Tại nhà khách có tên Mẹ Ngỗng ở miền núi Hakuba, tỉnh Nagano, chàng trai trẻ Koichi đã tự sát ngay sau khi gửi một tấm bưu thiếp với câu hỏi đầy kì lạ cho cô em gái đang học đại học: “Mẹ Maria về nhà khi nào?” Nhưng cô em gái tên Naoko, đã không thể chấp nhận sự thực đó. Mang mối hoài nghi về tấm bưu thiếp và quyết tâm tìm ra bí ẩn đằng sau cái chết của anh trai, một năm sau, Naoko cùng người bạn thân Makoto tới nhà khách Mẹ Ngỗng, vào thời điểm những vị khách quen từ một năm trước, lại tề tựu đông đủ.

vụ án mạng ở nhà khách núi hakuba review

Bí ẩn án lồng trong án

Là một trong những tác phẩm thuộc thời kì sáng tác đầu của Higashino Keigo, có thể nói, tiểu thuyết Vụ án mạng ở nhà khách núi Hakuba mang những điểm rất đặc trưng của tiểu thuyết trinh thám cổ điển. Từ vụ án nơi phòng kín tại một nhà khách thuộc miền núi hoang vu; tới nghi vấn của người thân nạn nhân xoay quanh kết luận tự sát từ phát cảnh sát thôi thúc họ phải lật lại vụ án, tìm cho được chân tướng sự việc; tới cả hoàn cảnh tưởng chừng lí tưởng: toàn bộ nghi can trong vụ án năm xưa, đều tề tựu đông đủ ở cùng một địa điểm, cùng một thời gian sau một năm thảm án xảy ra.

49a02f6335c4cfdb36aca85a2ee53807

Bên cạnh đó là câu mật mã của nhà khách Mẹ Ngỗng xoay quanh bài đồng dao cùng tên càng khiến cho quá trình tìm kiếm sự thật trở nên phức tạp. Đồng thời, bao trùm màu sắc huyền thoại lên vụ án năm nào. Mật mã – đồng dao huyền thoại – cấu trúc tòa nhà – phòng kín… tất cả tạo nên Vụ án mạng ở nhà khách núi Hakuba vừa mang nét đặc trưng cho một giai đoạn sáng tác của Keigo tiên sinh vừa mang nét tương đồng với các sáng tác trinh thám cổ điển cùng thời như Tokyo Hoàng đạo án hay Hokkaido Mê trận án.

Nhưng, dù có gặp gỡ với trinh thám cổ điển ở giao điểm này hay giao điểm khác về mặt nội dung, tình tiết thì tới cuối cùng, Vụ án mạng ở nhà khách núi Hakuba vẫn là sáng tạo riêng có và đặt nền móng cho các tác phẩm sau này trên chặng đường văn nghiệp của Keigo tiên sinh. Vẫn chú trọng về tính suy luận phá án dựa trên những dữ kiện người điều tra dần thu thập được, thậm chí bộ đôi phá án Naoko – Makoto cũng rất dễ khiến độc giả liên tưởng tới những cặp đôi thám tử trong trinh thám kinh điển; song Vụ án mạng ở nhà khác núi Hakuba lại đi theo cách khai thác rất riêng, đậm chất Higashino Keigo.

Naoko và Makoto, họ vốn chỉ là hai cô gái hết sức bình thường, chẳng phải nhà khoa học, cũng chưa từng bộc lộ tài năng phá án thiên bẩm hay kết hợp với cảnh sát phá một vụ án hóc búa nào trước đấy… Họ đơn thuần, chỉ là hai cô gái sống đời bình dị, vì cái chết bí ẩn của anh Naoko mà dấn thân vào hành trình lật lại một vụ án mà có thể nguy hiểm tới tính mạng. Chính bởi thiếu kinh nghiệm thực tế, mọi thứ họ có trong tay chỉ là những góp nhặt đọc được trong tiểu thuyết trinh thám cùng dữ kiện ít ỏi về vụ án một năm trước mà suy nghĩ, lời nói, hành động hai cô gái còn nhiều sơ hở, thậm chí là ấu trĩ.

Vì thế, hành trình truy tìm sự thật của họ liên tiếp là những bước lần mò thử và sai. Để rồi, trên chặng đường còn lắm khó khăn với hai con người thiếu hụt cả kiến thức lý thuyết lẫn kiến thức thực tế, hàng loạt bí ẩn khác cũng dần dần lộ diện. Đau thương của một năm trước, hóa thành sai lầm của hôm nay mà cội nguồn, lại đến từ thảm kịch trong quá khứ cách đấy hai năm và tất cả, đều nằm trên nền tấn bi kịch kéo dài triền miên tám năm không dứt. Từ một vụ án thôi thúc bước chân hai cô gái bình thường đi kiếm tìm sự thật, ba vụ án khác vốn chìm sâu trong bóng tối đã phơi bày trước ánh sáng; cùng một mật mã nhưng lại mở ra hai câu chuyện đối lập nhau như chiếc bóng của con người trên một tấm gương. Án nằm trong án, truyện mở rộng tới truyện là như thế.

