Từ khi bắt đầu sự nghiệp cầm bút, Nguyễn Quang Sáng chỉ in truyện chứ không in ký. “Nhà văn về làng” là tác phẩm đầu tiên cũng là duy nhất mà tác giả in ký thành sách, với mục đích đơn giản là lưu giữ kỷ niệm và tri ân những người bạn văn nghệ sĩ thân thiết của ông.

Thoạt đầu, tác giả đặt tên tập ký là “Dòng sông trôi vẫn trôi”, nhưng nhà xuất bản bảo tác phẩm văn xuôi mà lấy tên nghe thơ quá mà thơ bây giờ… ế lắm (!) nên đề nghị đổi tên sách thành “Nhà văn về làng”.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Tác phẩm được Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh phát hành năm 2008, cũng là cuốn sách cuối đời của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Nha van ve lang reviewsachonly (7)

Tình yêu quê hương, đất nước, con người.

Ở tuổi 76 xuất bản một tập ký – thể loại đòi hỏi phải đi nhiều, thấy nhiều, kể nhiều – độc giả cảm thán sự sung sức của nhà văn. Tuy nhiên, sự thật không phải vậy, điều hiểu nhầm bắt nguồn từ sự khác biệt giữa nghề văn và cánh báo chí, báo chí là đi về phải có tác phẩm tức thời nộp cho tòa soạn, còn nhà văn thì không.

Tác phẩm “Nhà văn về làng” gồm 31 bài viết mà tác giả đã từng in báo trong mấy chục năm. Các bài ký đa phần là kỷ niệm nhà văn Nguyễn Quang Sáng song hành trong những chuyến đi cùng các nhà văn, nhạc sĩ: Nguyễn Tuân, Trịnh Công Sơn, Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Duy, Thu Bồn… mà thành. Tất nhiên, những bài viết cũng ít nhiều liên quan đến tên tuổi các vị vừa nêu.

Các bài viết không được sắp xếp theo thời gian, lại viết về những nhân vật khác nhau, trông có vẻ rời rạc, nhưng lại gắn kết bất ngờ. Xuyên suốt tác phẩm là tình yêu quê hương của nhà văn với làng Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang – nơi người đã sinh ra và lớn lên, nơi mồ mả ông bà nằm đó; là tình yêu đất nước của người chiến sĩ quyết định gia nhập bộ đội liên lạc khi tuổi vừa 14, mấy chục năm ròng sống nơi chiến trường khói lửa, vượt bom đạn để góp phần vào chiến thắng của toàn quân toàn dân; là tình đồng chí, đồng đội, tri kỷ, những con người tìm được đồng điệu trong tâm hồn, để rồi người ra đi về nơi cát bụi, người ở lại lòng luyến tiếc vấn vương…

Với tất cả những thứ tình đó, được kể qua giọng văn đặc quánh chất Nam bộ của Nguyễn Quang Sáng, mà theo Tô Hoài là: “Không có cái nhàn nhạt chữ nghĩa dùng cho miền nào cũng được”. Bởi vậy, đọc “Nhà văn về làng” lại thấy thương vùng sông nước miền Tây Nam Bộ như thương chính bóng hình chữ S, càng biết ơn những ai đã hy sinh cả thanh xuân và cuộc đời để giành lấy hòa bình cho đất nước, và ngạc nhiên trước những tượng đài trong làng nghệ thuật Việt Nam qua lời kể của một tượng đài khác trở nên bình dị, gần gũi mà đáng yêu đến bất ngờ.

Đọc thêm review “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng:

Chiếc Lược Ngà – Một truyện ngắn phát ra âm thanh.

Nha van ve lang reviewsachonly (1)

Thiên chức của nhà văn.

Nguyễn Quang Sáng nhập ngũ năm 1946, khi vừa mới 14 tuổi, thực thụ sống đời chiến sĩ nơi mặt trận, từ một người lính đến cán bộ, rồi sau đó làm nhà văn, nhưng vẫn luôn gắn liền với cách mạng.

Cho nên, trước khi là nhà văn, Nguyễn Quang Sáng đã là một người lính. Trước khi là người lính, Nguyễn Quang Sáng đã là một người Việt Nam mang trong mình dòng máu con rồng cháu tiên. Văn nghiệp của ông luôn đậm dấu ấn của một người lính viết văn, từ bối cảnh chiến tranh với những điều giản dị tạo những áng văn cực kỳ đắt giá.

Thế nhưng ở thời chiến, người dân quê vẫn chưa hiểu: Nhà văn thì làm cái gì? Đi kháng chiến, đi cách mạng thì lái máy bay chiến đấu, bắn pháo, bắn súng, sao lại viết tiểu thuyết? Ngòi viết đâm thủng tờ giấy, làm sao đâm lủng bụng thằng giặc?

Đó là những câu hỏi thật lòng của một người bà con đặt ra khi gặp nhà văn Nguyễn Quang Sáng về làng ngày đất nước thống nhất, tha hương 29 năm.

