Sau thành công của Kitchen, tên tuổi của Banana Yoshimoto nổi lên như một hiện tượng – Bananamania (Hội chứng Banana). Nhưng có lẽ, phải tới Amrita, cuốn tiểu thuyết được viết vào năm 1994, tài năng của cô mới thực sự đạt tới độ chín muồi.

Trong lời giới thiệu sách, Công ty Nhã Nam có viết: “Một tác phẩm được công nhận một cách đầy đủ nhất của Yoshimoto từ trước tới nay… Sự thấu hiểu nhân vật của cô, lối hành văn chắc chắn và sự khám phá với đôi mắt mở to về mọi thứ văn hóa đại chúng Mỹ cho tới tiếng Nhật đã làm cho Amrita trở thành một trong những tiểu thuyết được ưa thích nhất.” Thật vậy, những cảm xúc khi xưa vẫn còn nguyên sơ ở Kitchen, phát triển qua Tạm biệt Tsugumi, NP… đến Amrita đã được giãi bày đủ đầy trong những câu văn chín chắn nhưng vẫn đậm chất nữ tính của một tác giả nữ, luôn hướng tới những cảm xúc tinh vi của con người trong những câu chuyện vi mô, vụn vặt nhưng ám ảnh, khắc khoải nhân sinh về cuộc sống.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

 

Amrita review

Ám ảnh cái chết trở đi trở lại trên trang sách

Từ tác phẩm đầu tay: Kitchen được viết vào năm 1988 đến cuốn sách được coi là cô đọng, dễ đọc nhất của Banana Yoshimoto: Nắp biển được viết vào năm 2004, chưa khi nào, những trang văn của Banana Yoshimoto thôi chịu ám ảnh bởi những cái chết. Và Amrita cũng không nằm ngoài quy luật chung đấy.

Cái chết hiện hữu khắp mọi không gian tác phẩm, trong tâm thức con người, kéo dài từ quá khứ và vẫn mãi đeo bám, ám ảnh con người ta ở hiện thực. Tại Amrita, cái chết được Banana Yoshimoto khắc họa dưới nhiều dạng thức, nhiều cách tiếp cận muôn hình vạn trạng khác nhau.

Đó là cái chết do đột quỵ của người cha nhân vật chính, xưng tôi, Sakumi, ngày cô vẫn còn là một đứa trẻ để giờ ký ức về ông trong tâm thức Sakumi chỉ còn là những mảnh vụn hết sức nhòe mờ. Đó là cái chết của cô gái trẻ Mayu, một người con gái xinh đẹp, sớm nổi danh và trở thành một diễn viên nổi tiếng, tưởng chừng cô ấy đã có tất cả: nhan sắc, tình yêu, danh vọng, sự nghiệp. Nhưng rồi, người con gái đó lại mắc chứng trầm cảm nghiêm trọng trước khi chọn cách kết liễu cuộc đời mình bằng một vụ tai nạn ô tô. Đó là những cái chết đầy bi thương của đại gia đình nhà Kozumi, đã từng được tiên đoán trong giấc mơ của anh, để giờ đây, anh chỉ còn lại một mình với người mẹ tâm thần vẫn đang sống tại Nhật Bản. Hay cuộc đời bất hạnh của Saseko, mẹ cô mất khi cô mới ba tuổi, bỏ lại người con gái nhỏ với cha không cùng huyết thống  vốn là một yakuza thô lỗ, cục cằn đã biến cuộc đời thơ ấu của cô không khác gì địa ngục. Hay rộng hơn, là cả hòn đảo Saseko cùng Kozumi đang sống ở Saipan, chính là một nghĩa địa từng chôn xác bao binh lính trong chiến trận.

Và nhất là, đó còn là những dạng thức chết đặc biệt của riêng SakumiKozumi: Chết một nửa. Mayu chết không lâu, Sakumi đã bị ngã và mất trí nhớ tạm thời do chấn thương sọ não. Sau đó, mọi thứ kỉ niệm, ký ức hiện lên với cô vẫn luôn là những phân đoạn đứt gãy, không liền mạch. Cô đã nhớ, cũng có thể đã quên, để rồi ký ức của cô lúc này, vừa là của quá khứ, vừa là của hiện tại hôm nay đã trở thành quá khứ ngày mai bồi đắp, chồng lấn lên nhau. Nhưng thậm chí, với một người đã chết một nửa như Sakumi, thì ám ảnh về cái chết của người em gái Mayu vẫn chưa bao giờ thôi vấn vít tâm trí cô. Mà, có phải vì thế chăng khiến Sakumi xuất hiện những năng lực dị thường hay khả năng thấu hiểu hơn với những người cùng cảnh ngộ, những người mang năng lực đặc biệt như Saseko hay chính người em trai cùng mẹ khác cha với cô Yoshio. Cũng như Kozumi, vì trải đủ thương đau, bước vào trạng thái chết một nửa, anh mới có thể ở chung, chấp nhận trọn vẹn con người của Saseko.

Song hành cùng cái chết, Amrita còn là một câu chuyện của muôn vàn đổ vỡ. Đổ vỡ trong cấu trúc gia đình truyền thống với kiểu gia đình chắp vá mà Sakumi sinh sống: Ngôi nhà đầy nữ tính với mẹ cô, cô, bạn thân mẹ cô Junko, người em họ Mikiko và chỉ có duy nhất một người con trai trong gia đình: cậu em nhỏ Yoshio. Căn nhà ấy, chứa đầy những đau thương, vụn vỡ. Người cha đã mất của Sakumi, cuộc hôn nhân thứ hai cũng không có kết quả của mẹ cô, Mayu đã chết, và cô Junko gia đình cũng chẳng còn trọn vẹn. Mà rộng hơn, vượt thoát khỏi căn nhà đó còn là đổ vỡ và rạn nứt trong những mối quan hệ xã hội giữa người với người, người ta ở gần nhau, sống cùng nhau, nhìn thấy nhau mà không thể hiểu được lòng nhau. Vậy chẳng khác gì, đó lại là một kiểu chết khác: Chết về mặt cảm xúc, chết trong chính những đoạn tình cảm vốn đã đầy mong manh, mơ hồ.

Có lẽ, trong chính sự nghiệp sáng tác của Banana Yoshimoto cho đến hiện nay, cũng ít có tác phẩm nào, cô lại dành nhiều dung lượng để nói về cái chết như Amrita. Thậm chí, cô đã dành hẳn hai chương chỉ để nói đến riêng cái chết và sự chết: Chết một nửa (chương 10 phần 1) và Cái chết và mùi lưu huỳnh (chương 11 phần 1). Cái chết lẩn quất nơi mọi ngõ ngách, người ta chết vì nhiều lý do, bệnh tật hoặc họ ra đi vì không còn tìm được lẽ sống cho chính mình. Nhưng hơn cả là cảm xúc của những người ở lại, vì những cái chết mà mãi mang theo ám ảnh về sự chết đeo bám. Với người đã khuất, chết là hết, song với người còn sống, người thân chết đi là một khởi đầu cho giai đoạn mới trong cuộc đời.

Cái chết trong văn chương Banana Yoshimoto nói chung, trong Amrita nói riêng, bởi thế cũng mang nhiều sắc thái, tầng bậc ý nghĩa. Chết vừa là thể hiện tâm hồn bi phẫn của con người trên chặng đường kiếm tìm lẽ sống. Khi người ta không còn lý do để sống, hay họ thấy rằng họ đã sống đủ cho một kiếp người, người ta tìm đến cái chết như một sự giải thoát khi đã hoàn thành nghĩa vụ với chính cuộc đời mình. Chết cũng là thử thách đối với những ai còn ở lại: Làm sao để có thể vượt qua đau thương, vượt qua những trở ngại tâm lý, khi một người, đã từng thân quen bỗng nhiên rời xa? “… nhưng bao trùm lên tôi lúc đó là một nỗi sầu nhớ xót xa, mãnh liệt như một cú đấm, giáng thẳng vào mặt tôi. Mắt mũi tôi như tối sầm lại…” Để từ đó, con người nhận ra, đứng giữa chênh vênh lằn ranh sống – chết, sinh mạng bỗng trở lên nhỏ bé, yếu đuối vô cùng.

Ám ảnh về cái chết trong tiểu thuyết Amrita, không đơn thuần chỉ là ám ảnh của cá nhân Banana Yoshimoto, mà đó còn là tâm thức chung của con người Nhật Bản, khi đứng trước cuộc khủng hoảng căn cước ngày thêm thấm sâu vào hồn người. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai đến thời kỳ phát triển kỳ diệu, từ những thoái trào cho đến khi nền kinh tế nước Nhật bước vào thời kỳ kinh tế bong bóng vào thời gian cuối những năm 80, đầu những năm 90. Trước những đau thương giáng liên tiếp đến đời sống, trước guồng quay nghiệt ngã của số phận, kiếp người bé mọn, gồng mình lên để khẳng định cái tôi, kiếm tìm bản ngã, để rồi nhận về, chỉ là vụn vỡ đau thương. Quá khứ thương đau, hiện tại mơ hồ bất định, có lẽ, người ta chỉ còn tương lai chưa thành hình để tiếp tục bấu víu lấy cuộc sống.

Xem thêm:

Kitchen: Nơi tái sinh những yêu thương & hạnh phúc

Amrita_Nước thánh

Amrita – Nước thánh cho tâm hồn.

Trong lời giới thiệu cuốn Kitchen, Nhã Nam đã nhận định văn chương của Banana Yoshimoto: “… buồn bã nhưng từ chối bi lụy”. Và điều này, cũng đúng với hầu khắp sáng tác của cô, đúng với chính cuốn sách có tên gọi Amrita. Cả cuốn truyện nhắc rất nhiều tới cái chết và sự chết trở đi trở lại trên trang sách, mãi ám ảnh lấy tâm hồn người đang sống. Nhưng đúng như tên gọi Amrita – Nước thánh, cuốn sách như một liều thuốc cho tâm hồn, bởi Banana Yoshimoto, nói cái chết để gợi sự sống, nhắc sự chết nhưng không nhằm hướng độc giả tới sự bi lụy. Mà tới cuối cùng, câu chuyện ấy vẫn là những niềm hi vọng, dù mong manh song đủ hướng con người sống tích cực hơn, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng, tin tưởng vào tình yêu, và cũng là tin tưởng vào chính mình.

Như cách Sakumi vượt qua đau thương để mở lòng đón nhận tình yêu của Ryuichiro, người tình cũ của em gái cô. Đoạn tình này với Sakumi, có thể là sư tiếp nối  “trao duyên”, song cũng như một sự giải thoát cho cô khỏi ám ảnh về cái chết của người em gái Mayu. Để cô gái đã trải qua quá nhiều thương tổn tâm hồn, nhìn người thân lần lượt ra đi được một lần tận hưởng và thấu hiểu, như thế nào nghĩa là sống. Hoặc chăng, chính Sakumi, một người đã quen với cái chết, thậm chí tâm hồn đã chết một nửa, lại càng dễ để cô trân trọng lấy cuộc sống lẫn những gì cô đang có hơn: “Sống như uống lấy từng giọt… Có lần ở đâu đó, mình đã nghe ai đó nói điều này, tôi nghĩ thầm, một ai đó thật xinh đẹp, với khuôn mặt thuần khiết, hồn hậu, có giọng nói ngọt ngào, giữa một không gian tươi sáng, ở bơi khởi nguồn của mọi thứ, nhưng giờ đã không còn nữa.”

Hay giống với SasekoKozumi đã thấu hiểu, trân trọng cũng như đồng cảm mà chấp nhận nhau như thế nào. Hai người ấy, nhiều khi như những đứa trẻ, ưa cãi vã mà rồi lại dễ dàng tha thứ cho nhau, hoặc cãi vã, như một cách để họ có thể hiểu nhau hơn, như một cách để họ, cảm nhận được rằng bản thân đang tồn tại trong trái tim của người đối diện. Bởi, con người còn để ý, còn chú ý đến nhau, người ta mới nảy sinh cảm giác muốn được giao tiếp với nhau dưới bất kỳ hình thức nào, dù có cực đoan một cách tràn đầy năng lượng như SasekoKozumi vẫn thường làm chăng nữa: “Cậu biết đấy, tớ chưa nếm trải nỗi buồn hay sự tuyệt vọng khi những gì hiển nhiên thuộc về mình giống như anh ấy bỗng nhiên mất đi. Bởi vì ngay từ đầu, tớ đã chẳng có gì là của mình. Và vì thế, có lẽ anh ấy mới chính là người phải chịu đựng đau đớn và cay đắng hơn tớ. Nếu anh ấy không còn nữa, tớ sẽ không biết phải làm sao.”

Và đó còn là cách mà Eiko sống trọn vẹn từng giây từng phút của cuộc đời qua mối tình nhiều oan trái với một người đàn ông đã có vợ. Xây dựng một nhân vật như Eiko, Banana Yoshimoto không nhằm mục đích phán xét đạo đức hay cổ súy cho lối sống thác loạn hay hành vi giật chồng người khác. Nhưng không phủ nhận, giữa những con người lần tìm bản ngã, ám ảnh đau thương về cái chết và những quá khứ vụn vỡ đã xa, thì một Eiko giàu năng lượng, dám nghĩ, dám làm, dám sống thật và theo đuổi cảm xúc của chính mình, là một hình tượng nhân vật đáng để ta trân trọng. Hoặc đó chính là đứa em nhỏ của Sakumi – Yoshio. Một đứa trẻ sớm mang nghĩ suy không thuộc về lứa tuổi hay thế giới của nó. Nhưng đã tranh đấu rất nhiều, để được sống, và sống một cách độc lập.

Quả thực, mỗi nhân vật trong Amrita, để có thể sống với họ, đều không phải điều dễ dàng. Nhưng họ vẫn sống và bám víu lấy sự sống vốn có. Và Amrita – liều nước thánh cho tâm hồn con người, dưới ngòi bút của Banana Yoshimoto có lẽ là sự tổng hòa của cả lòng dũng cảm của con người dám sống khi đã vượt lên nghịch cảnh kết hợp với tình yêu thương của những trái tim khao khát yêu thương.

Amrita boi Banana Yoshimoto

Banana Yoshimoto, một tâm hồn nữ mang nhiều suy tư, khắc khoải.

Không phải đến Amrita, tâm hồn, tính nữ của Banana Yoshimoto mới được thể hiện rõ. Mà yếu tố này đã xuất hiện ngay trong những tác phẩm trước đấy như Kitchen, Vĩnh biệt Tsugumi, hay NP,… Có thể nói, đây như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt văn nghiệp, làm cho các sáng tác của cô có nét riêng với những nhà văn hiện đại cùng thời như Haruki Murakami hay Ryu Murakami.

Những dòng văn dịu dàng, giàu chất thơ, chất nhạc được tạo dựng từ lăng kính của một nhà văn nữ khắc khoải tình đời, tình người. Banana Yoshimoto, trước đây, bây giờ vẫn không hướng tới những gì là quá đỗi rộng lớn, cao cả. Mà điều cô hướng đến, vẫn luôn là mảnh đời vụn vặt của người phụ nữ trong các mối dây liên hệ gia đình, bạn bè, tình yêu… Hình ảnh căn bếp, trở đi trở lại trong sáng tác của cô, và lần nữa hiện về dưới nhiều dạng thức ở tiểu thuyết Amrita. Căn bếp gia đình, nơi đã từng mang bóng hình cô Junko đứng bếp. Căn bếp đặc biệt của vợ chồng Saseko Kozumi. Bếp là nơi lưu giữ ngọn lửa, là nơi bùng lên những ấm áp cho con người, gia đình. Bếp, có thể nói chăng, chính là hiện thân sự sống, cũng là một phần tâm hồn của người phụ nữ Nhật Bản truyền thống, lớp người vẫn luôn gắn cuộc đời mình với khái niệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.”

Đặc biệt, chất nữ trong Amrita, còn được thể hiện qua những giấc mơ xuất hiện dày đặc nơi miền vô thức của từng cá nhân, con người. Mơ ảo và hiện thực, dưới ngòi bút của Banana Yoshimoto, dường như đã không quá quan trọng mà trở lên hợp lý lạ. Bởi mỗi cá nhân xuất hiện trên trang sách, ai cũng mang những vụn vỡ khó nói thành lời. Mà có lẽ, chỉ có thể thông qua giấc mơ họ mới thấu hiểu và có thể đối mặt trực tiếp với nhau: “Giọng nói của em trai tôi. Trong giây lát, tôi cảm thấy mình đang lạc vào một thế giới siêu thực. Giờ này, chắc chắn em tôi phải ngủ trong ký túc xã của trường nó chứ. Nhưng âm thanh vừa rồi đúng là giọng nói của thằng bé, vang vào lớp kính và xao động màn đêm chứ không phải là ảo ảnh của nó như lần ở Saipan.

Amrita, như một liều nước thánh cho tâm hồn, là thực hay mơ, là vô hình hay hữu hình, điều này thực sự khó để cắt nghĩa, gọi tên. Nhưng đến cuối cùng, đây vẫn là áng văn, từ đau buồn mà viết lên hi vọng, của những tâm hồn từng chìm trong bi kịch vụn vỡ mà vươn lên sống và cảm nhận sự sống một cách trọn vẹn.

Link mua sách:

Mọt Mọt