Giữ vị thế kinh điển trong dòng kinh điển, dẫu đã qua hơn năm thế kỷ dài dằng dặc nhưng kiệt tác “Utopia” của vị thánh tử vì đạo Thomas More vẫn luôn là một cuốn sách nhỏ vĩ đại, vẽ ra một đảo quốc tốt đẹp và lý tưởng đến mức không tưởng, cũng bởi thế mà dịch giả Trịnh Lữ viết rằng “Utopia” “đứng tên cho cái mơ ước và cũng là niềm thất vọng triền miên của nhân loại trên con đường tự hoàn thiện mình.” Mặt khác, đặt trong bối cảnh đương thời là nước Anh nói riêng châu Âu nói chung đầu thế kỷ 16, “Utopia” còn là một tác phẩm phê phán chính trị đầy sâu cay.

Utopia reviewsachnet

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Xuất bản lần đầu năm 1516 bằng tiếng Latin, cho đến nay vẫn luôn được rất nhiều thế hệ trên thế giới tìm đọc, “Utopia” của Thomas More đã mở đường cho cả một dòng sách và khởi xướng trào lưu giả thuyết về một cõi địa đàng trần gian.

Đọc thêm:

Lấy giọng cười ngông mà bàn ra chân lý!

Những năm 1499 – 1502, Amerigo Vespucci đặt chân thám hiểm vùng Tây Bán cầu của trái đất và phát hiện ra rằng Nam Mỹ mở rộng về phía nam hơn là những kiến thức người châu Âu đã biết. Luận điểm về lục địa mới của Vespucci cùng các quan niệm khái niệm Tân Thế giới đã làm khuấy đảo nhận thức và trí tưởng tượng của con người thời bấy giờ, dĩ nhiên trong đó có Thomas More.

“Utopia” được thai nghén và hình thành trong những năm 1515 – 1516, gồm hai quyển. Điều thú vị là More viết Quyển Hai trước – với nội dung về địa đàng trần gian – trong thời gian 6 tháng ở xứ Flanders theo lệnh của vua Henry VIII để thương lượng về quan hệ buôn bán hai bên, sau đó More mới viết Quyển Một dựng nên nền bối cảnh tạo tiền đề cho Quyển Hai.

Thomas More đã tưởng tượng ra và kể thật như đếm về tiên sinh Raphael Hythloday.

Tiên sinh Raphael Hythloday là một lữ khách đồng hành cùng Vespucci nhưng đã không trở về cùng bạn hữu sau chuyến du hành mà một thân một mình lang thang tới những xứ sở xa lạ, rồi tìm thấy hòn đảo Utopia – gốc Hy Lạp của từ này có nghĩa “không ở nơi đâu”, và tại đó tiên sinh khám phá được một địa đàng chốn trần gian. Tiên sinh Raphael đã sống tại Utopia hơn năm năm, và lý do duy nhất thôi thúc tiên sinh trở về là để nói cho mọi người biết rằng có một đất nước được tổ chức hay đến thế. Nhờ cuộc hạnh ngộ mà More và bạn thân Peter Gilles được nghe Raphael kể về vùng đất đầy bất ngờ ấy.

Cũng phải nói thêm, trong tiếng Do Thái, “Raphael” có nghĩa là “Thượng đế đã chữa lành”. Trong sách “Tobit” của Kinh Cựu ước, Thiên sứ Raphael là người phù hộ cho Tobit vào con đường tốt, khỏi được bệnh mù và tìm lại được gia sản. Như vậy, Raphael là cái tên thích hợp dành cho một nhân vật có khả mở mắt cho thiên hạ thấy những điều tốt xấu ở đời và đóng góp cho sự thịnh vượng của xã hội. Tuy nhiên Raphael Hythloday lại là cái tên phiên âm từ tiếng Hy Lạp sang có nghĩa “thạo những chuyện tầm phào”!

Bằng hình thức lấy những sự kiện và con người có thật làm bối cảnh cho một câu chuyện có vẻ không tưởng. Mà trong câu chuyện có vẻ không tưởng đó, tất cả tên người, chức danh và địa danh đều do More tạo ra từ gốc ngôn ngữ Hy Lạp, và đều có nghĩa là không có thật, là tưởng tượng; lại có vẻ như, bất cứ chi tiết nào cũng mang đầy thâm ý.

