Vùng Shinshu có một nhà tài phiệt đức cao vọng trọng, được nhân dân trong vùng tôn thờ vì đã mang tới sự phồn vinh cho mảnh đất xưa kia vốn nghèo đói. Tên nhà tài phiệt đó là Inugami Sahei. Cuộc đời hiển hách của con người ấy đã được ghi lại trong cuốn Truyện Inugami Sahei do chính Quỹ Inugami phát hành sau khi cụ qua đời. Nhưng sự thật về Inugami Sahei không đơn giản chỉ là quang vinh ghi dấu trên trang sách mà còn là những góc khuất trong quá khứ, và thảm án đẫm máu ngày hiện tại, lúc bản di chúc kỳ quái của cụ được công bố.
Bi kịch từ những yêu thương lạc lối
Thuộc series trinh thám cổ điển về vị thám tử nổi danh Kindaichi Kosuke của nhà văn trinh thám nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử văn học Nhật Bản, tiểu thuyết Rìu, đàn, cúc vừa mang những đặc trưng ghi đậm dấu ấn phong cách Yokomizo Seishi ở khía cạnh xây dựng cốt truyện, tạo dựng tình tiết, khắc họa nhân vật; vừa mang nét chung thời đại tác giả sinh sống; lại vừa mang nét riêng của một tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh hai lần, giành được nhiều thiện cảm từ công chúng đồng thời trở thành danh tác bất hủ của trinh thám cổ điển Nhật Bản.
Trước hết, cần phải nói rằng cách thức để Kindaichi tiếp xúc với vụ án trong Rìu, đàn, cúc khá tương đồng với những tác phẩm trong cùng series như Đảo ngục môn hay Cung đàn báo oán. Tức từ trước, anh không hề biết tới vấn đề, cũng không chủ động tìm đến vụ án. Mà người trong cuộc tìm tới anh, mong anh giúp đỡ giải quyết rắc rối hoặc ngăn chặn thảm kịch. Nhưng dù có nét tương đồng trong cách dẫn truyện thì Rìu, đàn, cúc vẫn là một tác phẩm độc lập, riêng biệt khi thân chủ, người trực tiếp nhờ cậy Kindaichi nhằm chặn đứng án mạng đẫm máu sẽ diễn ra ở gia tộc Inugami đã bị giết hại ngay trước lúc hai người gặp nhau.
Từ vụ án bất ngờ phát sinh ấy mà ba thảm án liên hoàn đã diễn ra một cách tàn khốc. Tất cả đều xoay quanh một trục mang tên bản di chúc quái gở của Inugami Sahei và quyền thừa kế sản nghiệp khổng lồ nhà Inugami. Nhưng Rìu, đàn, cúc không đơn thuần chỉ là một câu chuyện phá giải án mạng liên hoàn. Tác phẩm đó rắc rối, phức tạp hơn nhiều.
Bằng lối kể chuyện truyện lồng truyện, tác giả Yokomizo Seishi đã bày ra trước mắt độc giả một tác phẩm trải rộng cả hai chiều không gian và thời gian, ở đó là án lồng án, là bi kịch chất chồng lên bi kịch, là những yêu thương lạc lối mãi kéo dài từ quá khứ tới thực tại. Bốn vụ án mạng, xảy ra ở bốn vị trí khác nhau; thậm chí, còn có sự xê dịch của địa điểm gây án với địa điểm đặt xác. Sự dày công dàn xếp đấy đã gây không ít khó khăn cho quá trình điều tra đồng thời đã phần nào đánh lạc hướng phán đoán của một người vốn hết sức nhạy bén như Kindaichi.
Không gian thay đổi, thời gian trải rộng, vụ án xảy ra trong thì hiện tại nhưng nguồn cơn lại bắt đầu từ những mối quan hệ đồi bại của quá khứ. Quan hệ giữa Inugami Sahei với vợ chồng Daini, người ông ta vẫn coi là ân nhân; quan hệ giữa Inugami với ba người phụ nữ ông ta có quan hệ xác thịt nhưng không bao giờ cho họ một danh phận và sau đó là ba người con gái ruột của ông ta; quan hệ tình ái giữa Inugami với cô nhân tình bé nhỏ đã khiến ba chị em cùng cha khác mẹ lồng lộn…
Quá khứ đối bại kéo theo hiện thực trụy lạc: anh chị em, bạn bè, người thân sẵn sàng vứt bỏ lương tri vì lợi ích. Mà có lẽ, trong một gia đình vốn được xây dựng từ dục vọng nhưng thiếu vắng tình thương thì thảm kịch xảy đến vốnnhư một điều tất yếu.
