“Tôi là một con lừa” xuất bản năm 2013, là cuốn sách đầu tiên trong series “Lên đường với trái tim trần trụi” của PGS.TS Nguyễn Phương Mai, cuốn thứ hai cùng series là “Con đường Hồi Giáo” xuất bản năm 2014.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Tác phẩm “Tôi là một con lừa” gồm 15 chương nhỏ nằm trong 4 phần lớn: Tự Bạch, Phiêu Lưu, Suy Ngẫm, Sẻ Chia. Nhỏ nhắn và khá nhẹ, dường như hơi mỏng so với lượng kiến thức và vốn sống mà nó truyền tải, về một chuyến du lịch bụi vòng quanh thế giới của một con lừa vừa ẩm sọ, vừa cá tính, lại còn có tư chất nữa.

Tôi là một con lừa - reviewsach.net

Không đơn thuần là một cuốn du kí – nghĩa là đi và viết.

Dĩ nhiên là Phương Mai cũng đi và cũng viết. Đi qua gần 80 quốc gia. Nhưng không chỉ là viết những gì chắt lọc được sau chuyến đi, về những gì được trải nghiệm, mục kích, rồi suy ngẫm… như du kí.

Xem thêm Bụi đường tuổi trẻ – Thắp sáng ước mơ du lịch vòng quanh thế giới

“Tôi là một con lừa” cần được nhìn đúng sáng với nghĩa rộng hơn, đó là một quyển tự truyện – bút kí.

Tự truyện bởi đậm tính cá nhân. Ngay từ cái tên “Tôi là một con lừa” đã thể hiện một cái tôi đậm nét rồi. Phương Mai chia sẻ nhiều, chị viết cả về mẹ, bạn bè và công việc; quan niệm cá nhân về hôn nhân – bình đẳng giới – tôn giáo; về kỷ niệm tuổi thơ, và thậm chí chia sẻ về cái sự rớt-đại-học của mình cùng lời nhắn nhủ đến những người bạn trẻ.

Bút kí bởi cuốn sách không những ghi lại sau quá trình quan sát, khám phá, thu nạp, minh chứng, suy tưởng… mà còn thể hiện được giá trị nhận thức của tác giả, hàm chứa ánh sáng của nghiên cứu học thuật.

Là tiến sĩ ngành Giao tiếp đa văn hóa, với tư duy tổng hợp, Phương Mai mang đến bạn đọc những hành trình theo một vệt lịch sử nhất định. Chuyến đi mùa hè lần theo những cuộc lang thang của dân digan hồi thế kỷ thứ IX, từ vùng tây bắc Ấn Độ nhích dần qua châu Âu. Chuyến đi gần một năm theo vết di cư của loài người hơn hai trăm ngàn năm trước, từ châu Phi tràn qua châu Á tới châu Úc, châu Âu rồi vượt biển đến châu Mỹ – những trang viết sống động vừa hùng vĩ trước thiên nhiên, vừa sắc sảo trong những nhận định, khắc khoải trong những suy tư của cả một cộng đồng người dưới một thời đại cụ thể nào đó mà nhân loại đã trải qua.

Don’t judge a book by its cover!

Đừng trông mặt mà bắt hình dong!

Nhìn lướt qua bìa sách chỉ thấy một phần núi đá khá to trên nền xanh đen và tựa sách, còn “con lừa” Phương Mai thì bé tí xiu với cái dáng nhảy cao ngồ ngộ như… con ếch. Phải chăng bìa sách muốn truyền tải thông điệp con người lọt thỏm giữa thiên nhiên hùng vĩ?

Không bắt mắt – đó là đánh giá khách quan, sơ lược khi chưa tìm hiểu.

Thế nhưng, thông qua thử thách #ChallengeOnNaturePhotography trên mạng xã hội Facebook, tác giả đã đăng ảnh gốc bìa sách “Tôi là một con lừa” với chú thích đây là Grand Canyon huyền thoại của Mỹ với độ sâu 1800m. Bức ảnh này được chụp bởi Arnaud – một anh bạn người Pháp đã cho Phương Mai ăn, ngủ, nghỉ suốt mấy ngày đường dài trên xe hơi để tiết kiệm tiền khách sạn.

Quả thực, nghèo kiến thức khiến hạn chế tầm nhìn rồi dễ dàng bỏ lỡ một cuốn sách hay.

Có di chuyển mới biết bản thân bị bó buộc hay tự bó buộc.

 “Tự do là di chuyển.”

