Thầy Lang – một tác phẩm không có quá nhiều lắng đọng cảm xúc, một vài điểm xuyết bất hợp lý khiến nó trở thành một mô phỏng cổ tích quen thuộc. Nhưng nó đẹp, nó đánh thức lòng trắc ẩn của con người.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Bằng lối viết dung dị, chân thật, nhà văn người Ba Lan Tadeusz Dolega – Mostowicz đã khiến những lối mòn cổ tích hiện lên đầy sống động biến “Thầy Lang” trở thành một trong những tác phẩm thành công nhất của ông. 

Tại sao tác phẩm theo lối mòn cổ tích nhưng lại chân thật đến kì lạ?

Vì tình yêu mất đi tất cả, để rồi trở thành một con người bần cùng, nguyên thủy, sơ khai nhất.

Rafal Wilczur là một giáo sư y khoa nổi tiếng của Ba Lan, có một cuộc sống hoàn hảo, với danh vọng, địa vị, sự ngưỡng mộ, và hạnh phúc gia đình. Nhưng chỉ sau một đêm, cuộc đời ông đã rẽ sang lối khác mà chưa giây phút nào chính ông ngờ tới.

Đằng sau một vỏ bọc tốt đẹp thường mang những ung nhọt mà chúng ta không thể biết trước. Thậm chí người trong cuộc cũng không hề nhận ra điều đó, trong trường hợp này vị giáo sư là người như vậy. Ông thực sự đã thỏa mãn và tin rằng mình đang có một cuộc sống vẹn tròn, đủ đầy cho đến khi…niềm tin duy nhất tồn tại vững chắc trong ông sụp đổ. 

Khi người vợ rất mực yêu thương bỏ ra đi với người đàn ông khác, với nỗi đau đớn và mất mát quá lớn, Kosiba đánh mất đi cái tên thực sự, giáo sư Rafal Wilczur, cùng theo nó là một cuộc đời quá khứ, vụt tan biến như tàn tro trong gió, nỗi đau khổ mà ông không đủ sức để đối diện cũng đã chôn vùi sâu cùng với chứng mất trí nhớ.

Chi tiết bất hợp lý là với một cuộc ẩu đả thông thường sẽ khó có thể khiến một người khỏe mạnh bị tổn thương não dẫn đến mất trí nhớ. Đặc biệt là một người đang trong men say. Và một loạt các tình tiết khiến mọi người không thể tìm kiếm một con người to lớn, sừng sững trong khu vực quanh đó cũng không hề hợp lý. 

Phải chăng nhà văn muốn cho nhân vật một lối thoát và thổi phồng nỗi đau của ông ta lên đến cùng cực đỉnh điểm, hoặc ngay bản thân nhân vật cũng muốn chôn vùi ký ức ảo mộng kia vào sâu thẳm nhất. Chứng mất trí nhớ là lối thoát cho nhân vật và là điểm mấu chốt để phát triển các sự kiện sau này. 

Có lẽ mất trí nhớ chính là bước đầu đánh dấu cho cuộc đời đầy sóng gió của Rafal Wilczur, để chúng ta khám phá ra những mặt thật khác của ông. Những điều đó nằm trên một con người mới tên Antonio Kosiba.

Sách Thầy Lang - Tadeusz Dolega Mostowicz
Ảnh: tiki

Antonio Kosiba là một người nông dân cục mịch, một thân xác thô kệch, sống lang thang đây đó. Một cuộc sống khác xa trước đây, không chút ánh sáng, buồn tẻ vô định không gia đình, không ký ức, không già cả. Ban đầu ông còn là một kẻ vô danh đi làm thuê để có miếng ăn qua ngày, chẳng ai quan tâm ông là ai ngoài mấy viên cảnh sát lo sợ một kẻ không lý lịch rõ ràng sẽ khiến họ có thêm nhiều rắc rối. Cái tên kia chỉ để ông có một thân phận, giống như mượn hoặc đánh cắp một cái tên để tránh được mớ phiền phức. 

Bao trùm con người đó một nỗi cô đơn, người đọc sẽ thấy xót xa, tiếc thương vì người nông dân hiện lên chân thật đến mức không thể tìm trên người ông một dấu vết nào của một vị giáo sư y khoa lừng danh nữa ngay cả vẻ bề ngoài.

“Đã mười hai năm nay tôi đi lang thang tôi chẳng biết nương tựa vào ai bởi chẳng có một ai gần gũi” lời tâm sự thật lòng của con người khốn khổ. Mười hai năm quá đủ để quen với cô độc và bình thản trước nó. Việc của ông chỉ là lao động, ăn uống, tồn tại. 

Thật may, dù có cuộc sống cùng cực khổ sở đến đâu bản chất con người cũng không bị thay đổi. Antonio Kosiba hiền lành, thật thà và chăm chỉ biểu tượng cho một nhân cách tốt đẹp cũng như vị giáo sư kia đôn hậu, khiêm tốn và luôn giúp đỡ người khác. 

