Ngày xưa có một chuyện tình là câu chuyện từ thuở thiếu niên tới lúc thành lập gia đình của 3 con người trẻ tuổi, và giữa họ có một thứ gọi là tình tay ba.

Hiếm có nhà văn nào viết truyện cho thiếu nhi mà vẫn được người lớn phải gật gù tấm tắc như Nguyễn Nhật Ánh. Với những độc giả không đủ kiên nhẫn, khi đọc những chương đầu tiên của cuốn sách này có thể đã vứt bỏ giữa chừng kèm theo một câu cảm thán: chuyện con nít ba xu. Thế nhưng với những ai đã thực sự phiêu lưu cùng ngòi bút của tác giả đến những chương sách cuối cùng mới thực sự trải nghiệm được thông điệp rõ ràng của ông: câu chuyện này vốn dĩ chưa bao giờ được viết dành cho trẻ con cả.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Xem thêm:

Chuyện tình tay ba, một đề tài không mới

Nhưng trong ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánh, hiện lên những nhân vật rất thật và mang màu sắc cao nhất của hiện thực. Thẳng thắn, hồn nhiên ở tuổi mới lớn. Những trải lòng khi người ta đã trưởng thành. Và đứng trước ngã ba của sự lựa chọn, quyết định của mỗi nhân vật khiến người ta vừa cảm động vừa thấy mỉa mai cho số phận của ba con người.

Vinh, Miền và Phúc, ba nhân vật thay nhau kể cho ta nghe về một câu chuyện tình, có thể nói là rất đẹp giữa họ. Vinh mến người con gái tên Miền, nhưng cô gái tuổi ngây thơ ấy lại bị mê hoặc bởi Phúc, anh bạn thân của cậu ấy. Đến khi cậu chàng tên Phúc biết được, cậu ấy lại ngẩn ngơ tương tư và câu chuyện bắt đầu đơn giản là thế

“Mày đánh tao đi” Phúc lôi Vinh ra

“Vì sao”

“Vì tao biết người mà Miền thích rồi”

“Không phải là tao, đúng không”

….

“Là mày?”

….

“Mày không có lỗi gì hết. Lỗi tại tình yêu.”

Câu chuyện tình yêu của Miền và Phúc bắt đầu như thế, hiển nhiên ta có thể hình dung ra việc Vinh ở giữa không hề dễ dàng gì. Nhưng cuộc đời luôn có cái giá của nó. Vinh không nhận được tình cảm của Miền thuở ban đầu, và Phúc thì không thể ở bên Miền nửa về sau. Âu cũng là số phận trêu ngươi.

Mô típ yêu người mình yêu và lấy người yêu mình, sự lựa chọn quen thuộc của các cô gái. Nhưng với 3 nhân vật này, có thể nói là hoàn cảnh không thể tội nghiệp hơn giữa họ.

Một tình yêu ngang trái

Suýt nữa tác phẩm này đã được nhà xuất bản gắn mác 18+ khi ở giữa câu chuyện có một tình tiết gọi là “ăn cơm trước kẻng”. Đó là sự việc xảy ra trước khi Phúc biến mất. Để tạo sự tò mò và cũng để cuốn hút hơn, giai đoạn nhân vật này ra đi, tác giả chỉ tập trung để cho Vinh và Miền thay nhau kể câu chuyện giữa họ.

So với bao nhiêu chàng trai tốt bụng và lịch thiệp khác vốn không được cô gái nhân vật chính yêu thương như trong những cuốn truyện ngôn tình quen thuộc, Vinh may mắn hơn khi cuối cùng cũng cưới được Miền. Thế nhưng tình yêu ấy đến khi có hôn nhân chỉ là tình cảm một phía. Anh đóng vai nhân vật Hộ trong Tác phẩm Đời Thừa của nhà văn Nam Cao, thu nhận mẹ con Miền về và làm đám cưới, một là vì tình yêu trong anh với Miền chưa bao giờ ngừng cạn, một là bởi vì tình thương. Có lẽ là tình thương sẽ lớn hơn. Không nhiều người con trai có thể làm được điều đó nếu ở trong hoàn cảnh của Vinh.

ngày xưa có một chuyện tình

Tình yêu của Vinh cao thượng là thế. Nhưng Miền đối xử với anh ra sao? Với những người có hàm ý trách móc ắt hẳn sẽ phải nghĩ lại sau khi đọc được những tâm sự từ cô vợ Miền.