“Utopia” thực sự là một tác phẩm thú vị từ hình thức đến nội dung – lấy giọng cười ngông mà bàn ra chân lý là cách Thomas More thể hiện những tư tưởng mới lạ của bản thân, đồng thời đả kích nền chính trị đương thời. “Utopia” được ấn hành lần đầu tại Louvain, Bỉ vào cuối năm 1516, nhưng cuốn sách đã không được in tại Anh dưới triều đại vua Henry VIII bởi giọng điệu châm biếm quá thẳng thừng.

Địa đàng trần gian.

Xã hội loài người đầy hỗn tạp sẽ chẳng bao giờ được xem là địa đàng nếu còn tồn tại những vấn đề xã hội, tham nhũng, gian lận, tranh giành, cướp bóc, trộm cắp, nổi loạn, giết người, phản quốc, mê tín dị đoan, chiến tranh…

Đâu là nguồn gốc của những vấn đề trên?

Theo More, sức nặng của đồng tiền – biểu hiện hữu hình của lòng tham, là nguyên nhân gây ra phần lớn những xấu xí của xã hội.

“Thực ra, tham lam không phải là bản tính của muôn loài, mà chỉ là phản ứng của nỗi sợ hãi bị thiếu thốn. Nhưng với con người thì lòng tham lại còn bắt nguồn từ tính phù hoa, cái cảm giác rằng ta hơn người bởi vì ta có thể chưng diện nhiều thứ của cải dư thừa hơn người.”

Nhưng ở “Utopia”, bạo lực, đổ máu và những thói xấu dường như không tồn tại. Ở đấy, mọi sản phẩm lao động đều được phân phối đồng đều, mọi thứ đều sẵn sàng thừa thãi, chẳng ai lấy nhiều hơn mức cần thiết, chẳng ai muốn tích trữ khi biết rằng sẽ không bao giờ thiếu thốn.

Xã hội “Utopia” coi khinh vàng bạc, người dân không có ham muốn vàng bạc. Họ dùng vàng để làm gông, xích cho tù nhân, thậm chí là chế tác thành dụng cụ đựng xú uế.

Cuộc sống ở “Utopia”, người dân biết thế nào là đủ. Mọi người sống với nhau bình đẳng, không có giàu nghèo, mọi của cải đều thuộc sở hữu cộng đồng, tất cả cùng lao động và cùng hưởng hạnh phúc, cùng tìm kiếm khoái lạc. Khoái lạc tinh thần mà họ coi trọng bậc nhất là những hành vi chí thiện và một lương tâm trong sạch, khoái lạc vật chất mà họ coi trọng nhất là sức khỏe.

“Utopia” mà More vẽ ra là một hòn đảo được cai trị bởi chế độ cộng hòa, nơi luật pháp đơn giản dễ hiểu, nơi tư hữu không tồn tại, nơi thực thi cởi mở tôn giáo, nơi con người sống hài hòa với thiên nhiên nhằm hỗ trợ một xã hội lâu bền, nơi quan hệ ngoại giao dựa trên tinh thần tự giác tôn trọng lẫn nhau, nơi yêu chuộng hòa bình và coi trọng từng người dân của đất nước. Trong một chừng mực nào đó, nước Utopia của More chịu ảnh hưởng từ nước Cộng hòa của Plato, nhưng tổng thể vẫn đậm dấu ấn riêng của More với những tư tưởng hết sức mới mẻ.

Utopia reviewsachonly reviewsachnet

Châm biếm sâu cay.

Erasmus, nhà học giả cổ điển thuộc giáo hội vĩ đại nhất thời bấy giờ, cũng là người đã biên tập cuốn sách “Utopia” cho lần ấn hành đầu tiên, đã khuyên người bạn thân của mình đọc ngay “Utopia”, để thấy đâu là cội rễ của mọi sự xấu xa trong chính trị.

