“Thầy tướng số” – một thuật ngữ tưởng quen mà lạ, tưởng lạ mà quen… Một cuốn sách vén màn bí mật của các thầy xem tướng… Thoạt nghe, có thể bạn nghĩ đây là một cuốn sách dạy xem bói. Là con người, không nhiều thì ít, có lẽ ai cũng mong muốn biết được chút gì đó về vận mệnh tương lai của mình.Cái sự tò mò, chẳng mấy ai tránh khỏi!
Nhưng không, cuốn sách ấy chẳng bàn luận gì đến những điều chúng ta vừa nghĩ cả. Mà nó lại gợi ra những điều thú vị hơn nhiều. Những điều có lẽ tuy mắt chưa thấy, nhưng tai sẽ được nghe nếu bạn dành ra chút ít thời gian để đọc những dòng sau đây.
bedb8bf3bd4e2ec9560eb6523fff3387.js”>
” Tôi là thầy tướng số” là một bộ tiểu thuyết đồ sộ có tính chất tường thuật của tác giả Dịch Chi, nói về những bí thuật của nghề xem tướng, lịch sử phát triển cũng như nguyên nhân tàn lụi của giáo phái Giang Tướng.
Tác giả Dịch Chi là thành viên Ban thường vụ Hiệp hội Chu dịch Trung Quốc, chuyên nghiên cứu Huyền học và Phật học. ” Tôi là thầy tướng số ” ra đời khi người cậu ruột của ông – một truyền nhân của phái Giang Tướng, trước khi qua đời đã tiết lộ bí mật và đồng ý cho cháu công bố những trang sử thần bí của giáo phái có lịch sử gần 300 năm.
Bối cảnh trọng điểm của bộ truyện là giai đoạn lịch sử từ năm Dân Quốc đầu tiên cho đến những năm 1950 của thế kỉ 20 sau khi đất nước Trung Quốc mới được thành lập. Một thời kì chính trị còn rối ren, chiến tranh liên miên, nội bộ thì đấu đá lẫn nhau, nên những việc như trộm cắp, lừa đảo, buôn lậu… xảy ra thường xuyên âu cũng là dễ hiểu.
Chủ thể được đề cập đến trong bộ truyện chính là phái Giang Tướng, một giáo phái đặc biệt chuyên giở chiêu bài xem tướng số để lừa lấy tiền bạc của cải người khác. Họ tồn tại đến gần 300 năm trong lịch sử Trung Quốc: ra đời và phát triển vào những năm Khang Hy, Ung Chính nhà Thanh, hưng thịnh vào thời mạt Thanh và Dân quốc, bị giải tán sau cuộc kháng chiến và đi đến chỗ diệt vong trong thời kỳ kiến quốc.
Những người trong giáo phái ấy, là những người như thế nào?
Tổ Gia, ” Một người đặc biệt hào hoa, kinh luân một bụng, tướng mạo đường đường, nét mặt hiền hòa. Nếu không hiểu ông, bạn sẽ không bao giờ nghĩ rằng ông là một trùm lừa đảo, một kẻ chuyên đưa hối lộ, một tên giết người không gớm tay… “ . Hay nói chính ra, Tổ Gia là một ông trùm, một thầy tướng số “dỏm”, nhưng trượng nghĩa và đầy bản lĩnh. Bản lĩnh ấy được thể hiện qua những vụ “dàn cục”, đối phó với người ngay kẻ gian. Một người đàn ông lão luyện, luôn để lại đường lui cho mình trong bất cứ việc gì. Ngay cả việc dàn xếp tương lai cho vợ con, cũng lột tả được tầm nhìn xa trông rộng của Tổ Gia.
Nhân vật tôi trong truyện chính tên là Lưu Thiên Lượng, hay còn gọi là Đại đầu, một đệ tử của Tổ Gia. Ông ta có vẻ bề ngoài tròn mập, lại chậm chạp, tính toán không nhanh. Nhưng bù lại là một người lương thiện, tình cảm, tâm địa trong sáng, trung thành. Ông ta được Tổ gia rất yêu mến, cho đi theo nhưng không phải để ” dàn cục” như các anh em khác, mà để “có người tin cậy giúp lo hậu vận sau này! “.
Những cái tên khác cũng sẽ dần dần xuất hiện như Đại bá đầu, Nhị bá đầu, Hoàng Pháp Dung, Giang Phi Yến, Trương Tự Triêm.. Hay là những nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc như Vương Á Tiều, Hoàng Kim Vinh…
Những vụ dàn cục lớn nhỏ, lừa đảo dẫn dắt từ dân thường đến các quan chức trong chính phủ, các đặc vụ Quân Thống đều hứa hẹn mang lại cảm giác hồi hộp gay cấn. Sợ hãi vì “Trát phi”, bất bình về “Lỗ Ban Môn”, ghê người vì “Thuật Quỷ Tương”, hay đôi chút tò mò về “Kỳ môn độn giáp”…
Tuy là một tổ chức lừa đảo chuyên nghiệp, nhưng lại hoạt động với những nguyên tắc tôn trọng luân thường đạo lý. Những giá trị nhân văn đan xen, giúp người đọc hiểu ra rằng: “Vận mệnh nằm trong tay chúng ta. Tướng tay, tướng mặt, bát tự… đều là nói quàng nói xiên”.