Tất nhiên, như đã nói, không thể phủ nhận tình yêu trong Rìu, đàn, cúc, song thứ tình yêu ấy cũng nhuốm đầy màu sắc lạc lối, vị kỷ và trụy lạc. Thảm kịch của một gia đình, nhưng có lẽ cũng chính là thảm kịch một đời người, khi mãi quẩn quanh trong vòng xoáy hỉ nộ ái ố tham sân si không lối thoát. Để từ đó, độc giả nhận ra, chẳng ai trong gia tộc đó, trong tác phẩm đấy là hoàn toàn trong sạch. Ai cũng “một người đóng hai vai”, vừa là nạn nhân, vừa hung thủ của tấn bi kịch truyền đời.
*Cre: Page IPM
Cuốn tiểu thuyết trinh thám cổ điển chưa thật hoàn hảo
Ra đời vào năm 1950, đứng trên phương diện một người của hiện tại nhìn lại một cuốn tiểu thuyết trinh thám cổ điển như Rìu, đàn, cúc, có thể nói, do gặp nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật, giám định mà thủ pháp gây án cùng quá trình suy luận phá án của thám tử Kindaichi còn khá đơn giản, sơ sài. Vậy nên, nếu đã quen đọc trinh thám hiện đại với những tên tội phạm trí tuệ cao, mang trong mình năng lực phản trinh sát mạnh mẽ, hẳn không ít độc giả sẽ khó lòng cảm thấy thỏa mãn trước những tác phẩm như Rìu, đàn, cúc.
Tuy nhiên đơn giản không có nghĩa là thiếu chiều sâu, thiếu đi cái tâm của người cầm bút đặt vào tác phẩm. Và khi đánh giá, xét Rìu, đàn, cúc trong bối cảnh thời gian, lịch sử tác phẩm ra đời, thì có thể nhìn nhận, đây là một cuốn tiểu thuyết trinh thám cổ điển khá mẫu mực. Dù cách viết của Yokomizo Seishi còn mang nhiều dấu ấn từ tiểu thuyết chương hồi, nhất là trong cách ngắt đoạn với những câu như: “Sau này Kindaichi hồi tưởng lại…”, “Nhưng trước khi nhắc tới vụ án mạng đó, vẫn nên kể từ đầu…”; thì cũng không thể phủ nhận, cách viết ấy đã giúp tác giả xây dựng được cấu trúc tình tiết, tổ chức đan cài, chồng chéo liên tiếp các sự kiện, biến cố một cách cực kỳ lớp lang mà không hề rối rắm trong khoảng thời gian tác phẩm trải rộng song thời gian thực tế của 3 vụ án mạng liên hoàn lại rất ngắn.
Bên cạnh đó, cuốn tiểu thuyết hơn 300 trang này cũng ẩn chứa không ít plot twist khá thú vị xoay xung quanh bi kịch xuất phát từ những yêu thương lạc lối, quan hệ trụy lạc của con người trong quá khứ. Về góc khuất nơi bóng tối của cuộc đời hiển hách mà Inugami Sahei gầy dựng lên, về thân thế thật sự của từng cá nhân ở gia tộc Inugami, và ngay chính hung thủ của vụ án mạng liên hoàn làm chấn động cả vùng Shinshu.
Để phán đoán hung thủ trong Rìu, đàn, cúc không phải điều quá khó khăn với độc giả yêu thích thể loại trinh thám. Nhưng để có thể bóc tách từng bí ẩn đằng sau những vụ án được dàn dựng công phu như một loại nghi thức phỏng theo ba món đồ gia bảo của nhà Inugami là rìu, đàn, cúc hẳn lại chẳng phải điều dễ dàng. Đặc biệt khi liên tục có những sự việc chen ngang gây nhiễu cho quá trình suy luận phá án.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, dẫu không phải một tác phẩm tệ nhưng so với những cuốn sách khác trong cùng series đã làm nên tên tuổi Yokomizo Seishi, điển hình như Đảo ngục môn; một sự kiện chấn động gắn liền với tên tuổi lừng lẫy của Kindaichi mỗi khi có ai đó nhắc đến anh; thì Rìu, đàn, cúc gần như đuối hơn hẳn cả về cách dựng truyện lẫn thủ pháp gây án.
