Murakami vẫn luôn biết cách để chạm tới những thẳm sâu nhất trong tâm hồn người đọc như thế.
Nhiều người nói: so với Rừng Nauy hay Kafka bên bờ biển, 1Q84 tương đối dễ đọc nhất là với những ai mới đọc Murakami lần đầu. Tác phẩm đưa người đọc trôi bồng bềnh giữa đôi bờ hư và thực, trong giai điệu của bản Sinfonietta kịch tính và dưới ánh sáng ma mị của những 2 mặt trăng. Gấp sách lại, trong lòng buông một tiếng thở dài trống rỗng êm nhẹ lại vừa không mấy dễ chịu, chẳng rõ là vui hay buồn, lạc quan hay u sầu, chỉ biết nó vừa thực lại vừa huyễn, dai dẳng và ám ảnh không dễ gì quên được.
Biên niên ký chim vặn dây cót – Thế giới thực & ảo
Cuộc săn cừu hoang – giấc mơ ngẩn ngơ và hoang đường
Lạc sang thế giới khác
Tác phẩm mở đầu bằng chuyến taxi của nữ chính 30 tuổi có cái họ kỳ lạ Aomame (nghĩa là Đậu Xanh – một họ hiếm gặp ở Nhật). Cô là một huấn luyện viên thể thao ưu tú kiêm sát thủ “bán thời gian” có cách giết người độc nhất vô nhị. Aomame nhận lời bà chủ đi xử lý những gã đàn ông chẳng ra gì trên đời này: những kẻ bạo hành vợ, những tên kẻ bệnh hoạn ấu dâm trẻ em… Trên chuyến taxi khi đang đi tiễn một kẻ như vậy sang thế giới khác, Aomame gặp một người tài xế kỳ lạ. Giữa đường cao tốc thủ đô tắc như nêm, ông ta bật bản Sinfonietta của Leoš Janáček và tình cờ nói cho Aomame biết một lối cầu thang thoát hiểm bí mật ngay gần đó mà cô có thể đi tắt. Theo lối đi xuống hành lang đầy gió ấy, Aomame đã từng bước vô tình đi vào thế giới của năm 1Q84 – một thế giới song song với năm 1984 thực tại. Ở đó, mặt trăng bị nhân làm 2, con người thì sinh ra mẫu thể và tử thể của mình. Aomame đã trôi dạt trong thế giới đó, đối mặt với cái chết của chính mình trong đó, gặp gỡ những kẻ kỳ quặc trong đó, và rồi tìm được cả tình yêu trong đó…
Có những thứ nhìn rõ hơn trong bóng tối
Trong thế giới vẫn là thực ảo lẫn lộn của 1Q84, tác giả đã đề cập gần như đầy đủ mọi mặt của một xã hội hiện đại với những mối băn khoăn hiện đại: chính trị, gia đình, tôn giáo; tình yêu, tình dục, bạo hành, ấu dâm, đồng tính. Người đọc thấy những cái chết được người ta chờ đợi, thấy tình yêu không chất chứa ghen tuông hay cố chấp mù quáng, thấy chân tướng những dục vọng ăn mục ruỗng từ tận bên trong tâm hồn nhưng không thấy kinh tởm, ngược lại, là đối mặt nhẹ nhàng. Trong thế giới mờ ảo của mặt trăng màu xanh, ta nhìn rõ những cái kỳ quặc cô đơn của con người hiện đại và tự dưng học được cách chấp nhận những thứ trong bóng tối của con người, những thứ chỉ có thể nói ra nhờ con chữ.
Một tác phẩm đậm dấu ấn Murakami
Với những ai đã là fan của Murakami, 1Q84 chắc chắn không làm họ thất vọng bởi nó mang đậm màu sắc của ông: từ giọng văn đến những thủ pháp ông sử dụng. Đó là cách mô tả đầy tinh tế những chi tiết nhỏ của cảnh vật như đám mây, rèm cửa, tiếng điện thoại đổ chuông…. Đó là cách ông nói về những gợn sóng li ti trong tâm trí và ý nghĩ của từng nhân vật; những mối quan tâm độc đáo nho nhỏ về kiến thức xã hội làm ta bất ngờ vì thú vị; hay những chân lý giản dị đột nhiên được những nhân vật của ông thốt ra. Giả như trong 1Q84, bạn sẽ thấy có cả thánh Matthew, Anh em nhà Karamazov, Tchekhov, Sakhalin, Sonny và Cher, hay Harold Arlen, chuyện người Gylak, cả dòng chữ khắc trên phiến đá ở biệt thự bên bờ Zurich của Carl Jung Bạn sẽ bắt gặp những cái ẩn dụ nhỏ mà đầy sâu sắc như “anh cả”, thành phố mèo, Lưỡi dao cạo occam “ người tí hon”, “nhộng không khí”… đến những cái ẩn dụ lớn lớn như giáo phái Akebono, công xã Sakikage, lãnh tụ…
Nhiều người giải thích những ẩn dụ đó ám chỉ giáo phái Aum – giáo phái đã gây nên vụ đầu độc kinh hoàng trong hệ thống xe điện ngầm ở Tokyo năm 1995 khiến 12 người thiệt mạng và hàng trăm người chịu những di chứng nặng nề về thể chất và tinh thần. Haruki Murakami cho biết ông muốn cảnh báo mọi người về nguy cơ của chủ nghĩa chính thống và khuynh hướng xuất hiện các giáo phái trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu của thế giới hiện đại.
Tất nhiên ngoài điều chính yếu đó, để có được những cái ẩn dụ, những hình ảnh lý thú đến thế, chỉ có thể là Murakami và cái tài tình trong bút pháp của ông. Thế nhưng khi được hỏi đến, ông lại nói, Tôi mở cửa, bước vào nơi đó và quan sát những gì xảy ra ở đó. Nhưng trong khi quan sát chúng, với mắt mình, tôi thấy chúng tự nhiên. Và nếu có gì u tối ở đó, rằng sự u tối đến với tôi, và có thể nó muốn nhắn gửi gì đó, cô biết chứ? Tôi đang cố gắng nắm bắt lấy tin nhắn đó. Thế nên tôi nhìn quanh thế giới đó và mô tả những gì mình thấy, và rồi tôi quay trở về. Quay trở về là việc quan trọng. Nếu không thể quay lại thì thật đáng sợ. Trong chuyến đi ấy, nhân vật của ông đôi khi phải đối mặt với cả cái chết, nhưng chuyện chết chóc ấy trở nên nhẹ nhàng, người ta nhìn nó theo cách khác bớt nặng nề, và thứ họ mang trở về là điều quý giá để họ trân trọng hơn thế giới thực tại hơn.
Đọc văn chương Murakami, lắng nghe khoảng trầm để ta chậm lại
Có người khuyên đọc Murakami, đừng cố tìm hiểu những ẩn tình ông giấu trong lớp lang con chữ. Bởi lẽ, nếu ta cứ càng khám phá văn chương của ông, càng đi tìm lại càng thấy sự sâu sa và đa tầng của thế giới ẩn giấu trong đó, như một cái giếng bất tận, mãi không thấy đáy. Có lẽ Murakami cũng không nghĩ quá nhiều như vậy trước khi viết, ông chỉ đơn giản chỉ cho người đọc lối vào thế giới bí mật trong mỗi câu chuyện của ông, như đường ống cống dẫn vào Wonderland, để rồi họ tự trải nghiệm, tự mình cùng nhân vật vào ra trong thế giới ấy, đi xuyên suốt tác phẩm và cuối cùng thì ngẫm nghĩ băn khoăn về cuộc đời thực của mình.
Trong 1Q84 có một đoạn trích thế này. Khi Tengo ở bệnh viện và được khuyên nên nói chuyện với người cha đang hôn mê của mình trong trại dưỡng lão ở Chiruka, Tengo hỏi: “Liệu ông ấy có nghe thấy tôi không?”. Cô y tá đáp: “Hồi tôi đi học, người ta giảng một điều quan trọng: những lời tươi đẹp làm màng nhĩ rung lên những cộng hưởng tốt, bởi những lời ấy có âm hưởng tích cực. Kể cả khi người bệnh không hiểu ta đang nói gì với họ thì tai của họ cũng tiếp nhận những xung lực sống động này. Vì vậy chúng tôi được dạy cần nói to, bằng ngữ điệu vui vẻ với người bệnh, bất kể họ có hiểu hay không. Ngữ điệu quan trọng hơn ý nghĩa, nó hữu ích hơn”.
Vậy đó, nhặt nhạnh những điều hữu ích nhỏ bé như vậy từ văn chương của Murakami, tự dưng khiến ta nghĩ nhiều hơn về cuộc sống của chính mình. Thứ cảm giác không mấy dễ chịu mà nó tạo ra lại chính là khoảng lặng để ta bớt vội vàng.
Hiệu ứng đáng kinh ngạc không thể bỏ qua
Đến nay đã là 10 năm kể từ khi sách phát hành tại Nhật từ 2009-2010. Ngay khi ra mắt đã gây ra một hiệu ứng kinh ngạc, mỗi tập bán trên 1 triệu bản, tập 1 tái bản tới 18 lần khi tập 3 còn đang viết. Tại Việt Nam, mãi tới 2012, 2 tập đầu bộ sách mới được dịch giả Lục Hương chuyển ngữ từ bản tiếng Trung, đối chiếu tiếng Nhật và ra mắt. Tập 3 được giới thiệu vào năm tiếp theo (2013). Cùng với Rừng Nauy, Kafka bên bờ biển hay Biên niên ký chim vặn dây cót, đây vẫn là một bộ sách ăn khách hàng đầu mà nhắc đến tên tuổi Murakami, không thể nào không nhắc đến.
Khi viết 1Q84, Murakami chia sẻ: ông chỉ bắt đầu từ cái tên, và cảnh đầu tiên, cảnh Aomame xuất hiện ấy, rồi mọi thứ cứ thế diễn tiến như vậy, nhân vật của ông tự kể chuyện, tự sống vậy. Ngay chữ Q trong tiêu đề tác phẩm, có nhiều cách lý giải. Đầu tiên đó là hiện tượng đồng âm của chữ Q và số 9 trong tiếng Nhật (kyu), lý do khác là cảm hứng từ tác phẩm 1984 (phản địa đàng) của Gorge Orwell. Nhưng có lẽ hợp lý hơn cả là cách giải thích của Aomamae trong tác phẩm khi cô tự nghĩ ra cái tên gọi này lúc đi xuống cầu thang thoát hiểm để bước vào năm 1Q84 thay vì 1984 – chữ Q trong Question Mask. Đó là dấu hỏi chấm mà chính Aomame tự đặt để gọi tên thế giới đầy những điều kỳ quặc cô thấy thế giới này.
Những tác phẩm của những đại tác gia lớn luôn không chỉ mang trong mình thông điệp của thời điểm nó ra đời, mà còn cả những giá trị thời đại, những cái đẹp nhân văn mà con người thời nào cũng muốn hướng đến. Và giữa dòng phù hoa đầy “mộng” của những tác phẩm đọc thời đại này, cái thực trong thế giới ảo của Murakami là một nơi đáng giá để người ta bước vào mà suy nghiệm.