Nước Nhật thời Thế chiến thứ Hai, thành phố Hiroshima gánh chịu thương tổn nặng nề do trái bom nguyên tử đầu tiên Mỹ thả xuống. Hiroshima thời hậu chiến hoang tàn, đổ nát. Nhưng có một vùng khi đấy còn nghèo khó, hoang vu hơn cả Hiroshima, chính là vùng quê Saga. Và cậu bé Tokunaga Akihiro, khi ấy mới học lớp 2, đã bị mẹ “đẩy” về Saga sống với bà ngoại bởi hoàn cảnh gia đình cậu lúc đó quá khó khăn. Những tưởng tuổi thơ Akihiro sẽ trải qua đau đớn, cơ cực. Nhưng không! Bởi tháng ngày thơ ấu Akihiro đã sống cùng một Người bà tài giỏi (dữ thần) vùng Saga, bà Tokunaga Osano.

Người bà tài giỏi vùng Saga novel

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
“Cú đẩy” định mệnh

Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng sẽ phải trải qua những sự kiện mang tính bước ngoặt, quyết định tính cách, nhận thức, hiện thực, tương lai của người ấy. Đó có thể là một lần vấp ngã, một lần thành công, là quyết định đột ngột theo đuổi niềm đam mê vẫn ngủ yên bấy lâu… Còn với Tokunaga Akihiro, bước ngoặt cuộc đời đã đến ngay khi cậu bé mới 8 tuổi. Đó là cú đẩy vai chứa chan nước mắt của mẹ đã đưa Akihiro từ Hiroshima về Saga, gặp gỡ và sinh sống suốt quãng đời ấu thơ với người bà tài giỏi (dữ thần) Tokunaga Osano.

Cú đẩy vai ấy, quả thực là “định mệnh” cuộc đời Akihiro, biến Akihiro từ một cậu bé nhút nhát, quấn mẹ thành một con người dạn dĩ, trưởng thành.

Và cú đẩy vai đấy, cũng như một cú hích, để cậu bé Akihiro 8 tuổi, sớm biết thế nào là khổ cực cuộc sống, lo toan, bươn chải xã hội. Đồng thời dạy cho cậu bé sớm biết yêu thương, đồng cảm, biết mở rộng trái tim để yêu và được yêu, để đón nhận những “thanh âm cuộc sống” vui vẻ, muôn màu ngay cả trong cảnh nghèo khó.

Nếu mẹ Tokunaga Hideko sinh ra Akihiro thì có lẽ, cú đẩy vai của cô tựa như một lần nữa, cô trao cho Akihiro sinh mạng lần hai. Và ở sinh mạng này, bà Osano không chỉ thay cô làm nhiệm vụ một người mẹ, bà còn đóng vai một người cha, một người thầy dạy bộ môn đời sống, chỉ dạy cậu cháu trai tuổi ăn, tuổi lớn hiểu rằng: kiên cường là như thế nào. Và hoàn cảnh cơ cực, không phải lý do để người ta sống bần hèn, hằn học, oán trách cuộc đời.

Bằng giọng văn giản dị từ điểm nhìn thứ nhất, nhân vật tự sự xưng tôi, tự kể lại cuộc đời mình mà tiểu thuyết Người bà tài giỏi vùng Saga, cũng chính là cuốn tự truyện của tác giả Yoshichi Shimada về tuổi thơ sống cùng bà ngoại, có được sự chân thành, trong trẻo rất mực. Đồng thời, câu chuyện được viết lên bởi một người diễn viên hài, và tuổi thơ dù lầm than song vẫn ngập tràn niềm vui, tiếng cười mà lối kể chuyện của tác giả cũng đậm chất hài hước, vui vẻ. Và chẳng phải, vốn hầu như, tình cảm người cháu dành cho bà hay mỗi khi nhớ về bà, vẫn thường chứa đựng những xúc cảm phức tạp, nhưng chan chứa yêu thương như vậy sao?

“Cú đẩy” đưa Akihiro từ cảnh sống nghèo khó này đến cảnh sống cơ cực hơn. Nhưng nghèo khó, “nghèo truyền kiếp” mà giàu niềm vui, tiếng cười, nhất là ăm ắp thương yêu.

Người bà tài giỏi vùng Saga

Yêu thương không lời

Cả cuốn tiểu thuyết Người bà tài giỏi vùng Saga ngập tràn tình yêu thương. Nhưng gần như, tác giả Yoshichi Shimada rất ít khi dùng đến chữ “yêu” hay chữ “thương” trong khi kể chuyện. Vì con người nơi đây, luôn dành cho nhau những yêu thương không lời. Thương yêu, họ gửi vào hành động, cử chỉ phóng khoáng mà không kém phần tinh tế. Bởi có lẽ, họ thấu hiểu lắm chân lý, như chính bà Osano đã nêu ra: “Lòng tốt, sự tử tế thật sự là khi không để ai nhận ra việc mình làm.”

Điển hình, chính là cặp bà cháu Osano và Akihiro. Bà Osano mất chồng trong chiến trận, một mình bà nuôi 7 người con khôn lớn trưởng thành. Tưởng đến tuổi già bà sẽ được an nhàn bên con cháu, vậy mà cuối cùng, bà Osano vẫn sống một mình, làm lao công bán thời vụ cho trường học, “bất ngờ” phải nuôi thêm một cậu cháu trai tuổi ăn tuổi lớn, mít ướt mà cũng muôn phần rắc rối. Nhưng đó lại là rắc rối “đáng yêu”, sưởi ấm và làm sinh động, bừng sáng cả căn nhà tồi tàn bà Osano đang ở.