Điểm thu hút của Dịch Chi ngoài ngòi bút sắc sảo, lúc phóng túng, lúc dè dặt, lúc lại trầm ngâm khi bàn về những người anh hùng có tài nhưng không gặp thời, thì cách kể chuyện của ông chính là một thỏi nam châm lớn cứ hút người đọc mãi không thôi. Đó chính là “truyện trong truyện”, chuyện này cứ lồng vào chuyện kia mà chẳng hề rối rắm, đưa người ta hết từ nơi phố hội phồn hoa của bến Thượng Hải, đến vùng rừng núi phía Bắc lánh nạn dung thân để chờ thời. Điều đó khiến chúng ta liên tưởng đến ” cục trong cục” như chính những vụ dàn kép của các ông, để cuối cùng vung tay thu gọn một mẻ lưới lớn.
Lại nói đến điều này, “cục trong cục” hay “dàn cục kép” hay “liên hoàn cục” là một thuật ngữ dùng chung trong giới A Bảo. Đó chính là đặt cái bẫy này lồng móc vào cái bẫy kia, thật thật giả giả đan xen lẫn lộn vào nhau. “Tên đầu sỏ” nấp đằng sau âm mưu của mình, quan sát diễn biến, đợi thời cơ chín muồi liền thò đuôi cáo ra quẫy mạnh một cái phá vỡ toàn cục, khiến người cùng dàn cục với hắn chết mà không biết vì sao mình chết. Thật là cao tay!
Nghề A Bảo, đằng sau vẻ đạo mạo, xa hoa, là biết bao tủi hờn, ngậm đắng nuốt cay, đôi khi là cố sống cho xong một kiếp người.
Là A Bảo, người ta gần như không có quyền định đoạt cho tương lai của mình. Là mối tình ngang trái của cô gái tài sắc vẹn toàn Hoa Nguyệt Dung với đặc vụ Quân Thống Từ Hoài Cận. Ngang trái vì sao? Vì cô chính là A Bảo. Cô đang dàn cục, vào vai một kĩ nữ, cô đang phải lừa gạt chính người mình yêu. Nằm trong vòng tay Từ Hoài Cận, hơn bao giờ hết “cô ước mình là một kĩ nữ thực sự”, để được sống hết mình với tình yêu, chứ không phải làm một A Bảo đi lường gạt thế này. Đau xót lắm thay!
Thậm chí là Tổ Gia, thân phận là một Chưởng môn Đường khẩu, nắm trong tay quyền sinh quyền sát, nhưng cũng chẳng được phép quyết định cuộc sống cá nhân của mình. Ông không được phép lấy vợ. Ông phải lén lút đi lại với một người phụ nữ ngoài giới A Bảo để có đứa con nối dõi tông đường, thờ phượng tổ tiên…
Còn rất nhiều những đắng cay mà vài dòng ngắn ngủi đây không thể kể hết. Vì kế mưu sinh mà phải bước chân vào con đường đầy rẫy những hiểm nguy. Một cuộc sống tạm bợ, tuy không phải ăn bữa nay lo bữa mai, vật chất không thiếu thốn, nhưng đời sống tinh thần thật cô quạnh biết bao. Một mái ấm, một gia đình, một người vợ hiền, một người con ngoan quả là xa xỉ…
Những câu chuyện cứ dần dần hiện ra trước mắt người đọc, khiến người ta bị cuốn vào đó, sống cùng nó để cảm được hết những tủi hờn, những nhọc nhằn, những toan tính, những yêu thương một cách đầy chân thực. Thương thay cho những kiếp người!
Cuốn sách đã khắc họa trọn vẹn một xã hội thu nhỏ, một xã hội đến thời tàn lụi, còn vảng vất những hoàng kim của chế độ cũ và đã thấp thoáng những tân tiến của xã hội mới. Một tác phẩm đáng suy ngẫm.
Tại Trung Quốc, hai tập đầu của bộ sách bán được hơn 200.000 bản trong vòng 3 tháng sau khi xuất bản.Tác giả Dịch Chi đang viết tiếp tập ba và bốn cho bộ sách, với mục đích tiếp tục giới thiệu trí tuệ của người xưa được áp dụng trong thuật xem tướng, cũng như giới giang hồ hiểm ác ẩn sau nghề tướng số.
Link mua sách này giảm giá
- au69h3xX” target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”>/au69h3xX
- 13VkPYtY” target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”>/13VkPYtY