Đây vốn là lời của một nhà văn khi vừa mới ra tù, khi vừa thoát ra cổng sắt, mà đạo diễn Lê Hoàng đã nhắc lại và cảm thán: “Hay thiệt. Không di chuyển thì tự do để làm gì?”

Phương Mai là một con người khát khao tự do nên chị sống theo chủ nghĩa xê dịch. Đột ngột bỏ sư phạm để làm báo, trở thành chủ bút trẻ nhất Việt Nam vào tuổi 24, rồi đột ngột bỏ báo để du học, bây giờ đã là giảng viên Đại học nhưng lại bỏ việc khá thường xuyên, để-đi-bụi. 

Chọn một cuộc sống “lăn lông lốc khắp nơi” cốt để không bị bám rêu, hòn đá lăn Phương Mai đi theo triết lý “Chân không đi làm sao biết bị xích xiềng” (Legs that move feel the chains). Triết lý này xuất phát từ việc người ta thuần hóa voi: ban đầu, những chú voi hoang dã bị xích vào cột bằng sợi dây tầm 30m, chúng sẽ chỉ di chuyển được trong bán kính 30m ấy. Cho đến khi người ta bỏ sợi xích ra thì con voi đã quá quen với vòng tròn đó rồi, sẽ không đi đâu nữa, thế là từ voi rừng trở thành voi nhà.

Thực tế thì bất cứ ai cũng chịu sự bó buộc nào đó, chỉ có điều người nào ý thức được sẽ cố gắng làm cho “sợi xích” của mình dài ra hết mức có thể, rồi đến một lúc nào đó bất chợt nhận thấy rằng, hóa ra “sợi xích” không bền chắc như ta vốn nghĩ. Ta tự do.

Có di chuyển nhiều mới biết đâu là ranh giới của mông muội và văn minh.

Tác giả đi nhiều, thấy nhiều, biết nhiều, nghĩ nhiều nên chị nhìn đời bằng đôi mắt chắt lọc và tinh gạn, đôi khi là soi mói và khó tính, nhưng tựu chung là công bằng và không vấp phải việc vơ đũa cả nắm.

Phương Mai đi chu du thế giới; giảng dạy về “giao tiếp đa văn hóa” nhân loại; lý giải tường tận về đói nghèo, dân chủ, bình đẳng ở tầm vĩ mô…  Nhưng chị lại có ý kiến khá đặc biệt khi nói về Việt Nam:

“Càng đi càng ít dám chê nước mình!” – Nguyễn Phương Mai.

Vì sao gọi là đặc biệt? Vì lạ lùng thay, người Việt Nam hay chê Việt Nam lắm!

Nhân tiện nhắc đến một trường hợp: năm 2014, trên mạng xã hội xuất hiện một bức tâm thư được cho là của một du học sinh Nhật gửi người Việt Nam, đại khái so sánh hai nước Việt – Nhật rồi gọi Việt Nam là “nhà giàu và những đứa con chưa ngoan”. Dạo gần đây (năm 2019), bức thư ấy được “đào mộ” và tái xuất giang hồ, lại một đợt dậy sóng với những ý kiến trái chiều, mà kỳ lạ thay những bình luận được nhiều lượt “thích” là ý kiến tán thành bức tâm thư rồi chê người Việt Nam sân si, ảo tưởng và tránh né sự thật…

Người Việt Nam có văn hóa phê bình và tự phê bình. Có thật lòng xuất phát từ tâm cầu thị để hiểu người hiểu ta, để phát huy cái ưu và khắc phục cái khuyết của mình. Cũng có xuất phát từ tự ti dân tộc, rằng “Việt Nam làm cái gì cũng kém!”, rồi lúc nào cũng tôn thờ Nhật Bản và các nước trời Tây, dẫu chưa một lần đặt chân đến. Hay thừa sự thiển cận và thiếu cái nhìn toàn cảnh, rằng “Chỉ có ở Việt Nam mới thế!”,  cuối cùng, lại toàn đổ lỗi cho nhà nước.

Thực ra, đa số những vấn đề cần chê bai của Việt Nam thì ở nước nào cũng có, khác nhau là nhiều hay ít, là dễ thấy hay khó thấy, là mãn tính hay cấp tính…

“Văn minh không phải là một thứ hàng chợ. Nó không được mua cả lô bán cả đống và rải đều cho những xứ sở được mặc định là văn minh. Bao nhiêu năm lăn lê trên đường, tôi học được rằng văn minh và mông muội luôn tồn tại ngay sát sạt bên nhau, trong bất kể xã hội nào, bất kỳ nước nào.” – Nguyễn Phương Mai.