Nếu Quyển Hai của “Utopia” viết về vùng đất lý tưởng, thì Quyển Một là cuộc hạnh ngộ của More và Gilles với Raphael và nội dung đối thoại xoay quanh vấn đề tại vì sao vị học giả Raphael Hythloday đầy thông tuệ lại thà đi thăm thú khắp nơi chứ không bằng lòng đăng triều phục vụ một đấng quân vương nào đó, để đem bộ óc siêu việt của mình cống hiến cho xã hội.

Sự lý giải của tiên sinh Raphael đã vạch trần những rối loạn trong chính trị xã hội châu Âu thời bấy giờ: chế độ chuyên chế tàn độc và ngu xuẩn, ham thích chiến tranh, coi mạng người như cỏ rác, quý tộc ăn bám nhân dân, chú trọng không đúng mức những ngành nghề gây thiệt hại cho xã hội, sự ngu muội và tham lam của con người…

“Quả thực, khi xem xét mọi chế độ xã hội đang thịnh hành trên thế giới ngày nay, tôi không thể, xin Thượng đế tha tội, thấy chúng là cái gì khác ngoài một âm mưu lớn của người giàu nhằm củng cố bành trướng những quyền lợi riêng của mình dưới chiêu bài tổ chức quản lý xã hội.”

Một xã hội mục ruỗng tồi tệ khiến người trí thức bất lực, tiên sinh Raphael cho rằng thà không làm gì cả còn hơn cố gắng làm một điều gì đó rồi bị coi thường, khinh rẻ một cách vô ích.

Sức hút của một kiệt tác.

Xã hội “Utopia” qua lăng kính tưởng tượng của More mang nhiều khía cạnh hoàn hảo đến độ dù biết là không tưởng nhưng vẫn khiến lòng người ngưỡng vọng và khát khao.

Chính More cũng viết rõ ràng rằng luật pháp, phong tục, và cả nền móng xã hội của đất nước “Utopia” này có nhiều điều kỳ cục và vô lý lắm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận lý tưởng cao cả của More, trong viễn cảnh quá mức đẹp đẽ về một thế giới mới mà tại đó mỗi con người đều được sống an nhiên tự tại.

Dẫu hơn 500 tuổi đời thì “Utopia” vẫn là một cuốn sách – như lời của dịch giả Trịnh Lữ – có thể khiến bạn đọc “bàn tán về nó, tranh cãi vì nó, cười bò ra vì nó, nổi giận với nó, cười nhạo nó, bâng khuâng buồn bã vì nó, và cảm thấy rằng – tôi hy vọng thế – cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc của chúng ta vẫn còn có hy vọng đến đích.”

Đó là đẳng cấp của một kiệt tác.

Utopia reviewsachonly

Hiểu thêm về Thomas More.

Thomas More (1478 – 1535) còn được gọi Thánh Tôma Môrô trong Công giáo. Ông là một luật sư, một nhà triết học xã hội, một chính khách, một học giả, một giáo sĩ và là một người thuộc phái chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng nổi tiếng trong lịch sử nước Anh.

Thomas More từng đảm nhận chức vụ Đại Chưởng ấn tại Anh quốc trong ba năm (10/1529 – 5/1532), là một cố vấn quan trọng của Quốc vương Henry VIII, nhưng sau này bị Henry VIII chặt đầu vì dám công khai phản đối nhà vua thâu tóm toàn bộ quyền lực đối với Nhà thờ Anh quốc. Trong buổi hành hình, ông ngay thẳng tuyên bố:

“Ta chết như là một đầy tớ trung thành của nhà vua. Nhưng trước tiên, ta là tôi tớ của chúa!”

Học thức, trí tuệ và tư tưởng nhân văn của Thomas More đã được truyền tải hết sức tuyệt vời qua “Utopia”. Đứa con tinh thần của ông đã sống một cách tràn đầy sức sống trong suốt hơn năm thế kỷ đã qua kể từ ấn bản đầu tiên, và còn hứa hẹn nhiều trong tương lai phía trước, khi mà thế giới dường như đang đối mặt với quá nhiều khủng hoảng.

“Utopia” để lại niềm tin, hy vọng và cả bình yên trong lòng độc giả khi khép lại trang sách cuối cùng.