng tác phẩm còn có thể chạm đến trái tim của cả những độc giả trưởng thành.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Đọc thêm:

Chuyện phép thuật trên nền sự thực.

Được chia làm 11 chương và kết lại bằng “Lời tác giả”, “Wizard Bakery” không dài lắm nhưng có thể mang bạn đọc đi quanh một vòng vũ trụ từ thực tại đến thế giới của phép thuật.

Cuốn sách được kể từ góc nhìn của một chàng thiếu niên 16 tuổi, mắc chứng nói lắp do tâm lý, cậu không được tác giả gọi tên. Tình tiết diễn ra trong biên giới giao thoa giữa sự ngọt ngào che đậy của phép thuật và sự điên rồ của thực tại con người trong xã hội Hàn Quốc, khắc nghiệt và đen tối hơn chiếc bìa màu hồng dạ quang mơ mộng rất, rất nhiều!

Nhiều vấn đề nhứt nhối trong xã hội được Gu Byeong-mo lồng ghép vào câu chuyện một cách tài tình, đó không chỉ là bạo lực học đường, bạo lực gia đình, vô cảm, trầm cảm, ngộ sát, quan hệ mẹ kế – con chồng… mà còn là những vụ ấu dâm tàn bạo. Tất cả phản ánh một bộ mặt hiện thực trần trụi không tưởng của xứ sở kim chi.

Trước thực tại đen tối của cuộc sống, tiệm bánh phù thủy “Wizard Bakery” xuất hiện như một nơi trú chân loài người hằng mong ước. Tiệm mở cửa 24 giờ một ngày, có đầy đủ các loại bánh, đa dạng hơn nữa là những đơn đặt hàng kỳ lạ với những loại bánh mì mang theo tham vọng và ác ý của con người. Trong đêm trốn chạy khỏi hiện thực hoang đường, khỏi quá khứ cô độc đầy ghẻ lạnh của gia đình và sự bạo hành của mẹ kế, chàng thiếu niên không nơi nương tựa đã lánh vào tiệm bánh tìm kiếm sự giúp đỡ. Thật may là cậu được thu nhận.

Kể từ đêm đó, cậu giúp chủ tiệm Pháp sư quản lý trang web tiếp nhận những đơn đặt hàng kỳ lạ của tiệm bánh, cậu làm việc như một sự trả ơn ngầm hiểu. Tại nơi đây, cậu có cơ hội nhìn thấy nhiều cuộc đời, nhiều khách hàng với những nguyện vọng đủ mọi hình hài được hoàn thành nhờ phép thuật từ những chiếc bánh, và rồi sức mạnh đó biến thành chiếc boomerang quay ngược trở lại với họ. Cậu dần khám phá ra cách đối diện với những vấn đề mà cậu đang trốn tránh, theo một cách mà trước đó cậu chẳng thể ngờ được.

Ảnh nyk.in.ny Wizard Bakery reviewsachonly
Ảnh: nyk.in.ny

Một đổi một – cái giá sòng phẳng cho bất kỳ lựa chọn nào.

Từ “wizard” xuất phát từ tiếng Anh trung đại với “wys” (thông thái) kết hợp hậu tố “ard” (chỉ người thường hoặc luôn ở trong một trạng thái cụ thể nào đó).

Giống như cái tên của mình, mỗi một Wizard đi sâu hơn vào việc nghiên cứu phép thuật như một bộ môn khoa học, như một niềm đam mê tìm kiếm sự thông tuệ tri thức đất trời, về quy luật vận hành của pháp thuật.

Vũ trụ được cấu tạo chủ yếu từ vật chất và phi vật chất. Ở nhiều nơi, những thế lực vô hình mà khoa học không thể lý giải được đang làm biến đổi thế giới phi vật chất. Sự biến đổi đó tích tụ năng lượng từ sự oán hận và tham vọng của con người, dần dần lớn mạnh đến mức có thể biến đổi cả thế giới vật chất. Pháp sư có số mệnh cân bằng hiện tượng tiến thoái lưỡng nan vẫn đang luôn diễn ra trong vũ trụ là hoặc cùng tồn tại hoặc cùng sụp đổ.

Bài toán để giữ sự cân bằng, luôn là một đổi một. Nếu ở đâu đó có phát sinh một sức mạnh khác thường thì để cân bằng sức mạnh đó với mức thông thường, một loại hình sức mạnh khác hoặc một sức mạnh ở cực đối lập sẽ tác động lên một phía và kéo lại dòng năng lượng bị khuếch tán quá mức kia. Từ đó tạo thành mối tương logic giữa sinh và diệt. Sinh một lượng tương đương và diệt một lượng tương đương, chúng có thể tồn tại dưới hình dạng, cách thức khác nhau.

Chủ tiệm bánh lạ kỳ, người đã giang tay giúp đỡ cậu thiếu niên là một Wizard. Anh chàng mang thân phận Pháp sư, đây vừa là mệnh cũng vừa là nghiệp, buộc phải có trách nhiệm sử dụng năng lực và trí tuệ của mình góp phần vào việc giữ gìn sự cân bằng của thế giới vật chất.

“Wizard Bakery” mang theo lời nhắc nhở về quy luật tự nhiên, về sự cân bằng trong vũ trụ, về lựa chọn và trách nhiệm. Một đổi một – cái giá sòng phẳng cho bất kỳ mong muốn nào.

Ảnh toricona_24 Wizard Bakery reviewsachonly
Ảnh: toricona_24

Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn kèm theo trách nhiệm.

Trong nguyên tắc cân bằng bởi quy luật tự nhiên nói trên, hàm chứa mọi sự trên đời. Ở đấy có cả quyền lợi và nghĩa vụ, lựa chọn và trách nhiệm, tốt và xấu, đúng và sai… tất cả.

Hẳn là bài học về sự lựa chọn và trách nhiệm trong cuộc đời mỗi người đã khá phổ biến, rằng cuộc sống là chữ C nằm giữa hai chữ B và D. Trong đó B là Birth – nghĩa là “sinh”, D là Death – nghĩa là “tử”, và C ở giữa là Choice thể hiện “sự lựa chọn”. Những sự lựa chọn nối tiếp nhau tạo thành cuộc sống của mỗi người từ lúc sinh ra cho đến khi chết đi. Lựa chọn có thể đúng, có thể sai. Đúng dĩ nhiên là tốt, nhưng dẫu kết quả có sai, thì mỗi người vẫn có cơ hội lựa chọn đối diện với kết quả đó, là hồi phục, chữa trị, hòa giải để dẫn tới những triển vọng trong tương lại, hoặc là trốn tránh, chịu đựng, từ bỏ… Đó là trách nhiệm của mỗi người đối với cuộc đời của chính bản thân họ.

Đây là tư tưởng khởi nguồn để Gu Byeong-mo viết “Wizard Bakery”, như chị đã bày tỏ:

“Đây chỉ là một câu chuyện về sự lựa chọn. Một lựa chọn mà xác suất sai có lẽ sẽ nhiều hơn và đôi khi còn bị chi phối bởi trò trung xúc xắc đầy vô lý. Dù vậy thì kết quả đó vẫn thuộc về trách nhiệm của bạn.”

Link mua sách: