Bốn Mươi Năm “Nói Láo” không chỉ đơn thuần là cuốn hồi ký đủ đầy bốn mươi năm làm báo của tác giả, ghi lại sự trưởng thành của một nhà báo “kiệt hiệt” (chữ của Tô Hoài khi nói về Vũ Bằng), mà còn tái hiện lịch sử làng báo Việt dưới một giai đoạn đầy biến động của đất nước.

Là một cây bút có tên tuổi trên văn đàn dân tộc, tuy nhiên tác phẩm của Vũ Bằng lại gặp khá nhiều trắc trở để đến với bạn đọc. Vì trong một thời gian dài, Vũ Bằng và gia đình ông âm thầm chịu tiếng là nhà văn “dinh tê, về thành”, nhà văn “quay lưng lại với kháng chiến” – Có lẽ vì thế mà trong sách giáo khoa bậc phổ thông cũng như đại học, người ta không giảng dạy về Vũ Bằng.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Dẫu rằng những năm 1932 – 1945, Vũ Bằng đã nâng đỡ, hướng nghiệp, dìu dắt rất nhiều nhà văn trẻ, sau này trở thành những nhà văn tên tuổi lẫy lừng; và những người am hiểu Vũ Bằng từ khi ông vào Nam đều khẳng định: Vũ Bằng là một con người chân chính, một nhà văn yêu nước, có tấm lòng son sắt với Hà Nội.

Từ lúc lâm bệnh cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, gia cảnh ông vô cùng túng thiếu. Vũ Bằng mất năm 1984, nhưng đến tận tháng 3 năm 2000, Bộ Quốc Phòng Việt Nam mới có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo, lúc bấy giờ các tác phẩm của ông mới dần dần được công bố rộng rãi. Hy vọng rằng ở nơi chín suối, hương hồn nhà văn Vũ Bằng sẽ thanh thản sau những năm dài buồn tủi… – Theo lời nhà văn Vũ Xuân Triệu.

Cách nói phản đề, ngôn từ mộc mạc cùng lối viết trào lộng

Có thể nói rằng chỉ bằng cái tên – Bốn Mươi Năm “Nói Láo” đã đánh vào ấn tượng người đọc, gây hứng thú mạnh và kích thích sự tò mò.

Chẳng rõ tự bao giờ, trong dân gian người ta gọi nghề báo là nghề nói láo ăn tiền, nhưng chắc rằng câu truyền miệng châm chọc ấy có tuổi đời cũng xấp xỉ bằng tuổi nghề báo nước ta. Vậy đây là đúc kết kinh nghiệm của dân gian, hay là lời đơm đặt sai lệch về nghề báo? Vũ Bằng – với vị thế là một bóng râm đại thụ trong làng báo Việt, cùng cuốn hồi ký Bốn Mươi Năm “Nói Láo” sẽ đưa ra câu trả lời thỏa lòng độc giả. 

Ngay từ trang viết đầu tiên của cuốn sách, tác giả đã giải thích: “Bấy giờ, người ta gọi nghề làm báo là nghề nói láo ăn tiền. Kẻ viết bài này ngã vào nghề đó đã lâu, hôm nay, ngồi giở lại cuốn sổ ký ức của mình, xin nhận ngay mình làm nghề nói láo. Vì thế tác giả lấy đầu đề tập ký ức là “Bốn mươi năm nói láo” chớ không dám đề là “Bốn mươi năm làm báo.”

Với người trong ngành, Vũ Bằng cho rằng anh em đồng nghiệp khi nghe câu nói châm biếm kia, ngoài mặt thì có vẻ bất cần, nhưng thâm tâm thì hơi giận. Tại sao làm cái nghề cao quý như nghề báo, lãnh một sứ mạng nghiêm trọng là hướng dẫn dư luận, phụng sự một quyền lực lớn mạnh vào bậc thứ tư trên Trái Đất này, mà có người dám bảo là nghề nói láo?

Còn với riêng Vũ Bằng, ông không lấy đó làm tủi hổ, mà lấy đó làm tự hào, bởi nghề nghiệp nào thì cũng có vinh và có nhục. Ông không coi nhẹ nghề, cũng chẳng cho nó cái quyền năng gì quá lớn lao. Nhìn lại ngang dọc bốn mươi năm lăn lộn với nghề báo đã chứng minh ông yêu nghề biết bao. Vũ Bằng viết: “Nói láo là một vinh dự, làm nghề nói láo là làm một nghề đặc biệt ít ai dám đem ra khoe khoang”. Cuộc đời thường thì tốt khoe xấu che, nhưng những ai dám vượt qua cái thường nghiệm dân gian ấy, dùng thực lực để nói chuyện, mới là người có vị thế thực sự.

Không chỉ gây ấn tượng ở tiêu đề, mà cách đặt tên từng đề mục cũng thú vị không kém. Tác phẩm gồm 5 phần theo thứ tự là Báo Tếu, Báo Đấu Tranh, Báo Xây Dựng, Báo Hại, Báo Là Gì. Trong phần thứ 2 có một chương được tác giả đặt tên “Tôi, thằng vô lại” – ngông nghênh và tự trào như vậy.

Bốn Mươi Năm “Nói Láo” là một cuốn hồi ký dài hơi, kết hợp nhuần nhuyễn giữa ký báo chí và ký văn học, tạo nên phong cách và hơi thở riêng. Vũ Bằng sử dụng ngôn ngữ hóm hỉnh, bình dị, dân dã lại mang hiệu quả nghệ thuật cao, văn phong vừa ngông, vừa có chút gì đó chua xót, đầy những trăn trở cùng chiêm nghiệm về sự nghiệp, cuộc đời và đất nước. 

Quá trình trưởng thành của một nhà báo kiệt hiệt

Vũ Bằng sinh năm 1913 và in cuốn sách Bốn Mươi Năm “Nói Láo” vào năm 1969, có thể thấy rằng ông viết văn rất sớm. Vũ Bằng bắt đầu sự nghiệp cầm bút với tất cả niềm say mê chứ không phải vì mưu sinh, mặc dầu gia đình muốn cậu con trai sang Pháp học nghề thuốc.

Thuở nhỏ, Vũ Bằng ngày ngày trông coi hiệu sách cho gia đình, mơ tưởng đến những bài viết đăng trên báo. Hôm tờ Đông Tây (một tờ báo lớn thời bấy giờ) đăng truyện Con Ngựa Già – tác phẩm đầu tiên được lên báo của tác giả – khi ấy chỉ là một cậu chàng choai choai mới lớn, đã xúc động sung sướng như muốn bay. Thế mà lúc bạn bè thân quyến hỏi thăm chúc mừng, cậu chàng lại phớt tỉnh, tỏ cái ý đó là chuyện rất thường, hà cớ chi phải làm ồn như vậy. Với cái vẻ mặt giả tạo đó, cậu trai trẻ Vũ Bằng có ý muốn nói lên một cách thầm kín cho thiên hạ biết rằng: “Đấy mới chỉ là một chưởng xoàng, tôi còn trăm ngàn chưởng khác ác lắm, rồi sẽ giở ra dần dần, tôi là thiên tài mà!”.

Rồi cậu chàng nảy ra một sáng kiến: Tôi là nhà báo thực thụ. Để chứng minh bản thân là một “nhà báo thực thụ” – cậu quyết định bắt chước tác phong của những con người nổi tiếng – cả về khoản nghề báo lẫn ăn chơi – lúc đó là Hoàng Tích Chu, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính… Cậu bắt đầu hút phiện, uống rượu, chơi đĩ. Sau khi dấn thân vào nghề cầm bút, không chửi Tây được vì sợ Tây bắt ra Côn Đảo, cậu trai Vũ Bằng lúc ấy lại tự buộc lên cổ một căn bệnh – bệnh chán đời – làm ra vẻ chán chường thế sự, tìm mọi cách để tự hủy mình đi.

Không lâu sau, không được vào giúp việc ở tờ Đông Tây, Vũ Bằng nhận lời mời làm tờ Rạng Đông, đánh dấu cột mốc trở thành nhà báo “chánh thức bà lang trọc” – tức là làm báo có tiền. 

Từ thư ký tòa soạn tờ Rạng Đông, sang làm bỉnh bút tờ Nhựt Tân, rồi Trung Bắc, đến Trung Bắc Tân Văn… “Con dê cỏn buồn sừng” Vũ Bằng hãy còn chưa biết sợ là gì, vẫn yên trí là làm báo muốn nói bậy thế nào thì nói, không ai cấm! Cho đến khi suýt bị ăn đòn bởi đoàn cua rơ xe đạp Nam Kỳ, vì cái tội làm phóng sự đua xe đạp vòng quanh Đông Dương lại ngang nhiên thiên vị các cua rơ Bắc và đả kích một cách thiếu lễ độ một số cua rơ người miền Nam. Sau vụ đấy, Vũ Bằng tỉnh người. Thế nhưng thói đời miệng khôn trôn dại, tâm tưởng Vũ Bằng vẫn chưa có bước tiến gì lớn.

Vũ Bằng giãi bày trong cuốn hồi ký: “Bây giờ, ngồi nghĩ lại thuở ban đầu lưu luyến ấy, tôi cảm thấy nhục nhã, ê chề vô cùng nhưng biết làm sao được? Đợt sống mới mà! Bao giờ sống trong đợt sống mới lại không có những con dê cỏn buồn sừng, những con ngựa mới được ra quần trên cỏ, tưởng đâu trên thì trời, dưới thì đất, thà giữa chỉ có một mình mình – thiên hạ độc tôn…”.

Sau một năm hai tháng học vỡ lòng nghề báo, cái hay được nhiều mà tật xấu cũng không ít. Vũ Bằng học ở Dương Mầu Ngọc (tức Ngọc Thỏ) thói hư khó bỏ là hút thuốc phiện thật hỗn, hút không phân biệt ngày đêm. Rồi trong những mê man không tỉnh, lơ mơ nghĩ ngợi nhớ về lời tâm sự của bậc đàn anh Nguyễn Văn Vĩnh, Vũ Bằng chợt nhận ra làm báo vốn dĩ không phải là chửi bậy, không phải là viết một vài bài lấy le.

“Làm báo là làm một cái gì lớn lao, nói lên được phẩm chất văn minh, hoặc ưu biệt, hoặc thoái hóa của một chế độ và hơn thế nữa, mổ xẻ tình tiết, tâm tư của con người, đi sâu vào từng khía cạnh trớ trêu, uẩn khúc và giả tạo của một chế độ để chống lại chế độ ấy, nếu cần, hầu cho xã hội vươn lên và cho giống nòi tồn tại và tiến bộ.”

Đấy là lần đầu tiên Vũ Bằng thấy hoang mang từ khi vào nghề, cảm thấy bản thân yếu ớt vô vàn trước nhiệm vụ lớn lao của báo chí.

Một bước trưởng thành trong tâm tưởng cũng là một bước tiến dài trong sự nghiệp.

Vũ Bằng cai á phiện (năm 1944 ông có in tự truyện “Cai” để nói về quá trình này), xin thôi việc thường trực ở Trung Bắc Tân Văn, quyết định khăn gói lên đường để học hỏi thêm. Trải qua ba năm ngang dọc từ Trung vào Nam, thất vọng có, quyết tâm bỏ nghề có, rồi quay lại với nghề… Vũ Bằng học được nhiều, có dịp tiếp xúc nhiều với các tờ báo có hạng ở Sài Gòn.

Năm 1948, ông trở về miền Bắc với một tâm thế, một tinh thần và sức khỏe tinh mới, bí mật tham gia hoạt động trong mạng lưới tình báo cách mạng. 

Trước hết là tờ Công Dân – đánh dấu sự lột xác của tác giả – bắt đầu “đá Pháp”. Tờ Công Dân có lập trường rõ rệt, là đả kích quan trường và chống đối chính phủ bảo hộ. Tiếp sau đó là hàng loạt tờ báo nói lên tiếng nói của dân, bênh vực quyền lợi của dân, mà trong đó nhà văn Vũ Bằng đóng vai trò là thư ký tòa soạn hoặc bỉnh bút.

