Bạn nghĩ một kẻ sát nhân sẽ trông thế nào? Patricia Highsmith bảo rằng, đó có thể là bạn. Người lạ trên tàu là tác phẩm sẽ từng bước dẫn dắt bạn tin vào ý tưởng đó đến mức bạn không hay biết mình đã bị thuyết phục từ lúc nào. 

Lôi cuốn đến phút cuối cùng

Câu chuyện bắt đầu khi Guy và Bruno gặp nhau trên một chuyến tàu, hai con người xa lạ, trái ngược về hoàn cảnh, tính cách, lên tàu vì những mục đích khác nhau. Nhưng chỉ qua lần gặp đầu tiên, Bruno đã thấy sợi dây liên kết kỳ lạ nào đó giữa hai người. Bằng sự ngông cuồng, nỗi căm phẫn luôn sẵn trong mình, Bruno đã nảy ra ý tưởng sẽ giết cô vợ mà Guy sắp ly dị, còn Guy sẽ giết người cha lạnh lùng, bạc tình của Bruno.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

reviewsach.net nguoi la tren tau
Ảnh: Instagram @bachvietbooks

Bạn có thể hình dung ra một kẻ vô công rồi nghề, trưởng thành trong một gia đình không hạnh phúc như Bruno sẽ trở thành sát nhân? Và bạn có nghĩ Guy – một kiến trúc sư tài ba, đứng sau nhiều công trình danh tiếng, xuất hiện nhiều lần trên các tạp chí lớn lại đồng ý với ý tưởng điên rồ này và trở thành một kẻ sát nhân? Đó là cách tác giả bóc tách bản chất của con người, những điều chúng ta chưa nghĩ đến, chưa biết đến hoặc đôi khi không dám thừa nhận. Để cuối cùng chúng ta vỡ lẽ ra, rằng chính mình cũng có thể là Guy – một tên sát nhân

Vậy đâu là hình dạng của một kẻ sát nhân?

Không là ai cả và cũng có thể là bất kỳ ai. Kẻ sát nhân của Patricia Highsmith có thể mang dáng dấp của bạn, của tôi, của bất kì ai. Điều đó đã được hàm ý đầy tinh tế qua tên nhân vật chính – Guy (một ai đó).

Bạn biết vì sao không? Vì hai nhân vật trong tác phẩm cũng chính là hai mặt đối lập, thiện và ác. Trớ trêu thay, chúng tồn tại trong cùng một bản thể con người. Guy là đại diện cho cái thiện, tài hoa, giỏi giang, giàu tình yêu thương dành cho gia đình, bạn gái và thậm chí đã xót thương khi vợ cũ bị sát hại dù anh đã quá chán ngán cô. Còn Bruno, lười lao động, bao giờ cũng đầy bi quan và tức giận. Vậy mà Bruno vẫn dành lòng ngưỡng mộ duy nhất cho Guy, yêu thương và quý mến, sẵn sàng giết chết vợ Guy chỉ vì nghĩ như vậy Guy sẽ được giải phóng và hạnh phúc bên bạn gái mới chớ không vì một mục đích cá nhân nào. Còn Guy dù ban đầu khinh ghét Bruno, làm mọi thứ để chối bỏ đã từng gặp, đã từng quen nhưng dần dà những lá thư của Bruno đã thuyết phục Guy đồng ý với ý tưởng giết người điên rồ kia. Trong cái ác lại có cái thiện, sau cái thiện lại lấp ló cái ác. Một sợi dây ràng buộc vô hình. Người lạ nhưng không hề lạ mà chỉ là chính chúng ta lâu nay chưa bắt gặp được mình. 

Trong chúng ta luôn có thiện và ác tồn tại song song. Chúng ta chưa thấy mình ác vì chưa đúng điều kiện, hoàn cảnh và chưa đúng thời điểm. Tác giả đã lột tả rất chi tiết quá trình đấu tranh để chống chọi với cái ác đang ngày một lớn dần trong Guy, nhìn lương tâm anh  giằng xé. Khi tội ác diễn ra, bên cạnh xây dựng cốt truyện điều tra ly kỳ với sự tham gia của nhân vật thám tử thì tác giả còn cho Guy một bản án khác, bản án của lương tâm. Và đó cũng mới chính là bản án lớn nhất, nặng nề nhất mà một con người phải gánh chịu. 

Chúng ta sống trong một xã hội tự hào là văn minh phát triển. Tác giả sống trước chúng ta một thế kỷ lại có một quan điểm rất khác, vượt thời đại và hàm chứa những triết lý nhân sinh rất riêng, đáng để suy ngẫm thật nhiều. Với tác giả, luật pháp là đại diện cho ý chí của số đông, giết người thì phải đền tội, nhưng khi kết án tử hình một sát nhân, về bản chất đó cũng lại là một hành động giết người khác nữa. Chúng ta lại tự trao cho mình cái quyền xử tử người khác, thật lưỡng nan. 

review sach nguoi la tren tau reviewsach.net
Instagram @sorento.nguyen

Con người là hiện thân cho điều gì?

Cho tình yêu, cho lòng vị tha, cho trí tuệ, cho rất nhiều điều khác nữa bao gồm cả tội ác. Chúng ta sẽ chẳng tồn tại mà thiếu đi bất kể phần nào dù tốt hay xấu, chúng đã được sinh ra theo ngay ngày chúng ta chào đời, rồi dần theo hoàn cảnh mà bộc lộ, thể hiện. Tác giả chọn cho Guy cái kết là tự mình thú nhận tội ác với bạn trai của vợ. Sau đó, tự nguyện để thám tử bắt đi mà không hề nhắc đến Guy sẽ bị tử hình hay không. Có lẽ là có, với pháp luật đương thời, nhưng cũng có lẽ là không. Đơn giản vì mục đích của tác giả không phải là cái chết, mà là sống như thế nào. 

Người lạ trên tàu được chuyển thể thành phim vào năm 1951 và tạo được tiếng vang lớn. Đây là một trong những tiểu thuyết trinh thám lôi cuốn, hàm ẩn nhiều tư tưởng vượt thời đại đúng chất của nữ tác gia Patricia Highsmith, như cái cách bà cho Carol và Therese bên nhau giữa thập niên 1950 trong Carol, hay như cách bà cho Tom Ripley sống cuộc đời lớn của người khác còn hơn sống cuộc đời của mình mà tầm thường trong Quý ngài tài năng. Bạn sẽ luôn thấy mình lạc hậu khi đọc tác phẩm của Highsmith, và vì thế mà thế giới quan của bạn sẽ dần được rộng mở khi hòa mình vào thế giới tiểu thuyết của bà.

Link mua sách: