Nhà văn trào lộng kiêm đạo diễn phim truyền hình Jean-Louis Fournier sinh năm 1938. Nhưng đến tận tuổi 70, Jean-Louis mới đủ can đảm viết một cuốn sách về hai cậu con trai tật nguyền của mình để dành tặng các con. Tác phẩm mang tên “Ba ơi, mình đi đâu?” với tựa gốc “Où on va, papa?” – cũng là câu nói mà đứa con thứ hai của ông có thể lặp đi lặp lại không bao giờ biết mệt.

Ảnh ml.readbooks Ba ơi mình đi đâu reviewsachonly
Ảnh: ml.readbooks

“Từ lúc bước lên chiếc Camaro, Thomas, 10 tuổi, không ngừng hỏi, như thằng bé vẫn thường làm: “Ba ơi, mình đi đâu?”

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Thoạt tiên, tôi trả lời: “Mình về nhà.”

Một phút sau, cũng với vẻ ngây thơ như vậy, nó lại đặt ra cùng câu hỏi ấy, nó không hiểu gì cả. Đến lần hỏi thứ mười “Ba ơi, mình đi đâu?” thì tôi không trả lời nữa…

Ba cũng chẳng biết rõ chúng ta đi đâu, Thomas tội nghiệp của ba à.

Chúng ta đi loanh quanh. Chúng ta đâm thẳng vào tường.

Một đứa con tật nguyền, rồi hai đứa. Tại sao không là ba…”

Đọc thêm:

Ảnh min.bolejoart Ba ơi mình đi đâu reviewsachonly
Ảnh: min.bolejoart

Con người đôi khi kì lạ, hạnh phúc thì rơi lệ còn khổ đau cùng cực thì lại cười.

“Ba ơi, mình đi đâu?” được viết theo thể loại dark comedy, tức là hài đen – một phong cách hài nhẹ nhàng về chủ đề bị coi là cấm kỵ, nghiêm trọng…

Jean-Louis có hai đứa con trai tật nguyền. Mathieu và Thomas là hai đứa trẻ không bình thường. Chúng khác những đứa trẻ khác, khác những đứa trong cuộc thi “Em bé xinh đẹp”. Dĩ nhiên chúng không xinh đẹp, cũng không thông minh, thậm chí là thiểu năng. Chúng nhỏ bé, yếu ớt, không lớn lên nhiều, mà chỉ già đi, mỗi ngày.

Ấy thế mà trong suốt cuốn sách, giữa những hiện thực đau lòng đến chết lặng đó, Jean-Louis vẫn kể bằng giọng hóm hỉnh, chọc cười, và mỉa mai. Lối viết tự sự, hài hước hàm chứa bên trong sự chua chát. Có lẽ khi chạm đến nỗi khổ đau cùng cực, người ta chẳng thể làm gì hơn là bật cười bất lực. Bất lực vì đau khổ và vì yêu thương.

Ảnh ml.readbooks Ba ơi mình đi đâu reviewsachnet
Ảnh: ml.readbooks

Viết cho những chú chim bé nhỏ của ba!

Cuốn sách là món quà cuối cùng mà Jean-Louis có thể tặng cho Mathieu và Thomas, thay cho những món đồ chơi hình hộp hay những chiếc máy bay nhỏ – dù chúng không thể đọc.

“Để nói với các con rằng ba rất tiếc vì chúng ta đã không thể cùng nhau hạnh phúc, và có lẽ, cũng là để xin các con tha thứ vì ba đã làm hỏng các con…”

Jean-Louis không giấu giếm những phút quẫn trí mình. Cuốn sách có nhiều lời thú tội, có nhiều lời ăn năn, nhiều lời tự trách. Ông từng có ý tưởng nốc rượu rồi phóng xe như điên để mong một tai nạn sẽ ập đến. Ông từng có ý tưởng vứt những đứa con ra ngoài cửa sổ. Ông từng có ý tưởng để lạc con giữa dòng người tấp nập. Ông không phải là một thiên thần. Cũng có lúc ông nổi điên lên.