“Tôi biết Vinh thích tôi”

Ngay từ thuở mới yêu, Miền với bản năng của phụ nữ đã ngay lập tức biết được chàng trai kia thích mình. Nhưng trái tim cô vẫn chỉ dành riêng cho Phúc chứ Vinh chỉ là một anh bạn tốt mà thôi. Đúng như những gì mà đàn ông thường bảo với nhau “no love for good men” là hoàn toàn chính xác. Vinh là người tốt, nhưng Miền lại đơn giản là không yêu được, thế thôi.

Nhưng số phận trêu ngươi cô, người mà cô yêu nhất biệt tăm không một chút tin tức, trước khi đi còn để lại cho cô một đứa con mà chính anh còn không biết. Nhiều năm trời đằng đẵng, cô không dám nhận đứa trẻ là con, chỉ đến khi Vinh trở về bên cạnh cô và chuẩn bị tỏ tình, Miền mới dám thú nhận đứa trẻ bấy lâu nay mọi người vẫn lầm tưởng là cháu Miền, thực ra nó chính là con trai của cô và Phúc.

Khao khát được làm mẹ trong Miền trỗi dậy. Và Vinh cầu hôn cô, đối với Miền mà nói nó giống như một sự cứu rỗi. Anh giống như thiên thần, ông Bụt trong cổ tích, đứng ra cưu mang mẹ con cô. Nếu nói đúng ra, Miền không nên đến với Vinh khi mà trong lòng cô vẫn chỉ có một tình yêu thời tuổi trẻ. Nhưng vì đứa trẻ, vì cả chính cô nữa, Miền vẫn trở thành vợ của Vinh.

Câu chuyện tình của những tâm hồn cao cả

Câu chuyện lẽ ra có thể kết thúc lãng xẹt kiểu đó. Vinh cưới Miền và thế là hết. Nhưng cái hay của nhà văn là đã để Phúc trở về. Mọi hiểu lầm được dỡ bỏ. Lý do Phúc biến mất. Tại sao anh lại biền biệt nhiều năm đến thế. Và bây giờ là lựa chọn?

Miền: tôi phải làm sao, chẳng nhẽ lại bỏ đi theo tiếng gọi của tình yêu. Còn Vinh, anh sẽ thế nào?

Vinh: vốn dĩ cô ấy đã không yêu mình, có lẽ mình nên lặng lẽ tỏ ra không biết gì, rời đi thôi.

Phúc: mình làm vậy có tàn nhẫn quá không. Rồi thằng bé khi lớn nó sẽ nghĩ gì?

Và phải thừa nhận một điều là Nguyễn Nhật Ánh đã miêu tả rất tài tình nội tâm của từng nhân vật. Cái kết thúc có hậu của câu chuyện phản ánh đúng một hiện thực về nghĩa vợ chồng, về tinh thần trách nhiệm trong tình yêu, để rồi khi gập cuốn sách lại, ngay cả những tâm hồn mơ mộng nhất cũng phải lặng mình để suy nghĩ, suy nghĩ như một người trưởng thành đích thực.

Vốn dĩ câu chuyện sẽ rất nhẹ nhàng, như một tản văn của người Nhật, nhưng với tác giả tài hoa này, câu chuyện đã trở nên kịch tính và lôi cuốn hơn rất nhiều. Một cuốn sách rất đáng đọc với những người đã, đang và sẽ sống trong hạnh phúc với tình yêu của đời mình.

Sách cùng tác giả Nguyễn Nhật ÁnhChuyện Cổ Tích Dành Cho Người Lớn – Câu Chuyện Không Có Vai Chính Diện