Sau những tác phẩm in chung và giải thưởng đạt được từ ngày bén nghiệp văn chương, đến năm 2022, tác giả trẻ Lê Ngọc đã ra một cuốn sách của riêng bản thân, ở thể tài anh yêu thích nhất, thể tản văn, có tựa đề Tôi tìm mình giữa những tháng năm. “Cái tôi” người viết, tìm lại dáng hình trong “tháng năm” xưa cũ, ở “năm tháng” thực tại nhiều đổi thay. Để rồi, trên dòng thời gian cuộn trôi cùng dòng đời ồn ã, “cái tôi” ấy, như bắt gặp sự đồng cảm của những tâm hồn độc giả đồng điệu, như nhìn thấy một phần bóng hình chính “cái tôi” cá nhân, trên trang viết của tác giả.

tôi tìm mình giữa những tháng năm

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
Tháng năm thơ ấu

Là một tác giả trẻ thuộc thế hệ giữa những năm 90 của thế kỉ XX, năm tháng thơ ấu của Lê Ngọc trên trang văn Tôi tìm mình giữa những tháng năm là trọn vẹn những gì trong trẻo, giản dị, thân thuộc và đặc trưng của vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng vào khoảng thời gian giao thời từ thế kỉ XX sang thế kỉ XXI.

Trong trẻo bởi “cái tôi” tuổi nhỏ tháng năm đó, nào đã hiểu thấu vất vả mưu sinh, nào đã thấm thía cái nghèo khổ cực, nào đã thấu triệt nỗi khó nhọc bươn bải một thủa thiếu thốn trăm bề. Tuổi thơ của “tôi”, dẫu sớm ý thức về hai tiếng khó khăn thì tới tận cùng, vẫn là những khoảng thời gian, đứa trẻ năm nào tìm thấy niềm vui, ngay trong chính sự bộn bề gian khó.

Niềm vui ấy giản dị tới nỗi, chỉ là những ngày hè oi ả có cơn mưa bất chợt, được nắm trong tay củ khoai “nóng đến run rẩy;” là ánh điện sáng trưng bừng lên sau những giờ phút mất điện, làng quê chìm trong bóng tối im lìm; là những mùa ngô, mùa khoai, mùa lúa… dù bát cơm có độn thì hạnh phúc con trẻ về thứ mùi thơm ngai ngái, dịu dàng in hằn nơi kí ức vẫn là điều mãi chẳng phai mờ…

Thứ hạnh phúc giản đơn ngày ấy, trẻ thơ đã sẻ chia cùng người thân, bè bạn. Cho kí ức đứa trẻ trưởng thành theo năm tháng, có bóng hình mẹ cha tần tảo mà vẫn dành con thức quà thơm thảo như “nồi ốc luộc chiều hôm”; có dáng hình của bà chăm sóc, yêu thương khi cha mẹ vắng nhà; có người em, người chị san sẻ tới cả củ khoai ấm nóng buổi mưa, với cả những trò vui con trẻ nghịch trên gồ đất “hoa cải vàng, con bướm bay quanh”;… Để rồi, chính từ những bóng dáng thân thuộc cùng những gì gần gụi đó, đứa trẻ năm nào, được dạy dỗ mà dần thấu hiểu bao bài học nhân sinh đầu đời. Về trân trọng và gìn giữ, về sự thành kính và cảm tạ mẹ thiên nhiên, về văn hóa và cách sống, cách làm người…

Tất thảy, mọi thân quen theo dòng kí ức hồi tưởng, tản mạn theo mỗi trang văn Tôi tìm mình giữa những tháng năm, đều như gói gọn, trong một vùng không gian rộng mở mang đặc trưng miền Đồng bằng châu thổ sông Hồng, nơi mảnh đất Ninh Bình, quê nhà tác giả, “cuối tận cùng sông Đáy, từ ngã ba núi Dục Thúy xuôi dòng đổ ra biển lớn Kim Sơn”. Chính nơi ấy, tạo nên con người hồn hậu buổi Chợ quê cùng thức dân dã như chạch đồng cũng trở thành món cứu đói bao ngày khốn khó.

Kí ức trẻ thơ tựa tấm bọt biển, thấm hút về đó hết thảy buồn vui lẫn ngọt ngào, yêu thương. Để người ta, càng lớn khôn, trưởng thành, càng phải tự mình bước đi vào dòng đời ồn ã, hoài niệm năm tháng theo dòng cát chảy qua kẽ tay hay những người lưu giữ một phần quá khứ, lại càng thêm phần nhớ thương day dứt. Rồi tiếc nuối, chẳng hẳn là năm tháng khốn khó, mà tiếc cái vô ưu, vô lo, tiếc sự sum vầy, tiếc thứ xúc cảm ấm áp, theo thời gian vô tình cuốn trôi.

tôi tìm mình giữa những tháng năm tản văn

Năm tháng trưởng thành

Nhưng sau tất cả, kỉ niệm có đẹp và ấm áp đến đâu, thì đó cũng là những tháng năm đã qua còn con người sống trong thực tại, vẫn phải tiếp tục trưởng thành theo dòng thời gian tuyến tính. Nên rằng, mới có một cái “tôi”, ngược dòng tâm tưởng rồi lại xuôi dòng ý thức mà tự “tìm mình giữa những tháng năm.”

“Tôi”, đã tìm thấy bản thân thủa thiếu thời còn nhiều gian khổ, ở những kí ức ngỡ rằng giản đơn tới vụn vặt mà thân thuộc đến day dứt. Và “tôi”, lần nữa tìm thấy bản thân vào buổi hiện tại, sau rất nhiều chia li, mất mát, chứng kiến những đổi thay, chuyển giao thời cuộc vẫn níu giữ dáng hình “những người muôn năm cũ” (chữ dùng của Vũ Đình Liên), giữ lấy những gì thuộc phần hồi ức, hay chỉ là, gắng níu lấy trọn vẹn “cái tôi” giữa cuộc sống mỗi lúc một cuộn xoáy.

Nếu nói về hồi ức, tản văn của Lê Ngọc bàng bạc một chất thơ trong trẻo, nhiều khi tới hồn nhiên bao nhiêu; thì khi trở lại thực tại, dòng văn anh viết lại như mang nỗi ngậm ngùi, xót xa bấy nhiêu. Bởi thời gian chảy trôi, buổi nay thay đổi nhiều quá. Đời sống phát triển, đủ đầy nhưng kéo theo đó, lòng người cũng như lạnh nhạt và những nét đẹp thuộc về phần tâm linh, văn hóa truyền thống như cũng dần mai một theo tháng ngày.

Là những cành nêu thiếu vắng vào dịp tết, là những chiếu chèo vắng bóng người coi trên truyền hình, là tiếng xẩm đang dần rơi tõm vào thinh không quên lãng… Là nhà ai cũng đã có điều kiện riêng dùng tivi, smartphone mà người ta vẫn nhớ quay nhớ quắt cái thời cả xóm xem chung một màn hình đen trắng xèn xẹt. Bởi thiết bị đang kéo giãn khoảng cách con người hay vốn con người, đã chẳng còn đủ thời giờ bên nhau trò chuyện?

Là dịch bệnh, và là con người bước vào tuổi trưởng thành, chẳng thể nói đã trải đủ đau thương đời người ở cái tuổi “chênh vênh hai lăm” nhưng cũng đã dần thấm thía thế nào là sự nghiệt ngã và vô tình của cuộc đời. Khi những bóng hình thân thương dần khuất núi, người thân ngày một bước tới sườn dốc phía sau cuộc đời, cả những li biệt, dối trá khiến tôi “chênh vênh” ngỡ như lạc lối.

Cái tôi trưởng thành, không thể vô tư như thủa thơ bé. Song cái tôi trưởng thành, giữa dòng đời ồn ã kia, vẫn có một nơi trở về “giữa những sóng gió của dòng đời lưu lạc, bàn tay cha mẹ vẫn mạnh mẽ vươn ra, bất chấp tất cả, dẫu khó khăn trở ngại chỉ để có thể kéo mình về với bến đậu an nhiên. Tôi gọi đó là nhà, nơi ra đi và cũng để trở về…”

Tiếng “nhà” ấy là tồn tại cụ thể mà cũng mang đầy tính biểu tượng. Là ngôi nhà hữu hình “tôi” tìm về và có lẽ, còn là một nơi trú ngụ thuộc về vùng tâm tưởng, nơi kí ức, kỉ niệm, bài học vỡ lòng thủa nhỏ… náu mình. Để khi người ta lạc bước giữa đường đời khắc nghiệt, có thể tìm lại chính nẻo chữ “nhân.”

tôi tìm mình giữa những tháng năm lê ngọc

“Cái tôi” tuổi trẻ giữa đời ồn ã.

Chọn thể tản văn cho tác phẩm in riêng đầu tay, Lê Ngọc như đã phần nào khẳng định “cái tôi” tuổi trẻ nhạy cảm, tinh tế, nhiều nghĩ suy, hoài vọng song cũng đầy nhiệt huyết, khát khao gìn giữ và yêu thương. Có lẽ thế chăng, anh mới mải miết “tìm mình giữa những tháng năm” để song chiếu bản thân vào dáng hình chính mình thủa thiếu thời mà thấy cái tôi con người, dẫu khôn lớn theo năm tháng thì vẫn thật bé nhỏ trước kí ức hay dòng chảy đời sống.

Và như dòng chảy cuộc đời, dòng chảy văn chương Lê Ngọc, ở tập tản văn Tôi tìm mình giữa những tháng năm, cũng ẩn chứa đó bao khuất khúc trong những thơ, những tình, những kỉ niệm ấm áp xuyên suốt trang văn. Khuất khúc của hiện hình li biệt, thậm chí là tan vỡ, mất mát theo đổi thay tháng ngày mà người ta, dẫu có hoài tiếc thế nào, có bao điều, vẫn sẽ là một phần quá vãng mỗi lúc một xa xăm.

Tản văn là tiếng nói cái tôi, và cái tôi Lê Ngọc trong Tôi tìm mình giữa những tháng năm, riêng biệt trong mạch thời gian tuyến tính là thế. Mà làm sao, vẫn tạo được sự cảm thông, tìm thấy tiếng nói chung với những tâm hồn đồng điệu. Phải chăng, người ta cũng như tìm thấy một phần “cái tôi” của bản thân trong ấn tượng về làng quê miền Bắc thủa trước, về cái ngày người ta cùng nhau, khấp khởi, chờ mong một niềm vui, hạnh phúc giản đơn khôn cùng, về những món ăn dân dã mà thảo thơm,… Hay chính là thứ mang tên kí ức, mỗi người chỉ có thể ngoái lại nhìn bằng đôi mắt hoài tiếc.

Cũng như, ai chẳng đã, đang và sẽ từ một đứa trẻ ngây dại, lần hồi trưởng thành qua đau thương và vấp ngã với đủ khủng hoảng trong cung bậc chênh vênh.

Tôi tìm mình giữa những tháng năm, và tôi tìm mình trong hiện tại, tìm lấy một khoảng lặng giữa đời ồn ã, cho năm tháng đã qua và cho cả phần tương lai hi vọng, dẫu còn nhiều bất định phía trước.

Mọt Mọt