Song Jean-Louis không gục ngã. Đôi mắt của Mathieu, nụ cười của Thomas, những giọng nói yếu ớt, những bức tranh nguệch ngoạc, cả những nụ hôn của chúng – Mathieu và Thomas sống rất tình cảm… Tất cả níu giữ Jean-Louis ở lại. Ông đã không làm những điều ngu ngốc hay đáng tiếc. Vì ông là một người cha. Và, ông yêu những đứa con của mình, yêu cả những trò ngốc nghếch của con.

Ảnh vucatngoc311 Ba ơi mình đi đâu reviewsachonly
Ảnh: vucatngoc311

Tác phẩm này có đáng bị chỉ trích hay không?

Sau khi “Ba ơi, mình đi đâu?” ra mắt độc giả, đoạt giải Fémina và trở thành tâm điểm của mùa sách văn học Pháp năm 2008, có một luồng dư luận quay sang tấn công người vợ cũ của Jean-Louis Fournier.

Có những tin đồn được truyền đi, rằng mẹ của Mathieu và Thomas gần như mỗi ngày đều không ở nhà và bỏ mặc hai đứa con trai tật nguyền cho người cha của chúng, để Jean-Louis phải chăm sóc chúng một mình trong nhiều năm?

Những thông tin này có được viết trong sách không? Không hề! Đó chỉ là phần “suy rộng ra” của một bộ phận người đọc nào đấy.

Jean-Louis cùng mẹ của Mathieu và Thomas đã ly hôn, có lẽ là sau vài năm khi đứa con thứ ba là Marie đã lớn. Ly hôn là một vấn đề nhạy cảm, và sẽ còn nhạy cảm hơn trong một gia đình có tận hai đứa con tật nguyền. Jean-Louis hiếm khi đề cập đến vợ cũ trong cuốn sách, ông cũng đã né tránh những câu hỏi liên quan đến bà trong suốt quá trình quảng bá cuốn sách của mình. Điều này bảo vệ sự ẩn danh của bà một cách hoàn hảo. Đó sự tôn trọng và bảo vệ của Jean-Louis dành cho người đã từng là một nửa của đời mình, và vợ cũ của ông cũng đã cảm ơn vì điều đó.

Xin đừng “suy rộng ra” đối với một cuốn sách viết về người thật việc thật, vì đôi khi một nhận xét tưởng như vô hại có thể gây ra những tổn thương tinh thần thật sự.

Quay lại quan điểm chính, người gõ những dòng này chỉ muốn nói về việc cuốn sách có đáng bị chỉ trích hay không.

Jean-Louis ngay từ đầu đã viết rằng cuốn sách này tặng cho hai người con trai của ông. Đây là một món quà mang theo tình cha con, bộc lộ những nghĩ suy dằn vặt của một người cha có đến hai đứa con tật nguyền, và rằng dẫu ông không phải thiên thần cũng đã có nhiều lần bực bội, nhưng ông vẫn yêu hai con, yêu rất nhiều.

“Ba ơi, mình đi đâu?” không phải cuốn sách viết cho vợ, cũng hạn chế nhắc về vợ và hoàn toàn không có ý chỉ trích nào đến người vợ cả. Nên nhớ rằng từ khi thành lập năm 1904 cho đến nay, ban giám khảo của giải Fémina đều là nhà văn nữ. Bởi vậy mà một tác phẩm đoạt giải Fémina hoàn toàn không nên bị chỉ trích bởi những lý do cảm tính và phiến diện như vậy.

“Ba ơi, mình đi đâu?” là một cuốn sách mà nên đọc đến trang cuối cùng rồi khe khẽ khép lại, vì một cái gấp sách thô lỗ sợ rằng sẽ động chạm đến những con chữ tí hin mà mang đầy sức nặng đó, đến thứ tình cảm thiêng liêng đó, thứ tình yêu đau thương mà vĩ đại đó!