Năm 1954, sau hiệp định Genève ký kết, Vũ Bằng được sự phân công của tổ chức vào Hải Phòng rồi vào Sài Gòn. Ông tiếp tục làm cho các tờ Lửa Sống, Dân Chúng, Hòa Bình, Đồng Nai, Saigon Mai, Tiếng Dân, Thế Giới, Công Chúng... Vũ Bằng hoạt động hăng say, sống một đời tận hiến cho sự nghiệp, cho đất nước. Vì nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đứt đoạn đường dây liên lạc, mà mãi đến sau khi mất mấy chục năm, ông mới được công nhận là người hoạt động cách mạng và được truy tặng huân chương nhà nước.

Bốn Mươi Năm “Nói Láo” của Vũ Bằng ghi lại sự trưởng thành của một nhà báo kiệt hiệt – từ con ngựa non háu đá trở thành cây cao bóng cả trong làng báo Việt – một nhà văn tài ba, một chiến sĩ quân báo, luôn cống hiến hết mình, làm tròn nhiệm vụ đấu tranh, xây dựng văn hóa và bảo vệ Tổ Quốc.

Bốn mươi năm nói láo - reviewsach.net
Ảnh: librocubicularist_12

Phác họa bức tranh lịch sử báo chí nước nhà

Với lời văn chân thực cùng cái nhìn trực diện, Bốn Mươi Năm “Nói Láo” của Vũ Bằng đã tóm lược khá toàn diện bộ mặt của báo chí nước nhà theo dòng lịch sử: Dưới ách đô hộ của Pháp, qua giai đoạn Nhật vác kiếm đuổi Pháp đi, đến Việt Minh hoạt động bí mật, rồi Nhật thua – Việt Minh nắm chính quyền, sự kiện Hoa quân nhập Việt do Lư Hán làm tổng chỉ huy, quân đội Pháp trở lại Việt Nam, Pháp thua ở Điện Biên Phủ, hiệp định Genève chia đất nước làm đôi, chính quyền Ngô Đình Diệm, đến thời kỳ đế quốc Mỹ.

Bao thăng trầm với bao cái hay cái dở của hàng mấy chục tờ báo có tên tuổi từ thời Pháp đến thời Mỹ đều được Vũ Bằng thuật lại với tư cách là một chứng nhân, một nhà báo hoạt động trường kỳ.

Những năm 30 thời Pháp thuộc, giai đoạn Vũ Bằng chập chững vào nghề, ông và các anh em tờ Rạng Đông có một quan niệm lệch lạc rằng: Làm báo là trò chơi, ai muốn viết gì thì viết, quăng bài vào tòa soạn rồi in ra, thế là xong. Những người trẻ đó không có đường lối chính trị, không có quan điểm hay lập trường, vì nghĩ rằng, thời bấy giờ Tây lo cho hết cả rồi, thì quan điểm lập trường làm gì cho vô ích? Thế là anh em tờ Rạng Đông viết đủ mọi thể loại, và chửi loạn xà ngầu, miễn là đừng chửi Tây, chửi chết thôi, mà nếu chửi tục, chửi dơ dáy, thỉnh thoảng xen vài câu dâm dục thì lại càng được hoan nghênh tệ… Rạng Đông chết, sang tờ Nhựt Tân cũng không khác gì mấy.

Những ký ức thành thực đến trần trụi như vậy được Vũ Bằng kể chính là cái “giai đoạn bán khai” của báo chí nước nhà. “Giai đoạn bán khai” là chữ ông Nguyễn Văn Vĩnh – con người tài ba đức độ đã đánh thức phần lý trí, phần chính nghĩa của Vũ Bằng giữa những cơn mê man vì thuốc phiện.

“Thú thực cho đến bây giờ, tôi sợ nhiều người nhưng chưa sợ gì như sợ cái tài viết của Nguyễn Văn Vĩnh.” – Vũ Bằng. 

Nguyễn Văn Vĩnh là một con người học rộng biết nhiều, vấn đề gì cũng biết, được dân chúng tin yêu qua loạt bài đả kích chủ trương quân chủ của Phạm Quỳnh theo sát với Tây và chiến dịch “tẩy chay Hoa kiều” – chiến dịch đã làm cho từ Bắc vào Nam sôi nổi, hăng say, khích động lòng yêu nước của toàn dân, và làm cho Pháp giật mình. Suốt một đời Nguyễn Văn Vĩnh đã sống trong chuỗi ngày vây quanh những lời đe dọa – khi thì sỗ sàng, khi thì mềm dẻo của nhà cầm quyền Pháp – có khi làm cho ông tạm yên giai đoạn, nhưng có khi làm cho ông nức lòng chiến đấu hơn, thà là chịu thiếu thốn, hiểm nghèo, chớ không chịu vị tình người Pháp hay vì tiền của họ mà thay đổi lập trường, chí hướng.

Trong những lời của Nguyễn Văn Vĩnh khiến Vũ Bằng nhớ lại mà tỉnh ngộ, có đoạn nói rằng nghề báo là đệ tứ quyền, không sai nếu xét ở châu Âu, còn ở nước ta lúc bấy giờ, báo chí chỉ mới ở giai đoạn bán khai. Người làm báo phải học nhiều, đấu tranh nhiều thì mới mong đưa báo chí nước nhà lên địa vị cao như vậy. Khuyến khích cái tốt, phanh phui cái xấu là xây dựng, vậy thì đấu tranh cái gì?

 “Hiện nay có bao nhiêu áp lực kìm hãm không cho dân ta tiến bộ; vì thế muốn xây dựng, phải đấu tranh, vì bao giờ cũng vậy, người Pháp (hay chính phủ Nam triều cũng thế) cũng phải lo cho quyền lợi của họ, mà dân thì có quyền lợi của dân; hai quyền lợi ấy trái nghịch nhau, làm sao mà đi được với nhau? Do đó, báo chí là tiếng nói của dân, binh vực quyền lợi cho dân, không thể không nói lên những sai lầm của chính phủ, những sơ hở của chế độ, và đưa ra những khía cạnh bất lợi của chính phủ đối với dân. Nói rút lại, người làm báo không thể để cho ngòi bút của mình tủi hổ. Cố nhiên, muốn được như thế, báo chí phải kinh qua những nghịch cảnh, thăng trầm, mà người làm báo, cũng như các nhà cách mạng, chính trị, thường không tránh được bị vu cáo, bị tù đày hay bị thiếu thốn về vật chất…” – Nguyễn Văn Vĩnh.

Có thể nói rằng, Nguyễn Văn Vĩnh là con người có sức ảnh hưởng lớn lao trong cuộc đời và sự nghiệp của Vũ Bằng.

Tờ báo “ra hồn báo” đầu tiên trong sự nghiệp của Vũ Bằng là tờ Công Dân – cũng là tờ báo đầu tiên sau khi ông tham gia cách mạng. Công Dân bán chạy nhưng không thu được bao nhiêu, vì Công Dân đả kích quan trường, chống đối chính phủ bảo hộ nên bị mọi giai cấp tay sai của Pháp dìm cho đến chết.

Những tờ báo sau này mà Vũ Bằng hoạt động cũng đi theo định hướng như Công Dân, nhưng có những tiến bộ hơn. Đó là những Tương Lai, Vịt Đực, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Truyền Bá, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Ích Hữu, Trung Bắc Chủ Nhật, Trung Việt Tân Văn, Bạn Trẻ, Zân Mới, Việt Thanh, Tiếng Dân, Mới, Liên Hiệp, Công Luận… Trong giai đoạn đó, quân địch đe dọa, quấy phá, cử gián điệp làm lục đục nội bộ trong làng báo, có cả những vu cáo, hãm hại, tù đày nhưng các chiến sĩ quân báo vẫn kiên gan giữ vững lập trường chính trị của mình.

Báo – trở thành vũ khí khiến quân địch sợ hãi.

Qua chuỗi ký ức của Vũ Bằng, chân dung của các nhà văn, các nhà cách mạng khác hiện lên rõ nét, cực kỳ sinh động và đặc trưng vì khác hẳn những ghi chép ở sách khác. Đó là những Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, TchyA, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Tuân…

Cuốn hồi ký cũng tiết lộ chuyện Vũ Bằng là người có công định hướng nội dung chuyên biệt cho những nhà văn lỗi lạc: như Nam Cao chuyên viết về những bạn trí thức nghèo, Tô Hoài về loài vật, Kim Lân về các cách ăn chơi lọc lõi của các vị con quan thất thế, như đá gà, chọi trâu, chơi chó, chơi chữ, chơi cây, đấu kiệu…

“Mục đích của tôi là thuật lại thật đúng các giai đoạn làm báo nói láo ăn tiền của tôi để nhân đó may ra các bạn có nhận thấy diễn tiến của nghề báo ở nước ta ra thế nào. […] rất có thể cứ thuật lại hết những giai đoạn nói láo của mình, chưa biết chừng mình lại vẽ lại được một giai đoạn lịch sử đau thương, tang tóc đã qua.” – Trích lời Vũ Bằng.