Vẫn motif dàn dựng hiện trường đầy ẩn ý như một dạng tôn giáo song Rìu, đàn, cúc, dù vẫn gắn với ý nghĩa văn hóa rất riêng nhưng lại phần nào thiếu đi tính ma mị cùng cả cảm quan chữ “mĩ” vốn như đã trở thành điểm đặc trưng ở các vụ án trong mỗi tác phẩm Yokomizo Seishi sáng tạo lên. Bởi cả hành động gây án lẫn việc dàn dựng hiện trường của hung thủ trong Rìu, đàn, cúc đều là sự bột phát, vội vàng, thiếu đi sự trăn trở, chuẩn bị kỹ lưỡng như ở Đảo ngục môn, Cung đàn báo oán hay Khúc ca tú cầu của ác quỷ.
Đồng thời, cuốn tiểu thuyết này cũng không khỏi đặt ra một sự hoài nghi không nhỏ về mặt logic khi tồn tại không ít mâu thuẫn. Điển hình là động cơ gây án của hung thủ và hành động thực tế của hắn ta. Hung thủ làm tất cả vì bảo vệ quyền lợi của con hắn; nhưng hắn yêu con đến thế, là đấng sinh thành gần gũi đến thế mà cuối cùng lại không nhận ra chính con ruột? Không lẽ tình yêu, sự nhạy bén của một người mẹ lại không bằng một cô gái trẻ gắn bó với con hắn chưa bao lâu?
Tuy nhiên, quả thực, nếu không có tình tiết có phần khiên cưỡng này làm xuất phát điểm, thì có lẽ, tiểu thuyết Rìu, đàn, cúc đã không ra đời.
*Cre: Page IPM
Văn hóa và một phần lịch sử Nhật Bản trên trang văn Rìu, đàn, cúc
Dù là tiểu thuyết trinh thám, một dòng văn học vẫn bị đánh giá là văn học “bình dân”, thì trong Rìu, đàn, cúc nói riêng, các tác phẩm khác nói chung, tác giả Yokomizo Seishi vẫn luôn ý thức gắn liền câu chuyện với đời sống văn hóa, lịch sử Nhật Bản đương thời.
Trước hết là hình tượng rìu, đàn, cúc, loạt hình ảnh này gắn liền với ý nghĩa “may mắn tới” trong âm tiếng Nhật, đồng thời gắn liền với cả loại hình kịch kabuki cổ truyền của đất nước này. Từ hình tượng trung tâm, xuyên suốt cả tác phẩm đó, tác giả đã mở ra cả một không gian văn hóa vùng đầm lầy Shinshu với đền thờ thần đạo cùng những vị thần quan đáng kính sống và chăm lo cho ngôi đền; với phong tục của một vùng sông nước, di chuyển chủ yếu bằng thuyền bè; hay đó còn là văn hóa chơi đàn tranh, làm con rối bằng hoa cúc…
Xét bối cảnh câu chuyện diễn ra vào năm 194x, nước Nhật khi ấy vừa bước ra từ cuộc Thế chiến thứ Hai với đủ đau thương, và chính bản thân Yokomizo Seishi cũng không hề né tránh thực tại tàn khốc chiến tranh gây ra cho con người, đất nước Nhật Bản; thì các chi tiết văn hóa được ông ghi dấu trên trang văn Rìu, đàn, cúc thật sự là điều đáng trân trọng. Để dẫu khép lại câu chuyện là cảnh đẹp buồn man mác: “Hoàng hôn buông xuống, bờ hồ Nasu tiêu điều lại từ từ đóng băng” thì người ta vẫn cảm thấy có niềm tin vào từng giá trị, dầu là nhỏ nhất trong cuộc sống còn nhiều bi kịch này.
Mọt Mọt