Bà luôn lảng tránh nói với Akihiro, lẫn cả những người xung quanh mỗi khi được hỏi, rằng bà yêu cậu bé như thế nào. Song bà chẳng thể che giấu tình thương qua biểu cảm cùng những hành động nhỏ nhặt thường ngày. Và có lẽ chăng, bà Osano lạc quan, vui vẻ dù cảnh sống nghèo khó, cũng là một cách bà thể hiện tình yêu rất riêng. Chẳng phải bà lạc quan cho riêng bản thân, mà hơn cả là để cậu cháu trai không thấy tủi hờn, tự ti trước cảnh “nghèo truyền kiếp” của gia đình.

Akihiro cũng như vậy, xuyên suốt những dòng tự truyện của cậu, cậu nói cảm ơn bà rất nhiều song tuyệt nhiên rất ít dùng chữ “yêu”. Bởi phải chăng, bao nhiêu yêu thương nói ra cũng là không đủ về cả một tuổi thơ dài đằng đẵng cậu đã bên bà, bám bà như bám mẹ. Để rồi, tình thương của hai bà cháu, vỡ òa trong ngày chia ly, trong tiếng nghẹn ngào của bà Osano: “Akihiro, đừng đi…”

Không chỉ thể hiện qua mối quan hệ bà cháu giữa bà Osano với cậu bé Akihiro, tình yêu không lời còn thể hiện ở hầu khắp các mối quan hệ khác trong cuốn tiểu thuyết tự truyện của tác giả Yoshichi Shimada. Bác bán đậu phụ luôn “cố ý” bán cho gia đình Akihiro một bìa đậu vỡ rẻ hơn bìa đậu nguyên vẹn. Thầy giáo, cô giáo chủ nhiệm của Akihiro thời tiểu học, mỗi lần hội thao đều không hẹn mà cùng “đau bụng” để đổi cho cậu bé một suất cơm thịnh soạn. Bạn bè Akihiro chơi với cậu chưa bao giờ bày tỏ sự thương hại với cậu mà luôn đối đãi Akihiro bằng thứ tình cảm chân thành, fairplay nhất giữa những chàng trai vô tư. Và mẹ Akihiro, cô Hideko, phải xa con cô cũng đau lòng lắm. Nhưng vì cô yêu cậu bé, nên cô mới quyết để cậu về với bà ngoại. Vì cô tin tưởng mẹ, cũng tin tưởng Akihiro sẽ khôn lớn, trưởng thành bên bà…

Yêu thương không nhất thiết phải nói ra bằng lời. Trao yêu thương lại càng không cần đợi chờ người nhận phải hồi đáp. Tiểu thuyết Người bà tài giỏi vùng Saga đã tái hiện triết lý đầy nhân văn, ngỡ rằng giản đơn mà trong đời sống hiện đại, tưởng chừng ta đã quên lãng, bằng lối kể và tình tiết, sự việc dung dị mà ấm lòng như vậy đấy.

Người bà tài giỏi vùng Saga review

“Hạnh phúc không phải là thứ định đoạt bằng tiền. Hạnh phúc phải được định đoạt bằng tâm thế của mỗi chúng ta.”

Ra đời vào năm 2004, khi bong bóng kinh tế vỡ, khiến nước Nhật lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng; bối cảnh sự kiện của tác phẩm lại diễn ra vào những năm đầu sau Thế chiến thứ Hai; có thể nói, cả thời gian thực tế và thời gian tác phẩm của tiểu thuyết Người bà tài giỏi vùng Saga đều hết sức đặc biệt. Đó chính là những quãng thời gian con người Nhật Bản gánh chịu đau thương, tổn thất lớn rất lớn về mặt tình thần. Người ta buồn bã, cô đơn và không tìm ra lẽ sống trên cuộc đời.

Giữa bối cảnh đó, có một người bà tài giỏi (dữ thần) ở vùng Saga, một đời sống thanh bạch “đói cho sạch, rách cho thơm” bằng tinh thần lạc quan, khắc kỷ đậm chất truyền thống người Nhật song cũng hết sức hiện sinh chủ nghĩa. Một lối sống giúp giải phóng thể xác, tự do tâm hồn dù hoàn cảnh, chẳng mấy khả quan.

Giữa bối cảnh đó, có một người cháu, đã kể lại tuổi thơ sống cùng người bà tài giỏi (dữ thần) ở vùng Saga với hi vọng, có thể lan tỏa tinh thần sống tích cực, vừa truyền thống, vừa hiện đại đó của bà anh, tới tất cả mọi người qua cuốn tự truyện Người bà tài giỏi vùng Saga. Cuốn sách nhỏ, có ý nghĩa như một tiếng chuông, thức tình tâm hồn con người về chân giá trị cuộc sống.

Rằng “hạnh phúc không phải thứ được định đoạt bằng tiền. Hạnh phúc phải được định đoạt bằng tâm thế của mỗi chúng ta.” Tâm thế mỗi người khi đối diện số phận, sẽ quyết định người ấy hạnh phúc hay bất hạnh. Và giàu chắc gì đã sung sướng, nghèo chắc gì đã “ủ ê”. Có những người tìm thấy niềm vui qua năm tháng ngay giữa cảnh nghèo khó đó thôi?

Nhưng vui thú cảnh nghèo không có nghĩa là đầu hàng số phận. Mà chấp nhận hoàn cảnh, là để người ta có thể tự tin vào chính mình, tự tin vào một cái tôi không bị hoàn cảnh chi phối, từ đó, tự tin sống và mơ ước. “Con người còn sống là còn ước mơ. Bất kể có thành sự thật hay không thì đó vẫn là ước mơ của chúng ta.”

Cuốn sách nhỏ chỉ hơn 200 trang về người bà tài giỏi (dữ thần, có thật) vùng Saga, hài hước mà giàu giá trị nhân văn như vậy đó.