Tôi là một con lừa - Phương Mai
Ảnh: pippymiu

Cuốn sách dành riêng cho những tâm hồn phóng khoáng.

Khi “Tôi là một con lừa” xuất bản, tác giả 37 tuổi, chị chưa chồng, và, chị vẫn đi.

Rất nhiều người hỏi, đến bao giờ thì Phương Mai dừng chân, chị mượn lời mẹ một người bạn mà trả lời: “Đi du lịch cũng như làm tình vậy. Lúc chưa biết gì thì còn hơi sợ, lúc bập vào rồi thì chả muốn dừng.”

Một người phụ nữ tuổi băm, chỉ yêu thôi không chịu lấy chồng, chẳng màng con cái, làm việc ở nước ngoài mà đến cái xe ô tô cũng không có, tiền kiếm được dồn hết vào những chuyến đi… Đối chiếu với tiêu chí của một người phụ nữ theo chuẩn truyền thống: có chồng, có con, có nhà, có xe, và làm tốt nội trợ – rõ ràng quan niệm sống của Phương Mai không “bình thường”, nhẹ thì bị cho là nổi loạn hay cực đoan, nặng thì xẵng một câu: “Ngu như lừa!”.

Phương Mai sảng khoái thừa nhận: “Tôi là một con lừa”.

Phương Mai không cãi, chỉ nhe răng lừa ra cười trừ. Vì chị thấy buồn. Tại sao?

“Bởi những cái gọi là “cực đoan” và nổi loạn trong cuộc sống của tôi thực ra chỉ là sự tự do tối thiểu mà bất kỳ một cô gái ở một xã hội văn minh nào cũng đương nhiên “đẻ ra là đã có”. Đó là sự tự do được làm chủ cuộc sống của mình, tự do lựa chọn con đường mình sẽ đi và chủ động mưu cầu hạnh phúc.”

Đơn giản đó quyền làm người, gọi là “nhân quyền”.

Cuốn sách này sẽ trở thành “gối đầu giường” đối với ai hiểu được cái nhân quyền đó. Tức là phải có tâm hồn phóng khoáng như chính tác giả vậy, một tâm hồn không bị gò bó bởi “Có chồng đi, có con đi, mua nhà đi, nấu ăn ngon vào…”

Phương Mai không phải kiểu người phụ nữ truyền thống Á Đông, chị là một trong những điển hình của người phụ nữ hiện đại: độc thân, thành đạt, tự do, tự tin và hạnh phúc. 

Hiểu thêm về tác giả Nguyễn Phương Mai

PGS.TS Nguyễn Phương Mai (27/11/1976) nguyên quán tại Hà Nội, hiện đang giảng dạy chuyên ngành Giao tiếp & Quản Trị đa văn hoá với các nghiên cứu và khoá đào tạo liên ngành kết hợp với kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). Chị đã có một thời gian dài làm báo trước khi về công tác tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. 

Con lừa cá tính Phương Mai có một bà mẹ cũng cực kỳ cá tính. Chương “Phương Tây qua lăng kính của mẹ” lột tả hình ảnh vi diệu về người mẹ của tác giả. Thậm chí có lần Phương Mai nhận được một lời tỏ tình với đoạn tái bút là lời hứa chị sẽ được yêu nồng nàn trong tổng thời gian ít nhất là bốn mươi năm với điều kiện: “Càng già càng phải giống mẹ!” 

Có lẽ đây là đặc ân để tác giả có thể sống cuộc đời như hòn đá lăn không bám rêu mà chị muốn.

“Cảm ơn mẹ, vì đã buông tay để con được tự do” – Lời đề tặng “Tôi là một con lừa”, Phương Mai đã dành cho mẹ của mình.

Những lời khen tặng

“Phương Mai đi nhiều. Phần lớn chúng ta cũng thế, nhưng đấy là đi kiếm ăn, đi tìm bồ hoặc đi trốn nợ. Những sự đi ấy tuy quần quật nhưng luôn trở về chỗ cũ. Chúng ta phi nước đại hằng ngày trên con đường mòn đến kiệt sức.

Mai thì không phi. Cô cắp tấm thân mình dưới nách. Chạy nước kiệu qua hết chỗ nọ chỗ kia. Ở đâu cô cũng ngạc nhiên, vùng đất nào cô cũng hồi hộp. Phương Mai không già, và tôi có cảm giác với kiểu đi này, cô sẽ không già cho đến chết.” – Trích lời tựa của tác phẩm “Tôi là một con lừa”, đạo diễn Lê Hoàng viết.

Duyên