Người ta thường nói trái đất quay tròn, nhiều sự trùng hợp xảy ra hằng ngày hằng giờ. Giống như những bộ phim truyền hình…người thân bao năm xa cách không có một dấu hiệu cụ thể rõ ràng nào nhưng vẫn nhận ra và gần gũi, yêu thương nhau. Điều đó thực tế xảy ra rất ít, vì sau 12 năm với một người mất trí nhớ lại càng không thể xảy ra. Nhưng rồi cuối cùng điều kỳ diệu đã đến

Gặp lại người con gái bao lâu xa cách, khiến người ta mơ hồ hiểu nhầm mối quan hệ với cái kết bất ngờ…

Antonio Kosiba có một tình cảm đặc biệt dành cho Marysia – người làm công cho một cửa hàng nhỏ. Những người xung quanh ông nghĩ về mối quan hệ giữa họ là tình cảm nam nữ, và ngay cả chính ông cũng đôi khi mơ hồ nghĩ rằng nó như vậy. Mặc dù đúng hơn là ông không biết và không có cách để lý giải cảm xúc của mình khi tiếp xúc với cô gái nhỏ đó. Nhưng ông biết rằng ông muốn tiếp xúc, trò chuyện, che chở và yêu thương Marysia.

Sau tất cả, Antonio Kosiba nhìn thấy cái tên Beata Goltynski đã đánh thức mọi ký ức sâu trong ông, để một giáo sư Rafal Wilczur quay trở lại.

Tất cả những sự việc trên chứng tỏ tình yêu to lớn, vĩ đại của mình dành cho vợ và con gái. Tình yêu đó đã đưa ông rơi vào hố sâu của đau khổ và rắc rối thì chính nó cũng là chìa khóa giải thoát ông khỏi những mơ hồ vô định để tìm về chính mình.

Con đường tìm lại niềm đam mê, niềm vui nguyên sơ của một vị thấy thuốc vẫn luôn hiện hữu

Khi chứng kiến một chàng trai dần dần chết đi do một tai nạn ông đã nảy sinh ý muốn chữa cho cậu ấy. Với một cảm giác quen thuộc, nắm bắt chính xác những kiến thức y khoa về xương khớp đã nhen nhóm trong ông một cảm giác. Và niềm tin đó mạnh mẽ đến mức ông cược cả mạng sống, và dùng lời thề độc trước Chúa để đảm bảo sẽ khiến anh đi lại được như bình thường. 

Ông đã thành công, từ đó ông dần khám phá thêm nhiều thú vị về chính con người mình, và cuộc sống của một thầy thuốc một lần nữa lại bắt đầu. Nhưng ông bớt ồn ào hơn, chữa bệnh miễn phí không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Tiếng tăm lẫy lừng cùng những lời đồn thổi khắp vùng cũng không làm ảnh hướng đến tinh thần kiên định của ông, một lòng chữa bệnh giúp người. 

Phải chăng bản năng của thầy thuốc cùng với sứ mệnh cao cả của mình đã dẫn đường cho ông tìm đến niềm vui của mình bên cạnh những người bệnh, vị thuốc. Đó cũng là lý do ông tìm đến được với người con gái bao năm đã thất lạc.

Bài học người đọc cảm nhận được trên tất cả là một con người hai số phận nhưng vẫn giữ được những đức tính quý báu và quan trọng nhất là không hề đánh mất đi bản thân mình, sâu thẳm con người của họ là một vị “Thầy lang” sứ mệnh trong cuộc đời là chữa bệnh, mãi không thay đổi. 

Điều đó là thứ vô cùng quý giá, chúng ta trân trọng và cũng tự soi xét vào bản thân xem sứ mệnh của chúng ta là gì trong cuộc đời này. Để kiên trì, kiên định mà bước tiếp một đoạn đường dài đầy ý nghĩa, không hối tiếc. 

Thầy Lang – Câu chuyện về lòng nhân ái, vị tha tình yêu thương con người

Người đọc vui mừng vì tài năng của ông đã không bỏ phí nhưng man mác buồn vì ông vẫn cô đơn. Bởi chữa bệnh không thôi vẫn chưa đủ, cuộc sống chỉ quay cuồng cùng với mùi lá thuốc, máu thịt…

Niềm vui chỉ thật trọn vẹn khi ông tìm lại cái tên của mình và người thân duy nhất trong cuộc đời – cô con gái Marysia. Cái kết đầy cảm động và mang đầy tính nhân văn khiến tâm hồn chúng ta như được thả lỏng, thầm cảm ơn tác giả vì đã cho nhân vật một lối thoát thực sự.

Lối thoát ở đây là sự tha thứ của Rafal Wilczur dành cho vợ mình thể hiện qua lời chúc phúc tận đáy lòng “Xin Chúa hãy ban cho nàng sự yên nghỉ đời đời…”. Đây có thể được coi là một cuộc cách mạng tinh thần lớn, là kết thúc của một bi kịch trong cuộc đời vị giáo sư tóc đã ngả màu. 

“Mặt trời đã lặn, tỏa ra những ánh sáng vàng và đỏ rực rỡ ở phía chân trời, những chiếc bóng màu xanh lơ – sự mơn trớn nhẹ nhàng đầu tiên của buổi hoàng hôn mùa đông xuống sớm – ngả đi trên mặt tuyết”

Đây là hình ảnh được miêu tả đẹp nhất trong cả tác phẩm, mang theo sự thanh thản, tựa một lời chúc phúc cho các nhân vật. Những khúc mắc được giải quyết, tương lai tươi sáng căng tràn trước mắt. Người đọc nhẹ nhàng gấp cuốn sách lại và thầm nhủ 

“họ…sẽ ổn thôi”