Từng lời trần thuật của Vũ Bằng như những nét phác thảo tài ba của một họa sĩ lành nghề, vẽ nên một bức tranh lịch sử sống động của báo chí nước nhà. Bức họa này phong phú, đa dạng và không kém phần phức tạp – như chính tình hình xã hội, chính trị lúc đó. Đây là một giai đoạn báo chí, một thời kỳ lịch sử mà thế hệ ngày nay cần ngắm nhìn, cần hiểu rõ, để tránh được tình trạng đánh mất hoặc làm nghèo đi một mảng quan trọng của đời sống tinh thần và trí tuệ dân tộc.

Vũ Bằng – Một đóa Antigone

“Người làm báo báo chân chính tranh đấu không cần ai khen, không sợ ai chửi hết. Người làm báo chân chính chiến đấu cho dân tộc, cho tương lai, có lúc nào rảnh rang chỉ ngồi nhìn lại quá khứ tự hỏi lòng mình có xứng đáng làm chiến sĩ không và chiến sĩ mức độ nào thôi…”

Trong sự nghiệp làm báo – chỉ tính đến năm 1969, năm tập Bốn Mươi Năm “Nói Láo” hoàn thành – Vũ Bằng đã có mấy lần “khủng hoảng tinh thần”.

Đơn cử, sát ngày lên tàu vào Nam, Vũ Bằng đã nghĩ rất nhiều đến việc thoát ly nghề báo để chờ đợi một ngày mai thuận lợi. Bởi ông sợ sự xuống dốc của nhân cách trước nghịch cảnh: “Viết lách đơn độc và tự xoay mình trong quỹ đạo của chế độ Ngô Đình Diệm, không có tự do, không có dân chủ, tôi sẽ thành ra thứ người gì?”. 

Từ trong cơn khủng hoảng, Vũ Bằng trăn trở, tự vấn rồi tìm ra hướng đi cho bản thân: “Người làm báo phải tha thiết với tự do, dân tộc, kinh qua những nghịch cảnh, thăng trầm để chống lại độc tài, độc đoán dưới mọi hình thức quan lại, phong kiến hay dân chủ giả tạo”.

Chỉ những người làm báo chân chính, tha thiết với tương lai đất nước, thì trong tâm tưởng mới diễn ra những cuộc tranh đấu tư duy và phản biện như vậy. Cả một đời gắn bó với nghề báo, cả một đời múa bút tung hoành từ Bắc chí Nam, Vũ Bằng đã cống hiến hết mình, được nhiều mà mất cũng không ít, nếm trải đủ mùi vị từ vinh đến nhục mà nghề báo mang lại.

Niềm khao khát của Vũ Bằng lúc sinh thời được ông viết trong phần kết của Bốn Mươi Năm “Nói Láo” – thông qua đóa hoa Antigone trong huyền thoại Hy Lạp – một loài hoa trong bài thơ Hai Sắc Hoa Ti-gôn của T.T.K.H được đăng trong Tiểu Thuyết Thứ Bảy mà Vũ Bằng nhắc tới.

Antigone đẹp đẽ và dịu dàng. Nhưng trước bạo chúa Créon, Antigone trở nên hiên ngang và mạnh mẽ. Nàng chống lại tên bạo chúa và bị khép vào tử tội. Antigone chết. Hémon – con trai của Créon, cũng là người yêu của Antigone, đã quyên sinh theo nàng.

Antigone nói: “Ta sinh ra là để yêu thương chớ không phải để căm hờn” – Tiếng nói của lương tâm là nguồn cội sinh ra loài hoa Antigone huyền diệu, hay đấy mới chính là giấc mơ vĩnh hằng của Vũ Bằng – một nhà văn, một nhà báo, một chiến sĩ quân báo cả đời tận hiến cho đất nước?

Duyên Bùi