Nhà khách núi Hakuba vào mùa đông tuyết trắng, tưởng là một nơi chẳng có gì mà lại như chứa đựng tất cả mọi thương đau của đời người. Hàng loạt plot twist được Higashino Keigo cài cắm trong trang sách, tới tận những trang cuối cùng mọi chuyện mới hé lộ trọn vẹn. Để độc giả nhận ra, chìm dưới mái nhà kiểu Âu, ẩn sau cây cầu đứt gãy, nằm sâu dưới lớp tuyết trắng là đủ bi kịch lòng tham bi kịch gia đình, bi kịch tình yêu và bi kịch cuộc đời.

Tuy nhiên, Vụ án mạng ở nhà khách núi Hakuba vẫn có những hạn chế không nhỏ. Vì quá tập trung vào tình tiết vụ án và mở rộng cốt truyện mà Keigo tiên sinh đã không thể bao quát toàn vẹn hệ thống tình tiết lẫn tuyến nhân vật ông xây dựng. Nhiều điều ông gợi mở còn bỏ ngỏ, nhất là việc một nhóm khách quen, chẳng hẹn mà cứ một năm, lại gặp nhau một lần ở cùng một địa điểm, vào cùng một khoảng thời gian. Chẳng vậy mà, nhiều nhân vật được ông dựng lên, chỉ như cho đủ số lượng người để xếp vào từng phòng khu nhà khách Mẹ Ngỗng. Họ hết sức mờ nhạt cả về cá tính, nội tâm lẫn đời sống cá nhân.

vụ án mạng ở nhà khách núi hakuba higashino keigo

Đọc thêm: Ngôi nhà của người cá say ngủ (Higashino Keigo) – Thương yêu và ích kỷ

Đồng dao Mẹ Ngỗng và nỗi lòng cha mẹ

Như đã nói, tiểu thuyết Vụ án mạng ở nhà khách núi Hakuba mang cấu trúc truyện lồng truyện, hàng loạt các vụ án được lồng ghép với nhau mà khởi nguồn từ cái chết bất thường của anh trai Naoko. Nhưng nối kết các vụ án đó với nhau trong một chỉnh thể tác phẩm thống nhất, lại là một bài đồng dao cứ liên tục trở đi trở lại trên sách như một sợi chỉ đỏ: bài đồng dao Mẹ Ngỗng.

Đồng dao Mẹ Ngỗng, xuất hiện trong tiểu thuyết Vụ án mạng ở nhà khách Hakuba trước hết với tư cách là một tác phẩm cụ thể, mang tính hữu hình. Đó là tập hợp những bài đồng dao cổ của trẻ con nước Anh được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Dù có nhiều dị bản nhưng cũng không thể khỏa lấp được sự huyền bí, yếu tố huyền thoại gắn liền với các tích trong Kinh Thánh lẫn sự đẫm máu của một giai đoạn lịch sử Anh quốc. Và tính hữu hình ở bài đồng dao đó còn thể hiện trong từng tấm thẻ khắc một đoạn văn treo trong mỗi phòng tại nhà khách núi Hakuba. Mà ngay chính tên nhà khách – Mẹ Ngỗng, được đặt theo tên bài đồng dao đấy, vô hình trung đã như biến cả khu nhà khách thành sự hiện diện hữu hình cho đồng dao Mẹ Ngỗng.

Nhưng không chỉ thế, ở cuốn sách của Keigo tiên sinh, đồng dao Mẹ Ngỗng thêm lần nữa còn khoác lên lớp vỏ vô hình, kì ảo về mặt câu chữ khi một mật mã, đã sử dụng chính ngôn ngữ của Mẹ Ngỗng để chuyển tải một thông điệp nhất định. “Cậu ấy nói mấu chốt để giải mã câu thần chú đó là đọc các bài đồng dao đúng trật tự.”

Vì vậy, với đồng dao Mẹ Ngỗng, Higashino Keigo đã hai lần kí hiệu hóa bài đồng dao đó. Bản thân từng đoạn văn đã là một dạng kí hiệu và tổng thể đồng dao Mẹ Ngỗng lại là một kí hiệu: vừa chỉ về câu thần chú lớn vẫn canh cánh trong nhà khách Mẹ Ngỗng suốt 8 năm; vừa chỉ về kho báu mà người ta sẽ nhận được khi giải đáp thành công ám hiệu.

Tuy nhiên, đồng dao Mẹ Ngỗng khi đặt trong tiểu thuyết Vụ án mạng ở nhà khách núi Hakuba không đơn thuần chỉ mang giá trị biểu tượng như thế. Mà sâu hơn, bài đồng dao ấy còn chất chứa nỗi niềm, tình yêu thương cha mẹ gửi tới những đứa con khi biết đôi bên sẽ đôi bờ sinh tử.

Đó là nỗi lòng của người cha, muốn bù đắp cuộc sống cho người con phải chịu kiếp ngoài giá thú. Đó là nỗi lòng của người mẹ, một lòng thương yêu gia đình, vì con và sẵn sàng làm tất cả mọi thứ cho đứa con, kể cả khi đứa trẻ đã không còn trên cõi đời.

Cây cầu đá bị gẫy đôi như một đường kẻ chỉ hay một đường chân trời, phân chia ranh giới giữa lòng cha – lòng mẹ. Nhưng dẫu là lòng cha hay lòng mẹ, đến cuối cùng vẫn là tấm lòng của đấng sinh thành. Và ngay chính tựa đề bài đồng dao “Mẹ Ngỗng” xuyên suốt tác phẩm, chẳng phải cũng như chuyên chở tinh thần đó hay sao?

Tác phẩm của Keigo tiên sinh, ngay từ những sáng tác đầu tay đã luôn như vậy. Không lại ở một vấn đề mà luôn mở rộng tới nhiều vấn đề khác nhau, đi vào tầng sâu nhất của tâm hồn con người. Dẫu người đấy, dáng hình có thể chỉ thấp thoáng ẩn hiện qua lời kể hay kí ức mơ hồ của những cá nhân hiện hữu trên trang sách. Đó cũng chính là cuộc sống được mở rộng tới nhiều chiều kích trong một cuốn truyện, để tác phẩm của Keigo tiên sinh dẫu gần với trinh thám cổ điển,  vẫn mang đậm dấu ấn Higashino Keigo, chở theo hơi thở cuộc đời hiện thực.

vụ án mạng ở nhà khách núi hakuba

Đọc thêm: Trứng chim cúc cu này thuộc về ai – Tài năng này là của chung hay của cá nhân mỗi con người?
[Higashino Keigo] Sự cứu rỗi của thánh nữ – Đừng đùa với tình yêu của phái đẹp

Sự thâm trầm của người phụ nữ

Trong hệ thống nhân vật được Keigo tiên sinh xây dựng từ những ngày đầu ông cầm bút cho tới hiện tại, nổi bật lên vẫn luôn là hình ảnh những người phụ nữ thông minh mà đa đoan, thâm trầm. Họ ý thức mạnh mẽ về cái tôi cá nhân đồng thời thường có chấp niệm mạnh mẽ về hai chữ gia đình cùng bản năng làm mẹ của bản thân. Và điều đó đã sớm thể hiện rõ nét trong tiểu thuyết Vụ án mạng ở nhà khách Hakuba.

Cô gái Naoko, tưởng chừng yếu đuối mà cực kì sắc sảo trong cách nhìn nhận, đánh giá con người. Nụ cười tủm của cô, đầy nữ tính nhưng lại mang nét thâm trầm hiếm có. Người bạn gái Makoto, ngỡ rằng chỉ có sự mạnh mẽ để bảo vệ cô bạn thân song chính Makoto lại thông minh, nhạy bén đủ để nhìn thấy góc khuất trong sự việc người khác không thấy được. Một Kurumi, ngỡ rằng dịu dàng, yếu ớt mà lại lún sâu, thậm chí bị đặt nghi vấn chính cô là kẻ chủ mưu của hai vụ án mạng.

Và đặc biệt, là bóng hình người phụ nữ Anh quốc, chủ nhân đã quá cố của nhà khách Mẹ Ngỗng khi xưa. Cô không trực tiếp xuất hiện, mọi điều về cô chỉ là nghe kể, là ký ức của Bếp Trưởng và Ông Chủ nhưng ảnh hưởng của cô vẫn bao trùm lên cả nhà khách Mẹ Ngỗng. Đến nỗi 8 năm, Ông Chủ vẫn ở nơi nhà khách ấy, mang theo dằn vặt về tội lỗi năm xưa cùng mối thương tâm với người phụ nữ đã ra đi vĩnh viễn. Người phụ nữ đó, đã dùng cả trí tuệ lẫn “tình yêu và sự trừng phạt” lương tâm trói buộc một người đàn ông tại một mảnh đất suốt 8 năm trời.

Bởi thế, thay vì nói “phụ nữ thật đáng sợ”, có thể nói chăng, mỗi người phụ nữ trên trang văn của Keigo tiên sinh nói chung, trên trang viết Vụ án mạng ở nhà khách Hakuba nói riêng đều là những tạo tác đầy cá tính. Không cam chịu số phận, cũng chẳng cam chịu sự sắp đặt của người khác; thông minh và đa đoan với chấp niệm cá nhân tới tận cùng, kể cả khi không còn trên cuộc đời.

Mọt Mọt