Câu hỏi chân chất của người dân quê, được đáp bởi một tấm lòng chân chất khác: Đánh giặc, là phải đánh bằng nhiều ngành, nhiều nghề – Bác Hồ đã nói vậy – Nhà văn là chiến sĩ trong mặt trận văn hóa.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết về những gì? Ông viết về sông nước, cây cỏ, con người và cuộc chiến tranh đánh Pháp, đánh Mỹ của dân làng. Ông cóp nhặt từng chi tiết của đời sống để viết nên những tác phẩm sống động mà chân thực. Nhà văn lớn đều lớn từ những nhận xét nhỏ, từ những chi tiết tưởng là bình thường trong cuộc đời.

Nha van ve lang reviewsachonly (3)

Ngọt lịm một tấm lòng.

Phan Đắc Lập từng nhận xét: “Nguyễn Quang Sáng có tài kể chuyện. Bằng một lối văn mộc mạc, anh cứ thủ thỉ kể hết cuộc tình này đến cuộc tình khác như một người nông dân Nam bộ kể chuyện đời xưa và chuyện tiếu lâm. Ấy vậy mà với những trang viết mộc mạc này, Nguyễn Quang Sáng đã chạm tới những rung động vi nhiệm của tình yêu”.

Người thân quen đều biết, Nguyễn Quang Sáng chịu chơi và chơi được, ông có nhiều bạn – bạn chiến đấu, bạn nhà văn, bạn nghệ sĩ, bạn rượu… Và với mỗi người, trong ông đều đọng lại những kỷ niệm để nâng niu. Bằng chính tài thủ thỉ kể chuyện vô cùng duyên dáng, nhà văn chia sẻ những kỷ niệm đó vào trang sách, thể hiện niềm trân quý với tất cả những mối quan hệ mà ông may mắn có được trong cuộc đời.

Từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong nhóm bạn của nhà văn, có người đã hy sinh trong cuộc kháng chiến, người ở lại như chùm lá trên cành, cứ lát đát từng chiếc lá rơi.

“Tôi đi trên đường phố, vắng những người bạn; đường Sài Gòn, xe cuồn cuộn mà tôi thấy thưa vắng quá.” – Nhà văn Nguyễn Quang Sáng bộc bạch nỗi lòng.

Mỗi một bài ký viết về người bạn đã an nghỉ cõi thiên thu – nhà văn luôn dùng phong thái của một người bạn viết cho một người bạn, không chỉ kể phiến diện cái tài, mà viết luôn cả cái tật – cái điều mà thân lắm mới biết, rồi kết thúc bằng một lời cảm ơn, hoặc là một lời tiếc thương. Những bài ký của tác giả, khiến độc giả ngưỡng mộ loại tình cảm tri kỷ của những tâm hồn tài hoa đó, và hơn hết thảy là biết ơn những con người đã làm phong phú thêm cho nền văn học – nghệ thuật của đất nước.

Nha van ve lang reviewsachonly (2)

Vài nét về tác giả Nguyễn Quang Sáng.

Nhắc đến nhà văn Nguyễn Quang Sáng, bất kể lứa tuổi nào sau THCS đều bật ra trong đầu truyện ngắn “Chiếc lược ngà” – đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 9, là tác phẩm gắn liền với tên tuổi của tác giả –  nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông không chỉ dừng lại ở tác phẩm này.

Nguyễn Quang Sáng (12/01/1932 – 13/02/2014) nguyên quán ở xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông là chiến sĩ cách mạng, nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng, là một cây đại thụ trong làng văn học Việt Nam với gia tài văn chương đồ sộ. Các tác phẩm của ông đều toát lên tình yêu quê hương, đất nước, con người.

Những thành tựu nổi bật trong văn nghiệp của nhà văn Nguyễn Quang Sáng: giải thưởng báo Thống Nhất 1959, giải thưởng tạp chí Văn nghệ Quân Đội 1959, giải thưởng Hội Nhà Văn VN năm 1985, 1993, Bông sen vàng liên hoan phim toàn quốc 1980, huy chương vàng liên hoan phim Moskva 1981 cho bộ phim “Cánh đồng hoang”, giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000… Nhưng giải thưởng lớn nhất ông có được chính là sự ghi nhận và tưởng thưởng của đồng nghiệp, của độc giả.

Vào ngày 13/02/2014, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã thông báo về sự ra đi của bố mình:

“Kết thúc một chặng đường, Ba tôi nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã chia tay gia đình tôi. Ba đến nơi gặp những bạn bè thân chú Trịnh Công Sơn, chú Bảo Phúc… Chúc ba vui vẻ nơi ấy! Má và các con yêu ba! Cám ơn thượng đế cho con được là con của ba.”

Sự ra đi của nhà văn là mất mát lớn lao của làng văn Việt Nam, để lại niềm tiếc thương vô vàn trong lòng người yêu văn chương nước nhà.

Mong hương hồn nhà văn thanh thản.

Kính dâng một nén hương lòng tưởng nhớ đến bậc thầy, bậc đại thụ, mà nay… Chiếc lược ngà đã xa…